Sách “Điểm đến của cuộc đời” – Những câu chuyện lay động và bài học cho cuộc sống từ sự chết và cái chết (Kỳ 4)

“Điểm đến của cuộc đời” – tác giả Đặng Hoàng Giang
HÀ VÀ NAM – Kỳ 4
VÀI TUẦN SAU tang lễ của Ánh, tôi hỏi Hà những điều mà tôi vẫn thắc mắc. Điểm khác nhau giữa Hà và Ánh là gì? Vì sao Hà gượng dậy được mà Ánh lại đầu hàng?
Chúng tôi ngồi trong quán café nơi lần đầu tôi gặp Hà.
Giờ đây, nó đã trở nên quen thuộc.
Không trả lời trực tiếp, Hà nói, “Đến giờ em vẫn tin có một phép mầu xảy ra với mẹ con em, anh ạ.”
Tôi nhớ lại, ngay trong buổi gặp đầu tiên, chữ “may mắn” đã được Hà nhắc đi nhắc lại. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị nói, “Nhiều người vẫn bảo em là mất con rồi mà sao cứ mở mồm ra là kêu là may mắn.”
Quả thật, chị tìm được cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn ở mỗi khúc ngoặt của số phận.
Hà thấy may mắn là Nam đã ở độ tuổi đủ lớn để hiểu được mình ốm, để biết động viên mẹ, “hợp tác” với bác sĩ, nhưng lại chưa hiểu tận cùng về cái chết và sự chia ly.
Chị thấy may mắn là sau khi phẫu thuật cắt chân, Nam không bị đau buốt ở cái chân ảo, không thỉnh thoảng bị co rút thần kinh làm giật nẩy người lên như ở nhiều đứa trẻ khác. Chị thấy may mắn là Nam vẫn vui vẻ và có “tinh thần lạc quan”, mặc dù cậu khước từ đi nạng, chỉ ngồi xe lăn.
Chị thấy may mắn vô cùng là Nam không bị đau đớn. Chị bị ám ảnh bởi điều này tới mức có lúc Nam phải gắt lên, “Con không đau, sao mẹ hỏi lắm thế, mẹ để con nghỉ.”
Chị thấy may mắn là giờ phút cuối, chị nhận được lời chào từ Nam, “Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ.” Cậu đã nói được cái gì cần nói với mẹ.
Và rồi chị nói một câu khiến tôi dừng lại kinh ngạc.
“Em nghĩ là em được nhiều rồi, anh ạ. Như thế là quá đủ cho mình rồi. Mười năm hai mẹ con rất vui vẻ, chưa bao giờ nó làm phật lòng mẹ cái gì, thế là mãn nguyện rồi.”
Với chị, được gặp Nam, được yêu thương nhau trong suốt mười năm là một ân huệ. Chị không dám trách ông Trời đã cướp Nam khỏi tay mình, mà chị lại luôn cảm ơn Trời Phật đã để chị có Nam trong cuộc đời.
Hà hoàn toàn có thể chọn cách ứng xử ngược lại. Chị hoàn toàn có thể chìm đắm trong những trách móc bản thân rằng mình đã không cho Nam đi khám sớm hơn, có thể ca thán không dứt về cái nóng bức, cái chật chội, cái tiêu cực mà hai mẹ con phải chịu đựng trong bệnh viện, có thể tiếp tục oán trách người chồng rượu chè và nhà nội thờ ơ, có thể luẩn quẩn với ao ước giá chị có đủ tiền để đưa Nam sang Singapore chữa bệnh.
Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do chọn lựa thái độ của mình trước những gì xảy ra. Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo, đúc kết từ trải nghiệm sống của ông qua những năm tháng khủng khiếp trong trại tập trung của phát xít Đức.
Trước những cú đánh của số phận, Hà đã lựa chọn tâm thế đón nhận chứ không phải tâm thế đòi hỏi. Điều này khiến chị gượng dậy được. Và dần dần tôi hiểu ra rằng còn có những câu trả lời khác nữa cho câu hỏi của tôi.
Hồi còn chăm Nam, mỗi lần vào bệnh viện Hà hay mang theo một cái bếp nhỏ trong ba lô. Chị nấu trộm, “rang ít tôm, rán ít trứng”, hoạt động như một du kích. Hoặc chị trả mười nghìn cho người bán bánh mì đối diện cổng bệnh viện, mượn họ cái bếp để nấu.
Đồ ăn của nhà hàng trong bệnh viện hay ở ngoài cổng vừa đắt đỏ, vừa thiếu chất, vừa chán, khiến bữa nào tụi trẻ cũng để thừa mứa, mặc dù gia đình chúng thiếu thốn. Nôn mửa do truyền hóa chất, thường xuyên bị lấy máu để xét nghiệm, lại không ăn uống được, chúng suy kiệt. Bạch cầu hạ, dẫn tới sốt cao, nhiễm bệnh, khiến nhiều đứa ra vào phòng cấp cứu liên tục. Ở viện triền miên, chúng nhớ nhà và đẩy gia đình vào cảnh túng quẫn. Có đứa nhập viện khi mới vài tháng tuổi, người mẹ khủng hoảng tinh thần, lại không có đồ ăn tốt để tạo sữa, khiến đứa con còi cọc. Mỗi đợt truyền họ phải di chuyển từ miền núi xa xôi về Hà Nội, làm đứa trẻ càng kiệt sức.
Riêng với Nam, cậu vẫn có điều kiện ăn uống tốt nhất. “Em hấp hai con ghẹ, xong rán ít trứng, làm ít thịt cho cháu nó.” Hà kể. “Hoặc nếu nó muốn ăn ngao thì mình đi chợ mua một cân ngao để tối hấp lên.”
Nhìn mắt chị long lanh, tôi hiểu những điều này quan trọng như thế nào với chị. Có tình yêu của người mẹ nào mà không đi qua con đường ăn uống. Đứa trẻ có thể không còn sống được bao lâu, nhưng sự ngon miệng của nó vẫn là một nguồn an ủi vô bờ bến, xoa dịu bản năng làm mẹ đang bị bầm giập.
Một số lần, chị chia sẻ thức ăn của Nam cho mấy trẻ cùng phòng. Trứng chim cút nhỏ, bánh bao chay, bánh cuốn nóng nhân thịt, bún bò, bún ốc, xôi xéo. Chúng ăn hết bay, mặc dù trước đó chúng bỏ thừa thức ăn mua ở ngoài.
Thấy vậy, một bà mẹ trẻ nói với Hà, “Trộm vía cháu Nam ăn tốt quá, nhưng thực sự cháu nhà em mà ăn được như vậy thì chúng em cũng chả có điều kiện. Hai vợ chồng em làm nông, đưa con đi chữa bệnh phải vay mượn, được ngày nào biết ngày đó.”
Câu nói này ám ảnh Hà trong nhiều tháng.
(Hết kỳ 4)
Mua sách trực tiếp tại đây: