Home Ý Kiến 3 . 3 . 3 – Một viễn vọng nghệ thuật Lê...

3 . 3 . 3 – Một viễn vọng nghệ thuật Lê Công Thành

Đăng vào
0

Bài: Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Út Quyên
Heritage Space
Hà Nội, 7/2018
Ảnh: Dương Thanh Quang, Thùy Linh. Heritage Space 2018

Lấy ý tưởng chủ đạo là con số 9, dòng điêu khắc kim loại lát mỏng, và quan niệm về ‘điêu khắc là thực thể hữu cơ trong không gian’ của nghệ sỹ làm trung tâm, triển lãm ‘3 . 3 . 3’ trình bày một Lê Công Thành duy lý nhưng cũng không kém phần duy mỹ với ngôn ngữ tạo hình mang tính ước lệ, tính biểu tượng và sự quan tâm liên tục đến cấu trúc không gian. Tiếp cận của triển lãm theo một hướng khác thường, khi không nhấn mạnh vào quy mô số lượng hay sử dụng các bức tượng có sẵn tại xưởng nghệ sỹ, các điêu khắc trong triển lãm được diễn giải theo cách tiếp biến chuyển động tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ, mở ra một cái nhìn mới mẻ về những tiềm năng chưa được khám phá hết của điêu khắc Lê Công Thành. 3 phác thảo được chọn từ xưởng nghệ sỹ, chuyển thể phóng lớn thành 9 ‘thực thể điêu khắc’ với các kích thước khác nhau, theo chiều cao 1m8, 2m7, 3m6 và 4m5. Các số đo này đều là ước số và bội số xoay quanh số 9 (Chín) – con số hoàn hảo của triết lý phương Đông, được coi có khả năng biểu đạt sự toàn vẹn cao nhất các ý niệm tinh thần của nghệ sĩ. Các bức tượng tiêu biểu mạch biểu tượng xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của Lê Công Thành: cơ thể phụ nữ, vật thể tô-tem, cột vô tận, với đầy đủ tinh thần kỳ bí, nhục cảm, khao khát và bề thế của chúng.

Phóng lớn một bức tượng, không chỉ là một công việc của kỹ thuật với các phép tính tỷ lệ, số đo và thao tác cơ học. Một đường thẳng, phóng lớn hay thu nhỏ có vẻ không có gì khác biệt. Một đường cong, khi phóng lớn mà giữ nguyên được cảm giác về biên độ, độ lượn, cung tròn của nó đã đòi hỏi sự chính xác về số học, và sự nhạy cảm của giác quan thẩm mỹ. Một đường lượn hình sin với các nhịp điệu khác nhau, hay đường với nhiều gấp khúc, độ khó tăng lên nhiều bởi cộng thêm khả năng kiểm soát và cân đối sự chính xác của các biến động thị giác song song với trực giác, cùng năng lực ‘điều phối’ sự cộng hưởng đó. Phối hợp của các đường đó, đưa vào giao diện ba chiều, chính là diễn đạt một thực thể điêu khắc. Điêu khắc, do vậy không dễ để chuyển thể một bức tượng nhỏ thành tác phẩm cỡ lớn, càng khó khăn hơn khi đưa vào nhiều dạng thức không gian và môi trường đặt để. Ngoài các kỹ năng của nghệ thuật và năng lực thẩm mỹ, nó đòi hỏi tầm cỡ nhận thức của người nghệ sỹ, khả năng lý giải và chuyển hóa các yếu tố và đặc điểm của không gian vào nội hàm cơ thể và cấu tạo của bức tượng, và khả năng tái ‘định nghĩa’ không gian đó bằng điêu khắc của mình. Với Lê Công Thành, điêu khắc và không gian là hai mặt của một bản thể không thể tách rời. Một tác phẩm có sẵn khi được đưa vào trong một không gian sẽ làm nảy sinh và phát triển những bình diện hết sức phong phú không thể thấy được khi chúng đứng riêng biệt.

Bước chuyển từ điêu khắc khối tròn, đặc sang hình khối lát mỏng của nghệ sỹ vào cuối thập niên 1980, chắc chắc không chỉ là một quá trình ngắn và giản đơn. Các khối hình cầu và khối trụ của điêu khắc bị đập dẹt, kéo dài vô tận. Khối hình lát phẳng, dẹt kéo dài lại mở ra sự linh hoạt về khả năng vận động nội hàm, khi toàn bộ khối có thể uốn cong thành những nhịp gấp khúc, chia cắt không gian thành những tiểu vùng biến thiên theo uốn lượn của cơ thể khối – mà lúc đó đóng vai trò là đường ranh giới. Từ chủ thể dẫn dắt thị giác và áp đặt lên không gian, khối điêu khắc ‘biến chất’ thành yếu tố phụ trợ khi ‘chỉ’ đóng vai trò công năng ‘tạo quy ước thị giác’ của không gian đó. Và không gian rỗng lại trở thành khối điêu khắc ‘ảo’, nhưng linh hoạt, đa hướng và dạng hơn nhiều, bởi sự mở ra khả năng vận động, biến thiên đa dạng của các khối – những ‘lát điêu khắc’ mỏng dẹt. Sự chuyển đổi vị trí từ ‘chủ thể áp đặt cái nhìn’ sang ‘vật dẫn – dẫn dắt cái nhìn’, sự ‘hoán vị’ bản chất của khối – là một chuyển đổi lớn về chất trong nhận thức và ngôn ngữ nghệ thuật. Nó biểu đạt một trạng thái điêu khắc khác biệt, cơ động và thanh thoát trong tinh thần hòa hợp với nhịp chuyển động của xã hội, năng lực tạo ra những xung đột thị giác, và đột kích các chiều kích, giao diện không gian đa chiều.

