Home Ý Kiến Khi hội họa giúp vén màn “ngụy trang” của lịch sử

Khi hội họa giúp vén màn “ngụy trang” của lịch sử

Đăng vào
0

Viết bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine.

Tối ngày 16/11/2018, tại AGO Hub (Hà Nội) đã diễn ra buổi công chiếu bộ phim tài liệu “Ngụy trang: Nét vẽ Việt Nam cùng lịch sử”.

Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Bestor Cam và nhà sản xuất David Thomas, những cựu binh Mỹ từng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Dưới ống kính của “phía bên kia chiến tuyến”, 10 họa sĩ Việt Nam qua các thế hệ dần lộ diện và chia sẻ câu chuyện của mình. Thế hệ đầu tiên là những người từng xông pha nơi lửa đạn, giặc đánh tới nơi cũng phải cứu lấy tranh; Thế hệ tiếp theo là lớp trẻ đầu tiên của thời bình, tiếp đến là những người trẻ ngày nay trong xã hội hiện đại.

Nối dài từ quá khứ tới hiện tại, Ngụy trang: Nét vẽ Việt Nam cùng lịch sử mang cách kể chậm rãi mà không hề tạo cảm giác chán nản. Như một cuốn sách phải lật mở từng trang, những điều bị “ngụy trang” dần được phơi bày trước khán giả.

Lớp “ngụy trang” đầu tiên mang nặng ý nghĩa quân sự. Khán giả được nghe những “nhà chép sử bằng tranh” như Huỳnh Lê Đông, Lê Huy Tiếp, Lê Lam và Lê Trí Dũng kể chuyện họ phải đào hầm ra sao, ẩn nấp thế nào giữa mưa bom bão đạn. Trong giai đoạn ấy, tác phẩm của họ tập trung khắc họa tính ác liệt của chiến tranh. Chẳng hề xuất hiện một giọt máu, tranh của họ vẫn “vạch trần” những vết cắt đau thương của lịch sử Việt Nam – hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng bị xe tăng địch chèn nát, những khu rừng nghiêng ngả dưới hàng tấn bom…

Tác phẩm “Dừng lại” của họa sĩ Lê Lam

Mở đầu hồi phim về thế hệ họa sĩ trẻ đầu thời bình, đạo diễn Bestor Cam đã trích dẫn một câu nói: “Chiến tranh không chỉ ở chiến trường, mà còn ở ký ức đằng sau đó.” Và đã có những nghệ sĩ táo bạo như Lê Quang Đỉnh, xé phăng tấm rèn che đậy sự thật. Họa sỹ cho rằng từ cuối những năm 1970, người Mỹ đã “ngụy trang” cho cuộc xâm lăng tàn ác của họ bằng điện ảnh. Trong các bộ phim thời đó, người ta chỉ thấy hình ảnh lính Mỹ khổ sở trên chiến trường, còn người Việt hiện lên hết sức man di. Với ý muốn khẳng định đau thương không của riêng ai và “minh oan” cho hình ảnh Việt Nam, họa sĩ Lê Quang Đỉnh đã thực hiện bộ ảnh đan lát – hình ảnh nhân dân hai nước đan xen vào nhau, hòa lẫn hình ảnh của cuộc chiến tranh.

Một tác phẩm trong bộ ảnh đan lát của họa sĩ Lê Quang Đỉnh

Nhìn về cuộc chiến đã đi qua, những họa sĩ trẻ ngày tập trung thể hiện những suy nghĩ về tương lai với sức biểu cảm mạnh mẽ. Trong Ngụy trang: Nét vẽ Việt Nam cùng lịch sử, người xem bắt gặp Phạm Huy Thông – một họa sĩ tiêu biểu. Luôn có màu sắc u tối và nhiều hình thù kì dị, những tác phẩm của anh không dễ dàng tới được khán giả. Để được đem trưng bày, Phạm Huy Thông đã không ít lần phải khoác lên tranh của mình những lớp ý nghĩa “ngụy trang”, che giấu đi thông điệp thực sự muốn truyền đạt.

Tác phẩm trong triển lãm “Hy Vọng Tràn Trề” của họa sĩ Phạm Huy Thông

Bộ phim tài liệu được thực hiện trong vòng ba năm: một năm để ghi hình và hai năm để dựng thành phim.

Có mặt tại buổi công chiếu, nhà sản xuất David Thomas chia sẻ lý do đoàn làm phim lựa chọn tất cả nhân vật đều là người Việt Nam là bởi họ mong muốn khán giả Mỹ sẽ thấy được rõ hình ảnh về “phe đối diện”. Ngược lại, khán giả Việt sẽ hiểu thêm về nghệ thuật nước nhà.

Nhà sản xuất David Thomas giao lưu với khán giả tại buổi chiếu

Đây là lần đầu tiên Ngụy trang: Nét vẽ Việt Nam cùng lịch sử được công chiếu tại Việt Nam. Đoàn làm phim vẫn đang tiếp tục sắp xếp các buổi chiếu tiếp theo. Bộ phim cũng đã góp mặt tại một số liên hoan phim tại Mỹ.

NO COMMENTS

Leave a Reply