Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động và bài học cho cuộc sống từ sự chết và cái chết (Kỳ 2)

“Điểm đến của cuộc đời” – tác giả Đặng Hoàng Giang
HÀ VÀ NAM – KỲ 2:
(Xem kỳ 1 tại đây)
Đôi khi đầu óc chị lang thang quay về ngày chị sinh Nam. Một đêm tháng Năm rất nóng, phòng đỡ đẻ chỉ có một cái điều hòa cũ. Ba mươi sáu tiếng đau đẻ kinh hoàng. Nam bị tràng hoa quấn cổ và một tay mắc vào nhau thai. Chị nhớ là cậu có tóc xoăn, mắt sắc và trông rất già. Rồi chị nhớ lại sáu năm sau, trên bàn mổ để đẻ Thắng, chị tự nghĩ và cười một mình, “Thế là làm xong nhiệm vụ, có hai con rồi, từ nay không phải nằm trên cái bàn mổ đẻ nữa.”
Dường như Thắng cũng có chu kỳ của cậu. Mùa đông năm ngoái, không hiểu sao Thắng rất hay nhắc tới anh. Lúc này cậu hơn bốn tuổi. Một buổi tối, lúc chuẩn bị đi ngủ, cậu vừa hí hoáy chơi ô tô vừa hỏi mẹ câu quen thuộc, “Anh Nam đâu hả mẹ?”
Không đợi mẹ đáp lại, cậu trả lời luôn, “Anh Nam bay lên trời rồi, không xuống được đâu, vì anh ấy bị cắt chân rồi.”
Thắng rất yêu anh. Năm trước, khi nhìn thấy ảnh Nam bị cắt cụt tới đùi, cậu òa lên nức nở. Mỗi lần Hà về nhà để lấy đồ vào bệnh viện, Thắng chạy ra ôm chầm lấy mẹ, nhưng sau đó lại khựng lại. “Mẹ ơi, anh Nam ở trong viện với ai?” “Anh ở trong viện một mình con ạ.” Thắng buông mẹ ra, mắt ngân ngấn nước, “Thôi, mẹ vào viện chăm anh Nam đi.”
Một ngày đầu năm nay, khi Hà đang cho Thắng ăn sáng để chuẩn bị tới lớp thì cậu lại nhắc, khiến trái tim chị tan nát:
“Mai mẹ đi máy bay mẹ cứu anh Nam về nhà nhé.”
Cuối tháng Mười Một năm 2016, mười tháng sau khi Nam mất, Hà tới trường Tiểu học Nam Thành Công, nơi cậu đã theo học gần ba năm, để hoàn tất một số thủ tục bảo hiểm học sinh của cậu. Chị đã trì hoãn việc này cho tới lúc không thể trì hoãn được nữa. Trong cả năm qua, Hà vẫn thường xuyên ra vào Khoa Nhi, nó đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chị, nhưng chị sợ vô cùng ngày phải quay lại ngôi trường này.
Hôm đó, cả miền Bắc chìm trong không khí lạnh tăng cường. Lúc Hà chia tay cô giáo chủ nhiệm cũ của Nam thì cũng là giờ ra chơi. Lũ trẻ ào ra sân nô đùa ầm ĩ, nhiều đứa mặc bộ đồng phục thể thao màu da cam để chuẩn bị cho tiết thể dục, làm sáng rực cả không gian mùa đông màu xám. Hà ráo riết nhìn quanh. Tất cả vẫn nguyên vẹn, khung cảnh nơi đây chẳng có gì thay đổi. Tim chị co thắt lại. Chị đi ngang qua sân trường, những lớp sóng trẻ em tách ra nhường lối. Nếu ngẩng đầu lên, chị biết chị sẽ nhìn thấy Nam đang hò hét, lưng và đầu ướt đẫm mồ hôi.
Đóng cửa xe, Hà để cho nước mắt tuôn trào. Những ký ức tràn về. Chị nhớ vẫn phải thường xuyên dặn Nam không vứt lăn lóc cái cặp sách to đùng, mà phải để ngay ngắn trên bục chào cờ. Chị nhớ là Nam vẫn đứng đợi bên gốc cây ở cổng trường để chị không phải tìm lâu khi đón con. Chị lái xe từ từ, qua hàng xôi của bác Hà mà hầu như ngày nào Nam cũng đòi ăn một gói với rất nhiều món ngon: ruốc, thịt kho, trứng kho và patê. Qua cửa hàng đồ dùng học tập, nơi chị đã phải mua không biết bao nhiêu lần bút mực cho Nam vì không hiểu sao cậu rất hay làm hỏng bút. Qua cửa hàng bánh kẹo nơi Nam hay đòi mua gói bim bim màu cam. Qua hàng bánh giò, trứng ngải cứu, trứng vịt lộn nơi hai mẹ con hay ăn khi chị đưa Nam đi học thêm các buổi chiều thứ Bảy trước khi vào lớp Một. Chị đánh tay lái, để lại đằng sau góc đường nơi chị vẫn ngồi đợi hai tiếng khi Nam học thêm. Trong một tích tắc, chị ngửi thấy mùi xôi xéo trong xe. Ở ghế bên, Nam ngọ nguậy; cậu phàn nàn “Mẹ ơi, con đói” trước khi huyên thuyên kể chuyện.
