Home HanoiGrapevine Kể chuyện Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục nói về “Bụi”: Vẽ là một hành...

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục nói về “Bụi”: Vẽ là một hành trình luôn thay đổi

Đăng vào
0

Út Quyên thực hiện cho Hanoi Grapevine
Không sao chép đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không được sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine

Triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến ngày 18/3. Hơn 30 bức tranh sơn mài chất chứa những suy ngẫm của anh về sự vô định của kiếp người và vô thường của dòng đời như “những hạt bụi trôi nổi trong không gian” đưa người xem lạc du vào thế giới của những liên tưởng bất tận. Phóng viên Hanoi Grapevine có dịp gặp gỡ và lắng nghe họa sĩ Nguyễn Xuân Lục chia sẻ về quá trình anh thực hiện triển lãm này.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục

“Khi bắt đầu vẽ tranh tôi cũng chỉ có mong ước thật thà là vẽ “đèm đẹp” để có kiếm tiền từ việc bán tranh. Nhưng càng về sau những chuyển biến về mặt nhận thức khiến cho ngôn ngữ hội họa của tôi càng thay đổi so với thuở ban đầu. Sự thay đổi này khiến tôi gặp không ít khó khăn về kinh tế, vì tác phẩm không còn dễ bán như trước nữa. Nhưng như tôi đã nói, tôi là người không thể làm mãi một thứ gì đó quá quen thuộc được. Tôi cần được thay đổi, tôi cần được làm những công việc mà tôi thích thú mỗi ngày”

– Nguyễn Xuân Lục

Ý tưởng cho Triển lãm “Bụi” đã đến với anh như thế nào?

Năm 2015, khi tôi bắt tay vào vẽ hai tác phẩm đầu tiên thuộc series này, ý tưởng về triễn lãm “Bụi” vẫn chưa thực sự định hình. Phải đến khi tôi thực hiện bức tranh “Bụi trong không gian” năm 2016 (tác phẩm đạt giải 3 Festival Mỹ thuật Trẻ Toàn quốc tại VCCA, 2017) thì ý tưởng này mới được hình thành rõ nét. Mặc dù nói là xác định được ý tưởng, không phải là trong ba năm nay tôi cứ thế mà vẽ miệt mài. Nếu nhìn cả một series bạn cũng có thể nhận ra từng giai đoạn nhỏ có sự biến chuyển về mặt tư duy. Về tạo hình, tôi cũng đi tìm những cách thức thể hiện khác nhau.

Để khai thác sâu về một đề tài và vẽ nó trong thời gian dài mà không khiến các tác phẩm bị nhàm chán, không lặp lại quả là không dễ. Nhưng sau mỗi lần cảm thấy bế tắc và tìm cách vượt qua được là mỗi lần tôi thoát ra khỏi cái cũ, để thay đổi bản thân. Điều đó giống như một cuộc lột xác vô cùng gian nan. Sau khi vượt qua giai đoạn bế tắc rồi tôi sẽ thấy mình khác hẳn, lại tràn ngập những ý tưởng mới và cảm hứng sáng tác mới.

Anh có thể cho biết cụ thể hơn, anh làm cách nào để vượt qua mỗi khi bế tắc? Anh đã tìm cảm hứng mới ở đâu hay làm cách nào để tìm được hướng đi mới trên con đường sáng tác của mình?

Tôi không phải đi tìm cảm hứng ở đâu xa mà cố gắng đào sâu vào chính thế giới nội tâm bên trong mình. Những lúc bế tắc tôi sẽ ngừng vẽ, dành thời gian để để ý tỉ mỉ những rung động cảm xúc của bản thân khi va đập với thế giới thực tại, và những gợi ý có thể đến với tôi rất bất chợt. Bất cứ thứ gì tôi nhìn thấy, đọc thấy như những hình ảnh trên internet, những mảng tường rêu, những vệt bẩn loang lổ của bụi…, gợi lên trong tôi những cảm xúc nào đó, đều có thể trở thành nguồn cảm hứng cho tôi vẽ tranh.

Thời gian gần đây tôi vẽ không có phác thảo trước, nên sự thay đổi luôn có thể xảy ra trong trong quá làm việc. Khi vẽ tôi luôn nương theo những cái ngẫu nhiên của sơn mài để phát triển tác phẩm cho đến khi hoàn thiện. Tôi chỉ có điểm xuất phát là ý tưởng tôi hình dung trong đầu và điểm kết thúc là hiệu quả cảm xúc, thẩm mỹ trên bề mặt tranh đã làm tôi hài lòng. Chính vì vậy tôi không thể biết bức tranh của mình sẽ ra sao cho đến khi tôi hoàn thiện nó. Điều này làm tôi rất thích thú như việc mình sẽ khám khám phá một nơi chốn nào đó hoàn toàn xa lạ, mỗi quãng đường tôi sẽ luôn nhìn thấy nhiều điều mới mẻ.

Nói nương theo những cái ngẫu nhiên của sơn mài để vẽ nghe có vẻ dễ dàng. Nhưng nếu là một người không nắm vững kỹ thuật sơn mài sẽ không biết cách nào mà nương. Anh có cho xuất thân từ làng nghề và nắm vững kỹ thuật sơn mài truyền thống là một lợi thế để anh trở thành một họa sĩ.

Là khó khăn thì đúng hơn. Tôi không phủ nhận phải có kỹ thuật tốt mới có thể vẽ được tranh tốt. Nhưng quá vững vàng về kỹ thuật, đôi khi lại trở thành cái gông cùm trói buộc người họa sĩ, khiến cho họ quá bị lệ thuộc vào nó mà không thể bứt phá ra được. Càng vững vàng về kỹ thuật bao nhiêu thì việc thoát ra khỏi sự lệ thuộc ấy lại càng vất vả bấy nhiêu.

Anh làm thế nào để thoát khỏi sự phụ thuộc vào kỹ thuật?

Có lẽ tôi là người không thể làm mãi một việc gì đó quen tay được, tôi luôn cần thay đổi để tự cảm thấy bớt nhàm chán hơn. Khi vẽ cũng vậy, tôi luôn tìm tòi những thứ khác với những gì tôi đã vẽ trước đó, để không vì sự lặp lại làm cảm xúc chai lì. Tôi luôn ý thức rằng chất liệu và kỹ thuật chỉ là phương tiện biểu đạt ý tưởng và cảm xúc. Vượt qua được hạn chế về kỹ thuật không phải là điều dễ dàng, nhưng vượt qua định kiến về mặt tư tưởng còn khó khăn hơn rất nhiều. Một khi đã từ bỏ được những định kiến của mình thì những nền tảng về kỹ thuật sẽ giúp tôi chủ động hơn trong việc thể hiện cảm xúc trong tác phẩm.

Luôn muốn thay đổi bản thân có phải là lý do khiến anh trở thành một họa sĩ chứ không phải một nghệ nhân, dù anh sinh ra từ một làng nghề khảm trai truyền thống và đã được đào tạo nghề từ bé?

Thực ra tôi đến với hội họa như một cơ duyên, chứ không phải một kế hoạch đã định từ trước. Khi tôi lớn lên thì nghề khảm trai ở quê tôi tuy là vẫn có công việc để làm, nhưng mọi thứ dần trở nên khó khăn. Tâm lý chung của những người dân quê tôi hồi ấy là muốn đi ra ngoài, hay chúng ta hay gọi là ‘đi thoát ly’. Tôi cũng nương theo tâm lý ấy, học xong phổ thông thì ra Hà Nội để tìm kiếm một tương lai cho mình. Tôi chọn thi vào Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp với ý định học sơn mài để sau đó mở xưởng nghề kết hợp làm sơn mài với khảm trai.

Sau khi ra trường tôi đi làm thiết kế và quản lý sản xuất tại một công ty xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ để tích lũy kinh nghiệm về mở xưởng. Lúc ấy tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành họa sĩ vẽ tranh. Bốn năm lăn lộn đi làm tôi nhận thấy mình đặc biệt không thích hợp làm kinh doanh, điều này có nghĩa là ý tưởng mở xưởng làm đồ mỹ nghệ đã tự thấy không còn hứng thú nữa (vì công việc này sẽ liên quan nhiều đến sản xuất và kinh doanh). Cuối năm 2010 tôi nghỉ việc và bắt đầu ở nhà vẽ tranh. Tôi cũng không thể giải thích rõ tại sao tôi vẽ một mạch từ hồi đó tới giờ mà vẫn chưa chán. Nhưng tôi không nghĩ tới sẽ có một ngày tôi từ bỏ việc vẽ.

Theo dõi quá trình vẽ của anh từ những series đầu tiên đến nay, quả thực tôi đã thấy không ít lần anh “lột xác” trong tranh. Anh không sợ cứ thay đổi nhiều như vậy, tới một lúc nào đó người xem sẽ không còn nhận ra anh sao?

Cái tôi muốn thay đổi là trạng thái cảm xúc trong tác phẩm chứ không phải là thay đổi hoàn toàn phong cách thể hiện. Cùng một đề tài tôi cần tìm kiếm nhiều góc nhìn hơn, với nhiều trạng thái cảm xúc hơn. Tôi coi việc vẽ như dấn thân trên một cuộc hành trình và sẽ luôn luôn có sự thay đổi. Dù bạn có đi lại lần thứ hai trên cùng một con đường thì cảnh sắc chắc gì đã giống như trước.

Cám ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn xem thêm một số tác phẩm của triển lãm:

NO COMMENTS

Leave a Reply