Bảy tỉ năm “đi giữa đại dương, đi giữa ngân hà”

Bảy tỉ năm “đi giữa đại dương, đi giữa ngân hà”

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Cụm 24 tranh sơn mài đưa khán giả đi giữa ngân hà

Xem xong triển lãm “Bảy tỉ năm ánh sáng” của Trương Tân tại Galerie Quynh, tôi nghĩ quãng thời gian 2 năm qua (và có thể hơn thế) của anh là một hành trình đi ra ngoài biên giới của những thực thể hữu hình trên Trái đất. Ngụp lặn dưới biển sâu với đàn sứa, dong thuyền lớn ra biển khơi hay bay giữa ngàn vạn năm ánh sáng chỉ để nhìn vào sâu bên trong mình. Từ đó thấy một thế giới còn rộng lớn hơn, sâu thẳm hơn, khó đo lường hơn…

Đi giữa ngân hà

Giới nghệ sĩ đánh giá Trương Tân là một nghệ sĩ táo bạo và sáng tạo bậc nhất. Anh cũng là nghệ sĩ đồng tính công khai đầu tiên đề cập đến các chủ đề đồng giới một cách tự do ở Việt Nam qua tranh, tượng sứ, tác phẩm trình diễn và sắp đặt chứa đựng sự chuyển đổi tự do giữa nhiều chất liệu.

Trong số đó, thứ khiến Trương Tân hứng thú nhất có lẽ là sơn mài – chất liệu truyền thống đặc biệt của người Việt. Một bức tranh sơn mài có thể rất “bình dân”, cũng có thể vô cùng đắt đỏ. Bởi chất liệu của nó là gỗ ván (có thiết kế đặc biệt phù hợp với khí hậu nóng ẩm mà không bị gãy), sơn mài, vỏ trứng… rẻ tiền hoặc cũng có thể rất “tốn tiền” như lá vàng, lá bạc, vỏ trai… Sơn mài truyền thống thường mang vẻ đẹp mỏng manh, tinh tế, sang trọng. Nhưng trong tác phẩm của Trương Tân, sơn mài lại có phần thô và gai góc, với những cơ thể nam giới trần trụi quấn vào nhau tạo thành một khối, thể hiện cả tính bạo lực lẫn sự giao hợp.

Tác phẩm Gió (Ảnh: Galerie Quynh)
Tác phẩm Tỏa sáng (Ảnh: Galerie Quynh)

Tác phẩm Con người

Trải nghiệm với sơn mài một thời gian đủ lâu để lật giở từng ngóc ngách cũ kĩ, đắp vá những điều mới mẻ, chiêm nghiệm, đổi chỗ, suy ngẫm rồi lại đổi chỗ, chiêm nghiệm, lật giở… Trương Tân liên tục thử thách bản thân ở nhiều góc tiếp cận khác với cùng một chất liệu sơn mài. Khoảng đầu 2017, anh bắt tay vào sáng tác chuỗi “Con người” – loạt tranh mô tả siêu thực về các thiên thể xoay vòng trong không gian. Nằm gọn ghẽ trong một phòng, 24 bức tranh trong chuỗi này đưa người xem tham gia trọn vẹn một chuyến đi vào ngân hà.

Khi tới triển lãm, tôi đã phải đứng ở cự li gần thật gần những “Đỏ”, “Ký ức”, “Xa lạ” hay “Nhìn”, “Gió”, “Tuyết”… để nhìn sâu hơn vào các hành tinh. Như trong “Con Người” – tác phẩm khiến tôi ấn tượng nhất – ban đầu chỉ giống như mặt trăng bị che khuất bởi đám mây đen giữa một đêm nhiều mây. Nhưng khi lại gần, tôi thấy rõ những đường vân khuôn mặt của loài người ùn ùn đội lên từ đâu đó, bao vây hành tinh rực rỡ bé nhỏ. Các sắc thái khuôn mặt đi từ tham vọng, ham muốn tới khả ố, nguy hiểm khiến tôi cảm thấy lo lắng. Chỉ cần đứng chếch về phía trái hoặc phải tác phẩm, bạn có thể thấy thêm những lớp người khác hiện lên rõ rệt. Dường như chúng là một mối nguy tiềm ẩn, một kẻ trộm núp dưới bóng đêm phía sau ta vậy. Có lẽ Trương Tân nghĩ rằng, đối với Trái Đất, bộ mặt của loài người cần thể hiện chính xác như vậy.

