Hòa nhạc thể nghiệm “Biên giới mờ” – Trò chuyện cùng nghệ sĩ
Viết bởi Út Quyên cho Hanoi Grapevine
Ảnh do nghệ sĩ và nhà tổ chức cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài. Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép
Chương trình Hòa nhạc thể nghiệm “Biên giới mờ” tập hợp nhiều tên tuổi nổi bật của làng nhạc Đương đại Việt Nam sẽ ra mắt khán giả Hà Nội vào ngày 6.7.2019 tại hội trường L’Espace. Phóng viên Hanoi Grapevine đã có mặt tại một trong những buổi họp mặt của các nghệ sĩ trong nhóm và lắng nghe những chia sẻ của họ về việc thực hành nhạc thể nghiệm trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Chị Lương Huệ Trinh, người khởi xướng cũng là giám tuyển của chương trình cho biết: “Là nghệ sĩ chơi nhạc thể nghiệm thế hệ thứ hai ở Việt Nam, tôi có chút may mắn hơn các bạn khác vì có nhiều cơ hội trong việc hợp tác, trình diễn và xin được tài trợ để phát triển thực hành nhạc thể nghiệm. Vì thế tôi muốn tạo ra một sân chơi cho các nghệ sĩ của thế hệ mình và những người trẻ tuổi, có ít cơ hội hơn, được cùng nhau làm việc, trình diễn và đem nhạc thể nghiệm đến gần với công chúng hơn.” Buổi hòa nhạc có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ thế hệ thứ hai và thứ ba của nhạc đương đại Việt Nam từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi nghệ sĩ tham gia chương trình đến từ những nền tảng thực hành và có cá tính âm nhạc rất khác nhau. Mỗi một thể loại âm nhạc, một loại nhạc cụ họ theo đuổi cũng có ngôn ngữ thể hiện hết sức khác nhau. Họ sẽ phải tự sáng tác, tự dàn dựng tác phẩm, tự tìm cách kết hợp, đối thoại với nhau để tạo ra một tiếng nói chung.
Nguyễn Thanh Huyền là nghệ sĩ đàn tranh đã được đào tạo chuyên nghiệp từ năm 9 tuổi và đến với thực hành nhạc thể nghiệm khi tham gia khóa học Biểu diễn âm nhạc đương đại tại Việt Nam của Trung tâm âm nhạc thể nghiệm Đom Đóm năm 2013. Tuy không thường xuyên tham gia trình diễn trước công chúng trong một thời gian dài, cô vẫn luôn thực hành nhạc thể nghiệm, tự mình chơi, tự mình trở thành khán giả của mình – ‘một khán giả khó tính nhất’ – như Huyền chia sẻ. Quyết định tham gia buổi trình diễn lần này là quyết định bước ra khỏi vùng cô độc nhưng an toàn của bản thân để đem âm nhạc của mình đến với nhiều khán giả hơn. “Đây sẽ là lần đầu tiên tôi quay lại trình diễn nhạc Đương đại trước công chúng. Tôi luôn lo lắng về sự tiếp nhận của khán giả Việt Nam đối với thể loại âm nhạc quá mới mẻ, quá tự do này, lo lắng không biết mình có đóng góp được gì cho âm nhạc Đương đại Việt Nam hay không.”
Đối với một nghệ sĩ thực hành nhạc truyền thống từ năm 12 tuổi như Duy Rùa, nhạc Thể nghiệm vẫn còn quá mới mẻ, tuy nhiên cũng đem lại cho anh sự tự do chưa từng có trong việc thực hành âm nhạc. “Chơi nhạc Thể nghiệm tức là chấp nhận sự cô đơn vì thể loại âm nhạc này mang tính cá nhân rất cao, sẽ rất khó để tìm được sự chia sẻ kể cả từ đồng nghiệp cũng như từ khán giả.” – Duy cho biết. Anh vừa tốt nghiệp khóa học nhạc thể nghiệm mới nhất của Đom Đóm bằng buổi diễn báo cáo Thắp một tia Đom Đóm.
Nghệ sĩ Hương DonNa kể từ khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Đom Đóm năm 2013 cho đến nay vẫn chưa khi nào ngừng nghỉ trong việc thực hành âm nhạc thể nghiệm. Hương cho biết: “Những năm đầu tiên việc thực hành rất khó khăn: khán giả không có, sân chơi cũng không nhiều, một năm may ra có được hai đến ba cơ hội trình diễn. Điều này dẫn đến có rất nhiều những khám phá tìm tòi của bản thân không có cơ hội được đưa ra công chúng, được thử nghiệm hiệu quả để tiếp tục phát triển. Trong những năm gần đây, khán giả của nhạc thể nghiệm đã nhiều hơn, cơ hội để biểu diễn cho nghệ sĩ cũng tăng lên. Nhiều khán giả đến với nhạc thể nghiệm ban đầu chỉ vì tò mò, sau đó bắt đầu yêu thích. Tuy nhiên để đưa âm nhạc thể nghiệm đến với khán giả một cách sâu rộng hơn vẫn còn là một bài toán khó.”
Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận khán giả nghệ sĩ Hà Thúy Hằng bổ sung: “Ngay cả với nhạc sĩ, chưa nói đến việc theo đuổi thực hành nhạc thể nghiệm, việc tiếp nhận thể loại âm nhạc này thôi cũng luôn là một thách thức rồi.” Là một nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở rất nhiều thể loại nhạc cụ khác nhau, ban đầu tiếp xúc với nhạc thể nghiệm, Hằng thấy loại nhạc này ‘rất khó nghe’ vì nó quá khác lạ và dị biệt. Tuy nhiên vì “Bản thân tôi là người muốn khám phá những thứ mới lạ mà mình chưa từng làm bao giờ, nhạc thể nghiệm chính là một môi trường tuyệt vời tôi để thỏa mãn ham muốn đó.” Trải qua quá trình thực hành, chị đã nhận ra rằng âm nhạc không phải cứ có giai điệu đẹp thì mới là hay. Cũng giống như cuộc sống luôn có những thăng trầm, có cả hạnh phúc lẫn khổ đau, cả cái đẹp và những cái xấu xí. Cái hay của nhạc thể nghiệm chính là ở chỗ nó có khả năng truyền tới khán giả tất cả những cảm giác chân thực của cuộc đời. “Quá trình thực hành nhạc thể nghiệm cũng là quá trình khám phá bản thân, tìm cách biểu đạt bản thân, vì trong âm nhạc, không một thể loại nhạc nào lại khiến người nghệ sĩ phải đối diện với chính mình, phải phơi bày bản thân nhiều đến thế.” – Hằng nói.

Ảnh: Lê Thu Minh
Đặc tính tự do, không có khuôn khổ vừa là khó khăn, cũng là động lực thúc đẩy các nghệ sĩ trên con đường theo đuổi thể loại âm nhạc thể nghiệm. “Vì không hề có khuôn khổ, nghệ sĩ nhạc thể nghiệm cần phải có kinh nghiệm mới có thể tự tin để chơi hay được.” – Tuấn Nị, một thành viên trẻ trong nhóm hiện vẫn còn là sinh viên chuyên ngành Sáng tác tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho biết. Chính vì nhạc thể nghiệm không có quy định, không có lý thuyết nào để theo, nghệ sĩ chính là người tạo ra khuôn khổ mới – cũng chính là tạo ra một xu thế mới. Thực hành nhạc thể nghiệm giúp nghệ sĩ tự hoàn thiện bản thân để trở nên tự tin hơn, cảm nhận sâu sắc hơn, biết mình đang làm gì, và mong muốn gì. Đối với Tuấn, nhạc thể nghiệm đem đến cho anh nhiều cảm xúc hơn bất kỳ loại hình âm nhạc nào khác: “Trước kia khi thực hành nhạc trong nhà trường, có quá nhiều quy tắc cần phải theo, có những thứ tôi nghĩ tới mà không dám làm vì sợ sai. Nhưng với nhạc thể nghiệm, tôi có thể làm mọi thứ. Nó khiến tôi tự do hơn, dũng cảm hơn, dám nghĩ và dám làm hơn.”

Xuất phát điểm là một nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống, thực hành nhạc thể nghiệm giúp Duy Rùa nhớ lại nhiều thứ được học nhưng qua thời gian thực hành vì coi nhẹ, vì quen thuộc mà quên mất: chẳng hạn việc lắng nghe. “Khi chơi trong dàn nhạc, mọi thứ đều được quy định trong nhạc phổ, người nhạc sĩ chỉ cần đi theo nó cũng có thể hoàn thiện phần chơi của mình, do đó quên mất việc lắng nghe người khác, quên cả lắng nghe những âm thanh mà chính mình phát ra. Với nhạc thể nghiệm, đặc biệt với những tác phẩm chơi ngẫu hứng, nghệ sĩ bắt buộc phải lắng nghe chính mình và lắng nghe nhau để dẫn dắt bản nhạc phát triển.” Thêm vào đó, vì khi biểu diễn sẽ không có nhạc nhạc trưởng nào để điều khiển, không có nhạc phổ nào để đi theo, việc chơi ra sao, nên tạo ra âm thanh gì, nên dừng lại lúc nào, khi nào thì tiếp tục đều phải do nghệ sĩ tự mình quyết định. Nhờ đó khả năng chủ động sáng tạo của nghệ sĩ cũng được thúc đẩy.
Nhạc thể nghiệm là một vùng đất mới màu mỡ để mỗi nghệ sĩ có thể thỏa sức khai thác, thử sức mình, để tận hưởng những khoảnh khắc âm thanh va đập vào nhau không theo một quy luật nào. Buổi hòa nhạc “Biên giới mờ” sắp tới sẽ là cơ hội để họ xóa nhòa ‘biên giới’ giữa các thể loại âm nhạc, các nhạc cụ và các phong cách âm nhạc khác nhau để tạo nên một tiếng nói chung và cũng là cơ hội để khán giả có thể giải phóng bản thân khỏi những định kiến, thói quen, quy định và cả kỳ vọng, để tận hưởng vẻ đẹp của những va đập âm thanh bằng tất cả trái tim mình.
—————–
Chương trình Hòa nhạc thể nghiệm “Biên giới mờ” được sản xuất bởi Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace (Institut français de Hanoi – L’Espace) có sự tham gia của 10 nghệ sĩ đến từ Hà Nội và thành phố HCM: Nguyễn Thùy Dung – Đàn Tranh, Hà Thúy Hằng – Đàn Tranh, Nguyễn Thanh Huyền – Đàn Tranh, Nguyễn Thùy Chi – Đàn Bầu, Hương DonNa – Đàn Nguyệt/Vật Dụng (Objects), Duy Rùa – Đàn Môi & Sáo, Tuấn Nị – Violin, Hải Duy – Điện tử, Nguyễn Hồng Giang – Điện tử/Hình ảnh, Lương Huệ Trinh – Điện tử/Hình ảnh, với sự góp mặt của nghệ sĩ khách mời người Pháp Jean-David Caillouët – Điện tử/Hình ảnh đến từ Viện âm nhạc Princess Galyani Vadhana, Bangkok – Thái Lan.
Chi tiết chương trình: https://www.facebook.com/events/653027985169230/
Vé bán trực tuyến tại: http://bit.ly/biengioimo