Xem tranh Lưu Tuyền – với lời bình từ các họa sỹ
Từ ngày 5-6 đến 11-6 năm 2018, họa sỹ Lưu Tuyền đã cho ra mắt một triển lãm “ám ảnh” – hai họa sỹ thành công đã có chung nhận xét về các tác phẩm triển lãm như vậy. Người thứ nhất là họa sỹ Lê Huy Tiếp, một hoạ sĩ tiêu biểu nhất về tranh hiện thực và tranh đồ họa ở Việt Nam, người thứ hai là họa sỹ Vũ Đình Tuấn, đã và đang rất thành công và gây ấn tượng mạnh với tranh lụa hiện đại. Hãy cùng đọc nguyên văn những suy nghĩ của họ và xem các tác phẩm của Lưu Tuyền trong “Hiện thực hoàn hảo” (tên triển lãm).
Ảnh tác phẩm:













Nguyên văn bài viết của hai họa sỹ:
HỌA SỸ LÊ HUY TIẾP:
Những bức tranh, bức tượng này ám ảnh người xem
Trong “Nghệ thuật là Hình ảnh và Tư tưởng” (Art as Image and Idea) – một trong những giáo trình giáo dục Mỹ thuật hay nhất xuất bản từ 50 năm trước – Edmund Burke Feldman cho rằng trong sáng tác các Họa sĩ quan tâm nhất là Tình yêu và cái Chết trong những khái niệm rộng của nó. Điều Feldman nói hình như hoàn toàn trùng hợp với cả hai nội dung qua những tác phẩm của Lưu Tuyền trong Triển lãm này.
Các sáng tác của Lưu Tuyền là thứ Nghệ thuật không chỉ để làm vui một không gian hay trang trí đơn thuần. Những bức tranh, bức tượng này ám ảnh người xem bắt họ phải xem chậm, ngắm lại nhiều lần trong tĩnh lặng để nghĩ và ngẫm. Bằng cách Nghĩ, bằng cái Nhìn riêng biệt, với thứ Ngôn ngữ, Kỹ thuật, Chất liệu biểu hiện độc đáo – họa sĩ đã đủ ý thức gửi gắm hết tình yêu của mình cho những đối tượng của cuộc sống xung quanh: Con người, Đồ vật và Phong cảnh.
Tình cảm của Lưu Tuyền không ồn ào, anh âu yếm vuốt ve, cẩn trọng qua từng nét bút khi vẽ các cô gái với hình dạng búp bê trong bộ trang phục xưa cũ, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt tròn trong sáng ngây thơ. Hình như Lưu Tuyền muốn giữ lại tất cả cái đẹp gia phong của quá khứ. Các nhân vật sống trong không gian hoài cổ hay trong các bọc nilon chỉ sáng lên những con mắt mở to ngơ ngác lo sợ nhìn ra đời sống nhộn nhạo, bụi bặm của đô thị thế kỷ XXI.
Tình yêu với những giá trị xưa cũ của Lưu Tuyền cũng đầy đặn trong bộ tranh tĩnh vật “Bảo vật” và phong cảnh “Di sản”. Tất cả đều tối chìm, trong vắt bí ẩn trong tĩnh lặng với cảm xúc trân trọng yêu thương của họa sĩ với những vết nứt vỡ, những mảng màu phôi pha của thời gian. Chắc chắn sự lo lắng của Lưu Tuyền cho sự tồn tại các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội, trong từng đồ vật, trong các kiến trúc xưa ít nhiều làm người xem nặng nề trong tâm cảm. Nhưng cùng nó, chúng ta thấy yêu hơn, đẹp hơn, quí hơn cái vốn di sản tinh thần và vật chất của các thế hệ trước để lại mà hiện tại nhiều nơi người ta quên và bức tử nó.
Nghệ thuật chỉ ngân lên chứng minh cho sự tồn tại của nó bằng vẻ đẹp ngôn ngữ của mình cùng nội dung tác phẩm, tình cảm của người sáng tạo hoà quyện làm một. Lưu Tuyền đã đầy ý thức để thể hiện rất chủ động các hình ảnh cùng kỹ thuật để biểu cảm tư tưởng cho sáng tác của mình. Anh biết kết hợp các yếu tố kỹ thuật sơn dầu cổ điển với chất liệu, thủ pháp hiện đại bằng nhiều kênh thị giác và tâm lí hoàn toàn nhuần nhuyễn với nhau. Dù khá bất ngờ cho người xem cùng bề mặt tranh không phẳng, bóng loáng xen những đường nứt vỡ nhưng khi chủ đề tư tưởng nhờ đó được chuyển tải được tới họ, nó đã là giá trị của cái đẹp thẩm mỹ.
Gần 15 năm theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc anh đã dần khẳng định mình, tạo nên một dấu ấn riêng biệt, tổ chức hai triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước, được mời tham gia nhiều hội chợ nghệ thuật lớn và uy tín trong khu vực. Một quyển sách của nhà xuất bản sách Nghệ thuật lâu đời và hàng đầu thế giới Skira (Do Albert Skira sáng lập năm 1928 tại Thụy Sĩ) đã giới thiệu Lưu Tuyền là 1 trong số những họa sĩ tiêu biểu cho Mỹ thuật đương đại VN. Tôi tin anh đủ Trí và Lực để đi trên con đường dài gian nan của Nghệ thuật.
Hà Nội, 29 tháng 5 năm 2018




HỌA SỸ VŨ ĐÌNH TUẤN:
Một hiện thực riêng, bất an và ngờ vực
“Hiện thực hoàn hảo” của Lưu Tuyền tựa như một tấm gương, tấm gương không lành mà nhiều vết vỡ. Soi vào thấy thấp thoáng Đông – Tây, Kim – Cổ, soi vào thấy mình. Diễn giải hình thức rạn vỡ bằng “bút pháp” đạp vỡ – hàn gắn, Anh gợi ra một hiện thực riêng, bất an và ngờ vực. Cảm thức vật lý sinh động được nhấn chìm vào các lớp không gian mộng mị liêu trai, nhằm bất động hóa sự sống. Mọi thể trạng được ngưng đọng lại như một dạng hóa thạch kỷ niệm. Lưu Tuyền chắc hẳn chịu nhiều rạn nứt và tan vỡ nhưng anh không sợ hãi mà chấp nhận nó như là duyên kiếp, định mệnh của đời người. Vì thế mà “cấu trúc vỡ” trong hội họa của Lưu Tuyền có sức lôi cuốn và ám ảnh một cách đẹp đẽ. Không ít người, cả đời lặn lội chốn Kim – Cổ, Đông – Tây mà chẳng thể tìm được mình. Lưu Tuyền đã nhận ra mình, tìm thấy mình.
Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2018
Bài viết liên quan
Phỏng vấn họa sỹ Lưu Tuyền: Khám phá “Hiện thực hoàn hảo” qua lớp “nhựa” rạn nứt