Phỏng vấn họa sỹ Lưu Tuyền: Khám phá “Hiện thực hoàn hảo” qua lớp “nhựa” rạn nứt

Viết bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine
Sau sáu năm mới lại có một triển lãm cá nhân, từ ngày 5 – 11/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Lưu Tuyền xuất hiện với “Hiện thực hoàn hảo” gồm 32 tác phẩm rất đáng xem và gây suy ngẫm về quá khứ và hiện tại. Các bức tranh có chiều sâu huyền bí, các tạo vật trong tranh bị ngăn cách với người xem bởi một lớp nhựa (art resin – hay còn gọi là epoxy) trong suốt và nứt vỡ, song lại như muốn hiển lộ lên khỏi bề mặt và kết nối với người xem. Mang vẻ đẹp lặng lẽ nhưng bền bỉ, các bình gốm cổ, những bé gái như búp bê, những công trình kiến trúc cổ lặng lẽ phát sáng từ bên dưới bề mặt tranh, như thể người ta đang được nhìn vào chúng qua những ô kính trưng bày hiện vật của bảo tàng. Chỉ khác là cái ô kính đó đã bị ai đó đập vỡ, làm cho cũ kỹ rạn nứt, pha trộn các màu cùng vàng bạc lên bề mặt”.
“Có người thì nói tranh của tôi triết lý, nặng về tư tưởng và hơi khó xem, nhưng nghệ sỹ thì chỉ làm cái gì mình thích, chứ không quan trọng ai đó dễ hay khó xem tác phẩm của mình. Bản thân tôi chỉ bộc lộ ra cái hiện thực nó ngấm vào mình, va đập vào mình. Hiện thực thế nào thì con người sẽ phản ánh ra như vậy.”
– họa sỹ Lưu Tuyền
Hanoi Grapevine gặp họa sỹ vào buổi sáng anh mang tranh đến bảo tàng Mỹ thuật để chuẩn bị trưng bày triển lãm. Anh nói anh thức đến sáng để làm tranh, do có một số bức bị hỏng vào phút cuối, lớp nhựa epoxy trên cùng bị vẩn bụi và sự co giãn “vô tổ chức” của epoxy khi đang trong quá trình đóng rắn khiến bề mặt tranh không đạt ý đồ. Anh thức thâu đêm để làm lại lớp nhựa, chờ nó khô, mài nhẵn, rồi bồi lên một lớp mới, mài nhẵn, chờ nó khô, cứ liên tục như vậy, cho đến khi hài lòng… “Làm việc vất vả như lao động chân tay – nhưng lại rất hay” – Lưu Tuyền nói, bộ mặt mệt mỏi sáng dần lên trong cuộc trò chuyện.
Anh nói như thế nào về series tác phẩm?
CON NGƯỜI, luôn là trung tâm của mọi vấn đề trên thế giới. Mọi thứ đều nhằm phục vụ con người. Phong cảnh và đồ vật thông qua đó nói lên giá trị văn hóa rất lớn của con người.
Trong xã hội hiện đại, giá trị văn hóa xói mòn nhiều do nhịp sống, do bị ảnh hưởng bởi công nghệ thông tin, mạng xã hội và mặt trái của nó, làm người ta quên đi nhiều điều sâu sắc, người ta đọc những thông tin chỉ có tác dụng gây sốc, hoặc nhanh, nhiều. Thay vì cập nhật mười thông tin sâu sắc mỗi ngày (như cách đây 10-20 năm) bây giờ có thể là một trăm, một ngàn thông tin ngắn ngủi không có chiều sâu.
Từ văn hóa tinh thần đến vật chất, đang gây cho tôi một thiện cảm, một nỗi nhớ nhung nào đấy về những giá trị đích thực đang dần mất đi. Mong muốn của người nghệ sỹ là nói ra ưu tư, tâm trạng của mình. Thông qua đó không phải là để nhìn nhận tiêu cực, mà là để biết yêu thương những điều làm nên giá trị đích thực.

Trong lần triển lãm cá nhân trước đây, những con búp bê cũng xuất hiện. Trước kia và bây giờ khác nhau ra sao?
Nghệ thuật là quá trình bộc lộ bản thân nghệ sỹ. Tôi có kiếm tìm, nhưng đó không phải là mục đích cốt lõi, vì con người mình có sẵn cái gì thì nó bộc lộ ra cái đó. Nếu không sẵn những day dứt, những hứng khởi thì có cố kiếm tìm cũng không thấy. Còn quá trình lao động nghệ thuật thì biến đổi liên tục. Và có thể người ta phát hiện cái điều thật hay từ chính những gì người ta làm hỏng trước đấy. Chất liệu epoxy tôi phát hiện ra từ khi làm điêu khắc năm 2013, và tôi nghĩ sao không dùng nó như một vật liệu tạo hình thay vì chỉ để bảo vệ tranh.
