Công diễn vở ballet “Hồ Thiên Nga” tại Việt Nam: hàng trăm nghệ sĩ, hàng ngàn giọt mồ hôi và một kiệt tác
Viết và ảnh bởi Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép
Kể từ khi thành lập vào ngày 6/8/1959, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Đánh dấu mốc son 60 năm lao động và cống hiến miệt mài cho nghệ thuật nước nhà, toàn bộ thành viên trong “đại gia đình” VNOB đang miệt mài chuẩn bị để lần đầu tiên mang đến cho khán giả trọn vẹn kiệt tác ballet hùng vĩ “Hồ Thiên Nga” của nhà soạn nhạc Tchaikovsky vào ngày 07/10/2019.

142 năm sau lần công diễn đầu tiên tại Moskva, vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” đã được tái hiện với nhiều phiên bản khác nhau tại hàng trăm nhà hát khác nhau trên thế giới. Con số này cho thấy kiệt tác này đã trở thành một quy chuẩn của nét đẹp phương Tây, của nhân loại, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn phải đạt tới bậc điêu luyện. Lần đầu tiên vở ballet này được trình diễn đầu đủ ở Việt Nam là năm 1985 dưới sự dàn dựng của chuyên gia người Nga. Từ đó tới nay, “Hồ Thiên Nga” vẫn là một thách thức không nhỏ đối với các nghệ sĩ và biên đạo ballet Việt Nam. Họ chỉ có thể biểu diễn những trích đoạn ngắn, nếu dài hơn thì phải mời các đoàn ballet của Nga. Điều này vừa là khó khăn, vừa là mục tiêu nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam. Kể từ khi về đảm nhận quyền lãnh đạo VNOB (3/2018), NSƯT Trần Ly Ly đã nuôi tham vọng đưa toàn bộ “Hồ Thiên Nga” lên sân khấu Việt, trình diễn hoàn toàn bởi người Việt. Đây là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ các thành viên nhà hát. Bất chấp sự thiếu thốn về tiền bạc, mỗi cá nhân đều dốc hết sức mình để đạt được trình độ kỹ thuật tiêu chuẩn châu Âu. Chính vì vậy, lần công diễn “Hồ Thiên Nga” này không chỉ thể hiện niềm vinh dự lớn lao của các thành viên nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập mà còn đánh dấu một bước chuyển mình của nền ballet Việt Nam nói chung.
“Ballet cũng giống như một bộ môn thể thao” – Biên đạo múa Lê Ngọc Văn
Là đạo diễn và diễn viên múa hàng đầu tại Royal Ballet London (Đoàn ballet Hoàng gia London), Lê Ngọc Văn đảm nhiệm vai trò biên đạo múa cho phiên bản “Hồ Thiên Nga” lần này. Để giúp những cô gái người Việt hóa thân thành những nàng thiên nga Nga, anh đặt ra chế độ luyện tập với kỷ luật cao, cải thiện nhược điểm của từng diễn viên về cả kỹ thuật và vóc dáng. Biên đạo Lê Ngọc Văn chia sẻ: “Ballet cũng giống như một bộ môn thể thao. Nếu chúng ta chỉ làm hời hợt trong lúc luyện tập, chỉ thực sự bỏ công sức vào hôm biểu diễn thì chắc chắn sẽ không tốt. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam hy vọng có thể mang đến một vở Hồ Thiên Nga khiến khán giả phải khâm phục. Đó cũng là điểm mốc để sau này chúng ta có thể thưởng thức ballet một cách đầy tự hào về các nghệ sĩ của chúng ta.”

Những điều xa xỉ chẳng thể mua bằng tiền
Cùng “góp mồ hôi” còn có 60 nghệ sĩ dàn nhạc chơi sống trong suối thời gian gần ba tiếng của buổi diễn. Đây là điều rất khó đối với nhân lực, vật lực của Việt Nam. Có thể nói là một điều xa xỉ.
