Sơ bộ về video art Việt Nam nhân triển lãm của Hiraki Sawa tại VCCA
Viết bởi Namnggg và Út Quyên cho Hanoi Grapevine
Bản quyền bài viết thuộc về Hanoi Grapevine, các tác giả và VCCA. Không đăng tải lại nếu không có sự chấp thuận của các bên.

Triển lãm “Phân mảnh” của nghệ sỹ Nhật Bản Hiraki Sawa diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (từ 4/8 đến ngày 7/10/2018) với lối trưng bày quy mô tạo hiệu quả cảm xúc mạnh mẽ đã trở thành nguồn cảm hứng để những cây viết từ Hanoi Grapevine dành hai tuần để tìm hiểu về video art Việt Nam. Kết quả là một bài viết dạng khảo cứu sơ bộ và một bảng liệt kê về các nghệ sỹ video art Việt Nam dưới đây. Xin chia sẻ với bạn đọc.
Khởi nguồn
Trên thế giới, video art là một loại hình nghệ thuật đương đại còn khá mới sử dụng các phương tiện trình chiếu hình ảnh động. Người nghệ sĩ video art không nhất thiết phải tạo ra một bộ phim có tính kịch bản hay câu chuyện. Video art tập trung nhiều hơn về sự kết nối giữa các thiết bị trình chiếu và những thước phim trong khuôn khổ của nghệ thuật thị giác, chẳng hạn như một sắp đặt video hay điêu khắc video (video sculpture).
Thật không dễ để phân biệt video art với các hình thức nghệ thuật khác. Cách thức thực hành của loại hình nghệ thuật này có thể chạm đến ranh giới của phim thể nghiệm hoặc cả phim tư liệu trình diễn nghệ thuật. Thậm chí đối với nhiều người, một số video ca nhạc đã là một thể loại video art. Trong quan niệm truyền thống, video art thường là những tác phẩm sắp đặt hoặc những buổi chiếu trong các “hộp trắng” (white cubes) – các căn phòng sơn trắng – những không gian triển lãm thuần tuý.
Khởi nguồn của video art là từ đầu những năm 1960, khi các thiết bị truyền hình càng trở nên phổ biến như một thứ hàng hoá tiêu thụ, và ngày càng có nhiều người sở hữu nó hơn. Nhờ đó, các thiết bị này được đưa vào tầm ngắm của của giới nghệ thuật. Theo định nghĩa về video art của bảo tàng nghệ thuật Tate (Anh quốc), khía cạnh quan trọng nhất của video trong nghệ thuật đó là vì nó rẻ tiền và dễ làm, nó cho phép nghệ sỹ lưu trữ và ghi hình lại các buổi biểu diễn một cách dễ dàng. Và do đó nghệ sỹ không phải chịu áp lực đặt tác phẩm nghệ thuật vào trong gallery nữa mà họ có thể làm nghệ thuật bên ngoài gallery.
Có những quan điểm khác nhau về việc ai làm video art đầu tiên. Một nguồn thông tin cho rằng xuất hiện lần đầu tại Đức, nghệ sĩ gốc Hàn Nam June Paik đã trưng bày các cái vô tuyến chiếu hình ảnh của mình tại gallery Parnass ở Wuppertal. Sử dụng nam châm với sức hút mạnh, hình ảnh nguyên gốc trên vô tuyến đã biến dạng đến mức không nhận ra. Cuối thập niên 1960, các nghệ sĩ sử dụng các phương tiện truyền tải video, để trình chiếu những cảnh quay trực tiếp lên màn hình. Ít lâu sau đó, một số bắt đầu quay các thước phim dài và chỉnh sửa, để nó trở thành một sản phẩm nghệ thuật. Trong thời gian này, các sắp đặt video cũng xuất hiện, ví dụ như những cảnh được quay và chỉnh sửa được chiếu cùng lúc trên nhiều màn hình. Trong đó, sự sắp xếp các màn hình hoặc thứ tự các hình ảnh được trình chiếu cũng là nền tảng cho mục đích của tác phẩm. (Tham khảo thêm tại đây)

