”Muối của rừng” không dành cho người vội vã
Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine
“Muối của rừng” – một triển lãm kết hợp giữa hội họa và video art của các nghệ sĩ trẻ đến từ Hàn Quốc và Việt Nam tại MAM art space, tại tầng 5 Bảo tàng phụ nữ Việt Nam sẽ là điểm đến thú vị cho những người yêu nghệ thuật tuần này.
Đến với triển lãm, bạn sẽ được thưởng thức câu chuyện về sự giao lưu của thế hệ trẻ giữa hai nền văn hóa Việt-Hàn, những trăn trở và đấu tranh nội tại của mỗi cá nhân nghệ sĩ trong việc gìn giữ truyền thống trước những biến đổi và sự hiện đại hóa của xã hội. Vì có sự xuất hiện của nhiều tác phẩm video-art hàm súc, tác phẩm dài nhất lên tới gần 40 phút, cần dành thời gian cho triển lãm để có được cảm nhận sâu sắc.
Sự chia sẻ giữa hai nền văn hóa
“Muối của rừng” – lấy tên từ một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất bản năm 1986. Những năm 1980 đối với Việt Nam là thập niên của sự biến thiên to lớn trong toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua công cuộc Đổi mới năm 1986. Đây cũng là thập niên Hàn Quốc trải qua những biến đổi không kém phần quan trọng từ những cuộc biểu tình của sinh viên vào đầu thập kỷ 1980 dẫn đến vụ thảm sát Gwangju, sự kìm kẹp chặt chẽ của đất nước bởi chính phủ quân sự, và chính sách mở cửa sau Olympic Pyeongchang năm 1988. Những thay đổi này đã tạo ra trên cả hai đất nước một thế hệ trẻ đi chênh vênh giữa hai bờ truyền thống và hiện đại, luôn bị giằng co giữa việc bảo tồn những chuẩn mực xã hội cũ và việc trở thành một công dân toàn cầu.
Tình cờ hay hữu ý, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc, đã đón nhận được sự đồng cảm lớn từ độc giả nơi đây, và trở thành nguồn cảm hứng cho một triển lãm 25 năm sau khi hai nước Việt – Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao. Muối của rừng đối với 13 nghệ sĩ trong triển lãm là ‘sự biến đổi xã hội trong vòng 30 năm qua’ và ‘mối quan tâm đến tự nhiên, những câu chuyện truyền thuyết, truyền thống, dân tộc thiểu số, ký ức và tình cảm.’ Không cần một sự cố gắng nào, những tác phẩm mang đầy tính chiêm nghiệm cá nhân, đi sâu vào những day dứt giữa truyền thống và hiện đại của nghệ sĩ trẻ hai nước đã dễ dàng tìm được tiếng nói chung, bởi xét cho cùng họ đều chia sẻ một nền móng văn hóa từ đạo Khổng và nguồn gốc Á Đông.
Những tác phẩm video chạm vào cảm xúc

Một trong những tác phẩm chạm vào tầng cảm xúc sâu lắng nhất của người xem phải kể đến video Ngày mai tôi đi của tác giả Lin + Lam. Độ dài 8 phút 15 giây thậm chí có thể coi là ngắn so với một số tác phẩm khác trong triển lãm. Tuy nhiên bằng những cảnh quay gần như tương đồng: toàn cảnh sóng nước mênh mông, kết hợp với những đoạn text bao giờ cũng bắt đầu bằng điệp khúc “Gửi chị, ngày mai em rời Hong Kong’, ‘rời Kuala Lumpur’, ‘rời Merang’, ‘rời Pulau Bidong’… người xem sẽ không phân biệt được đâu là điểm khởi đầu hay kết thúc của chuỗi ngày mai vô định ấy. Tất cả hình ảnh, âm thanh, nhạc phim, và những dòng thư nhấn mạnh vào cảm giác khắc khoải chờ mong và bồi hồi lo sợ của người ‘gửi chị’. Tưởng rằng ngày mai nào cũng bắt đầu bằng một cuộc chia ly, bằng một chuỗi những nuối tiếc về quá khứ, những phấp phỏng lo âu về tương lai không thể đoán định. Tác phẩm vượt lên trên câu chuyện về những người phải rời bỏ quê hương, cố gắng kiếm tìm một cuộc sống mới tươi đẹp hơn, trở thành một sự khái quát về cái vô thường, vô định của mỗi kiếp người.
Video Sulsulsul Apartment của Young Zoo IM kể về hành trình của nghệ sĩ tìm đến căn chung cư vốn nổi tiếng vì sự linh nghiệm trong việc giúp phụ nữ có thai. Vì khu đất chung cư mang hình dáng tử cung, và âm khí ở đây rất mạnh, người ta liền truyền tin nhau khả năng màu nhiệm của nó. Đáng lẽ phải là hiện thân của sự “con đàn cháu đống,” nhưng trong cả hành trình nghệ sĩ đến thăm căn hộ Sulsulsul không có lấy hình ảnh một đứa trẻ, cũng không có người phụ nữ nào khác ngoài chính tác giả và giọng nói của một nữ nhân viên môi giới của khu căn hộ. Young Zoo IM đặt ra vấn đề: trong khi cuộc sống càng ngày càng hiện đại, con người có vẻ càng ít tin vào những vấn đề tâm linh và phép màu, thế nhưng bất cứ khi nào gặp bế tắc, họ lại trở lại bám víu vào những niềm tin phi lý. Khán giả Việt Nam, nhất là khán giả nữ sẽ tìm thấy nhiều điểm chung trong băn khoăn của cô.
Phần hội họa dễ bị lấn át


