Mở xưởng “Đừng Đứng”: Một tiếp biến truyền thống trong thực hành...

Mở xưởng “Đừng Đứng”: Một tiếp biến truyền thống trong thực hành của các nghệ sĩ trẻ

Đăng vào
0

Út Quyên viết cho Hanoi Grapevine, ảnh do ban tổ chức cung cấp
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Sự kiện mở xưởng “Đừng Đứng” khép lại dự án Tương lai của Truyền thống diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/7 tại VICAS Art Studio đã cho thấy một tiếp biến thú vị của các giá trị truyền thống qua 10 thực hành nghệ thuật đương đại của 11 nghệ sĩ trẻ.

Sắp đặt trình diễn của La Mai có thể coi là một trong những thực hành gần hoàn thiện nhất trong Mở xưởng. Lấy cảm hứng từ trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo Cổ Kim Nham, La Mai đã thực hiện một tác phẩm bao gồm ba phần. Phần thứ nhất những ghi chép cảm nhận của cô về trích đoàn chèo xem đi xem lại trong 38 ngày được đè chồng lên nhau cho tới lúc các ký tự hòa lẫn vào nhau, không còn phân biệt được – đây là phần nghệ sĩ nhập tâm vào trích đoạn chèo cổ, để thấy đồng cảm, thậm chí hóa thân làm một với Xúy Vân. Phần thứ hai, những ghi chép được phóng lớn, in cắt CNC trên chất liệu bìa formex. Bằng việc sử dụng công nghệ và chất liệu hiện đại, La Mai tách cảm xúc trong 38 ngày ghi chép của mình ra như một khách thể để quan sát. Phần thứ ba là một trình diễn kéo dài tại đêm khai mạc Mở xưởng, trong đó cô xuất hiện trong trang phục trắng, thực hiện các động tác lặp đi lặp lại suốt mấy tiếng đồng hồ dùng cát trắng lấp đầy các khe hở trên tấm bìa cứng in cắt CNC trải trên sàn.

Cát trắng được nghệ sĩ sử dụng như một chất liệu kết nối phần một và phần hai của tác phẩm. Mặc dù tất cả đều cùng một màu trắng, nhưng cát sẽ không thể nào xóa bỏ những dấu vết của các ký tự để lại trên bìa formex, cũng như dấu vết của truyền thống ở trong mỗi con người trải qua cuộc sống hiện đại, trải qua muôn vàn tiếp xúc khi lớn lên, trưởng thành cũng không thể nào mất đi. Ở tác phẩm này của La Mai, thời gian không được nhìn dưới dạng tuyến tính thông thường. Cô tin vào sự đồng hiện của quá khứ và hiện tại, và truyền thống không phải là một thứ gì đó tách rời, xa cách hay đối lập với hiện đại mà vẫn luôn hiện diện ở sâu thẳm bên trong mỗi con người.

Tác phẩm Mở phòng tập của Linh Valerie Phạm là một trình diễn khác, trong đó nghệ sĩ mời khán giả quan sát một buổi tập múa của một nghệ sĩ Tuồng (Nguyễn Đình Nam) và một nghệ sĩ múa đương đại (Hoàng Hà). Trong 45 phút đầu của màn trình diễn, các nghệ sĩ thực hiện những động tác chậm rãi và không quá phức tạp, và 45 phút sau, họ sẽ tập với mặt nạ bóng 3D dưới sắp đặt ánh sáng để tạo ra những nhân vật kỳ dị, lý thú in bóng trên tường. Khán giả có thể không hiểu hết được ngôn ngữ của múa cũng như những khái niệm tốt-xấu, đúng-sai, mâu thuẫn-dung hòa mà các nghệ sĩ đưa ra trong tác phẩm, nhưng chắc chắn sẽ bị thu hút bởi cuộc đối thoại giữa hai loại hình múa tưởng như không tìm thấy điểm chung đang cố gắng tìm hiểu nhau, khám phá, học tập lẫn nhau, và chuyển hóa ngôn ngữ hình thể và kể chuyện của bản thân.

Hai thực hành trình diễn của La Mai và Linh Valerie Phạm ở vị trí trung tâm, đã tạo ra cao trào cho đêm khai mạc Mở xưởng. Điều đáng tiếc là không gian của hai màn trình diễn quá gần nhau, một cái thì quá tĩnh và tối giản, một cái lại quá động và phức tạp dường như đã tạo ra khai khoảng không – thời khác biệt gây lúng túng không nhỏ cho khán giả trong việc để tâm quan sát tác phẩm.

Ở một góc khiêm tốn ngay lối vào không gian trưng bày các thực hành mở xưởng, Tuấn Nị mời khán giả bước vào tác phẩm của anh bằng cách đeo headphone để nghe và quan sát những chuyển động của âm thanh trên màn hình máy tính. “Cải thế nào thì Lương?” là một tiêu đề chơi chữ được đặt ra từ khám phá của nghệ sĩ về ý nghĩa của Cải Lương, trong đó anh được giải thích: Cải là biến đổi, Lương là tốt lên, và Cải Lương là loại hình nghệ thuật luôn luôn biến đổi và phát triển theo thời gian. Nếu như trước kia, các nghệ nhân Cải Lương đã dũng cảm đưa những nhạc cụ phương Tây vào trình diễn trong một loại hình loại hình sân khấu truyền thống thì Tuấn Nị cũng không ngần ngại khi thử nghiệm sử dụng phong cách âm nhạc hiện đại để cải biến âm nhạc Cải Lương.


