Home Ý Kiến Lặng yên san sát: suy ngẫm đằng sau quá trình xem… đàn...

Lặng yên san sát: suy ngẫm đằng sau quá trình xem… đàn bà đẻ

Đăng vào
0

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

“Đàn bà đẻ” là cách tôi gọi những con ốc bươu vàng đẻ trứng ngược lên trên trong triển lãm của Đặng Thùy Anh. Chúng hiện diện trong các tác phẩm sắp đặt biệt vị, điêu khắc, ảnh và video theo nhiều cách khác nhau. Người ta dễ dàng cảm thấy có sự liên kết giữa những “đàn bà đẻ” và không gian tạo bởi các đường thẳng mà Thùy Anh sắp xếp.

“Đàn bà đẻ” – ốc hay người?

Ốc bươu vàng là loài khá nổi tiếng ở Việt Nam. Chúng xuất hiện từ những năm 1980 với “nhiệm vụ” làm thức ăn cho gia súc. Nhưng chúng đã mẫn cán “vượt chỉ tiêu” bằng đặc tính bất chấp tất cả để sinh trưởng, rồi trở thành hiểm họa của nông nghiệp. Khác với bề ngoài chậm chạp, chúng tinh quái ẩn náu nơi khó phát hiện, sống về đêm, cắn ngang thân lúa, ăn trụi theo đám. Qua một đêm, chúng để lại trăm ngàn trứng ốc màu hồng cánh sen với tỉ lệ sống rất cao. Tới nay, ốc bươu vàng vẫn bị liệt vào danh sách cấm nuôi.

Đến đây, chắc hẳn bạn đọc cũng lờ mờ nhìn ra điểm tương đồng của ốc bươu vàng và loài người.

Cũng là loài “cấp thấp” có số lượng bình đẳng với loài khác, loài người nhanh chóng tiến hóa và thống trị Trái Đất. So với hổ báo, con người kém xa về khả năng chạy nhanh. So với các loài dưới nước, con người không thể lặn sâu. Tuy thế, loài người đã phát triển vượt bậc, trở thành kẻ độc tài tham lam. Tỉ lệ sinh nở của “đàn bà đẻ” – người không kém cạnh “đàn bà đẻ” – ốc. Ở góc nhìn của nhiều loài khác, con người là một hiểm họa.

Không gian của chuỗi Rồi sẽ hóa hư vô, bao gồm Sẽ không bao giờ nữa (Ảnh kĩ thuật số trên giấy in), Chờ (Trứng ốc trong khối nhựa epoxy resin) và Nấp (Tôn xây dựng).

Trong suy tư của mình, Thùy Anh mang “đàn bà đẻ” – ốc vào nhiều thử nghiệm để từ đó nghĩ về “đàn bà đẻ” – người. Là hàng ngàn sắc thái của ốc trong những tấm ảnh thẻ chuẩn mực, sắp ngay hàng thẳng lối (Sẽ không bao giờ nữa, thuộc Rồi sẽ hóa hư vô). Mỗi hình có lẽ là một con ốc khác nhau nhưng trông giống nhau đến kì lạ, theo cách nhìn của loài khác phóng chiếu vào (tương tự như loài khác nhìn vào ảnh thẻ của loài người). Là đám “đàn bà” ốc đang đẻ (video Ngày dọc, thuộc Tất cả những gì kiên cố), từ từ khai hoa nở nhụy, phóng những quả trứng hồng ngược chiều trọng lực, đều tăm tắp như hạt ngô lên chủ thể. Người ta có thể thấy những “đàn bà đẻ” – ốc đang bò dọc bò ngang bể kính (Chậm trôi, thuộc Tất cả những gì kiên cố – một sắp đặt gồm tấm băng cát-sét bỏ đi, nạo hoa quả hỏng, bóng đèn vỡ…) bỗng chốc trở thành đại diện của “đàn bà đẻ” – người trong một thế giới giả lập.

Thế giới thẳng và vuông góc

Triển lãm của Thùy Anh còn có một điểm thú vị khác đến từ cách sắp xếp không gian. Những đường thẳng song song và góc vuông ứng dụng khi bài trí là một yếu tố bổ trợ hoàn hảo cho suy tư về ốc – người.

Hàng ngàn “ảnh thẻ của ốc” trên tường

Trong không gian đầu tiên, những tấm ảnh thẻ (Sẽ không bao giờ nữa, thuộc Rồi sẽ hóa hư vô) mô tả những byte dữ liệu đơn giản và đơn điệu về một (nhiều) con ốc như dãy số 0101, nhìn xa giống như một tòa chung cư vài chục tầng với hàng trăm cửa sổ giống nhau y đúc.

Đám trứng ốc nhốt trong khối nhựa epoxy resin (Chờ, thuộc Rồi sẽ hóa hư vô) dưới sàn nhà cũng y hệt: thẳng thớm, đóng khuôn, bất động. Chẳng khác đám trẻ con đô thị bị nhốt trong nhà, luôn phải ở trong tầm kiểm soát dù ngột ngạt, không có oxy để nở bung, nhưng an toàn.

Những “đứa trẻ ốc” bó buộc mình trong sự bao bọc

Bước vào không gian thứ hai, cảm giác như chỉ cần có thêm một cánh cửa đóng lại sau lưng là người xem sẽ thấy mình rơi vào những đường thẳng và góc vuông khô cằn, cứng nhắc hơn gấp bội. Những tấm tôn với sọc thẳng xen sọc ngang, chằng chéo phản chiếu dưới sàn, trên nền tường đối diện thông qua ánh sáng, bọc người xem vào một tấm lưới ngột ngạt tạo nên bởi vật liệu giả kính.

Loài người, kể từ khi phát hiện ra kính có thể ứng dụng trong kiến trúc, đã biến không gian sống của mình trở nên minh bạch hơn, nhưng đồng thời cũng kém riêng tư hơn. Bằng tác phẩm này, Thùy Anh mô tả lại cảm giác bối rối của cô khi đứng dưới chân những tòa nhà cao tầng – một thành tựu tương phản triệt để với căn nhà tập thể tứ đại đồng đường mà cô đang sống. Ở những tòa nhà kính, cô hiếm khi nhìn thấy những nếp gấp thời gian của một mảng rêu, một khoảnh sân ngập nắng hay một tiếng cười trong veo của con trẻ. Đơn giản vì người ta đến và đi quá nhanh. Người sau xóa hết kí ức của người ở trước. Những tòa nhà kính, với ưu điểm dễ làm sạch, đồng thời sở hữu luôn khuyết điểm dễ rửa trôi, quên lãng. Vì thế mà, nhà phê bình kiến trúc Justin Davidson đã nói kính thiếu đi “… khả năng thẩm thấu lịch sử và kí ức, để rồi phóng chiếu nó vào hiện tại”.

Không gian của chuỗi Tất cả những gì kiên cố
Video “đàn bà đẻ” – ốc, Ngày dọc

Tưởng chừng hai chủ thể – ốc và đô thị – chẳng hề có liên kết. Nhưng cuối cùng, ốc đã là một “diễn viên” tuyệt vời trong một đô thị giả lập, để từ đó, phóng chiếu lên thế giới loài người.

Triển lãm thú vị này của Đặng Thùy Anh hoàn thành sau 2 năm chiêm nghiệm, khám phá, hiện đang mở cửa đón khách tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, từ nay tới hết 19/01/2020. Đây cũng là một phần của chương trình Materialize, một chương trình do The Factory khởi xướng năm 2007 dành cho nghệ sĩ từ 23 tuổi, sinh ra và sinh sống tại Việt Nam. Materialize tạo cơ hội trưng bày chuyên nghiệp cho nghệ sĩ Việt chưa từng giới thiệu tác phẩm tới công chúng, trong bối cảnh địa phương còn thiếu cơ sở vật chất lẫn cơ hội nghệ thuật.

Không gian sống của ốc trong triển lãm, chính là không gian sống của chúng ta – sống trên đống rác ngày này qua ngày khác

Đặng Thuỳ Anh (1996, Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2019), chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ. Cô bắt đầu đến với nghệ thuật bằng các thực hành trình diễn từ năm 2017, sau đó tiếp tục khám phá và thể nghiệm với nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh, các phương pháp thực hành nghệ thuật mang tính vị niệm. Quan tâm của cô xoay quanh mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, những motif thị giác bị hiểu dập khuôn và ảnh hưởng của định kiến xã hội lên các quan niệm về giới. Ngoài ra, Thùy Anh thường sử dụng các cá thể sống, chính bản thân mình, cũng như những lưu trữ cá nhân làm chất liệu trong thực hành nghệ thuật.

NO COMMENTS

Leave a Reply