Video art ở Việt Nam
Quay trở lại Việt Nam, video art là một loại hình nghệ thuật mới du nhập vào nước ta khoảng từ cuối những năm 1990 đầu những năm 2000. Còn ít được biết đến và tiếp nhận hạn chế, thời đó video art chỉ khởi điểm là một trào lưu thử nghiệm của các nghệ sĩ trẻ. Họ chỉ đơn giản muốn tìm tòi về công nghệ và kỹ thuật mới để làm phong phú phương thức biểu đạt nghệ thuật của mình. Các tác phẩm còn đơn giản về kỹ thuật và cũng chỉ dừng ở video clip, sắp đặt nghệ thuật hầu như chưa được áp dụng. Tên tuổi mở đầu cho video art tại việt nam, phải kể đến nghệ sĩ Trần Lương với tác phẩm video-sắp đặt đầu tiên của anh vào năm 1998 có tên “Chảy”.
Trong quá trình phát triển, công nghệ ở việt nam có sự tiến bộ một cách nhanh chóng, các nghệ sĩ có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với video art. Các nghệ sĩ thế hệ thứ hai như nhà làm phim độc lập Nguyễn Trinh Thi với tác phẩm phim thể nghiệm, được chọn lọc công phu từ các đoạn phim tư liệu, phim cũ hay thậm chí phim gia đình cá nhân chị tìm được.Chị còn là người sáng lập ra Doclab, nơi đào tạo ra một thế hệ trẻ mới về phim thử nghiệm và video art.
Các triển lãm về loại hình nghệ thuật này cũng đã và đang diễn ra thường xuyên hơn ở Việt Nam, trong đó có các video art được đưa vào trưng bày ở triển lãm “TỎA 2” của VCCA, và nhiều triển lãm có trưng bày video art thú vị khác, chẳng hạn như “Muối của Rừng” tại gallery tầng 5 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Một sự kiện đáng chú ý gần đây nhất phải kể tới triển lãm “Phân mảnh” của nghệ sĩ Nhật Bản Hiraki Sawa tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Đây được coi là triển lãm về video art có đầu tư và công phu nhất từ trước đến nay. Không chỉ có video, “Phân mảnh” còn trưng bày nhiều tác phẩm video sắp đặt và video điêu khắc (video sculpture), được bài trí một cách thấu đáo, rất tạo không khí và cảm xúc.

Ngày triển lãm “Phân mảnh” kết thúc cũng là ngày khai mạc một dự án video art tương tác rất thú vị: “Into Thin Air 2”, do Manzi Art Space và ADT Creative, diễn ra vào 7.10.2018. Dự án “Into Thin Air” là một bước mới sử dụng video kết hợp với ứng dụng cho điện thoại thông minh và sự có mặt, trải nghiệm trực tiếp của khán giả ngay tại điểm trình chiếu video – là những địa điểm gắn với văn hóa, sinh hoạt hàng ngày và cảm xúc của người sống tại Hà Nội.
Để có một cái nhìn tổng quát về cảnh video art ở Việt Nam không hề đơn giản. Do các tác phẩm ra mắt rải rác trong quãng thời gian trải dài gần 20 năm, hơn nữa việc tìm và xem được các tác phẩm video art của các nghệ sỹ Việt Nam không dễ, vì đa phần các tác phẩm được giới hạn trong trong các không gian triển lãm hoặc các sự kiện trình chiếu, nên sẽ cần một công sức không nhỏ để có thể khảo cứu chi tiết về đề tài này. Với điều kiện hạn chế, Hanoi Grapevine tổng hợp một danh sách các nghệ sĩ có thực hành loại hình nghệ thuật video art gửi đến các bạn đọc. Hy vọng phần nào giúp được các bạn quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt là video art, và các nghệ sĩ, có thể tham khảo và từ đó tìm hiểu được nhiều hơn.
Để có danh sách này, các cây viết của Hanoi Grapevine đã có các cuộc trò chuyện với một số nghệ sĩ và các nhà giám tuyển ở Hà Nội. Xin cảm ơn anh Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space và chị Võ Quỳnh Hoa – Giám đốc nghệ thuật Cuci Fine Art, đã giúp chúng tôi hoàn thành danh sách này.
* Danh sách chỉ mang tính chất tham khảo, mong độc giả thứ lỗi và giúp hoàn thiện nếu có sai sót.