Hành trình âm nhạc của Lương Huệ Trinh

Hành trình âm nhạc của Lương Huệ Trinh

Đăng vào
0

Viết bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine
Ảnh do nhạc sỹ cung cấp
Video bởi Dinh Vu Bao Hoa

Lương Huệ Trinh là thế hệ nhạc sỹ âm nhạc điện tử/thể nghiệm thứ hai ở Việt Nam sau những tên tuổi như Kim Ngọc, Son X, Vũ Nhật Tân. Hanoi Grapevine đã dõi theo các bước tiến của Lương Huệ Trinh kể từ khi cô bắt đầu học hỏi cùng nhạc sỹ Son X, tham gia các dự án âm nhạc trong và ngoài nước, và gần đây nhất, cô tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Sáng tác đa phương tiện tại Hamburg, Đức với số điểm tối đa từ Hội đồng chấm thi. Trinh đã trở thành một trong những chuyên gia hiếm hoi ở Việt Nam được đào tạo bài bản trong lĩnh vực âm nhạc đương đại.

Âm nhạc của Lương Huệ Trinh ngày càng tinh tế, cô tạo ra không gian và câu chuyện từ những âm thanh sống động và phong phú, người nghe được thoải mái ở trong đó để cảm nhận và vận dụng trí tưởng tượng của mình.

Trinh nói:

“….với âm nhạc điện tử, tôi cảm thấy như mình được giải thoát. Nó mở ra cho tôi nhiều khả năng hơn cho việc khai thác âm thanh và tạo ra một không gian cho âm nhạc. Tôi như bước vào một vùng đất mênh mông bất tận mà ở đó, những trạng thái “lơ lửng” giữa những loại cảm xúc cụ thể như vui buồn, đau khổ hoặc phấn khích, hay sự mong manh giữa biên giới của các thể loại âm nhạc đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm…”

Dưới đây là cuộc trò chuyện với Lương Huệ Trinh:

Trong gia đình Trinh có ai theo ngành âm nhạc không? Tình yêu âm nhạc của bạn đến từ đâu và thể hiện ra sao từ lúc còn nhỏ?

Âm nhạc được nhen nhóm trong tôi từ khi còn rất nhỏ, bởi hai bên nội ngoại của bố mẹ tôi đều chơi nhạc, cả nhạc cụ phương tây và truyền thống, cả chuyên nghiệp và không chuyên. Lúc nhỏ, tôi hay được nghe Cải lương vì anh trai của mẹ và cả bố mẹ đều chơi đàn tranh. Lên 5 tuổi thì tôi được chú (em trai của bố) dạy đàn phím (ở Việt Nam gọi là đàn organ) và khi 7-8 tuổi, tôi bắt đầu tham gia vào các hoạt động biểu diễn ở Cung văn hóa thiếu nhi Hải Dương, thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Có lẽ nhờ lớn lên trong môi trường như vậy, âm nhạc đã ngấm vào tôi theo một cách rất tự nhiên. Cũng như những em nhỏ khác, được mặc váy đẹp đứng trên sân khấu, được mọi người chú ý và vỗ tay tán thưởng, tôi thích thú và thấy hãnh diện lắm. Sau này lớn dần, biết hơn một chút thì tôi bị hấp dẫn bởi cảm giác như được sống ở hai thế giới khác nhau, được chìm vào một xứ sở thần tiên nào đó khi trên sân khấu và trở về thực tại khi buổi diễn đã kết thúc. Thứ cảm giác thú vị khó tả này cứ theo tôi mãi cho đến bây giờ.

Quyết định theo học Nhạc viện (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) là do Trinh hay do gia đình gợi ý?

Năm 1997 khi tôi 12 tuổi, Nhạc viện Hà Nội có cử một số giảng viên đi tuyển sinh ở các tỉnh. Tôi có đăng ký thi tuyển và được chọn vào học nhạc cụ đàn dây, cello. Tuy nhiên, khi nhận giấy báo nhập học thì bố mẹ tôi không muốn cho con gái đi xa vì còn quá nhỏ. Một lý do quan trọng không kém khác khiến bố mẹ nghi ngại, là nghề này rất gian nan. Quá trình học ở trường hơn chục năm dài đằng đẵng từ sơ cấp cho đến đại học, nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải học song song các môn văn hóa và âm nhạc trong một ngày, chưa kể thời gian làm bài tập và tập đàn buổi tối. Đến khi ra trường còn mất nhiều năm để củng cố và phát triển kỹ năng, hơn nữa công việc thì không đủ sống. Như vậy quá vất vả. Tôi đã khóc nhiều lắm khi biết bố mẹ không muốn cho con gái đi học nhạc.

Năm tiếp theo, 1998, tôi quyết tâm đi Hà Nội để thi tuyển sinh. Lúc này, chắc bố mẹ đã nhận thấy mong muốn rất mạnh mẽ của con gái nên đã đồng ý cho đi Hà Nội. Và lần này thì tôi trúng tuyển vào bộ môn đàn phím mà tôi mơ ước.

Có bao giờ bạn nghĩ sẽ làm gì khác ngoài làm nhạc?

Lúc học tiểu học, tôi từng mơ khi lớn lên sẽ trở thành một phiên dịch viên Anh ngữ. Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra âm nhạc là thứ gắn bó và dường như nó là con đường duy nhất mà tôi muốn đi dài hơi.

Ảnh: Chân dung Lương Huệ Trinh, nguồn: luonghuetrinh.com

Được đào tạo về nhạc jazz keyboard, từ đâu và như thế nào Trinh quan tâm đến âm nhạc điện tử?

Những năm cuối của đại học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia (2009-2010, trước đây là Nhạc viện Hà Nội), chuyên ngành Jazz Keyboard, một trong những thầy giáo bộ môn của tôi là nhạc sỹ/nghệ sỹ Vũ Nhật Tân. Thường thì chương trình học ở các trường năng khiếu như nhạc hay múa sẽ bắt đầu từ khi học trò còn nhỏ và kéo dài trong nhiều năm. Bởi vậy, cách xưng hô giữa thầy trò trường nhạc có phần gần gũi hơn các trường đại học khác. Một hôm, anh Tân đưa cả lớp đến buổi tập của một nhóm song tấu người Na Uy chơi âm nhạc tiếng ồn (noise music) tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Cũng như các bạn cùng lớp, ban đầu tôi thấy nó rất khó nghe. Từ từ, tôi đã cố gắng tìm cách thả lỏng tai nghe và bản thân để có thể cảm nhận các âm thanh một cách cởi mở hơn. Không lâu sau đó, anh Tân có tình cờ nhắc đến một phần mềm chuyên nghiệp để biểu diễn và làm nhạc. Tôi thấy thú vị nên đã tìm cách cài vào máy tính. Và tôi bắt đầu tự mình mày mò tìm cách sử dụng phần mềm này rồi dựng các đoạn nhạc nhỏ như những bài tập theo cảm hứng và tai nghe của mình. Ở thời điểm đó, tôi không có khái niệm gì về âm nhạc đương đại hay thể nghiệm cả, bởi học trong trường thì chỉ biết đến nhạc jazz, nhạc cổ điển hay truyền thống thôi, cho đến ngày tình cờ gặp nhạc sỹ Nguyễn Xuân Sơn (SơnX) tại nhà anh Vũ Nhật Tân thì tôi được biết thêm về các thể loại âm nhạc khác nữa.

Âm nhạc điện tử thể nghiệm đem lại cho Trinh những khả năng sáng tác gì so với nhạc cụ acoustic hay các loại âm nhạc khác, như jazz chẳng hạn?

Ở những năm cuối của đại học nhạc Jazz, mỗi sinh viên phải viết ít nhất 1 sáng tác và dựng cho ban nhạc ở mỗi lần thi cuối kỳ. Trong nhạc Jazz, tính ngẫu hứng để thể hiện màu sắc âm nhạc cá nhân rất được đề cao. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy có gì đó còn thiếu trong các sáng tác của mình, nó không khiến tôi thực sự thấy thỏa mãn. Bởi có những trạng thái cảm xúc mà tôi chưa thể bộc lộ ra hết được thông qua giai điệu, tiết tấu và hòa thanh trong các sáng tác của mình. Nhưng khi đó, tôi chưa tìm ra cách nào để khắc phục được điều này.

Cho đến khi tiếp cận và làm việc với âm nhạc điện tử, tôi cảm thấy như mình được giải thoát. Nó mở ra cho tôi nhiều khả năng hơn cho việc khai thác âm thanh và tạo ra một không gian cho âm nhạc. Tôi như bước vào một vùng đất mênh mông bất tận mà ở đó, những trạng thái “lơ lửng” giữa những loại cảm xúc cụ thể như vui buồn, đau khổ hoặc phấn khích, hay sự mong manh giữa biên giới của các thể loại âm nhạc đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm, đều có thể được pha trộn và thể hiện một cách nhuần nhuyễn nếu có đủ kiến thức và kỹ năng.

Các nguồn âm thanh cũng phong phú hơn và được khai thác triệt để hơn, ngay cả trên nhạc cụ. Các nhạc sỹ, và cả nghệ sỹ biểu diễn đều muốn tìm kiếm những âm thanh và kỹ thuật mới ngay trên chính nhạc cụ mà họ đã đang luyện tập và biểu diễn trong nhiều năm. Bởi thế, tên gọi chính xác nhất cho dòng nhạc mà tôi sáng tác và biểu diễn là electro-acoustic music, nghĩa là sự kết hợp giữa nhạc cụ acoustic và điện tử.

Lương Huệ Trinh biểu diễn tại đêm nhạc “Những âm thanh bẽn lẽn” tại Hanoi Rock City vào ngày 23/2/2019:

Vì sao trong những nhạc sỹ thể nghiệm ở Việt Nam Trinh lại chọn SonX làm người hướng dẫn?

Bởi âm nhạc của anh Sơn khiến tôi vô cùng ấn tượng. Tôi đã bị xúc động mạnh mẽ ngay từ lần đầu tiên nghe nhạc của anh Sơn. Khi đó, tôi đã không thể ngủ suốt một đêm và đã phát đi phát lại những sáng tác đó. Cảm giác này chưa từng xuất hiện trong những lần tôi nghe tác phẩm của các tác giả khác trước đây, và có lẽ là cho đến cả thời điểm này. Sau đó, tôi có hỏi anh Sơn xin được theo học. Thực tế, ở giai đoạn đó, ngoài việc biết anh là nhạc sỹ và nghệ sỹ biểu diễn thì tôi chẳng biết thông tin gì thêm. Mãi sau này khi thân hơn, tôi mới phát hiện ra, anh Sơn là một trong những nghệ sỹ tiên phong của âm nhạc thể nghiệm/đương đại Việt Nam.

Và mặc dù anh đã dành cho tôi những lời khen ngợi, động viên khi anh nghe những khúc nhạc nhỏ mà tôi làm, nhưng anh nhất quyết từ chối không nhận tôi làm học trò. Anh còn không quên kèm theo một danh sách dài miên man về những khó khăn mà tôi sẽ phải đối mặt nếu đi theo con đường này. Chưa kể, việc anh khó tính, khắt khe cũng sẽ là một thách thức lớn. Dù vậy, tôi vẫn khăng khăng một mực đòi xin học anh với lý do, tôi cần một người thầy khó tính rèn vào khuôn để có một chất lượng tốt trong công việc. Sau một năm cũng “khăng khăng từ chối” thì anh Sơn đã phải chào thua và đồng ý nhận tôi làm học trò. Chưa vui được bao lâu vì thầy nhận lời dạy thì sau khoảng nửa năm, anh Sơn “biến mất”. Khoảng một năm sau, anh liên lạc lại với tôi và nói: “Một năm qua là thử thách của anh dành cho em, để biết em có đủ đam mê đi theo con đường chông gai này không, có còn tiếp tục bước đi nếu không có anh thúc đẩy ở bên cạnh. Giờ thì em vượt qua rồi, và chúng ta có thể tiếp tục làm việc với nhau”. Đấy, riêng việc xin học thôi cũng đã vô cùng gian nan với tôi rồi (cười).

