Nghệ sỹ Phan Thảo Nguyên: “Sẽ dành một phần S$60,000 giải thưởng...

Nghệ sỹ Phan Thảo Nguyên: “Sẽ dành một phần S$60,000 giải thưởng hỗ trợ trẻ em ở Gia Lai”

Phan Thảo Nguyên chụp cùng kỷ niệm chương giải Nhất Signature Art Prize 2018 trước tác phẩm video hai kênh “Giấc mơ nhiệt đới” tại Bảo tàng quốc gia Singapore. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum)

Phan Thảo Nguyên đang bị cảm và luôn phải quấn một chiếc khăn mỏng quanh cổ. Nhưng điều đó không ngăn cản cô tỏa sáng vào tối 29/6 vừa qua tại Bảo tàng quốc gia Singapore, nơi cô giành giải Nhất (Grand Prize) trị giá S$60,000 của giải thưởng nghệ thuật Signature Art Prize 2018.

Vượt qua 112 tác phẩm được đề cử từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Á, nữ nghệ sĩ mới ngoài 30 tuổi với vẻ ngoài nhỏ nhắn trở thành tâm điểm của sự chú ý với “Giấc trưa nhiệt đới” – tác phẩm nghệ thuật gồm một đoạn video hai kênh và bộ 6 bức tranh sơn dầu trên phim X-quang. Đoạn video kể câu chuyện tưởng tượng về cuộc sống nông thôn Việt Nam qua góc nhìn của trẻ em, dựa trên những ghi chép của nhà truyền giáo Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) khi ông đi dọc đất nước vào thế kỷ 17.

Phan Thảo Nguyên là nữ nghệ sĩ đầu tiên giành giải Nhất của Signature Art Prize kể từ khi giải thưởng ra đời vào năm 2008.

Hanoi Grapevine đã có cuộc phỏng vấn nhanh với nghệ sĩ tại Singapore.

Từ đâu chị nảy ra ý tưởng thực hiện một tác phẩm nghệ thuật dựa trên những ghi chép của nhà truyền giáo Đắc Lộ? Tác phẩm “Giấc trưa nhiệt đới” cũng như các tác phẩm khác trong dự án “Quên lãng nên thơ” của chị tạo cho người xem cảm giác chúng có một “nền” chung là sự bí ẩn – tại sao vậy?

“Giấc trưa nhiệt đới” […] là một tác phẩm lặng lẽ, đậm đặc chất thơ. Mượt mà về mặt thị giác, bộ phim kéo người xem vào thế giới bí ẩn của nó – một thế giới hoàn toàn được cai trị bởi trẻ em. Mặc dù nội dung xoay quanh một số vấn đề phức tạp trong lịch sử Việt Nam, tác phẩm vẫn tạo cảm giác mới mẻ và hết sức sống động. Nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên là một người kể chuyện mạnh mẽ và sâu sắc. – Joyce Toh, Trưởng ban Nội dung và Giám tuyển cấp cao, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore

Thật ra về nhân vật Đắc Lộ thì người Việt Nam mình cứ nghĩ là ông là cha đẻ của chữ quốc ngữ. Mọi người hay có quan niệm là phải tìm ra một nhân vật nào đấy, rồi dựng lên, rồi để người đó thành một anh hùng hay một ai đó có thể đại diện cho rất nhiều tư tưởng. Nhưng thật ra trong quá trình tìm hiểu chữ quốc ngữ, tôi biết được rằng Đắc Lộ không thể được gọi là cha đẻ của chữ quốc ngữ, mà trước đó cũng có nhiều người truyền giáo khác, như là Francisco de Pina, hay những người thầy giảng người Việt Nam cũng có công trong việc hoàn thiện chữ quốc ngữ. Đắc Lộ chỉ là người may mắn vì ông viết quyển “Từ điển Việt-Bồ-La” và “Phép Giảng Tám Ngày”, và đó là những văn bản còn giữ lại được, nên người ta mới gán cho ông là cha đẻ chữ quốc ngữ. Qua tất cả những chuyện như vậy thì mình có thể liên kết được với những sự kiện khác: khi một sự việc được nói là xảy ra thì cần phải được xem xét lại xem có thật sự đúng như thế hay không, và mỗi người khi quan sát sự việc qua lăng kính cá nhân đều có một cách nhìn rất khác nhau. Nên trong các tác phẩm của tôi mới có sự mơ hồ như vậy.

