Home HanoiGrapevine Kể chuyện Một vòng “xã hội”, châm biếm, sinh động và chói mắt của...

Một vòng “xã hội”, châm biếm, sinh động và chói mắt của Bùi Quốc Khánh

Đăng vào
0

Viết bởi ULY cho Hanoi Grapevine
Bản quyền thuộc về Hanoi Grapevine và họa sỹ.
Không đăng tải, sao chép nếu không có sự đồng thuận giữa các bên.

Tại 29 Hàng Bài, Hà Nội, từ ngày 9 đến 15 tháng 10 năm 2018, họa sỹ Bùi Quốc Khánh lần đầu làm triển lãm solo – một sự ra mắt chói rực về màu sắc và vô cùng sinh động về hình theo lối pop art, cho thấy cái nhìn của anh về xã hội ngày nay, một cái nhìn hài hước và châm biếm về con người mang theo mình những dấu vết của truyền thống, lộn xộn bon chen trong cuộc đua vật chất sành điệu.

Nói chuyện với Hanoi Grapevine, họa sỹ cho biết:

“Một vòng đi” (tên triển lãm) là câu chuyện về xã hội Việt Nam đương đại, nhiều màu sắc, có sự biến đổi, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có nhiều hơi hướng vật chất, được bày đặt ngồn ngộn, phô trương. Không biết mọi người thấy thế nào, nhưng hiện tại tôi thấy mọi người đang chạy đua kiểu này khá rõ. Già có kiểu đua của già. Trẻ có kiểu đua của trẻ. Cá nhân tôi chỉ có thể thông qua tác phẩm của mình để gửi gắm đến người xem, những ai đồng cảm, một thông điệp là chúng ta nên dành thời gian nhìn nhận, đánh giá lại con đường chúng ta đang đi, có nên như thế hay không, cái giá phải trả có đáng không.”

Về lý do lưạ chọn thể loại pop art, họa sỹ cho biết anh hướng đến bộ tranh dành cho người Việt Nam. Ở nước ngoài nó thường được sử dụng làm quảng cáo.

Mười lăm bức tranh trong triển lãm – bày ra 15 câu chuyện về xã hội với đầy đủ các nhân vật và chi tiết về cuộc sống của họ, như quần áo họ mặc, đồ phụ kiện họ mang theo người, nét mặt, các đồ đạc xung quanh, màu sắc, cách sắp đặt các nhân vật và các chi tiết trang trí chen lấn trên mặt tranh.

Thế mạnh của họa sỹ là sự phong phú chi tiết của các bức tranh, nhiều chi tiết đắt giá, dù được xuất hiện ở những góc nhỏ nhất, chẳng hạn như cuốn tạp chí lăn lóc ở dưới một góc tranh cũng là do họa sỹ tự “thiết kế” và đặt tên – tạp chí “Làm vua” – (trong bức “Khởi đầu” với thông điệp phê phán về giáo dục), hay những con số, chữ viết bé xíu trong tranh, cố tình bị làm mờ nhạt hoặc biến đổi, vẫn là những số liệu mà họa sỹ lấy từ thực tế, mang trong đó những ý nghĩa nhất quán với thông điệp tranh, chẳng hạn như giá tiền của các miếng “sushi” trong bức “Bữa no”, thay vì 2000đ/miếng, 5000đ/miếng, thì đơn vị “miếng” trở thành “mét vuông”.

Một đặc điểm khác của các bức tranh là các nhân vật người và thú xuất hiện ở nhiều bức. Các con vật được nhân cách hóa và ăn mặc phục sức giống với con người, không phải với ý nghĩa người ta ngày càng yêu chuộng vật nuôi, mà ý họa sỹ muốn nói về sự đối xử ngày càng phi nhân tính giữa con người với nhau.

Nét chung thú vị nữa của các bức tranh là không khí sinh động, hài hước và có phần trẻ con, giúp làm “mềm” đi tính châm biếm sắc sảo của tranh, thể hiện ở mầu sắc rực rỡ chói mắt, ở thần thái sinh động, phục trang phụ kiện của các nhân vật, sự chen lấn hồn nhiên của các hình hài trong tranh.

Một đặc điểm nữa của tranh là sự chật chội, trong tranh không có khoảng hở, cái nọ lấn chồng lên cái kia, bận rộn và rối rắm, và đó cũng là ý đồ của họa sỹ – cuộc sống trong trong tranh luôn luôn xáo động, không có độ trễ, không có khoảng lặng.

Trong “một vòng đi của cuộc đua vật chất”, họa sỹ vẽ lại các “cung đường đua” khác nhau, từ việc con người tàn hại môi trường (Bữa no, Đơn ca), giao thông hỗn độn (17g30), sự vụt qua của cái đẹp (Bối rối), sự mất đi tự do (Ai làm), chuyện phẫu thuật thẩm mỹ (Nhan sắc), biến cố của các thương hiệu lớn (Hôn lễ, Thị phần), sự nổi tiếng dễ dãi (Siêu sao), cuộc đua chính trị (Nhóm kín), hành động ích kỷ (Duy nhất), và những chuyện khác nữa.