Và, dù đã được “cảnh báo” từ trước nhưng quả thực, sự khó tính, và đòi hỏi chất lượng của anh Sơn đã làm tôi cực kỳ căng thẳng, thậm chí có một giai đoạn tôi còn rơi vào trầm cảm. Anh Sơn không chỉ khắt khe trong âm nhạc mà còn cả trong đời sống và trong nghệ thuật nói chung, nên việc sợ toát mồ hôi khi học hay khóc đến sưng mắt vì bị mắng không tiếc lời đã xảy ra với tôi đều đặn như cơm bữa. Nhưng giờ thì đỡ sợ hơn rồi vì tôi đã “lớn” hơn trước một chút (cười).

Ảnh: Lương Huệ Trinh (giữa), nhạc sỹ SonX (ngoài cùng bên trái) trong một dự án biểu diễn. Nguồn: luonghuetrinh.com

Trinh cho rằng mình được trao học bổng toàn phần Chính phủ Đức (DAAD) là vì lý do gì?

DAAD là quỹ học bổng dành cho các Chương trình trao đổi hàn lâm do chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tài trợ trên khắp thế giới. Như vậy nghĩa là tính cạnh tranh sẽ cực kỳ cao. Sau khi gửi hồ sơ trực tiếp sang Đức, tôi đã quên luôn việc đó bởi tôi không cho rằng mình có cơ hội để nhận được suất học bổng này. Vì vậy, tôi đã vô cùng bất ngờ khi nhận được email thông báo về học bổng. Rồi khi sang Đức, trò chuyện cùng một số giáo sư, họ nói với tôi rằng hệ thống giáo dục ở nước này hướng tới những sinh viên có màu sắc, cá tính riêng trong âm nhạc hay nghệ thuật nói chung. Và họ sẽ chỉ nhận vào trường khi họ nhìn thấy tiềm năng phát triển của những sinh viên đó sau khi đã trải qua các chương trình đào tạo. Vậy nên, tôi cho rằng việc tôi được nhận học bổng có liên quan phần nào đến điều này.

Việc học tập ở Đức giúp thay đổi, đem lại cho Trinh những điều gì khác so với lúc còn ở Việt Nam?

Trong suốt thời gian học tập và tham gia các dự án biểu diễn tại Đức cũng như các nước Châu Âu, điều mà tôi thấy được từ các bạn cùng lớp và đồng nghiệp là một tinh thần cởi mở, cầu thị; cách làm việc kiên trì, cẩn thận và thích thử những điều mới (với bản thân họ). Những điều này theo tôi là yếu tố rất quan trọng tạo nên một chất lượng tốt trong công việc, cũng như kích thích được trí tò mò và sự sáng tạo.

Việc kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau và tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ để tạo ra một sản phẩm mong muốn cũng là thứ mà tôi được học trong nhà trường, ở chuyên ngành Sáng tác đa phương tiện dưới sự hướng dẫn của giáo sư Georg Hajdu. Chính bởi may mắn được ở trong một môi trường làm việc tốt như vậy nên tôi có thể dần dần thúc đẩy bản thân thử nghiệm những điều em chưa từng (dám) làm khi còn ở Việt Nam. Một trong những lần “làm liều” nhất đó chính là chương trình tốt nghiệp thạc sỹ của tôi ở Hamburg với số điểm tối đa từ hội đồng chấm thi. Tôi đã tự làm hầu hết mọi việc như sáng tác, xin tài trợ, quyết toán, kỹ thuật, sân khấu, dựng hình ảnh, viết text, tập và biểu diễn trực tiếp cùng các nhạc công…trong một buổi hòa nhạc đa phương tiện. Buổi hòa nhạc VỆT này sẽ được giới thiệu tại Việt Nam ngày 16.03, lúc 20:00 tại L’Espace-Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội dưới sự tài trợ của Viện Goethe Hà Nội (Goethe-Institut Hanoi) và Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace-Institut Francais Hanoi), cùng Hanoi Grapevine là đối tác truyền thông.

Chủ đề người phụ nữ bị trói buộc bởi Nho giáo là cảm hứng của bạn cho show diễn VỆT ngày 16-3, làm thế nào để tả nó bằng âm nhạc? Có thể giúp giải thích cho độc giả một chút được ko? Chẳng hạn như tính chất âm thanh, cách sử dụng nhạc cụ...

Chủ đề buổi hòa nhạc Vệt chính là sự quan sát của tôi về vai trò của người phụ nữ và trẻ em trong xã hội phong kiến cũng như xã hội hiện đại, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo vào văn hóa và xã hội Việt Nam. Dấu ấn của nó đã hằn sâu lên nhiều thế hệ. Ngày nay, sự ảnh hưởng của nó trong các mối quan hệ gia đình và xã hội đã phần nào mờ đi, đặc biệt ở các thế hệ trẻ. Tuy vậy, vẫn tồn tại những điều vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt chứ không hề được xóa bỏ bởi cảm nhận và những các nghĩ hiện đại.

VỆT là một chương trình hòa nhạc đa phương tiện xuyên suốt 5 sáng tác của tôi với cách tiếp cận khác nhau ở mỗi tác phẩm. Từ sự nghiêm ngặt của một bản nhạc chuẩn mực cho đến tính linh hoạt trong những dạng tổng phổ đồ họa, hay ranh giới giữa kỹ năng sáng tác và ngẫu hứng. Các yếu tố của âm nhạc truyền thống được pha trộn với âm thanh điện tử, kết hợp cùng nghệ thuật nhiếp ảnh, video và câu chữ nhằm đề cập đến các mối quan hệ phức tạp chứa đầy nỗi cô đơn và dằn vặt.

Với tôi, âm nhạc không có chức năng miêu tả bởi để làm việc này, chúng ta có văn học, có bút pháp tả thực trong hội họa… Âm nhạc là loại nghệ thuật trừu tượng có ngôn ngữ riêng của nó. Tất nhiên các chất liệu và tính chất âm thanh trong sáng tác và không gian biểu diễn đều được đặt trong một mối liên hệ nhất định tới chủ đề. Nhưng đó là trong suy nghĩ, là sự tưởng tượng của tôi trong quá trình xây dựng tác phẩm. Ở nghệ thuật đương đại, mỗi tác giả có một phong cách thể hiện và lối chuyển tải thông điệp khác nhau. Bởi vậy, không phải ai cũng đưa ra thông điệp một cách cụ thể, rõ ràng qua mỗi tác phẩm, mà hầu như họ chỉ muốn đưa ra một vấn đề để khơi gợi những suy nghĩ nào đó cho người thưởng thức, tùy vào kiến thức, nền tảng văn hóa và thông qua cả các trải nghiệm trong cuộc sống của từng cá nhân nữa. Tôi cho rằng, chính điều này giúp tạo nên sức sống, sự đa dạng và cái nhìn từ nhiều chiều cho mỗi tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Cảm ơn Trinh rất nhiều đã giúp người đọc hiểu thêm về công việc của Trinh và âm nhạc đương đại nói chung.

Mời độc giả nghe nhạc của nhạc sỹ Lương Huệ Trinh tại đây:

NO COMMENTS

Leave a Reply