Triển lãm ảnh Báo chí thế giới: Đây là nơi ta đang...

Triển lãm ảnh Báo chí thế giới: Đây là nơi ta đang sống!

Đăng vào
0

Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine

Giải nhất – Ronaldo Schemidt, Venezuela

Triển lãm Ảnh báo chí Thế giới 2018 đang diễn ra tại nhà Bảo tàng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 Yết Kiêu) đưa người xem vào một hành trình còn kinh khủng hơn việc trải qua một cơn ác mộng, nơi chúng ta nhận ra rằng những điều độc ác nhất, đớn đau nhất mà con người có thể gây ra và đang phải chịu đựng được thể hiện qua những bức ảnh sắc nét, sống động là có thật.

Một góc triển lãm
Một góc triển lãm
Một góc triển lãm

Những xác người trên cỏ được phủ dưới những tấm vải xanh, vàng; chân dung một thiếu niên da đen bị che quá nửa bằng một tấm khăn trùm không rõ là nam hay nữ đứng cô độc trong một căn phòng tối tăm, một người phụ nữ quỳ xuống xem vết thương của cô bạn đang nằm trên vũng máu, xác giấy tan tác xung quanh; những người phụ nữ trong áo trùm đen đứng quây thành một vòng tròn lặng lẽ và u ám, một em bé trần truồng ngủ gục (hay đang ngất?) trên tay một người lính, đằng sau là một thành phố đổ nát do bom đạn; một thanh niên đeo mặt nạ chống hơi cay, người bốc cháy ngùn ngụt đang lao đi bên bờ tường gạch đỏ… Đó là nội dung những bức ảnh được đề cử cho giải thưởng danh giá nhất: Giải Bức ảnh Báo chí Thế giới của năm. Đằng sau chúng là những câu chuyện chân thực của thế giới mà chúng ta đang sống, là vấn đề dai dẳng nhất, nhức nhối nhất mà nhân loại vẫn luôn phải đối mặt từ thuở hồng hoang: chiến tranh và giết chóc, con người tàn sát chính mình.

Chiến tranh và bạo lực

Adam Ferguson – Australia
Patrick Brown – Australia
Ivor Prickett – Ireland

Một phần rất lớn của Triển lãm Ảnh báo chí Thế giới 2018, chiếm trọn hai gian triển lãm trung tâm nhà bảo tàng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, dành cho các câu chuyện về chiến tranh và bạo lực: những cuộc tấn công vào làng mạc Hồi giáo Myanmar làm hàng trăm người chết, hàng trăm ngàn người khác chạy trốn trên các con thuyền tị nạn để rồi lại chết đuối trên biển; những bé gái Nigeria bị phiến quân bắt cóc, buộc phải trang điểm xinh đẹp và đeo bom tự sát đi đi vào những nơi đông người; kết cục thảm khốc của cuộc chiến chống lực lượng ISIS tại thành phố Mosul, Iraq, dù chiến thắng thuộc về quân chính phủ; cuộc tấn công bằng xe SUV vào những người đi bộ trên cầu Westminster, London làm 5 người chết và 50 người bị thương; cuộc tuần hành giận dữ của những người theo chủ nghĩa dân tộc tại ba bang của nước Mỹ dẫn đến những hành động giết chóc quá kích; cuộc xả súng làm chết 58 người và bị thương 500 người của một tay súng tại Las Vegas; biểu tình chống lại tổng thống Venezuela dẫn đến xung đột làm một thanh niên gần như bị thiêu sống; máu tung tóe trên đường tại một vụ án tại khách sạn ở thành phố Guatemala… Vẫn chưa hết, nhưng tôi đã thật mệt mỏi khi phải điểm lại tất cả những nội dung này.

