Home HanoiGrapevine Kể chuyện Trò chuyện với Kim Ngọc về tinh thần “nhạc mới” và sự...

Trò chuyện với Kim Ngọc về tinh thần “nhạc mới” và sự đa dạng

Đăng vào
0

Van Do thực hiện

Hanoi New Music Festival (tên tiếng Việt: Liên hoan Nhạc mới Hà Nội) đã trở thành một phần không thể thiếu của quang cảnh nghệ thuật và âm nhạc đương đại thể nghiệm của Việt Nam từ phiên bản đầu tiên năm 2009, giới thiệu các tác phẩm âm nhạc và âm thanh từ các nghệ sĩ, nhạc sĩ Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Năm 2018 đánh dấu phiên bản lần thứ ba của liên hoan với chủ đề “Cất Lên Im Lặng” tập trung đưa lên “sân khấu” quang cảnh âm nhạc đương đại và thể nghiệm Đông Nam Á.

Tại Liên hoan lần này có sự tham gia của trên 30 nhạc sỹ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giám tuyển đến từ 9 trên 11 quốc gia Đông Nam Á. Trước thềm liên hoan (sẽ diễn ra từ ngày 16-21 tháng 12), chúng tôi có cuộc trò chuyện với Trần Kim Ngọc, Giám đốc Liên hoan, về cảm hứng xuyên suốt của liên hoan và các điểm nổi bật trong liên hoan lần này.

Tôi đã đọc bài phỏng vấn của chị với Zoe Butt, trong đó có một câu hỏi về tên gọi của liên hoan, “New Music”. Nhưng tôi vẫn thắc mắc, liệu có phải chị đang dùng thuật ngữ “new music”, vốn được dùng để biểu thị một quãng trong lịch sử âm nhạc Đức và châu Âu, do ảnh hưởng từ thời gian chị học tại Đức không?

Không phải đâu! Thật ra là trong tiếng Đức (new music) nghĩa tương đương là nhạc đương đại (contemporary music trong tiếng anh). Khi về Việt Nam và quyết định làm liên hoan âm nhạc đương đại thể nghiệm năm 2009, tôi cũng đã mất một năm để tranh cãi và suy nghĩ về cái tên cho liên hoan đấy chứ. Vào thời điểm đó tôi mới về nước, trong nước đang có những tranh luận sôi nổi thậm chí gay gắt về thế nào là nhạc đương đại. Anh bạn tôi bảo có người nhắc tới tên tôi trong các cuộc tranh luận ấy, bảo tôi lên tiếng đi, nêu quan điểm gì đi. Nhưng thật sự thì khi đó tôi chẳng muốn nói gì cả. Vì thực sự thì mình không muốn bày tỏ quan điểm về một thứ mà mình vẫn còn đi tìm, mình vẫn chưa biết rõ. Mình phải trả lời câu hỏi của mình trước rồi mới trả lời cho người khác được chứ!

Vậy nên tôi thấy những tranh luận ấy là vô nghĩa: anh không phải nhạc đương đại, tôi mới là đương đại… Vả lại, nếu vẫn cứ dùng định nghĩa “nhạc đương đại” đã được định hình sẵn từ phương Tây, thì Việt Nam đâu có được giống nhu thế? Và tại sao phải làm y như thế?

Vậy thế thì “new music” ở đây chị dùng với hàm nghĩa là gì?

Một phần là để tránh những tranh luận như trên! Tôi không thấy cần mất thời gian tranh luận thế nào là đương đại. Nhạc mới ở đây đại ý vẫn hiểu là nhạc đương đại, tất nhiên! Nhưng ý của tôi là nhạc mới đối với bối cảnh nghệ thuật và âm nhạc ở đây. Tại sao chúng ta mất thời gian đi học và làm theo cái đương đại ở đâu đó mà không tạo ra cái mới từ chính thổ nhưỡng, sinh khí nơi này? Nếu mình yêu những gì ở đây, trên chính cái mảnh đất này thì mình phải làm việc với nó, phát triển nó lên thành một khí quyển nhạc đương đại của chính mình chứ. Tôi là người không theo đuổi hình thức, vậy nên tôi muốn làm liên hoan này để góp phần tạo nên hệ sinh thái cũng như giới thiệu các tác phẩm âm nhạc đương đại nội sinh từ bản địa, từ chính nơi đây.

Với tôi, thuật ngữ gì cũng không quá quan trọng. Tôi nghĩ hãy cứ để cho các nghệ sĩ họ làm việc, rồi việc nghiên cứu và tổng hợp thành thuật ngữ là việc dành cho các nhà nghiên cứu sau này họ làm sau.

Có vẻ trong Liên hoan lần này chúng ta sẽ được chào đón những nghệ sỹ, nhạc sỹ tới từ các background rất đa dạng và khác nhau cùng có mặt tại Liên hoan và cùng biểu diễn?

