TP HCM – Triển lãm tranh của Hoàng Dương Cầm

Tiếng hươu kêu – Fantasy từ tranh của Hokusai: Về nhà trong buổi hoàng hôn
Khai mạc: 18:30, thứ sáu 07/09/2018
Triển lãm: 10:00 – 19:00, thứ ba – thứ bảy, 08/09 – 13/10/2018
Galerie Quỳnh
Thông tin từ nhà tổ chức:
Mời các bạn đến với triển lãm “Một chút siêu thực cần thiết để xuyên qua khoảng cách người người” – với những tác phẩm mới nhất của Hoàng Dương Cầm. Triển lãm cá nhân thứ sáu đầy hứa hẹn của Cầm tại Galerie Quynh sẽ giới thiệu với công chúng những điêu khắc mới, cùng với những tác phẩm hội hoạ nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay của nghệ sĩ.
Đối với Hoàng Dương Cầm, công việc của một nghệ sĩ giống như việc giữ thăng bằng điêu luyện giữa những thái cực xung khắc. Đối nghịch về mặt thẩm mỹ cũng như ý niệm xuất hiện nhiều lần trong series mới này, giữa bề mặt gồ ghề và bằng phẳng, giữa những tông màu hoài cổ và rực rỡ, giữa tự sự lớn và cá nhân, giữa thế giới quan hướng ngoại và hướng nội. Các tác phẩm trong series băng qua những thái cực đối lập này một cách khéo léo, từ đó thể hiện mối quan tâm đa diện – cũng như vị thế chất vấn – của nghệ sĩ đối với một phạm vi rộng những vấn đề lịch sử, thị giác và thính giác, từ những câu chuyện dân gian cổ tới thuyết âm mưu hiện đại, từ hội hoạ thời Edo tới phong trào Siêu Thực phương Tây, từ những bản polonaise của Chopin tới âm nhạc Bolero của Việt Nam. Ảnh hưởng từ tinh thần chơi đùa và tư duy phản lý tính của phong trào Dada, Cầm để những phân đoạn tự sự ngẫu nhiên và rời rạc in dấu một cách tự nhiên trong sự hình thành tác phẩm của mình. Hướng tới những biểu thị đa chiều thay vì nắm bắt một ý nghĩa cụ thể, mỗi tác phẩm duy trì một vị thế tâm lý cân bằng giữa những dòng chảy phức tạp của lịch sử mà nghệ sĩ đề cập tới.
Tiếp diễn thực hành đan xen giữa tự sự lớn và cá nhân, Hoàng Dương Cầm đi sâu vào đặc tính đa diện, luôn thay đổi và luôn xung đột của những đường biên trong lịch sử, địa lý, và cả những đường phân tách lý tính và trực giác. Nhìn vào những giao thoa phức tạp giữa những đường biên này, Cầm chú trọng vào không gian siêu thực ở giữa chúng và hành vi “đi xuyên” qua không gian đó. Được định hình bằng cảm quan của sự trung chuyển và những bất an mơ hồ, không gian ở-giữa hình thành nên những trải nghiệm quan trọng không thể định nghĩa được bằng ngôn ngữ, mà chỉ có thể nhận thức được bằng những cảm xúc nhất thời, cũng như một trạng thái tò mò và thắc mắc dai dẳng. Cầm liên kết những trải nghiệm trong không gian trung chuyển này với khái niệm “công án” (koan/gong’an) của thiền định – một bài tập thiền hướng thiền sinh ra khỏi tư duy lý tính, để đạt được nhận thức về bản tính của một sự việc. Trong công án cá nhân của mình, Cầm tách khỏi những tự sự tuyến tính và rõ ràng, để tìm một sự thông hiểu chân thật thông qua những suy ngẫm trừu tượng và hướng nội. Anh thay thế những hình ảnh lịch sử dễ nhận diện trong các tác phẩm của mình bằng những mảng rực rỡ từ các khoảng trống trong bức hình, được cắt ra và sắp xếp, lật ngược và chồng xếp lên nhau.
