Tìm truyền thống qua tác phẩm đương đại ở TỎA 2
Viết bởi Tufng và ULy cho Hanoi Grapevine
Mở cửa từ ngày 08/06/2018 đến 15/07/2018, “Tỏa 2” khép lại ngày triển lãm cuối bằng buổi nói chuyện chủ đề “Giao diện đương đại của truyền thống” với các họa sỹ sử dụng chất liệu truyền thống khá thành công gồm Nguyễn Đức Phương, Vũ Đức Trung, Triệu Minh Hải. Người nghe đã “đi cùng” nghệ sỹ từ làng nghề thủ công cho tới các tác phẩm trưng bày ở TỎA 2, và còn hơn thế nữa, câu chuyện mở ra những băn khoăn về định nghĩa thế nào là “truyền thống”.
Triệu Minh Hải: Tạo ra giao diện đương đại không dễ
Buổi nói chuyện bắt đầu với Triệu Minh Hải. Tác phẩm tiêu biểu của anh là chuỗi 3 bình gốm trưng bày tại khu vực cửa kính ngay lối vào TỎA 2. Để có thể tạo ra được chiếc bình gốm tròn căng, đường kính bằng vòng tay người ôm, với những nét vẽ li ti tối giản màu chàm xoay chuyển không dứt quanh thân bình, người nghệ sỹ sinh năm 1982 đã bắt đầu làm việc với gốm từ năm 2003. Anh nói rằng gốm cho anh sự thỏa mãn nhu cầu vẽ trên một bệ đỡ “vô tận”, đó là bề mặt cong, tròn của gốm,với đặc thù không gian ba chiều thay vì hai chiều như tranh vẽ.
Trong nhiều năm tìm tòi để làm ra tác phẩm ưng ý, Triệu Minh Hải thấy rằng công việc tạo ra tác phẩm “đương đại” từ truyền thống không dễ dàng như anh tưởng. Chẳng hạn như việc ban đầu anh muốn vẽ màu xanh ô xít cô ban trên tác phẩm gốm cho màu trắng sứ, nhưng hóa ra việc tạo ra gốm màu trắng sứ rất đắt và không khả thi với một người làm số lượng ít và làm bằng tay như anh. Vậy là anh chuyển sang loại đất có màu “nhờ nhờ”, phải ủ, phải nhào bằng tay để kiểm soát độ ẩm, độ dẻo thì mới tạo được dáng gốm ưng ý. Nhưng cũng vì chất đất mà anh phải đổi màu men cho hợp, ko thể là màu ô xít cô ban như ý định ban đầu nữa. Vậy là Hải phải mày mò đi tìm một sắc độ xanh phù hợp từ các loại bình gốm cổ trưng bày trong các bảo tàng, và rồi anh tìm thấy màu chàm của gốm Chu Đậu. Tiếp theo là việc làm sao để “chế” cho ra màu men chàm đậm. Rồi việc làm bàn xoay để vuốt gốm, anh học trên internet theo kiểu Trung Quốc là bàn xoay ngược chiều kim đồng hồ, khi tới Bát Tràng, bàn xoay lại xuôi chiều kim đồng hồ. Hải bèn tự mày mò chế ra bàn xoay có thể xoay theo cả hai chiều, vì đã trót học và quen tay làm theo hai chiều. Và còn nhiều ví dụ nữa chưa kể hết được về những lần thử và thất bại của Hải trong quá trình “cải biến” truyền thống.
Nguyễn Đức Phương: Lần đầu va chạm với gốm Phù Lãng
Khác với Triệu Minh Hải “xoay sở” với gốm đã lâu, Nguyễn Đức Phương lần đầu tiên “va chạm” với gốm. Để tìm cái mới cho TỎA 2, Phương tìm về làng gốm Phù Lãng, và lập tức bị “nổi da gà” bởi vẻ đẹp của các tiểu sành (thường được dùng để chứa xương của người đã khuất sau khi cải táng) bị hỏng trong quá trình nung mà bà con nơi đây xếp lên thành tường, cái non lửa, cái già lửa, cái loang lổ, cái thì nứt vỡ… Trong khi người dân ở đây nhìn tiểu sành như một thứ vật dụng thì họa sỹ nhìn chúng như những đồ vật có đời sống và tình cảm. Từ cảm hứng đó, với khí chất vừa bình dị, vừa tâm linh, Phương sáng tác ra sắp đặt gốm “Vạn cảnh giai không” nổi bật lên giữa không gian “TỎA 2” nhờ cách nhìn mới mẻ về những tiểu sành, hóa giải những kiêng kị về thế giới dành cho người đã khuất.