Chính thế! Đấy cũng là một tứ trong Liên hoan lần này mà tôi muốn nhấn mạnh. Tôi nhìn thấy có nhiều cộng đồng ở Đông Nam Á hay thậm chí ở cả Việt Nam không thể ngồi lại với nhau và cho rằng mình quá khác nhau. Tôi thì có khả năng dễ thấy được cái hay ở mọi thứ, mọi người hơn là cái dở. Như lần này sẽ có những người có background rất hàn lâm và những nghệ sĩ hoàn toàn tự học/phi hàn lâm cùng với nhau, các nghệ sỹ địa phương sẽ bắt cặp với các nghệ sĩ nước ngoài… Có lẽ cách tiếp cận này tôi học được từ thời gian thực hành ngẫu hứng. Nhạc ngẫu hứng giống như đánh bóng bàn ấy, nó luyện cho tôi khả năng lắng nghe và phản hồi, và không được chuẩn bị trước, nên buộc phải rất nhạy cảm với bất kỳ người đang đối thoại, chơi nhạc với mình là ai.

Ngoài chủ đề về sự đa dạng thì Liên hoan năm nay có điểm gì khác với năm 2013? Có vẻ như năm nay mở hơn về mặt hình thức?

So với năm 2013 thì năm nay không đa dạng về hình thức bằng đâu. Năm 2013 tôi có cả các chương trình chiếu phim và một tác phẩm sắp đặt. Điểm khác biệt lớn nhất là lẽ là tôi làm được công việc giám tuyển của mình một cách tròn trịa hơn. Với năm 2013 thì tôi vẫn làm theo cách có người nào thì mời người ấy, không có concept gì đằng sau các chương trình và cả liên hoan cả. Năm nay dù vẫn hạn chế về ngân sách, nhưng tôi cũng bắt đầu nghĩ về liên hoan từ rất sớm và bắt đầu nó với chuyến đi 50 ngày quanh các nước Đông Nam Á để nghiên cứu điền dã các quang cảnh âm nhạc thể nghiệm đương đại ở từng nước. Tôi dựa nhiều vào nghiên cứu này để thiết kế concept giám tuyển cho toàn bộ event trước khi bắt tay vào mời từng nghệ sĩ ở mỗi nước. Chính vì thế nên tôi được lựa chọn chủ động — như có thể thấy là tôi đã mời những người đã khá vững và thực hành sâu trong lĩnh vực của họ, để họ vừa có thể trình bày về thực hành của mình trong tương quan với quang cảnh âm nhạc nước họ, lẫn vừa có thể trình diễn các tác phẩm tiêu biểu của mình.

Trong Liên hoan lần này, các chương trình Hoà nhạc và Biểu diễn buổi tối được tôi chọn ra từ những gì đặc sắc nhất của quang cảnh thực hành âm nhạc đương đại thể nghiệm Đông Nam Á: âm nhạc cổ điển đương đại, trình diễn xuyên ngành và điện tử, âm nhạc nhà hát và kết nối di sản. Cùng với 4 đêm concert diễn ra vào 8 giờ các ngày trong tuần festival là một format chương trình muộn hơn từ 10h30, phóng túng và tự do hơn, là Night Club Experimental. Với chương trình này bạn sẽ cuốc bộ ra các quán bar ngay cạnh nơi trình diễn hoà nhạc trước đó chỉ vài bước chân, nhưng ở đó sẽ là một tinh thần và không gian hoàn toàn khác.

Năm nay có thêm cả phần Symposium mà trong năm 2013 không có. Có phải chị cũng muốn tham gia sâu hơn vào các thảo luận nổi bật trong khu vực Đông Nam Á?

Nó giống như một sáng kiến xây dựng một quang cảnh âm nhạc đương đại thể nghiệm chung cho Đông Nam Á. Nhưng ở đây thì mình chưa có cái đấy, nên mình không thể chỉ giới thiệu các production hay các tác phẩm nghệ thuật mà mình cũng muốn đóng góp vào việc tạo ra một mạng lưới, một hệ sinh thái. Vì thế việc tổ chức symposium cũng sẽ đem lại một tác động hiệu quả hơn là chỉ mời nghệ sĩ tới biểu diễn. Symposium ở đây sẽ giúp mọi người ngồi xuống nói chuyện với nhau, thảo luận, hiểu biết về nhau và các trao đổi sẽ ở mức độ sâu sắc hơn. Chưa kể trong symposium, mình cũng có thể đón tiếp một số người nghiên cứu, những học giả. Như thế là mình có thể có hai thành phần tham gia: một là những người thực hành âm nhạc và cả những người nghiên cứu âm nhạc. Các trao đổi sẽ có nhiều điểm nhìn, nhiều góc độ, nhằm hướng về một tương lai xa hơn cho âm nhạc đương đại và thể nghiệm ở Đông Nam Á.

Đồng thời, sau mỗi chương trình hội thảo kéo dài cả ngày, ngay tại không gian Bảo tàng, nơi sẽ diễn ra chuỗi hội thảo sẽ là hoạt động trình diễn tương tác tại chỗ “After 5” (Sau 5 giờ chiều). Các nghệ sĩ, nhạc sĩ tương tác và chơi nhạc trực tiếp tại không gian công cộng của Bảo tàng. Hãy đón chờ các thông tin mới về festival trên trang Facebook và website của chúng tôi nhé!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.