Khi lịch sử nước Đức trở thành ánh sáng nghệ thuật
Viết bởi Namnggg cho Hanoi Grapevine
Đang diễn ra tại Viện Goethe, triển lãm nhiếp ảnh „Sáng và Tối – Những bức ảnh từ Nước Đức“ do Viện Goethe, Viện Văn hóa Đức tại Việt Nam, phối hợp cùng ifa, Viện Hợp tác Quốc tế của Đức tổ chức giới thiệu 124 bức hình của nữ nhiếp ảnh gia Barbara Klemm, đưa lại những khoảnh khắc quan trọng của lịch sử của “hai nước Đức” Đông và Tây, cho tới ngày thống nhất.
Triển lãm là một cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử, biết thêm đến những giây phút hào quang cũng như bóng tối còn uẩn khuất của nước Đức. Đây cũng là một cơ hội cho các nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Việt Nam học được nhiều điều về tài năng và kinh nghiệm của Barbara Klemm.
Nữ nhiếp ảnh gia người Đức Barbara Klemm, được biết đến là người lưu trữ lịch sử nước Đức từ cuối những năm 1960 bằng hình ảnh. Làm việc cho tờ Báo Phổ thông Frankfurt (Frankfurter Allgemeine Zeitung trong 40 năm, những bức ảnh của bà ghi lại những nhân vật sự kiện quan trọng của lịch sử nước Đức. Không chỉ thế, chúng còn đi sâu vào tiềm thức, trí nhớ của người dân Đức. Có nhiều người khi gặp bà Klemm đã từng nói: „Chúng tôi lớn lên với những bức ảnh của bà“.
Thừa hưởng các tố chất về hội hoạ từ cha mình, nữ nhiếp ảnh gia Barbara Klemm đã biến những bức hình ghi lại sự thật trở thành nghệ thuật. Chúng là những bức ảnh không chỉ thuật lại lại hiện thực mà còn phản ánh sự thực, như sứ mệnh của nhiếp ảnh báo chí vốn yêu cầu.
Chia sẻ trong buổi mở màn triển lãm ở Viện Goethe, Barbara Klemm nói về cách bà chuyển tải hiện thực trong nhiếp ảnh báo chí. Trong suốt cuộc đời làm nhiếp ảnh, bà chỉ sử dụng máy ảnh cơ và từ chối máy ảnh kỹ thuật số. Đối với bà, tính chất của máy phim là bức hình này không thể bị chỉnh sửa và khi rửa ra nó sẽ hiện lên đúng những gì mà người chụp ghi lại. Bản thân phóng viên nhiếp ảnh cũng cần có quan điểm độc lập so với chính tờ báo mà mình làm việc. Đối với một tờ báo từng có tính bảo thủ như Báo Phổ thông Frankfurt, bà phải bảo vệ được chính kiến của mình khi đưa ra sự thật, cái mà nhiều lúc các tờ báo không muốn làm. Đã có những cuộc tranh luận nổi lửa kéo dài đến vài ngày, để bức hình bà chọn được đưa lên báo. „Nhiều khi có những cuộc tranh luận còn khó khăn hơn cả những bức hình tôi chụp được“ – Barbara Klemm bộc lộ.
Một tác phẩm nói lên tất cả

Với Barbara Klemm, đây là bức ảnh để lại kỉ niệm sâu đâm nhất, là tấm hình khẳng định sự nghiệp nhiếp ảnh báo chí của bà. Bức hình ghi lại khung cảnh Thủ tướng Willy Brandt và Nguyên thủ Quốc gia Xô Viết Leonid Breschnew tại một cuộc họp ở Bonn. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Xô Viết tại công hoà Liên Bang Đức từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Với mục đích cải thiện mối quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức, Leonid đã chuẩn bị cho chuyến thăm này từ rất lâu và kĩ lưỡng. Tuy tất cả đều mong muốn đến hoà bình, sứ mệnh của chuyến thăm này lúc đó là khá khó khăn.
Theo nhà phê bình Ursua Zeller (Cuốn Barbara Klemm, Ánh sáng và Bóng tối, Hình ảnh từ nước Đức, Viện Văn hóa đối ngoại Đức Ifa), cái tài của nữ nhiếp ảnh gia cũng thể hiện ở ngay bức hình đầu tay này. Bố cục xuất sắc miêu tả chính xác bản chất của sự kiện lịch sử đang diễn trong căn phòng này. Willy Brandt, được bao quanh bởi các phiên dịch viên và thư kí, tạo thành một khối tam giác mà trọng tâm là Brandt. Hình tượng này gọi nhớ đến những bức tranh thời trung cổ về Đức mẹ Thiên chúa ngồi. Với bố cục trên Will Brandt nằm ở trọng tâm của bức hình, thu hút mọi sự chú ý. Leonid Breschnew chỉ chiếm một phần nhỏ của khối tam giác, sát rìa bức hình, nói lên sự lép vế và thái độ nhường nhịn cho Willy Brandt. Sự tập trung của bức hình, bố cục chỉ bị phá vỡ bởi một phóng viên ảnh bên trái đằng sau các vị nguyên thủ đầy quyền lực. Sự phá vỡ bố cục này cho người xem một phút thoát khỏi tính căng thẳng của bức hình và tình hình sự kiện thời đó.
Không chỉ dừng lại ở bố cục hoàn hảo, bức hình còn nói lên cách làm việc độc đáo của bà Klemm. Cái tối cao của nhiếp ảnh báo chí, là phản chiếu lại hiện thực, như một tấm kính xuyên suốt, giữ cho sự thật không bị méo mó hay sai lệch. Barbara Klemm, khi đó, làm việc cho tờ báo FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung) là một trong hai phóng viên duy nhất được phép vào trong căn phòng này. Luôn giữ một khoảng cách nhất định, bà cố gắng không tiến sâu, tham gia vào sự việc. Như một người tàng hình, bà ghi lại hình ảnh một cách từ tốn thay vì phóng tới ấn máy liên tục như các phóng viên nhiếp ảnh khác. Những nhân vật trong tấm hình này, không nhìn thẳng vào ống kính của bà. Mọi ánh mắt và sự quan tâm chỉ tập trung vào Willy Brandt. Sự thật được nói lên ở đây, không tạo kiểu, không cười nói, không nhìn vào ống kính. Chỉ có bầu không khí căng thẳng và tập trung của sự kiện.
Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển của máy ảnh kĩ thuật số, nhiếp ảnh báo chí không còn như xưa. Ảnh cho báo ngày này được sản xuất ra quá nhanh và quá nhiều, nó thiếu đi sự tập trung, tính cô đặc của sự kiện. Nhìn lại ảnh của bà, người xem có cảm nhận được toàn bộ nội dung và không khí của sự kiện đang diễn ra. Thời đó, các báo chỉ đăng duy nhất một tấm ảnh cho mỗi chủ đề, nên việc chớp lại những bức hình “cô đọng” như vậy quả là vô cùng khó khăn. Với tài năng và kinh nghiệm, giờ đây, nhưng tấm hình của Barbara Klemm trở nên vô giá.
Triển lãm ảnh của bà kéo dài đến 18.11.2018 tại Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Xem thêm một số hình ảnh của triển lãm: