Triển lãm “Hồn xiêu phách lạc”

Triển lãm “Hồn xiêu phách lạc”

Đăng vào
0
Tác phẩm của Lã Bá Quân

Khai mạc; 17:00, thứ năm 12/12/2019
Triển lãm: 09:00 – 12:00 và 13:30 – 17:00, 12 – 29/12/2019
VICAS Art Studio
32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Thông tin từ nhà tổ chức:

Những tưởng ở xã hội ngày nay, khi khoa học tự nhiên cũng như xã hội và nhân văn đã phát triển, thì con người đã được giải phẫu/giải mã ở mọi phương diện, nhưng trên thực tế lại không phải vậy, thậm chí ngược lại, càng ngày người ta càng nhận thấy những tư tưởng duy vật, những khoa học không tiếp cận được những khía cạnh tâm linh rất phức tạp và bí hiểm của con người.

Con người là một thực thể phức hợp bao gồm phần xác và phần hồn (hồn và vía/ phách), theo quan niệm dân gian, phần linh hồn là phần tinh thần của con người. Hồn và vía luôn tồn tại cùng thể xác khi người ta còn sống, khi người ta chết thì hồn và vía mới tách khỏi thân thể, có thể nói phần hồn mới là phần quyết định nhân cách con người.

1. Trong thành ngữ tiếng Việt có câu “hồn xiêu phách lạc” để diễn tả trạng thái mà con người bị mất hết tinh thần và sinh lực do sự sợ hãi. Trong phong tục dân gian có câu mắng “liệu cái thần hồn!”, hay phong tục “gọi hồn” … là biểu thị cái ý coi trọng phần hồn, nếu phần hồn vì một lý do nào đó bị tổn thương, bị thất lạc hay bị xâm chiếm bởi một phần hồn khác xấu hơn thì con người đó dù chưa chết cũng “thân tàn ma dại”.

Người Việt, ai lớn lên đều biết điều đó dù nó không được dạy trong bất cứ một trường học nào. Họa sỹ Lã Bá Quân cũng vậy, điều khác biệt chỉ ở chỗ: anh có năng lực để thể hiện những trải nghiệm của mình thông qua những tác phẩm hội họa. Dĩ nhiên, không ai có thể nhìn thấy phần hồn vốn vô hình, họa sỹ chỉ có thể nhìn thấy và biểu hiện điều đó thông qua thân xác: Những khuôn mặt, những thân thể ứng với những trạng thái hồn, vía tích cực hay tiêu cực khác nhau.

Đó có thể là những khuôn mặt bị bôi nhòe, bị “băm nát”, vô nhân xưng bằng các vệt màu lớn, biểu hiện trạng thái “thất thần” hay “hồn xiêu phách lạc”, có những cơ thể đang ở trạng thái giống như tan chảy thể hiện trạng thái hồn vía đang từ từ lìa khỏi xác, lại có những tác phẩm diễn tả những năng lượng xấu giống như những linh hồn quỷ dữ (để biểu hiện sự xâm chiếm của những linh hồn xấu hoặc sự trỗi dậy của những phần hồn xấu, tiêu cực trong phần hồn của một con người (những phần hồn bị tha hóa bởi dục vọng, bởi ma túy), hay ngược lại, có những tác phẩm lại biểu hiện những năng lượng tích cực trong linh hồn của con người.

Ai biết phong cách hội họa của Lã Bá Quân trước đây sẽ thấy sự chuyển biến mạnh về tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật của anh ấy:
* Chuyển từ hội họa biểu hình (những hình người ở các dạng bị bóp méo, biến dạng nhưng vẩn phản ánh một tính cách nào đó của con người trong hiện thực) sang gần với hội họa phi biểu hình để trừu tượng hóa những trạng thái của hồn vía;
* Về mặt bút pháp, anh ấy vẫn tiếp tục bút pháp quen thuộc của mình (nhanh, mạnh với những mảng màu lớn, dày) nhưng cực đoan hơn;
* Về mặt màu sắc, anh ấy cũng cho thấy sự khác biệt với những tác phẩm ở những thời kỳ trước: kiệm màu, tăng sắc, giảm các màu nóng/ sáng, tăng màu lạnh/ tối.

Tôi cho rằng đây là một sự đột phá mạo hiểm, có tính chất dấn thân của người nghệ sỹ và thật may, nó đã thành công và thực sự làm nên một Lã Bá Quân khác trước, mới mẻ hơn, có thể đi xa hơn. Với loạt tranh mới này, Lã Bá Quân đã tạo được thêm một giọng điệu độc đáo cho hội họa đương đại Việt Nam, nó đã tạo được ấn tượng thị giác phức hợp, đó là sự hài hòa giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa những năng lượng tích cực và những năng lượng tiêu cực, giữa lý trí và trực giác, giữa trạng thái hưng phấn và sợ hãi…

Tác phẩm của Nguyễn Thành

2. Cũng nói về phần hồn nhưng họa sỹ Nguyễn Thành lại không thể hiện hồn, vía của các cá nhân mà là của xã hội, chính xác hơn là những trạng thái vô thức tập thể, chúng tác động đến “tâm thức” (mentality) của người Việt hiện nay. Lần triển lãm này, anh không vẽ mà làm điêu khắc: Những tượng bán thân với khuôn mặt vô nhân xưng, vô hồn và gắn ở trên đầu là những đồ vật: những khẩu súng như biểu tượng của chiến tranh, những con rồng, con phượng hay xà gồ ở đình chùa miếu mạo như những biểu tượng bền vững của truyền thống. Một cách dễ dàng, ai cũng có thể cảm nhận những tác phẩm này nói về nỗi ám ảnh chiến tranh của một dân tộc đã từng chịu nhiều đau thương ở nhiều cuộc chiến, hoặc cảm nhận thấy sự trữu nặng của truyền thống. Vì thế, tôi cho rằng, điều mà tác giả muốn nói ở từng tác phẩm không phải chỉ là những ẩn dụ, những nét mới mẻ trong tạo hình hay những kỹ thuật làm bề mặt cho các bức tượng, mà là những câu hỏi hay sự đối thoại với khán giả sau khi xem tác phẩm: Có hay không những trạng thái tinh thần xã hội: “thất hồn”, “hồn xiêu phách lạc”? Tại sao, khi chiến tranh đã lùi xa vài chục năm, mà những trạng thái tinh thần ấy vẩn ám ảnh trong tâm thức của người Việt? Một dân tộc không thể không có truyền thống, nhưng làm thế nào để nó không trở thành lực cản, gánh nặng cho quá trình phát triển xã hội?

Hà Nội, 30 tháng 10 năm 2019

Bùi Quang Thắng
Giám đốc nghệ thuật Vicas Art Studio

VICAS Art Studio (Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại)
32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
Giờ mở cửa: thứ hai – chủ nhật (09:00 – 12:00 và 13:30 – 17:00)

NO COMMENTS

Leave a Reply