Và từ cái việc mà có thể là thất bại (những gì không được như ý) thì sau này lại thành thú vị, ví dụ các vết nứt. Khi tôi dùng epoxy để láng mỏng mặt tranh, để trong thời thiết nóng hanh khô thì bề mặt sơn dầu bị nứt ở phía dưới. Và tôi phát hiện tại sao cách này có thể chuyển tải ý đồ. Vì các vết nứt gãy nó có thể cho ánh sáng chạy trên đó giống như bề mặt ni lông mà tôi vẽ giai đoạn đó. Làm epoxy cũng nhiều trải nghiệm, có lúc hạnh phúc và rất tuyệt diệu, nhiều khi các vết chảy, các động tác vẩy epoxy tạo ra hình thức rất trừu tượng.
Và về việc tạo hình con búp bê, thì nghệ sỹ thường bị ảnh hưởng bởi một hình mẫu nào đó. Series tranh đầu tiên là “Vỏ bọc”, nó mang hình búp bê Nga. Sau đó tôi muốn tạo ra con búp bê có tính chất Việt Nam, khuôn mặt Á đông tiêu biểu và khác biệt.
Vì sao anh lại thích hình mẫu búp bê?
Vì tuổi thơ của tôi. Ngày bé tôi thích búp bê. Thời bao cấp tôi được ngắm nhìn một con búp bê, tôi thấy đôi mắt trong veo của nó, các tỉ lệ, sự bầu bĩnh, mái tóc bồng bềnh, cách tạo hình rất gần gũi và tôi thích nó. Búp bê gắn liền với tuổi thơ các bé gái hơn là các bé trai. Ở thế hệ tôi rất phân biệt trò chơi của nam và nữ. Mình thích nhưng chỉ được ngắm nhìn, vì thế mình có cảm giác ghi nhớ nó. Về sau nó là nhân vật phụ trong những tranh tôi vẽ, nó nằm trong góc nhà, hoặc trên ghế sau nhân vật chính. Rồi mình nghĩ sao không thổi cái tinh thần vào một cái đồ vật, vì nó là một thử thách lớn. Thổi tinh thần vào con người thật cũng đã khó rồi, huống gì là đồ vật.

Vì sao anh có vẻ lặng lẽ và ít xuất hiện? Thông tin về anh chỉ là vài dòng sơ lược về các triển lãm cá nhân và nhóm, muốn xem tranh của anh trên internet cũng khó.
Vì tôi theo đuổi dòng tranh đòi hỏi việc thực hành là cần nhiều thời gian, mỗi tranh mất cả tháng, cả năm trời. Tôi biết người ta không đánh giá chất lượng tác phẩm qua thời gian thực hiện, nhưng tôi thì cần thời gian. Và vì thế số lượng tác phẩm một năm rất ít, chỉ đủ cho nhà sưu tầm. Mỗi năm tôi làm từ 10-15 bức thì các nhà sưu tầm đã mua.
Tranh tôi cũng khá kén người chơi. Những người chơi tranh của tôi là những người mạnh mẽ, cá tính và cách nhìn khác biệt.
Khi tôi tham gia các triển lãm, các hội chợ nghệ thuật ở nước ngoài thì đều có lịch hẹn trước cả năm, lịch từ đối tác, nhà tài trợ, hoặc nhà sưu tập.
Được biết anh đã từng làm nhiều việc khác ngoài vẽ để có tiền theo đuổi việc học mỹ thuật?
Với công chúng thì việc cuối cùng là mình đạt được hiệu quả gì, cảm xúc gì, đem đến dấu ấn gì cho riêng mình và mỹ thuật nói chung. Chứ còn quá trình lao động thì bất cứ nghệ sỹ nào cũng đều vất vả, tôi không cho mình là người vất vả, được lao động là quý rồi. Còn với những ai làm việc nghiêm túc, đều vất vả, cả về nội tâm, tinh thần, vật chất.