Trong khi những tác phẩm video còn lại như Ánh sáng thế kỷ 21 của nhà máy của Mixrice, Ký ức voi mù của Nguyễn Phương Linh, Giọt sương lặn của Art Labour, Họ đến, nhanh chóng và lén lút của Jikye Yeom và Ma sát dừng: cháy cao su của nhóm The Propeller cuốn hút người xem bởi sự tác động cùng lúc lên thị giác và thính giác bởi hình ảnh và âm thanh sống động ẩn chứa nhiều tầng nghĩa về văn hóa cũng như những trải nghiệm cá nhân của nghệ sĩ, thì các tác phẩm hội họa có vẻ bị chìm đi và dễ bị lướt qua. Chùm tranh của Bomin Kim theo phong cách thủy mặc truyền thống của Hàn Quốc sử dụng sự phá cách về bút pháp và chất liệu, chẳng hạn các mảng vải lanh trắng dán đè chồng lên tranh có lúc tạo hiệu ứng tranh lồng trong tranh, có lúc lại như một cánh cửa mở ra một thế giới khác, là tác phẩm thu hút hơn cả trong phần hội họa.

Một trưng bày thách thức lòng kiên nhẫn của người xem
Về tổng thể, các tác phẩm được trưng bày chen chúc trong một không gian khá nhỏ gây khó chịu cho người xem. Triển lãm thiếu không gian cần thiết dành cho mỗi tác phẩm.
Vị trí sắp xếp video là một sự thách thức lớn tới lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng của khán giả, đặc biệt với tác phẩm Giọt sương lặn của Art Labour – dài tới gần 40 phút và khán giả sẽ phải đứng trong toàn bộ quá trình xem, nếu đủ sức.
Sự thiếu đồng nhất trong việc trình bày ngôn ngữ triển lãm gây lúng túng cho người xem khi thưởng thức một số tác phẩm, chẳng hạn tác phẩm video Họ đến, nhanh chóng và lén lút của Jikye Yeom có phần thoại đôi lúc bằng tiếng Hàn, đôi lúc bằng tiếng Anh có phụ đề tiếng Anh mà không có bất kỳ giải thích nào bằng tiếng Việt. Vốn là những tác phẩm hướng nhiều đến giải quyết các vấn đề văn hóa và trải nghiệm cá nhân, thông tin chi tiết hơn về background của mỗi tác phẩm sẽ là điều cần thiết để giúp khán giả, đặc biệt là những ai không quen thuộc với hai nền văn hóa Hàn – Việt, cảm nhận triển lãm một cách sâu sắc hơn.
Và điều đáng tiếc nhất của triển lãm, video không được trưng bày với các yêu cầu kỹ thuật đáng lẽ phải có đối với tác phẩm Ngày mai tôi đi và Ký ức voi mù làm hình ảnh trở nên mờ nhạt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng tác phẩm cũng như trải nghiệm của người xem.
Nếu kiên nhẫn và bỏ qua những điểm khó chịu trong việc trưng bày, “Muối của rừng” vẫn là một triển lãm đáng để bạn dành thời gian xem kỹ từng tác phẩm.
“Muối của rừng” khai mạc ngày 4/7/2018 và kéo dài tới ngày 25/7/2018 tại Phòng triển lãm tầng 5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thông tin về triển lãm có thể được xem tại trang sự kiện.
Một số hình ảnh ghi nhận từ triển lãm:
Dear HG Team,
I run this excellent article through ‘Google translate’ — which (unexpectedly) did a very readable translation!
Perhaps this could be of help& use to you too…
Thank you!
…and my apologies for the funny spelling mistake…
Ilza