Ở phương án trưng bày, mô hình tròn được sử dụng với trung tâm là bức tượng cao nhất 4m5 và duy nhất về tạo hình, rồi được hạ thấp dần với các điêu khắc xung quanh. Chúng được kết nối với trung tâm bởi xếp theo trục hàng ngang xuyên tâm. Thị giác được dẫn dắt ở nhiều chiều: tuyến ngang biến đổi theo lối đi giữa các vị trí tượng trong không gian và tuyến dọc tạo bởi chính độ cao của điêu khắc – theo khuynh hướng ‘cột vô tận’ và phẩm chất tô-tem nằm trong chi tiết. Chúng gợi ý hành vi ‘ngước nhìn’ từ người xem hướng lên các điêu khắc biến động về cao độ, dẫn dụ nảy sinh cảm giác về sự ‘ngưỡng vọng’ thuần khiết về thị giác, đánh động tới các ‘tế bào’ của giác quan thẩm mỹ bên trong.

Phần đồ họa dẫn dắt – yếu tố thị giác phụ trợ – trong không gian triển lãm sử dụng chất liệu vừa ẩn hiện vừa gợi mở: nó ở đó mà cũng không ở đó. Đồ họa được lấy gợi ý từ phần hình dạng của con số 3 – xuất hiện đầu tiên ở tiêu đề triển lãm, sau đó nó được biến thiên, nhân bản và quy nạp, để tạo thành những chuỗi thị giác phi tuyến trên mặt tường phẳng gallery. Sự bổ trợ thị giác của giải pháp này nhằm không tạo ra xung đột với điêu khắc – đối tượng chính của triển lãm, cũng là ‘thực thể chính’ được phép tồn tại trong không gian đó. Do đó, đồ họa được biểu hiện bằng chất liệu ‘vô hình’, chúng nằm trên tất cả các diện nhưng người xem cần chú tâm để nhận ra. Và khi hiện ra, chúng không có vẻ toàn diện, mà sẽ chỉ ‘lu mờ’, để gợi mở ra và dẫn dắt thị giác tới sự đông đặc, chiếm hữu và tĩnh lặng của khối điêu khắc.

Điêu khắc tấm kim loại mỏng của Lê Công Thành ra đời trong hoàn cảnh sau năm 1985, khi ông quyết định rút về ẩn dật trong thế giới nghệ thuật của riêng mình sau khi hoàn thành công trình tượng đài duy nhất tại Núi Thành. Lê Công Thành không bài xích thể thức điêu khắc tượng đài, nhưng ông từ chối tham gia vào việc sản xuất các biểu tượng vô hồn, vô danh, phi đặc tính, và phi nghệ thuật. Trong căn xưởng nhỏ gần như đóng cửa với thế giới, không còn bị trói buộc bởi cái gọi là ‘định hướng’ sáng tác, Lê Công Thành thả sức sáng tạo, thử nghiệm với tất cả các cách thức biểu đạt khác nhau mà hình khối và chất liệu có thể mang lại, và “mơ về những công trình tượng đài có thể sánh ngang với những gì Moore hay Calder đã làm cho văn phòng UNESCO tại Paris” cùng lo sợ rằng “những giấc mơ của tôi sẽ chết cùng với tôi.”(2) Và với ‘3 . 3 . 3’, triển lãm là cơ hội hiện thực hóa viễn cảnh trong sáng tác của Lê Công Thành: tạo ra một không gian ‘khả thể’ với những ‘giả định điêu khắc’ để tìm kiếm sự đối thoại, hòa hợp và thẩm mỹ.

————
(1) Tư liệu bài phỏng vấn thực hiện bởi nhà báo Hoàng Văn Tuyền cho tờ Văn nghệ Tuổi trẻ, do gia đình lưu lại trong một tuyển tập các bài viết về Lê Công Thành, sau đó được trích dẫn gián tiếp trong bài Lê Công Thành và những tuyên ngôn nghệ thuật khác người trên báo Tiền Phong online năm 2008.
(2) Jeffrey Hantover, Uncorked Soul: Contemporary Art from Vietnam – NXB Plum Blossoms (International) Ltd, 1991

Một vài hình ảnh từ triển lãm:

NO COMMENTS

Leave a Reply