Home HanoiGrapevine Kể chuyện Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mở đại tiệc âm nhạc...

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mở đại tiệc âm nhạc đưa khán giả vòng quanh thế giới

Đăng vào
0

Nội dung và ảnh: Nguyễn Đức Tùng, video: Tùng Cao cho Hanoi Grapevine
Vui lòng không sao chép hoặc đăng tải nếu không có sự đồng ý của tác giả

“Dạ tiệc âm nhạc” là chương trình mở đầu cho chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), diễn ra vào tối ngày 26 và 27/3/2019. Hanoi Grapevine hân hạnh có buổi trò chuyện cùng NSƯT Trần Ly Ly – giám đốc nhà hát và lắng nghe những chia sẻ của chị về chương trình đặc biệt này.

NSƯT Trần Ly Ly. Ảnh từ trang Facebook của nghệ sĩ

Chị đã tuyển chọn các nghệ sĩ cho buổi diễn như thế nào?

Chương trình là một “dạ tiệc” của âm nhạc, còn có tên gọi khác là “Around the world” (Vòng quanh thế giới). Quan điểm của tôi cho rằng cả thế giới đều là bạn bè và chúng ta luôn cần một kết nối vòng tròn với nhau. Đây cũng chính là ý tưởng của chương trình.

“Dạ tiệc âm nhạc” không chỉ là một vở múa, mà là một chương trình âm nhạc được trình diễn theo cách đặc biệt. Buổi diễn sẽ bao gồm opera từ đoàn hát, ballet từ đoàn múa cùng những bản giao hưởng từ đoàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Khán giả không chỉ nghe mà còn được thưởng thức bằng thị giác sự liên kết rất thú vị của các trích đoạn từ những sản phẩm âm nhạc lớn của thế giới. Tất cả sẽ cùng tạo nên một bữa dạ tiệc.

Nghệ sĩ đoàn múa VNOB, ảnh bởi Nguyễn Đức Tùng

Ý tưởng đó bắt đầu từ khi nào? Các đoàn nghệ sĩ của VNOB đã chuẩn bị ra sao để thể hiện tốt nhất trên sân khấu?

Ý tưởng thì đã có từ lâu, nhưng bắt đầu tập luyện từ khoảng 1 tháng trước. Tuy rằng âm nhạc từ nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng đều được viết cho dàn nhạc giao hưởng. Thách thức đối với tôi là phải làm sao để kết hợp chúng một cách hài hòa. Tất nhiên để đạt được độ hoàn hảo như tôi mong muốn thì cũng khó. Thế nhưng nó sẽ là một cách thể hiện khác đối với hình thức sân khấu nói chung ở Việt Nam.

Thông thường, các nhạc công của dàn nhạc giao hưởng VNOB ngồi ở hố nhạc bên dưới sân khấu. Thế nhưng lần này tôi thiết kế một sân khấu 2 tầng để mang họ cùng lên biểu diễn với các vũ công và ca sĩ, tạo nên một không gian đa chiều.

Dàn nhạc chỉ huy bởi nhạc trưởng người Argentina, anh Martín García León:

Phần múa và opera cũng rất quan trọng. VNOB có cả một đoàn opera gồm dàn hợp xướng và các ca sĩ solo đã dành rất nhiều giải thưởng quốc tế như Đào Tố Loan, Mạnh Dũng, Phương Diệp,… Họ đều có những kỹ năng rất tốt về opera. Giờ tôi cho họ một không gian để thể hiện. Hơn nữa, nghệ sĩ opera là nghệ sĩ nhạc kịch. Họ không chỉ đứng hát mà còn phải biểu diễn trong bối cảnh nghệ thuật của tiết mục mình mang tới. Vì vậy để chuẩn bị cho “Dạ tiệc âm nhạc”, đoàn hát cũng phải luyện tập cả vũ đạo.

Các trích đoạn múa cũng trở nên đa dạng hơn: múa Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các điệu Valse của Châu u,… Tất cả liên kết lại với nhau tạo thành một đường dây dẫn dắt khán giả trên một chuyến du hành vòng quanh thế giới.

Với vai trò là chỉ đạo nghệ thuật, phần nào của chương trình làm chị hứng thú và dành nhiều công sức nhất?

Một người tổng đạo diễn phải dành đều sự quan tâm cho toàn bộ tác phẩm, không được phép đầu tư quá nhiều vào một thứ bởi mỗi phần có một cái hay riêng. Không thể đem so sánh chúng với nhau được. Ví dụ như một trích đoạn của “Madama Butterfly” diễn tả sự cô đơn, khác với cái hay trong điệu valse những đóa hồng. Nó cần một sự tổng thể chung. Một bữa tiệc ngon không thể chỉ có một món ngon. Cũng đôi khi mỗi món không cần quá ngon, nhưng tạo nên một bữa tiệc đủ vị.

Theo chị thế nào là một nhà hát hoàn hảo? Chị đã và đang làm thế nào để đưa VNOB đến mức hoàn hảo ấy?

Tôi rất quan tâm đến đội ngũ bởi họ là những người làm nên giá trị cho tác phẩm nghệ thuật của một nhà hát. Cần phải có sự xuất sắc của mỗi cá nhân và sự đồng điệu của cả tập thể. Việc của mình là tạo ra những dự án nghệ thuật xứng đáng để mỗi cá nhân được thể hiện hết năng lực, liên kết những thế mạnh đó lại với nhau thành sự kết hợp hoàn chỉnh. Với những đòi hỏi ngày càng cao, đội ngũ nghệ sĩ cũng sẽ tự phát triển.

Cần có quá nhiều yếu tố để làm nên một nhà hát hoàn hảo, nhưng yếu tố con người đối với tôi là quan trọng nhất.

Xin chị bật mí thêm về những chương trình tiếp theo trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập VNOB?

Đây là một ngày lễ lớn không chỉ riêng đối với VNOB mà còn với nền nghệ thuật Việt Nam nói chung. Con số 60 đánh giá một quãng đường bền vững. VNOB sẽ làm những vở khá lớn như trọn vẹn vũ kịch “Hồ Thiên Nga” với dàn nhạc sống, hay vở opera “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Con trai ông, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ chỉ huy dàn nhạc và cùng ekip VNOB làm sống lại tác phẩm có giá trị lịch sử ấy. Các buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức liên tiếp trong năm 2019. Ngoài ra tôi cũng có một dự án mang tên “Đất và Nước”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Video quá trình chuẩn bị cho buổi diễn “Vòng quanh thế giới”

 

 

NO COMMENTS

Leave a Reply