Chị có theo đạo không? Tại sao chị lại ấn tượng về chủ đề truyền giáo, một đề tài hơi mang tính tâm linh như vậy?

Câu chuyện tôi theo đuổi trong tác phẩm “Giấc trưa nhiệt đới” không phải về vấn đề tôn giáo mà liên quan đến việc tôi muốn tìm hiểu sự thay đổi của Việt Nam từ ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa – dùng chữ Hán và chữ Nôm – chuyển sang chịu ảnh hưởng của thực dân phương Tây – dùng chữ quốc ngữ. Tôi không nhấn mạnh về Thiên chúa giáo tại Việt Nam mà nhấn mạnh về Việt Nam trong quá trình chuyển-mở.

Tác phẩm sắp đặt video hai kênh “Giấc trưa nhiệt đới” của nghệ sỹ Phan Thảo Nguyên tại Bảo tàng Quốc gia Singapore. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum)

Trong “Giấc trưa nhiệt đới” chị có nhờ các em bé diễn lại những đoạn ghi chép của Đắc Lộ. Khán giả có thể thấy các bạn là trẻ con nhưng lại diễn những đoạn khá “đáng sợ” – ví dụ như cảnh bạn nữ mặc áo dài vàng nằm dưới nước, cách trang điểm đậm làm cho bạn già hẳn đi; hoặc trong đoạn các bạn chơi đi thành hàng dọc với chiếc thang đeo trên cổ với tựa đề “sự trừng phạt”. Chị có thể nói gì về cách tạo dựng những hình ảnh đó? Về sự tương phản giữa sự ngây thơ của trẻ con với những nội dung khá “khắc nghiệt” như vậy?

Tác phẩm của Phan Thảo Nguyên […] hội tụ các yếu tố lịch sử, bí ẩn mang tính cá nhân, và thơ. Cách cô sử dụng trẻ em đã biến tác phẩm thành một thứ gì đó vượt lên trên cả lịch sử, vì chúng ta đều biết rằng trẻ em mang đến cho mọi thứ một cảm giác chân thành và chân thật rất rõ ràng. – Wong Hoy Cheong, nghệ sĩ & giám tuyển độc lập

Thật ra nội dung của video cũng hơi tối, vì nó là một ẩn dụ về cách mà cá nhân tôi hiểu về Việt Nam – một nơi mà lịch sử và quá trình thay đổi của nó có rất nhiều đứt gãy và nỗi đau khổ. Bình thường mọi người không nói nhiều về những vấn đề đó, nhưng thật sự là so với những nước khác thì Việt Nam phải gánh chịu rất nhiều những đau khổ của chiến tranh, chế độ thực dân, hoặc như bây giờ cũng có những nỗi đau khổ xã hội khác. Khi quay với những em bé thì thật ra không thể nhận thấy sự khắc nghiệt đâu, mình phải tạo ra cảm giác đó trong quá trình edit (dựng – PV). Khi quay các em không cảm thấy mình phải diễn một cảnh gì đó quá khó khăn, vì thật sự là mấy em cũng rất thích được đi quay như vậy. Đi quay là toàn đi chơi thôi. Nhưng khi edit tôi đã cắt bớt những cảnh “chơi” đi, chỉ lấy những cảnh tôi muốn. Thì cảm giác bạn thấy được là thông qua quá trình edit mà có.

Vậy quá trình edit của chị diễn ra như thế nào, chị có thể chia sẻ được không?

Việc quay phim thì tôi làm việc với một anh quay phim. Nhạc thì của Nhung Nguyễn ở Hà Nội. Còn phần edit là tôi tự edit. Và có mấy đoạn hoạt hình (trong video – PV) thì cũng là tôi tự vẽ rồi tự ghép vào luôn.

Sau khi cho ra đời tác phẩm – và nhất là bây giờ, khi mà tác phẩm đã được đông đảo cộng đồng nghệ thuật tại châu Á biết đến – chị cảm thấy như thế nào?

Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và cũng hi vọng công chúng sẽ đón nhận nghệ thuật đương đại nhiều hơn. Vì thực ra tôi cũng nghĩ đề tài và cách thể hiện tác phẩm này sẽ gây tranh cãi đối với nhiều người. Tôi cũng lo là ở Việt Nam người ta sẽ không chấp nhận cách làm của mình như vậy. Nhưng tôi nghĩ đó là một cách thể hiện rất cá nhân của một nghệ sĩ. Nghệ sĩ không thể tạo ra ảnh hưởng hay thay đổi quá nhiều, nhưng tôi luôn mong muốn khi [các nghệ sĩ] đã nhận được sự công nhận từ quốc tế thì họ sẽ được đón nhận một cách cởi mở hơn tại các chương trình nghệ thuật ở Việt Nam, nhất là các chương trình của Nhà nước, của bảo tàng mỹ thuật, hay thậm chí trên truyền hình…

6 bức tranh sơn dầu trên phim X-quang, một phần của tác phẩm “Giấc trưa nhiệt đới” của Phan Thảo Nguyên tại Bảo tàng Quốc gia Singapore. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum)

Chị có nhận định gì về quá trình phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam tại thời điểm này?

Nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ở trong một thời kỳ rất hấp dẫn và thú vị. Nó rất khác với những nước đã phát triển, nơi mọi thứ đều có những lớp lang và nền giáo dục nghệ thuật của họ đã rất phát triển. Việt Nam đang ở trong thời kỳ chuyển giao giữa môi trường bao cấp và xã hội chủ nghĩa với kinh tế tự do, nhưng về mặt văn hóa – không những nghệ thuật mà văn học, âm nhạc và kịch – đều vẫn còn phải chịu những áp chế về mặt tư tưởng. Nhưng điều này đang thay đổi, thay đổi từ dưới lên, do những người nghệ sĩ tự làm ra tác phẩm, trao đổi với nhau và tự tạo ra những triển lãm, sân khấu không nằm trong trục chính qui của các bảo tàng. Các tác phẩm này thường rất tươi mới, thú vị vì là do các nghệ sĩ thật sự muốn tạo ra chúng. Ở Việt Nam chưa có thị trường nghệ thuật, chưa có nhà sưu tầm để giúp đỡ các nghệ sĩ sống được bằng nghề.

Chị dự định sẽ dùng S$60,000 giải thưởng vào việc gì? Chị đã có dự định gì cho tương lai?

Tôi cũng chưa suy nghĩ gì nhiều lắm, nhưng có một điều chắc chắn là tôi sẽ dành một phần để lập ra một quỹ hỗ trợ cho các em bé đã giúp tôi quay phim ở Gia Lai. Các em ở vùng nông thôn, gia cảnh rất khó khăn nhưng đều là những đứa bé rất thông minh và có rất nhiều tiềm năng. Tôi hi vọng có thể hỗ trợ, trong khả năng của mình, để các em có thể đi học hoặc chọn ngành nghề mình yêu chẳng hạn.

Qua kinh nghiệm thực hành nghệ thuật và trải nghiệm thực hiện tác phẩm “Giấc trưa nhiệt đới”, chị nghĩ thế nào về sức mạnh của hình ảnh và video trong việc thể hiện ý tưởng của nghệ sĩ? Nó khác gì với các công cụ truyền thống như tranh, tượng?

Thật ra tác phẩm “Giấc trưa nhiệt đới” này bao gồm cả tranh vẽ và video. Tôi được đào tạo như một họa sĩ, và hội họa đối với tôi vẫn là một medium (chất liệu – PV) mang tính gắn bó. Việc sử dụng video hai hình ảnh động (two-channel – PV) khác hội họa ở chỗ hình ảnh động có thể truyền tải được câu chuyện, còn hội họa thiên về cảm nhận về chất liệu hơn. Và đối với tác phẩm “Giấc trưa nhiệt đới” thì tôi muốn có cả hai yếu tố đó, để không chỉ đơn thuần là kể lại một câu chuyện có tình tiết nào xảy ra, nhân vật nào gặp ai,… mà tôi còn muốn nhấn mạnh về ngôn ngữ thị giác cũng như cách kể, cách đọc để tạo ra cho bản thân nghệ sĩ và người xem một cái nhìn đa chiều, không bị hạn chế trong bất kỳ điều gì giáo điều hoặc mang tính bó buộc.

Cảm ơn chị về cuộc nói chuyện!

2 COMMENTS

  1. Congratulations to the artist !

    Will wait (impatiently) for the translation into English language of the VN text on the Hanoi Grapevine to learn more!

    Al best,
    Ilza

Leave a Reply