“Những buổi tập của mọi người rất dài. Anh Văn tập với đoàn múa cũng luôn tập quá giờ và thêm buổi. Dàn nhạc nhìn thấy điều đó cũng không thể nào tập thiếu buổi. Đó là áp lực thúc đẩy tất cả cùng làm việc. Các phiên bản “Hồ Thiên Nga” khác nhau trên thế giới đều rất hùng vĩ. Nếu đánh sai thì không thể chấp nhận được. Việc luyện tập không thể đong đếm bằng số phút, số giờ, số tiền. Nó không bao giờ bằng được công sức của các anh chị em. Những buổi tập quá giờ, mình thấy mọi người đều mệt rồi nhưng vẫn không ai đòi về. Nhạc cụ của mình cũng không được đầu tư như ở nước ngoài. Chúng tôi có gì dùng nấy.
“‘Hồ Thiên Nga là tác phẩm của người Nga, đã thấm vào con người họ cả trăm năm. Người nhạc trưởng cũng phải truyền cho dàn nhạc cái hồn ấy để họ hiểu và thể hiện được trên sân khấu. Nốt nhạc của Tchaikovsky viết ra thì không thể đánh sai được. Ông ấy yêu tất cả các diễn viên, dành đều cho họ những phần khó nhất. Nó phải trả giá bằng nỗ lực thời gian từ việc đánh đúng nốt nhạc cho tới việc đánh đúng tinh thần của tác phẩm. Vậy nên sau mỗi giờ tập ở nhà hát và sau khi đã lo xong việc gia đình, các anh chị em lại tập thêm nữa. Anh concert master đã tâm sự rằng anh đã phải thức không biết bao nhiêu đêm để tới được lúc ghép các phần của dàn nhạc lại với nhau.” – nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Một khó khăn nữa là không có dàn nhạc giao hưởng nào ở Việt Nam có đủ người để chơi trọn vẹn vở ballet “Hồ Thiên Nga”. Dàn nhạc của VNOB thiếu rất nhiều những vị trí trong bộ đồng như Tuba, Trombone, kèn Cor và đã phải kêu gọi thêm nhân lực từ những mối quan hệ thân quen.
Ở vở “Hồ Thiên Nga”, Tchaikovsky viết ít nốt nhưng kỹ thuật lại khó hơn. Người Nga có thân hình to lớn, có thể thổi những nốt kèn Cor với trường độ rất dài. Nhạc công Việt Nam người thì mỏng, sức và nền tảng kỹ thuật chắc chắn yếu hơn họ. Cái đó cũng là vấn đề khiến đội ngũ phải luyện tập rất nhiều để khắc phục.
Sau khi ngấm được tinh thần của tác phẩm thì dàn nhạc sẽ ghép với dàn múa. Biên đạo múa Lê Ngọc Văn đã chọn một phiên bản múa rất gai góc. Điều này khiến cho việc biên soạn phần nhạc cũng trở nên gai góc không kém. Vì công phu như vậy nên trong buổi tập chỉ cần thiếu 1 người trong số các thành viên của hai dàn thôi cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để phổ biến lại.
Giây phút lộng lẫy dưới ánh đèn
Lau đi những giọt mồ hôi, các diễn viên sẽ khoác lên mình những bộ trang phục kỳ công để mang đến cho khán giả những trải nghiệm thị giác trọn vẹn. 100 bộ trang phục theo kiểu Ý với họa tiết điểm nhất là bông hoa sen, trải qua 9 công đoạn từ việc cắt họa tiết, in 3D, dập vào vải, khâu, dán,…
Hàng trăm nghệ sĩ của nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vẫn đang đổ hàng ngàn giọt mồ hôi để lần đầu tiên khán giả Việt Nam có thể thưởng thức trọn vẹn kiệt tác sân khấu “Hồ Thiên Nga” với đội ngũ hoàn toàn là nghệ sĩ Việt Nam. Một sự khẳng định vững chắc cho sứ mệnh phục vụ và cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.