Nghệ sĩ đã bóc tách các trích đoạn từ hai bài Cải Lương “Hò mái nhì qua Nam ai, Nam bằng”, “Chuyến đò vĩ tuyến”, sau đó trộn lẫn chúng vào với nhau trong một bài hòa tấu mang phong cách tối giản. Khán giả vừa có thể nghe được bản hòa tấu từ headphone, vừa có thể thấy được cách các đoạn nhạc giống hệt nhau lần lượt tham gia vào bản hòa tấu, cái trước lệch đi một nửa nhịp so với cái sau, từ phần mềm xử lý âm thanh trên màn hình máy tính. Sự đối lập giữa tính ngẫu hứng và phức điệu của âm nhạc Cải Lương với tính đơn điệu, máy móc của nhạc tối giản đã đem đến cho khán giả cảm giác vừa bức bối, vừa tức cười. Không thể gọi đây là một tác phẩm hay một bản nhạc, vì mọi thứ vẫn còn là thử nghiệm bước đầu dang dở. Nhưng bằng cách đặt vấn đề thú vị và hướng tiếp cận mới lạ, khán giả có thể hy vọng vào một tác phẩm âm nhạc thực sự “Lương” do được “Cải” lý thú của Tuấn trong tương lai.

Sắp đặt video Những mẩu đối thoại của Ngô Thu Hương là một cách diễn giải khác về nhân vật chèo Quan Âm Thị Kính. Nghệ sĩ đã tách nhân vật Quan Âm Thị Kính ra khỏi bối cảnh vốn có của nó, kết hợp với những found footage (đoạn phim quay sẵn) từ các nhân vật nữ trong các phim điện ảnh Việt Nam nổi tiếng thập kỷ 60-70. Qua đó, cô muốn đưa ra quan sát của bản thân về quan niệm của/về người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, đồng thời cũng thể hiện tiếng nói của một nghệ sĩ nữ về vị trí và vai trò của người phụ nữ – đối lập với những quan điểm về phụ nữ trong các tác phẩm nghệ thuật đều do nam giới viết ra và thực hiện. Việc tạo dựng một sân khấu bằng các lớp màn chiếu bằng lụa để trình chiếu video không chỉ tạo cho tác phẩm của Thu Hương một hiệu quả thị giác thú vị mà còn nhấn mạnh cảm giác đồng hiện của những hình ảnh người phụ nữ Việt từ quá khứ tới hiện đại. Khán giả rất có thể sẽ thấy bản thân mình là một trong những thân phận được phản chiếu lại trong những đồng hiện ấy.

Series truyện kể Giữa những dòng mùa bằng tranh và màu nước trên giấy của Ngô Thị Hải Yến đưa khán giả vào cuộc phiêu lưu thú vị và nên thơ qua những ẩn ức trong tiềm thức văn hóa của xứ sở nhiệt đới ẩm gió mùa của hai nhân vân Cốm và Nghê – Xù.

Ba bức sơn dầu của Nguyễn Linh Trang là một nỗ lực kết nối bản thân với những giá trị truyền thống mà trước đó cô luôn cảm thấy xa cách thông qua truyện cổ tích và phim điện ảnh.

Video múa của Trần Minh cũng là một nỗ lực khám phá bản thân thông qua những kết nối với truyền thống của một diễn viên trước đó đã có ba năm học múa dân tộc nhưng đã không mấy mặn mà, bởi chính định kiến của bản thân với truyền thống.

Phim tài liệu Nhìn thấy âm thanh của Nguyễn Quốc Hoàng Anh ghi lại hành trình theo sát bộ ba nhạc sĩ Việt Nam: Nguyễn Lê, Ngô Hồng Quang và Trung Bảo, những người đại diện cho phương Đông gặp gỡ tinh thần phương Tây và khám phá sự hồi sinh của văn hóa truyền thống và nghệ thuật hiện đại.

Sắp đặt video ba kênh của Thịnh Nguyễn đi tìm những tác động của việc di dời địa bàn cư trú lên những giá trị truyền thống cốt lõi của tộc người.

Sắp đặt Một góc nhìn hướng về Diêm Vương của của Lê Thu Minh và Nguyễn Diệp Thùy Anh mong muốn đặt “góc nhìn” này bên cạnh những ý niệm được coi/ gọi về cái chết nhằm tìm ra mối liên kết giữa quá khứ, truyền thống với hiện đại và tương lai.

Các thực hành được trưng bày trong Mở xưởng “Đừng Đứng” chưa phải là những tác phẩm trọn vẹn và cũng ở những giai đoạn rất khác nhau trên con đường hoàn thiện. Tuy nhiên, mỗi một thực hành đều thể hiện những phản hồi riêng của các tác giả trẻ trong việc đưa ra khái niệm về truyền thống cũng như việc bóc tách các giá trị, chất liệu, lớp nghĩa của truyền thống để đưa vào trong việc thực hành nghệ thuật đương đại của bản thân. Qua đó khán giả cũng sẽ ít nhiều khám phá những giá trị truyền thống đang ngày một xa lạ với giới trẻ trong một xã hội hiện đại hóa và toàn cầu hóa, tái kết nối bản thân tới những giá trị này, đồng thời đi tìm một tương lai của truyền thống cho riêng mình.

NO COMMENTS

Leave a Reply