Ronaldo Schemidt – Venezuela
Toby Melville – Anh

Hằng ngày khi lướt web, xem báo hoặc xem TV, bạn có thể đã xem hay nghe qua những tin tức trên. Nhưng khi tập hợp tất cả chúng lại ở một chỗ bằng những hình ảnh vô cùng chân thực, sống động và sắc nét như vậy, chúng khiến người xem thật sự choáng váng về mức độ bạo lực mà con người đang gây ra và hứng chịu trên hành tinh này. Và còn khủng khiếp hơn khi chúng ta ý thức rõ rằng: có vô vàn những điều tương tự như thế đang xảy ra từng ngày, thậm chí từng giây từng phút trên thế giới, mà ống kính máy ảnh của các nhà báo không ghi lại được.

Môi trường và xã hội

Một phần khác của triển lãm dành cho những vấn đề mang tính toàn cầu như tình trạng rác thải sinh hoạt của con người đang tăng nhanh đến mức báo động, sự tàn phá trên diện rộng các khu vực rừng Amazon đang bóp nghẹt bầu khí quyển của Trái Đất; các loài động vật vẫn cứ dần biến mất bất chấp những nỗ lực của các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới; các bà mẹ tìm cách “là phẳng ngực” hy vọng làm chậm quá trình trưởng thành của các bé gái tuổi dậy thì nhằm chống lại nạn hiếp dâm và tấn công tình dục – đây không chỉ là vấn đề của Cameroon mà còn là của nhiều quốc gia khác trên thế giới…

Tình yêu và hòa bình

Tuy nhiên, bức tranh về thế giới chúng ta đang sống được vẽ nên bởi 130 bức ảnh trưng bày trong Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới không phải hoàn toàn ảm đạm. Đây đó hình ảnh về hai cô bé trong một ngôi làng phát triển năng lượng sinh học của Áo vô tư vui đùa và sống hòa mình với thiên nhiên; những bé gái Hồi giáo ở quần đảo Zanzibar được học bơi bất chấp những quy định khắt khe của tôn giáo về trang phục cho phụ nữ; cuộc giải giáp vũ khí của một lực lượng du kích sau 50 năm xung đột với quân đội quốc gia để tìm kiếm giải pháp cho hòa bình bằng bóng đá tại Columbia; những người lính Bắc Kenya từng một thời sợ hãi bầy voi nay lại đang vui đùa âu yếm với những chú voi con mồ côi… làm ấm lòng người xem.

Carla Kogelman – Hà Lan
Ami Vitale – Mỹ
Ami Vitale – Mỹ

Những bức ảnh báo chí đoạt giải năm nay đều đã được công bố trên website chính thức của tổ chức World Press Photo, và bạn chỉ cần ngồi nhà cũng có thể xem tất cả. Nhưng cảm giác xem ảnh trên máy tính và xem ở một triển lãm được trưng bày khá tốt về mặt bố cục và hấp dẫn về mặt nội dung là hoàn toàn khác nhau. Ba mươi phút hay một tiếng dạo quanh phòng triển lãm nhà bảo tàng Đại học Mỹ thuật Việt Nam có sức mạnh kéo chúng ta ra khỏi những lo toan vụn vặt thường nhật, cho ta thời gian nhìn nhận lại chính mình, để biết rằng ta đang có bao nhiêu và đã mất đi bao nhiêu điều quý giá, và ta đã làm gì, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi, để bảo vệ thế giới mà ta đang sống. Hay như lời nhà tổ chức – Đại sứ Hà Lan, bà Nienke Trooster chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm: “Chúng ta sẽ nhận ra sâu trong đó một khát vọng, một mong muốn tốt đẹp mà con người xứng đáng được hưởng hơn…”

Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2018 quay lại Việt Nam sau 15 năm vắng bóng. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 06/07. Ngoài ra khi đến thăm triển lãm, bạn có thể tham gia cuộc thi ‘Tìm hiểu câu chuyện đằng sau bức ảnh’ để nhận các giải thưởng của nhà tổ chức.

Giải Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) do Quỹ Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo Foundation) sáng lập năm 1955 tại Hà Lan. Giải tổ chức hằng năm và được coi là giải ảnh báo chí danh giá nhất hiện nay với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới. Những bức ảnh đạt giải được triển lãm lưu động tại hơn 80 quốc gia và in trong một tuyển tập với sáu ngôn ngữ.

NO COMMENTS

Leave a Reply