Home HanoiGrapevine Kể chuyện Nhạc điện tử sẽ bị sợ đến bao giờ, tạm dừng đến...

Nhạc điện tử sẽ bị sợ đến bao giờ, tạm dừng đến bao giờ?

Đăng vào
2

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Bài viết được đăng lại trên Hanoi Grapevine với sự cho phép của tác giả và báo Tuổi Trẻ

Quest Festival được bình chọn là 1 trong 300 lễ hội tốt nhất thế giới năm 2017 – Ảnh: FB của Quest

Ngày 23-11, Dan Henneberry – nghệ sĩ người Anh được mời trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật quốc tế Quest Festival – cùng gần 1.000 người bị chặn bên ngoài Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) – nơi diễn ra lễ hội Quest.

“Tại sao chúng tôi phải chịu đựng khổ sở thế này chỉ để đóng góp chút ít cho môi trường âm nhạc ở đây?” – nghệ sĩ Trang Lê viết trên Facebook cá nhân

Dan cùng với ban nhạc của mình đã tập luyện suốt cả năm qua, đã vô cùng háo hức được “trình làng” các tác phẩm hay nhất của mình.

Ngày 23-11, chị T.H.L. đi từ Anh Quốc về chỉ để tham gia Quest, đã hồi hộp chờ trong hi vọng, rồi cuối cùng thất vọng khi biết Quest đã bị hủy.

Chị đã mua vé cho ba ngày liên hoan, vé xe buýt và vé máy bay, tổng cộng cả ngàn bảng Anh – số tiền mà chị để dành suốt một năm. Chị và nhiều khán giả đã không kịp trở tay hủy vé hay chuyến bay trước sự đã rồi.

Trước đó, ngày 23-11, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhất định không cho Quest diễn ra vì một số lý do, trong đó có nỗi sợ. “Vụ lễ hội âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây đã xảy ra rồi, rất sợ. Nếu lễ hội này cũng xảy ra tình trạng tương tự thì ai chịu trách nhiệm?” – ông Nguyễn Thái Bình, chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, nói.

Một số festival, sự kiện âm nhạc khác cũng đã bị tạm dừng, do sự cố chết 7 người ở công viên nước Hồ Tây xảy ra hồi tháng 9 khiến nhà chức trách quyết định “đóng băng” các sự kiện âm nhạc điện tử.

Vì bị đóng cửa, nhà tổ chức Quest mất hơn 10 tỉ đồng, 3.000 khán giả trong nước và quốc tế bị thiệt hại tiền và niềm tin, 1.200 nghệ sĩ quốc tế và tình nguyện viên cạn nhiệt huyết.

Nghệ sĩ cùng khán giả chờ đợi nhưng Quest vẫn không được phép diễn ra

Và dù lý do đóng cửa có là gì, có nhất thiết nhà chức trách, nhà tổ chức và các bên liên quan để cho mọi sự phải diễn ra vào phút chót, để chiếc ba-ri-e chặn lối vào giội gáo nước lạnh vào mong muốn và sự háo hức được thăng hoa cảm xúc cùng âm nhạc và nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ và khán giả từ khắp nơi trên thế giới đến với Hà Nội?

Sự hào hứng, nỗi mong đợi đã biến thành sự mệt mỏi, chán chường, lo sợ, nghi ngại, thậm chí giận dữ.

Và liệu “nỗi sợ” có phải là lý do chính đáng để cấm hay tạm dừng? Thay vì đặt vấn đề “sợ” nhằm ngăn chặn nguy cơ, liệu nhà chức trách có nên tìm cách làm thế nào để các festival tiếp theo được diễn ra an toàn, để cho sự sáng tạo, sự thăng hoa và kết nối trong âm nhạc nghệ thuật và cảm xúc được lan tỏa, làm tăng thêm giá trị văn hóa và du lịch?

Quest và các sự kiện bị tạm dừng đã bị “giết chết” dựa trên “nỗi sợ”. Nhà chức trách đã thành công trong việc đảm bảo được nhiều người an toàn khỏi “sự sợ hãi”. Nhưng sự sợ hãi thì vô hình, còn tổn thất thì hữu hình và vô cùng lớn lao.

“Sợ” đến bao giờ? Tạm dừng đến bao giờ?

UYÊN LY

2 COMMENTS

  1. My band would have performed there with lots of other artists from the world. It’s deeply depressed !!!

  2. Quest không được giấy phép từ tháng 9 rồi mà vẫn cố tình làm. Nhà nước làm vậy là bất đắc dĩ phải ngăn chặn ở phút chót thôi. Đến bao giờ thì phải xem đã, vì sự kiện 7 người chết vì sốc ma túy không đơn giản, chứng tỏ các lễ hội an ninh còn vô cùng lỏng lẻo. Đến khi nghĩ ra phương án đối phó để kiểm soát chất gây nghiện vào lễ hội, thì cứ phải tạm dừng đã. Nhiều khi còn phải đảm bảo cho người đi lễ hội nữa, vì an ninh mà thôi

Leave a Reply