Tối hôm đó, chị trò chuyện với Nam và gần như xin lỗi cậu. “Mẹ đã tự nhủ với con và với bản thân là mẹ sẽ cố gắng kiềm chế, để con ở nơi xa đó không buồn khi thấy tinh thần mẹ lại down như vậy. Nhưng hôm nay mẹ không thể làm được. Ở sân trường, tìm mãi, tìm mãi, nhìn xung quanh mà mẹ chẳng thể thấy con.”
Chị vẫn mong muốn mình phải mạnh mẽ. Chị tin rằng nếu chị đau buồn, con chị sẽ lấn cấn ở nơi mà nó đang ở.
Giỗ đầu của Nam rơi vào một ngày thứ Tư của mùa đông, hai tháng trước ngày tôi gặp Hà lần đầu. Hôm đó lạnh, trời đổ mưa nhỏ cả đêm. Khi thức giấc, Hà gấp cái chăn dạ màu nâu mỏng, thận trọng như đang giữ một báu vật. Nam đã thường xuyên đắp cái chăn này trong những tuần mùa đông lạnh lẽo và ngắn ngủi còn lại cuối cùng của cậu. Cậu đã được mẹ đắp cái chăn này trong hai tư giờ trợ niệm, sau khi cậu trút hơi thở cuối cùng. Đêm nào Hà cũng đắp cái chăn này. Chị kéo nó sát lên cằm như để cảm nhận hơi ấm của con, được chạm vào con, và hòng đẩy ra xa nỗi nhớ dai dẳng, thường trực hàng ngày, hàng giờ, gặm nhấm sâu bên trong tim gan, bên trong tâm can, rất khó chịu.
Thắp hương trên bàn thờ của Nam xong, chị để lại lon Coca Cola cho ngay ngắn. Nam mê Coca uống với đá. Trước kia cậu bị hạn chế uống, nhưng từ khi cậu đổ bệnh thì Hà cho con niềm vui này. Với Nam cái gì cũng phải để lạnh. Kể cả những ngày lạnh trong bệnh viện, bác sĩ Hương mặc áo cổ lọ thì cậu vẫn quần đùi, áo cộc tay. Mỗi buổi sáng, Hà mua cho Nam một lon Cola, cậu nhấm nháp rả rích cả ngày.
Hà cảm thấy hài lòng với bản thân vì trong năm qua chị đã giữ đúng lời hứa với Nam. Tháng nào chị cũng đều đặn về quê thăm con, mặc dù nhiều người khuyên can không nên về thăm quá nhiều, không nên ở bên mộ quá lâu. Hà giải thích với Nam trong đầu, “Mẹ chẳng cần kiêng cữ bất cứ điều gì cả, mẹ chẳng sợ hãi những gì sẽ đến với mẹ, và mẹ sẵn sàng đánh đổi bản thân mẹ để dành những tình cảm, tình mẫu tử sâu sắc nhất của một người mẹ cho con trai mình.” Chị cảm thấy cay ở sống mũi. “Những ngày này vô vàn ký ức lại ùa về nhưng giờ đây mẹ đã hiểu hơn là mẹ cần làm gì để hỗ trợ con từ nơi xa, mẹ đã cố gắng để kiềm chế những cảm xúc của mình, mẹ không bật khóc vì sẽ làm tổn hại đến con, tổn hại đến những gì một năm qua mẹ cố gắng làm để hỗ trợ cho con, với mong muốn con được siêu thoát.”
Khí lạnh luồn qua khe cửa, lẩn quất dưới sàn. Hà nói tiếp với Nam, “Con trai yêu của mẹ, mẹ sẽ cố gắng giữ cân bằng trong cuộc sống, cân bằng trong tâm và cân bằng trong các công việc hàng ngày. Mẹ luôn có niềm tin nếu mình làm tốt mọi việc, tích đủ phước, giải được duyên nghiệp khổ thì mẹ con mình sẽ lại được gặp nhau ở nơi con đã được về. Ở nơi đây mẹ sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy em Thắng và chị Linh nên người. Mẹ sẽ cố gắng làm thật tốt công việc thiện nguyện của Nhóm Trăng Rằm vì con chính là cơ duyên để đưa mẹ gắn bó với các bệnh nhi ung thư tại Khoa Nhi, K3 Tân Triều. Ở nơi xa đó, con nhớ làm theo những lời dặn dò của mẹ hàng ngày với con nhé. Buông bỏ, thanh thản, vui cười vô tư như những gì con đã có.”
“Buông bỏ”, “thanh thản”, đã bao nhiêu lần chị nói những điều này với Nam, và với cả bản thân.
“Và luôn bên mẹ, đồng hành cùng mẹ con trai yêu nhé. Mẹ và em mãi mãi yêu con. Hãy luôn mỉm cười con trai nhé.”
Hà đọc được rằng một kiếp ở cõi trần chỉ bằng một ngày đêm ở cõi Cực Lạc. Như vậy thì với Nam, thời gian chờ đợi để hai mẹ con sum họp sẽ chỉ là một thoáng thôi, cậu sẽ không quá khổ sở. Còn chị, chị sẵn sàng một mình chịu nỗi nhớ da diết kéo dài vô tận.
Trời lạnh khiến khói nhang lơ lửng, không thoát được lên cao. Đằng sau chị, Thắng trở mình ngủ mê. Chị thầm thì với cái ảnh của Nam, “Missing u.”
(Hết kỳ 2)
Mua sách trực tiếp tại đây: