Tí Toáy Therapy nói về “Trị liệu nghệ thuật” có tác động xã hội
Hanoi Grapevine trò chuyện với nghệ sỹ Nguyễn Thùy Trang – đồng sáng lập Tổ hợp giáo dục nghệ thuật Tí Toáy – một mô hình giáo dục nghệ thuật sáng tạo mang tính tiên phong ở Hà Nội để tìm hiểu về ‘Trị liệu nghệ thuật’ – một khóa học trải nghiệm nghệ thuật giúp giải quyết những vấn đề tâm lý. Đây là khái niệm đang ngày càng được quan tâm ở xã hội Việt Nam gần đây.
Chị đến với ý tưởng mở khóa học Tí Toáy Therapy như thế nào?
Trên thực tế cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại thì áp lực trong cuộc sống đối với con người ngày càng tăng cao. Năm 2016-2017 khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các vấn đề về tâm lý, trong đó các đối tượng chủ yếu rơi vào những người làm văn phòng, những người trung niên, những bà mẹ sau sinh. Thêm vào đó người Việt Nam khi gặp vấn đề về tâm lý thường rất ngại đi gặp bác sĩ. Thay vì chờ đến lúc các vấn đề trở nên nghiêm trọng rồi mới đi chữa, thì việc sử dụng nghệ thuật như một phương pháp trị liệu cung cấp cho họ một con đường mới để giải tỏa các vấn đề của bản thân. Nghệ thuật có thể giúp họ chữa lành và giải tỏa những căng thẳng.
Trước khi thực hiện khóa học này, từ năm 2015 chúng tôi đã mở ra lớp Vẽ Ký Ức dành cho người trung niên và một số học viên từ 30 tuổi trở lên. Sau một thời gian dạy vẽ tôi nhận thấy mọi người quá bị chú trọng vào việc vẽ một bức tranh chỉn chu, hoàn thiện, lệ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đã chịu rất nhiều vấn đề, rất nhiều áp lực từ gia đình, công việc, các mối quan hệ…
Các học viên ban đầu muốn đến với vẽ để thư giãn thoải mái. Nhưng cuối cùng lại chịu thêm áp lực phải có một tác phẩm đẹp mà mất đi niềm vui thích và nhu cầu ban đầu khi đến với nghệ thuật. Mục tiêu của tôi là muốn giúp họ tìm lại niềm vui và nhu cầu cốt lõi đó. Đó là lý do tôi bắt đầu nghiên cứu sâu về việc dùng nghệ thuật để giải tỏa những cảm giác về mặt tinh thần và Trị liệu nghệ thuật. Ban đầu tôi cũng chỉ tìm hiểu thông tin trên mạng internet thôi. Có rất nhiều những khóa học online đào tạo về Nghệ thuật trị liệu. Sau đó tôi có tham dự một khóa tập huấn một tuần về Trị liệu nghệ thuật cùng các chuyên gia ở Singapore. Khi trở về Việt Nam, tôi quyết định kết hợp với một chuyên gia tâm lý để lên một chương trình giảng dạy Trị liệu nghệ thuật.
Một khóa học như vậy kéo dài trong bao lâu? Chuyên gia về tâm lý tham gia như thế nào trong quá trình xây dựng chương trình của chị?
Khóa đầu tiên chúng tôi chia ra làm 8 buổi, kéo dài trong 8 tuần. Các học viên hầu là những người trẻ, một số trong đó là các bà mẹ sau sinh và có nhu cầu lớn về phát triển đời sống tin thần. Mỗi một buổi sẽ đưa đến cho các học viên những phương pháp khai thác đề tài tâm lý khác nhau và sử dụng những phương pháp nghệ thuật khác nhau.
Chuyên gia sẽ giúp chúng tôi nhận diện các vấn đề tâm lý phổ biến mà các học viên gặp phải, sau đó chúng tôi sẽ đưa ra những phương pháp và hoạt động nghệ thuật phù hợp. Các học viên có cơ hội nói ra được những cảm xúc của mình thông qua nghệ thuật từ đó giải tỏa được các vấn đề tâm lý.

Có câu chuyện và sự biến chuyển của học viên nào sau khóa học để lại cho chị ấn tượng sâu sắc?
Một trong số các học viên của tôi là một phụ nữ xuất thân trong gia đình giàu có, từ bé đến lớn đều được bố mẹ định hướng sẵn, ngay cả công việc hiện tại cũng do bố mẹ bố trí, hiện đã có chồng và một con… Tóm lại nếu chỉ nhìn từ vẻ bề ngoài thì dường như chị ấy có cuộc sống rất viên mãn, êm đềm, không phải lo nghĩ. Tuy nhiên thực tế chị là một người có những đấu tranh nội tâm khá cao, đặc biệt là từ sau khi sinh con. Chị vấp phải sự phản đối của gia đình khi muốn từ bỏ công việc an nhàn lương cao để được làm những điều chị thực sự mong muốn. Căng thẳng trong gia đình ngày càng trở nên gay gắt khiến chị không có cách nào để giải quyết. Và kể từ khi tham gia khóa học này, chị tâm sự với tôi là đã tìm ra những cách thức khác để có thể nói chuyện với gia đình hoặc giải tỏa những bức xúc của bản thân.
Trị liệu nghệ thuật rất đa dạng, vậy ở chương trình của Tí Toáy, chị sử dụng những phương pháp trị liệu nghệ thuật nào và nó đem lại điều gì cho người tham gia?
Là một nghệ sĩ chuyên về thị giác, tôi chú trọng đến dụng các loại hình nghệ thuật thị giác trong trị liệu nghệ thuật chẳng hạn như vẽ, điêu khắc, in ấn với các chất liệu phong phú. Thông qua đó, khóa học cung cấp cho các học viên một cách thức khác để thể hiện cảm xúc của bản thân mình.
Chị rút ra kinh nghiệm gì sau khóa học đầu tiên và định hướng phát triển cho những khóa học tiếp theo?
Sau khóa đầu tiên, chúng tôi nhận ra nghệ thuật và các vấn đề tâm lý cần có một quá trình và thời gian để thẩm thấu. Ở những khóa tiếp theo, chúng tôi sẽ giúp học viên đi sâu hơn vào các đề tài tâm lý. Đặt vấn đề và giải quyết một đề tài tâm lý theo từng học phần chứ không theo từng buổi học nữa. Mỗi học phần sẽ kéo dài 12 buổi. Phương pháp này sẽ giúp học viên khám phá bản thân một cách sâu sắc hơn và giải quyết được triệt để hơn các vấn đề mình gặp phải.
Trong thời gian tới song song với việc phát triển các học trình chuyên sâu, chúng tôi cũng sẽ cử giáo viên đi học tập về ở các nước có nền trị liệu nghệ thuật phát triển để xây dựng chương trình ngày càng một chuyên nghiệp hơn.
Tí Toáy từ định hướng ban đầu là một “xưởng nghệ thuật dành cho trẻ em” đến bây giờ mở ra thêm các lớp học nghệ thuật dành cho người lớn, chị gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Khi mở ra khóa học hoàn toàn mới này tôi xác định là sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Cũng giống như khởi đầu của chúng tôi với các lớp học nghệ thuật cho trẻ em cũng trải qua một thời gian dài không thu được kết quả như mong đợi vì phương pháp mà chúng tôi áp dụng trong giảng dạy còn quá mới so với thời điểm Tí Toáy ra đời. Ai cũng nghĩ là chúng tôi chỉ làm cho vui và sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nhưng đến nay chúng tôi đã trải qua được 05 năm và trở thành một trong những trung tâm nghệ thuật cho trẻ em uy tín và lớn nhất ở Hà Nội với 03 cơ sở.
Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là rất nhiều người tỏ ra có hứng thú với chương trình nhưng lại rụt rè khi tham gia vì thứ nhất, đây là một khái niệm mới mẻ và xa lạ với họ, thứ hai là từ “trị liệu” ở đây khiến họ ngại ngùng. Mọi người thường cho là chỉ những ai có vấn đề mới phải dùng đến “trị liệu”. Các học viên tham gia ban đầu rất rụt rè trong việc chia sẻ và thể hiện suy nghĩ của bản thân. Chúng tôi muốn cho họ biết rằng nghệ thuật chính là cách tốt nhất để biểu đạt bản thân hoàn toàn tự do mà không cần đến lời nói.
Cám ơn chị.
————
Tổ hợp giáo dục nghệ thuật Tí Toáy được thành lập vào năm 2013 bởi nghệ sỹ Nguyễn Thùy Trang với mục tiêu ban đầu nhằm giáo dục và chia sẻ tình yêu nghệ thuật cho trẻ em. Phương pháp của Tí Toáy hướng tới sự tôn trọng ý tưởng và cách thực hiện của trẻ em, đa dạng chất liệu thực hành tác phẩm. Tinh thần và cũng là triết lý trong các chương trình của Tí Toáy đó là: hướng tới Thẩm Mỹ – Tôn Trọng sự khác biệt – Am Hiểu kiến thức lịch sử mỹ thuật. Tí Toáy ngày càng phát triển và bắt đầu mở ra các lớp dạy nghệ thuật cho người lớn, và gần đây nhất là khóa học trị liệu nghệ thuật Art Therapy mới mẻ.