Home Ý Kiến Cũng lắm chuyện để bàn với triển lãm ảnh khỏa thân!

Cũng lắm chuyện để bàn với triển lãm ảnh khỏa thân!

Đăng vào
0

Viết bởi Tufng cho Hanoi Grapevine
Ảnh bởi Namnggg

“Kỷ lục”, “chưa từng có”, “bước tiến lớn”,… chúng ta đã nghe và đọc quá đủ những từ như thế này về cuộc triển lãm ảnh “Nude nghệ thuật”, diễn ra từ ngày 20/07 đến 27/07/2018, tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Hãy cùng Hanoi Grapevine tiếp cận buổi triển lãm đang gây tiếng vang lớn này với góc nhìn khác, cách tiếp cận khác.

Xem “nude” cũng lắm chông gai!

Trước hết là phải nói đến cái chuyện tìm đường. Ngoài việc truyền thông trên vô tuyến và các bản tin thời sự, nhà nước không có một nguồn tin online chính thống và rộng rãi công bố thời gian và địa điểm của triển lãm. Không ít người xem, phần lớn là du khách phương Tây, với internet là nguồn tiếp cận các sự kiện văn hóa duy nhất, tìm đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tại 38 Cao Bá Quát để tham quan, trong khi đây chỉ là… cơ quan tổ chức triển lãm. Địa điểm trưng bày lại ở nơi khác, Trung tâm Giám định và Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh tại 29 Hàng Bài. Đi xem một triển lãm mà phải lội đi lội lại như thế cũng khá… mất công!

Người đầu tiên đến một triển lãm thế này cũng dễ… choáng! Các bức ảnh được phóng khổ to, phần “tinh tế” nhất trên cơ thể phụ nữ đặt ngang mắt người xem, nhiều đường cong uốn lượn lơi lả. Hôm đầu khai mạc mưa bão nên chỉ có khoảng 200, 300 khách đến tham quan, hôm sau con số này tăng lên 700, và hôm sau nữa chủ nhật đã là 2000! Đạt được độ quan tâm lớn đến vậy cho một chủ đề vẫn còn tương đối “nhạy cảm” là một tín hiệu rất đáng mừng cho cơ quan quản lý văn hóa, dẫu cho vài chục người cùng nhau đứng nhìn một cô gái khỏa thân trần trụi tại Việt Nam còn là một điều khá… lạ!

Công lao được đền đáp

Tên tuổi lớn trong trưng bày lần này có lẽ phải kể đến Thái Phiên, với 26 năm theo đuổi dòng nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật nhưng 3 lần bị từ chối cấp phép cho triển lãm cá nhân. Tình cờ hay hữu ý, lần thứ 4 do đích thân Phó Chủ tịch hội Nhiếp ảnh TP.HCM lo thủ tục xin phép được phê duyệt vào tháng 6 vừa rồi, ngay trước thềm triển lãm ảnh khỏa thân tại Hà Nội. Bước đà hợp lý và sự vinh danh cần thiết cho người tiên phong không mệt mỏi để đến được ngày vui của nhánh nhiếp ảnh này.

Kế đến phải tưởng nhớ nhiếp ảnh gia gạo cội Lê Quang Châu, nguời cố nghệ sỹ triển lãm đã dành một góc riêng tri ân những bức ảnh của ông lần này. Dấn thân vào dòng “nude” nghệ thuật từ những năm 90, ông khẳng định tình yêu với cái đẹp thuần túy bằng cách hủy xuất bản cuốn sách ảnh kỷ niệm 10 năm cầm máy vào năm 2004, chỉ vì ban kiểm duyệt không cho phép đưa 10 bức ảnh khỏa thân vào. Suốt một quãng đời, Lê Quang Châu phải chịu cái nhìn định kiến của xã hội cho một thứ đam mê không bán, không công bố. “Thế nào rồi cũng có thời điểm ảnh nude nghệ thuật có chỗ đứng và được công nhận trong xu thế hội nhập”, ông đã nói như thế trong một bài phỏng vấn vào năm 2007. Thật đáng tiếc khi ông không chờ đợi được thời khắc ông đã luôn chờ đợi đó 11 năm sau, và qua đời trước ngày triển lãm chỉ có 6 tháng.

Trận đánh “lớn” của cơ quan quản lý văn hóa

Phát biểu tại triển lãm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL – ông Nguyễn Ngọc Thiện khuyến khích công bố tác phẩm nghệ thuật đẹp để nâng cao nhận thức công chúng về nghệ thuật. Nhưng có lẽ, là lần đầu tiên nên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chọn một bước đi an toàn hơn. Hội đồng tuyển chọn chưa đưa ra những bức ảnh gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ và chuyên đào sâu khai thác cơ thể con người, mà chủ yếu mang tính mỹ nghệ, trang trí. Thời gian diễn ra triển lãm không lâu, trong 7 ngày từ 20/07 đến 27/07/2018, chưa đủ để tiếp cận được hết đại chúng và khá ngắn so với một triển lãm nhà nước. Vài bức ảnh vỡ hình khi in ra, khá “nghiệp dư” nếu xét về triển lãm ở cấp độ cao.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, chúng ta phải đề cao cái mạnh dạn của nhà nước khi lần đầu tiên thông qua một triển lãm ảnh “nude” quy mô lớn thế này, đánh dấu sự hội nhập của Việt Nam vào dòng chảy nghệ thuật thế giới, và cũng là lần đầu tiên tháo mác 18+ cho một sự “không hợp thuần phong mỹ tục” tồn tại bấy lâu nay. Các cơ quan chức năng Việt Nam, vốn hay e ngại, cuối cùng đã đủ “thoáng” để cởi trói cho hình thức nghệ thuật khá định kiến trước đây, cho thấy tự thân xã hội đã “thoải mái” chấp nhận hơn, “bình thường hóa” cơ thể con người trong sáng tác nghệ thuật.

Tóm gọn, sau khi xem triển lãm về, có lẽ chỉ có một từ “thỏa mãn”. “Thỏa mãn” cho sự mở cửa văn hóa của nhà nước, “thỏa mãn” khi ảnh được tiết chế vừa đủ để không gây “sốc” với “lần đầu” của đại đa số người xem, và tất nhiên, thỏa mãn khi được ngắm cái đẹp!

Một số hình ảnh tại triển lãm:

NO COMMENTS

Leave a Reply