Điểm mặt bốn nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình “Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”
Bài: Cao Tùng Lê, ảnh: Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép
“Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019” của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và cộng đồng nghệ thuật, mới đây ra mắt triển lãm “Ươm” (diễn ra từ ngày 8/11 đến hết ngày 25/11/2019). Nhân dịp này, mời bạn đọc cùng làm quen với 04 nghệ sĩ trẻ của chương trình.
Hà Thúy Hằng
Hà Thúy Hằng sinh năm 1989, bắt đầu học piano cổ điển năm 12 tuổi. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2014, cô theo học khoá đào tạo của Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Domdom. Hà Thuý Hằng là một trong số 7 nghệ sĩ trẻ của Việt Nam được Hội đồng Anh lựa chọn tham gia FAMLAB 2018 thuộc dự án Di sản Kết nối. Cô đồng sáng lập và điều hành dự án “Tương lai của Truyền thống” – được bảo trợ bởi Quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh. Hằng quan tâm về tính đương đại trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, luôn tìm tòi, sáng tạo cách chơi ngẫu hứng của riêng mình – ứng tác chất liệu từ âm nhạc và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam với âm nhạc điện tử và âm nhạc mới.
Hà Thúy Hằng tham gia Triển lãm “Ươm” bằng tác phẩm sắp đặt đa phương tiện kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh, và một tác phẩm trình diễn có tên “Những rung động chậm”. Nói về nguồn cảm hứng cho tác phẩm, Hà Thúy Hằng cho biết:
Trong dự án nghệ thuật FAMLAB 2018 của Hội đồng Anh, tôi có chuyến đi thực địa tìm hiểu âm nhạc cồng chiêng của người Ba-na và âm nhạc nghi lễ của người Chăm. Tiếp xúc với âm nhạc dân tộc truyền thống của Việt Nam, có khi nghe tiếng đàn mà tôi chảy nước mắt. Mỗi nghệ nhân dân tộc sở hữu một cách chơi đàn riêng, gửi gắm tâm tư, tinh thần và đời sống cá nhân của họ vào trong tiếng đàn. Khi đến nhà họ, ăn cơm, nói chuyện, nghe họ chơi đàn, tôi thấy rằng nghệ thuật, tiếng đàn của họ đúng là con người họ.
Tiếp đó, tôi cảm nhận được cuộc sống ngày xưa rất chậm rãi, cả về không gian lẫn thời gian. Những người nghệ nhân dân tộc tôi từng tiếp xúc đã nắm giữ được tinh thần đó của đời sống và tái hiện nó qua tiếng đàn. Tất cả những lý do này truyền cảm hứng cho tôi tái cấu trúc âm nhạc của họ, tạo thành bản nhạc mới.
Qua việc chơi đàn thể nghiệm ngẫu hứng, tôi bộc lộ được bản thân, nói được tiếng nói cá nhân, điều tôi không làm được với nhạc cổ điển. Nhạc thể nghiệm rất lạ, kỳ quái, khó nghe lúc đầu, khác âm nhạc tôi đã được học và được đào tạo, nhưng chính điều đó đã thu hút tôi.
Nguyễn Đình Phương
Nguyễn Đình Phương sinh năm 1989, tốt nghiệp khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2016. Khi còn là sinh viên, anh có những cuộc chạm trán thú vị với người dân địa phương từ thành phố đến nông thôn, và cả miền núi. Tư liệu hình ảnh về những câu chuyện này đã được anh ghi lại và dựng thành tác phẩm video. Năm 2017, anh có chuỗi trình diễn tại các vùng nông thôn, đặt ra câu hỏi về chuyển động của cơ thể trong mối quan hệ với sự biến đổi về nhận thức và thấu hiểu về không gian cũng như sự hình thành của thế giới. Phương đã tham gia vào một số hoạt động nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong đó có triển lãm tại Heritage Space, Á Space, Liên hoan nghệ thuật trình diễn IN:ACT tại Nhà Sàn Collective (Hà Nội, 2018) và liên hoan nghệ thuật trình diễn NIPAF 2019 (Nhật Bản).
Góp mặt trong nhóm 4 nghệ sĩ trẻ của “Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”, Nguyễn Đình Phương không tham dự triển lãm Ươm lần này. Tác phẩm của anh sẽ được giới thiệu tới công chúng trong một chương trình sắp tới của VCCA. Nói về tác phẩm của mình, Phương cho biết:
Từ trước tới nay, tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam thường có ẩn ý, ẩn dụ, rất khép kín và là một tác phẩm trọn vẹn, đúng y như một cái vòng tròn. Họ thường làm việc trong nhà theo phương trình vẽ tranh và đem ra gallery, triển lãm. Nghĩa là đem cái câu chuyện, tư tưởng của mình đến đặt tại một không gian khác, thiếu đi sự mở, sự cộng dồn để tỏa ra xung quanh.
Tôi muốn làm ngược lại, tức là tính ứng biến. Tác phẩm của mình đặt trong một không gian, không gian đó như thế nào, có những cái gì; mình lợi dụng không gian đấy để nói lên câu chuyện cá nhân. Suy nghĩ ngắn, ý tưởng nảy sinh trong giây phút, không chuẩn bị triết lý, quan điểm xã hội. Tôi quan sát không gian, những tình huống xảy ra xung quanh, có hình thức như nhái lại, bắt chước. Đó là hình dáng của tinh thần: đi đến đâu, có cái gì, dùng cái đấy.
Đoàn Văn Tới
Sinh năm 1989, Đoàn Văn Tới tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Anh thực hành ngôn ngữ hội hoạ, sử dụng chất liệu đa dạng như lụa, sơn dầu, chất liệu tổng hợp… Anh quan tâm tới phong cảnh, đặc biệt là những cánh đồng rộng lớn, và cách mà kí ức cá nhân/tập thể được hiển lộ qua phong cảnh đó. Một số triển lãm nổi bật anh từng tham gia: Triển lãm Quốc tế Màu nước (IWS) tại Hà Nội (2015), Liên hoan nghệ thuật tại Pulau Ketam, Malaysia (2016), Triển lãm Đồng chất tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (2016), Triển lãm màu nước kỷ niệm 234 năm thành phố Rattanakosin tại Bangkok, Thái Lan (2016). Anh từng đạt nhiều giải Triển lãm Sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giải nhì triển lãm Hải Phòng; ngoài ra anh có thời gian tham gia lưu trú sáng tác tại Singapore.
Đoàn Văn Tới gây ấn tượng tới công chúng trong triển lãm “Ươm” lần này bằng bức tranh khổ lớn “Cánh đồng” có kích thước 3m x 12m. Anh chia sẻ về phong cách hội họa của mình:
Khi đứng trước cánh đồng hoang hoải, đất đá xù xì, tôi cố gắng vẽ lại cảm giác của mình trước trạng thái đó. Quá trình thực hành tranh của tôi là quá trình tái hiện, cấu trúc lại cảm giác trừu tượng.
Chúng ta, đôi khi đứng trước một bức tranh hoàn toàn màu đỏ, tự huyễn hoặc rằng đây là màu của máu, của chết chóc, của trái ngọt, tình yêu. Thực tế, kinh nghiệm sống quyết định tư duy và cảm quan của mỗi người. Tranh của tôi tái hiện cảm nhận chủ quan trước hiện thực khách quan không đổi.
Tôi bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ trừu tượng biểu hiện bởi họa sĩ hậu chiến người Đức Anselm Kiefer, trong cách ông sử dụng vật liệu. Ở Việt Nam thì có nhiều họa sĩ như Hà Mạnh Thắng, Phùng Quốc Chí.
Châu Lê Hoàng Gia
Châu Lê Hoàng Gia sinh năm 1995, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Đại học Nghệ thuật Huế, là nghệ sĩ thị giác hiện sinh sống và làm việc tại Gia Lai. Anh nghiên cứu và khám phá các ngôn ngữ khác nhau cho thực hành sáng tác, trong đó có video art, điêu khắc, trực họa… Các tác phẩm của Gia là hành trình chất vấn về vị trí của cá nhân trong môi trường xung quanh, thông qua thực hành quán chiếu những sự vật, hiện tượng mà mình nghe, thấy, và cảm nhận để hiểu rõ hơn về sự hiện diện của bản thân trong bối cảnh sống.
Đến với triển lãm “Ươm”, Châu Lê Hoàng Gia sử dụng ba loại ngôn ngữ nghệ thuật, gồm điêu khắc, hội họa và video. Nói về sự đa dạng sáng tác của của mình, anh cho biết:
Vừa tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, tôi đang phân vân giữa các ngôn ngữ nghệ thuật để tập trung phát triển. Khi được lựa chọn tham gia “Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”, tôi xác định không lấy lại những kiến thức đã học ở trường, thay vào đó học và thử nghiệm các hình thức nghệ thuật mới. Cũng rất may mắn, trong khuôn khổ chương trình lần này, Giám đốc Nghệ thuật VCCA Mizuki khuyến khích tôi thử nghiệm mọi điều mới, và trên hết cho cơ hội để làm điều đó. Đó là lý do tôi sử dụng nhiều loại ngôn ngữ nghệ thuật cho triển lãm lần này của mình.
PV: Điều gì duy trì sự thống nhất giữa ba ngôn ngữ nghệ thuật này?
Điều duy trì xuyên suốt là sự chất vấn về vị trí của con người trong môi trường tự nhiên, và chất liệu nghệ thuật, đó là cây bời lời. Khi tôi dùng gỗ cây bời lời để làm điêu khắc, tự thân gỗ bời lời đã có câu chuyện, hành trình để kể, tôi chỉ thêm vào đó câu chuyện cá nhân của mình. Lá cây bời lời lại tiết ra chất nhớt, tôi đã sử dụng như một loại dung môi kết dính các ‘hạt màu’ để vẽ thành tranh. Trước đây, tôi hay vẽ tranh theo kiểu truyền thống, nhưng lần này sử dụng chất liệu màu tự nhiên; dùng than củi, lá cây giã ra để làm màu.
PV: Cảm nhận của anh khi được lựa chọn tham gia “Chương trình Ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng VCCA 2019”?
May mắn. Trước đây, tôi ở Huế, chỉ đi học và làm việc ở trường, ít có cơ hội tham gia chương trình như thế này và tiếp xúc với nghệ sĩ khác, nên kiến thức rất hẹp. Tôi tham gia chương trình với thái độ sẵn sàng học hỏi mọi thứ, mở mang tầm nhìn. VCCA lập ra một giáo án chuyên môn rất tốt, giúp tôi học những căn bản đầu tiên, và đi theo tôi rất sát trong quá trình thực hành cá nhân. Tôi ở Gia Lai, nhưng khoảng cách địa lý gần như không phải vấn đề, vì VCCA hỗ trợ kinh phí đi lại. Ngoài các buổi học, khi trở về, tôi thường xuyên liên lạc, gọi điện, gửi mail, trò chuyện với các giám tuyển.
Rất cảm ơn VCCA đã tạo điều kiện thử nghiệm và đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường gần một năm vừa rồi, và cả trong tương lai sắp tới.