Những tiểu sành của Phương làm ra, thỉnh thoảng bên trong lại có miếng đất, xếp chồng lên nhau, thành hình vòng cung như mời gọi người xem bước vào bên trong. Một mặt tiểu sành thu hút người xem bởi chạm khắc rồng truyền thống, còn mặt bên kia là các hình vẽ nét nhỏ nguệch ngoạc như của trẻ con – nét vẽ của Phương. Phía sau cái đẹp ấy, quá trình tái tạo các tiểu sành một cách “đương đại” theo ý muốn của họa sỹ là cả một câu chuyện dài. Phương muốn tạo ra các tiểu sành với các sắc độ màu khác nhau và sử dụng màu men truyền thống, nhưng men truyền thống không còn, giờ người ta dùng men hóa học. Còn người thợ làng nghề họ chỉ muốn làm theo khuôn đúc sẵn và không muốn nhọc công phân loại đất theo các màu khác nhau cầu kỳ như Phương. Họ cũng không muốn nung thành mẻ nhỏ, mà phải nung với số lượng lớn cho năng suất. Lò nung gốm không còn cao 1 mét sáu như các cụ ngày xưa nữa mà cao 2 mét rưỡi. Người dân làng thủ công bây giờ cũng áp dụng tính công nghiệp cho việc làm nghề. Vì truyền thống làng nghề đã thay đổi, Nguyễn Đức Phương cũng bắt đầu đi tìm lại những gì đã mất hoặc còn lại rất ít. Anh đi tìm lại những mỏ đá cũ để tìm ra loại đá trước đây được giã nhỏ hòa với một loại tro dùng để làm men. Anh cũng tự tay lọc đất, tìm lại nguồn đất của ngày xưa mà nay người ta không còn lưu tâm nữa.
Vũ Đức Trung: Sơn mài vừa khó vừa hấp dẫn
Câu chuyện của Vũ Đức Trung và sơn mài thì lại khác so với Triệu Minh Hải và Nguyễn Đức Phương. Vũ Đức Trung chung thủy với sơn mài, và chất liệu sơn ta truyền thống. Thoạt đầu, Trung đến với sơn mài không phải bởi vì đây là phương cách truyền thống, không phải bởi vì “nó rất Việt Nam”, mà bởi vì sơn mài cho anh sự tiếp cận gần nhất với hội họa, từ những ngày đầu chọn trường, chọn ngành học. “Và sau đó, anh tiếp tục theo đuổi thể loại sơn mài, bởi vì tính ngẫu nhiên, và vì cái cảm giác về độ sâu, với những hiệu ứng riêng – khác với các chất liệu khác.
“Sơn mài có rất nhiều khả năng, không thể áp dụng trên chất liệu khác. Tính ngẫu nhiên khi mình làm ra một bức tranh là 10-15%, đôi khi đến 20%, không bao giờ vẽ được hai bức tranh giống hệt nhau… Sơn ta cũng là chất liệu khó kiểm soát; màu pha sáng ra một loại, chiều pha lại ra màu khác; trời nóng với trời mát cũng cho ra màu khác nhau…,” Trung chia sẻ.
Càng làm việc với Sơn sơn mài, Trung càng coi nó như là bạn đồng hành, hai bên cùng đi, không cố gắng kiểm soát lẫn nhau. “Càng ngày mình càng muốn đẩy tính ngẫu nhiên lên cao hơn – một cách không cố ý”. Trong các tác phẩm tác phẩm trưng bày tại TỎA 2 của Vũ Đức Trung, có một bức vóc màu đỏ hình chữ nhật khá lớn, tương phản với toàn bộ các bức sơn mài hình tròn còn lại. Trung nói rằng màu đỏ ấy chưa ra được thành màu “son chai” như anh muốn, bởi vì thời gian làm tác phẩm còn lại không nhiều. Vậy là anh đành chấp nhận tính giới hạn và mang bức vóc ấy đến triển lãm cho kịp thời hạn. Ở một khía cạnh nào đó, đấy cũng là sự “đồng hành” cùng thời gian và chất liệu.
Tạo ra truyền thống mới
Hai chất liệu (gốm và sơn mài), ba cá tính nghệ thuật, ba cách làm và ba cụm tác phẩm trưng bày khác hẳn nhau, nhưng có cùng điểm chạm với truyền thống và cùng đồng hành với truyền thống đi vào nghệ thuật đương đại. Ở cuối buổi trò chuyện, ba họa sỹ đi đến chung một kết luận: “Truyền thống không đứng yên. Cái mình định nghĩa là truyền thống bây giờ không còn nữa; mình chỉ áp dụng tính chất và bóng dáng của truyền thống vào chất liệu và tác phẩm để tạo ra cái truyền thống mới.”
Triệu Minh Hải còn nói vui: “Bây giờ mình đang tạo ra cái đương đại từ truyền thống, trăm năm nữa các con cháu lại gọi là “gốm cụ Hải”.
Có thể tóm gọn talk show trong lời đánh giá cuối buổi của nhà nghiên cứu văn hóa “lão làng” Phan Cẩm Thượng: “Truyền thống Việt Nam dày dặn nhưng nằm tản mát ở khắp nơi, buộc nghệ sỹ phải tìm lại chứ không có sẵn. Quá trình tìm lại đó cũng là quá trình tự tạo cái riêng cho mình”.