Bùi Quốc Khánh tiết lộ rằng trong quá trình vẽ, cứ mỗi hai đến ba tiếng thì anh phải bỏ ra ngoài nhắm mắt một lúc vì bị chóng mặt, thứ nhất là say sơn (vẽ), thứ hai là màu sắc gây mỏi về thị giác, “chỉ cần bị thiếu ánh sáng là mắt cảm giác như bị nổ đom đóm”

Hãy cùng họa sỹ Bùi Quốc Khánh dạo thử “một vòng” qua hai bức tranh dưới đây, và đừng quên đến triển lãm để xem tận mắt, quan sát thật kỹ các chi tiết trong tất cả 15 bức triển lãm.

Bức “Đi về phía trước”

Lời họa sỹ: Cụm nhân vật góc trên cùng bên trái: Lá cờ họa tiết Gucci có chữ Quyết tâm. Tay nhân vật cầm chìa khóa mở cửa xe hơi Mercedes. Nhân vật trông như cụm nhân vật trong tranh cổ động. Cả bức tranh là ý tưởng về một chuyến xe khách. Có ông tài xế giơ bàn tay lên hãy đi theo tôi, lấy hình tượng tranh cổ động. Thành phố ước mơ màu hồng ở ngoài cửa kính xe. Trong xe có hai nhân vật đối xứng Vinh Hoa Phú Quý lấy từ tranh Đông Hồ, bên phải là Phú Quý, bên trái là Vinh Hoa. Vì nó tiến đến thành phố màu hồng, nên các nhân vật cơ bản có chung một mục đích, đi tìm cuộc sống màu hồng hơn, dẫn đến tình trạng di dân từ các vùng dồn về thành phố, mất cân bằng về dân số và phát triển vùng. Nơi thì đông quá, nơi thì không có người. Hai ông Vinh hoa Phú quý tạo thành bố cục tam giác hướng đến thành phố màu hồng. Một số nhân vật cầm vé trên tay, trên đó đề vé một chiều One way ticket. Có nhân vật mặc áo La Coste (nhân vật cầm cá – làm nghề ngư dân nhưng vì lý do nào đó mà phải bỏ đi làm việc khác) . Những trang trí trên va li của một nhân vật cũng là tranh hàng trống – bức Vinh quy bái tổ). Còn ở trên, qua cửa kính hồng là tấm biển quảng cáo giống những tấm biển ta thường thấy trên đường đi sân bay Nội bài, là tấm poster được khai thác từ cái cũ, vẽ đình làng, người đội nón quai thao và cái rổ, thể hiện nông thôn Bắc Bộ VN. Nhưng nó rất nhỏ và ở phía xa. Còn đám đông hành khách kia lấn át và tràn ra hết mặt tranh. Có một chi tiết nữa là ông họa sỹ đang khóc, trong nước mắt rơi ra có đồng xu. Ông ấy kẹp nách một bức tranh thờ hàng Trống lồng trong cái khung cầu kỳ, cũng gợi đến vấn đề các sản phẩm, văn hóa truyền thống không có sức cạnh tranh với những sản phẩm bây giờ. Có cả các chi tiết bé xíu khác, như bao thuốc lá, trên bao thuốc có hình cột cờ Hà Nội, và dòng chữ Thủ đô là nhãn thuốc. Có cả cuốn tạp chí ở góc trái dưới cùng bức tranh.

Bức “Khởi đầu”

Lời họa sỹ: Bức tranh nói về giáo dục. Những đứa trẻ chịu một nền giáo dục trông như người ngoài hành tinh, một cộng một không biết bằng mấy, tên không biết, giới tính không biết, tên lớp học là Siêu nhân. Có vụ nâng điểm 2.5 lên thành 9 (trong vòng tròn màu xanh bao quanh hình đầu con lừa). Bức tranh trông như một cuộc chào đón tân học sinh mới, có giáo sư tiến sỹ đứng đó chào mời: Hãy đến với chúng tôi, chúng tôi có những thứ tốt nhất. Và có một cuốn tạp chí vứt dưới đất, tên là Làm Vua, có cả năm xuất bản. Nhân vật có cái ghế ở góc dưới cùng bên phải, là biểu tượng cho những đứa trẻ khi sinh ra đã được định hướng vào một vị trí, có con rồng bám vào ghế, con rồng bị ngộ chữ, nôn ra chữ. Trong tranh có hai thái độ dành cho nhân vật, một là phê phán, hai là đáng thương vì tình thế bị cưỡng ép. /

NO COMMENTS

Leave a Reply