Xuyên suốt những tác phẩm trong series, ta có thể thấy một sự chú tâm tới những khoảng cách không thể hàn gắn, có thể là quãng trống giữa tham vọng và từ bỏ, giữa người anh hùng và kẻ tội đồ trong lịch sử của một đất nước, giữa những bố cục được tính toán và những hiệu ứng không lường trước. Đi sâu vào những khoảng trung gian với những suy tư đa chiều không ngừng nghỉ, Cầm đặt ra những chất vấn về các đường biên quy chuẩn về quá khứ-hiện tại, Bắc-Nam, Đông-Tây, kỹ nghệ-ý niệm. Đồng thời, với bức tranh tham chiếu tác phẩm cuối cùng của Duchamp, Étant Donnes – một cảnh quan thần bí và gợi cảm chỉ có thể nhìn được qua hai lỗ nhòm trên một cánh cửa gỗ, nghệ sĩ gián tiếp mời khán giả thâm nhập vào tác phẩm và thế giới quan của anh, trong một bài tập thị giác riêng tư, độc lập và đòi hỏi sự tưởng tượng. Có lẽ, việc nhìn quanh và nhìn thấu được những đường biên nhân tạo chia rẽ và ngăn cách thời gian, địa lý và con người là một thử thách, và sau cùng là một sự thoả mãn dành cho người xem. Những hình tượng mơ hồ và đầy cảm tính trải dài trên những bức tranh luôn chực chờ để đan xen và tách rời, che khuất và hé lộ một điều gì khác; một hành trình dai dẳng, luôn biến đổi, và luôn nhẫn nại đón chờ những diễn giải đa diện.
THÔNG TIN NGHỆ SĨ
Với thực hành nghệ thuật kéo dài hơn hai thập kỷ, HoangDuongCam đã tham dự nhiều triển lãm và liên hoan nghệ thuật tại Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Một số triển lãm tiêu biểu bao gồm The Atlas of Clouds, Francois Schneider Foundation, Wattwiller, Pháp; Sunshower: Contemporary Art from Southeast Asia 1980s to Now, Bảo tàng Nghệ Thuật Mori và Trung Tâm Nghệ Thuật Quốc Gia, Tokyo, Nhật Bản; Eagles Fly, Sheep Flock: Biographical Imprints – Artistic Practices in Southeast Asia, giám tuyển bởi Khim Ong cho Art Stage Singapore 2015: Southeast Asia Platform; Electronic Pacific, SOMArts, San Francisco; VideoZone 5, Liên hoan nghệ thuật video art quốc tế Lần Thứ 5, Tel Aviv, Israel; Liên hoan nhiếp ảnh Daegu, Daegu, Hàn Quốc; Arts and Cities, Aichi Triennale, Nagoya, Nhật Bản; Connect: Art Scene Vietnam, IFA Galerie tại Berlin & Stuttgart, Đức; Fluid Zone, Jakarta Biennale, Indonesia; Post-Doi Moi: Vietnamese Art After 1990, Bảo Tàng Nghệ Thuật Singapore, Singapore; Guangzhou Triennial Lần Thứ 3, Bảo Tàng Nghệ Thuật Quảng Đông, Quảng Châu, Trung Quốc; Migration Addicts (Mogas Station), một chương trình thuộc Venice Biennale lần thứ 52, Venice, Ý; Thermocline of Art. New Asian Waves, trung tâm nghệ thuật ZKM | Bảo Tàng Nghệ Thuật Đương Đại Karlsruhe, Đức; và Belief (Mogas Station), Liên hoan nghệ thuật Singapore 2006. Năm 2009, anh đã tham gia chương trình nghệ sĩ lưu trú tại Tokyo Wonder Site, Nhật Bản.
Hoàng Dương Cầm hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Galerie Quỳnh 118 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, Quận 1, TP HCM Tel: (84 28) 3822 7218 Giờ Mở Cửa: Thứ ba – Thứ bảy, từ 10:00 đến 19:00; đóng cửa vào các ngày Chủ nhật và Thứ hai |