Với nghệ sỹ mà có đam mê thì chỉ làm cho mình. Tôi sẵn sàng làm bất kỳ cái gì để sống, vì vào thời đầu, chưa bán được tranh mà. Ban đầu những nhà sưu tầm cần mua những người đã có định hình, tên tuổi một chút, và tranh tôi nếu họ có mua thì mua rẻ thôi. Cách đây 15 năm thì tranh tôi giá chỉ 500 USD thôi. Thời đó thì với sinh viên là đủ sống 2-3 tháng để nuôi đam mê rồi. Và dần dần giá tranh tăng dần, bắt đầu định hình hơn, và các nhà sưu tầm bắt đầu chú ý hơn.
À, mà sao bạn không tiếp tục hỏi về Epoxy, về những gì mà nó chuyển tải nhỉ?
Vâng được chứ, vậy anh hãy mô tả quá trình làm việc với chất liệu, những hiệu ứng mà nó tạo ra, các phát hiện thú vị và các thất bại?
Epoxy nó cho một cảm giác thị giác mới lạ – một bề mặt hiện đại. Dù là cái nền, nội dung sự vật hiện tượng mình mô tả có thể là cũ, nội dung cũ, nhưng cái bề mặt tranh cho cảm giác hiện đại, phù hợp với nội thất, kiến trúc của thời đại hiện đại. Thứ hai là nó tạo cho người ta góc nhìn khác so với những thể loại tranh người ta từng nhìn như sơn dầu, sơn mài, bột màu, màu nước, v.v… Epoxy nó đem lại cảm giác mới mẻ, sang chảnh, huyền bí. Và với những vật liệu khác để tạo ra những hiệu ứng như thế rất khó. Còn với epoxy tôi có cảm giác nó chạm tới cảm xúc của mình. Và chắc chắn là với epoxy không ai có thể sao chép được tranh. Vì người làm có khi phải mài đi rất nhiều, cả một phân, có khi đắp bồi lên vài phân, và pha mầu vàng, xanh, các quỳ vàng, bạc (như cách thức sơn mài truyền thống). So với sơn mài nó có hiệu quả rất thích, cảm giác sâu thẳm vì có các lớp trong và rất dày.
Epoxy rất bền. Người ta chỉ láng một lớp lên tàu biển mà chịu được muối, nắng, mưa bão, các vận động mạnh của nước biển. Nó không thay đổi nhiều bởi yếu tố thời tiết hay môi trường.
Vật liệu nào bền hơn (epoxy) hay sơn dầu bền hơn, thì cứ thử cùng làm những thử nghiệm: phơi nắng, ngâm nước, hoặc dùng vật đâm vào bề mặt (cười). Không có gì tuyệt đối, nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên là nó có sức bền đến thế. Mình dùng nhiều sức, nhiều thủ pháp mà còn không đập vỡ được nó.

Liệu việc đập vỡ này có phải là ẩn dụ của hiện thực?
Quan điểm là nghệ thuật của tôi là nghệ thuật không phải là kể ra câu chuyện, mà chỉ đưa ra thông tin – như một người truyền tin (kinh thánh). Và tác phẩm càng nhiều tầng thông tin thì càng phù hợp với nhiều người ở mức độ tư duy khác nhau. Nó có sự chuyển tải, ẩn dụ, nhưng tôi muốn mỗi người có sự tự liên hệ, không muốn mình là người minh họa cho câu chuyện.
Nghệ thuật của mình tôi thích phải có một sự huyền bí nhất định. Chẳng hạn khi xem tác phẩm của một danh họa, mình phải đọc thêm thì mới hiểu, ban đầu chỉ biết đấy là một bức tranh rất đẹp, nổi tiếng. Nhưng khi đọc về nó thì mới ngạc nhiên vì các tầng lớp ý tưởng ở trong đó.
Hay có người nghĩ là cái đổ vỡ trong tranh như thế này là do trong cuộc sống họa sỹ có nhiều đổ vỡ lắm đây?
Có nhưng không hẳn, có thể chỉ là một chút nội tâm hay biến cố sự nghiệp, ví dụ thú vị là khi tôi đến Ý và được đứng trước các “kiệt tác”, tôi thấy trái tim mình tan vỡ, thấy ôi mình bất tài quá, nhỏ bé quá. Đó là một cảm giác tan vỡ đẹp. Bị stress một thời gian và sau cảm giác tan vỡ mình có thay đổi, tôi tự nhủ mình phải cố gắng, phải làm hết mình, dù gì mình cũng được sống, được làm nghệ thuật là may mắn và hạnh phúc thì mình phải làm với niềm tin và phải chiến đấu hết mình.
Cảm ơn anh rất nhiều.
Bài viết liên quan
Xem tranh Lưu Tuyền – với lời bình từ các họa sỹ