Đây cũng là tác phẩm truyền cảm hứng lớn cho Trương Tân. Sau “Con Người”, anh tạo ra 23 tác phẩm khác cùng chủ đề, tượng trưng cho các cung bậc cảm xúc con người thường trải qua trong đời. Tất cả đều chi tiết tới kinh ngạc, vượt trội hơn bất kỳ tác phẩm sơn mài nào khác. Chúng hiện diện trong cùng một căn phòng, khiến người xem có cảm giác trôi dạt trong thiên hà, đi từ cung bậc này tới cung bậc khác.

Dụng cụ tạo nên một bức tranh sơn mài

Đi giữa đại dương

Ở một góc nhìn khác, Trương Tân đưa khán giả lặn hụp dưới đáy đại dương, hoặc lênh đênh trên biển lớn. Đừng vội xác định biển lớn này nằm ở đâu trên thế giới nhỏ bé này, bởi bạn có thể đang giữ một đại dương như thế trong lòng mình.

Đó là “Gia đình” (2019) – cụm 42 con sứa bằng lụa và polyester được chế tạo một cách tỉ mỉ – lơ lửng giữa khoảng không với ánh đèn mờ ảo dịu nhẹ. ‘Sứa bố’, ‘sứa mẹ’ lớn nhất ‘bơi’ ở phía trên, ‘đàn con’ lớn nhỏ lặng lẽ theo đuôi ở phía dưới, trông có vẻ rất quy củ, gắn bó. Mỗi con có những tua cảm làm bằng chất liệu và hình dạng khác nhau, mềm mại, thướt tha và lộng lẫy. Nhưng ít ai biết, thứ gì đẹp cũng đều chứa độc. Một chạm giản đơn của loài sứa có thể đoạt đi mạng người.

42 con sứa trong Gia Đình

Nguyên vật liệu làm nên tác phẩm Gia Đình

Có một điều đặc biệt là, sứa không phải loài có tình cảm. Chúng đến với nhau bằng bản năng của loài chứ không vì lòng trắc ẩn như nhiều loài khác. Nhưng ở đây chúng vẫn có Gia Đình. Có lẽ Trương Tân đã thấy rõ những trớ trêu đang diễn ra trong xã hội loài người – một loài có lòng trắc ẩn: chúng ta đến với nhau từ tình yêu, tạo nên gia đình; rồi có thể vẫn gắn bó nhưng không phải bằng tình cảm mà chỉ bằng trách nhiệm. Một sự ‘ép buộc’ lạnh lùng bởi xã hội.

Bước lên tầng tiếp theo, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm sắp đặt thứ hai mang tên “Hành trình” (2019). Tác phẩm bao gồm mười nghìn mẩu giấy làm bằng tay – hình ảnh của những sinh vật đơn bào – băng qua một cây cầu tre dài và hẹp. Cây cầu này làm từ lưới bắt muỗi trắng, trông còn giống một con thuyền lênh đênh giữa đại dương, hoặc đơn giản là một lối đi tinh khiết. Bạn có thể nghĩ đó là đàn cá hồi đi ngược dòng thác hàng năm để quay về tổ đẻ trứng, cũng có thể tưởng tượng rằng đó là dòng vật chất tạo nên sự sống chảy từ cơ thể người bố sang người mẹ… Một ẩn dụ tuyệt vời và xinh đẹp cho câu trả lời về nguồn gốc, di truyền và thừa kế. Ở đó, ta có thể gạt đi những xấu hổ, những định kiến nhơ bẩn chỉ dám nói thầm, để thấy bản chất của việc đó thực ra rất đơn giản, tinh khiết và đáng trân trọng.

Chuyển từ các tác phẩm tự truyện đầu tay của mình, chuỗi tác phẩm nằm trong “Bảy tỉ năm ánh sáng” là một sự phát triển dày dặn hơn về lý tưởng lẫn kĩ năng của Trương Tân. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Trương Tân trong suốt mười năm qua. Triển lãm kéo dài từ 15/11/2019 đến 04/01/2020 tại Galerie Quynh (118 Nguyễn Văn Thủ, Quận 1, TP. HCM) với nhiều tác phẩm sơn mài và sắp đặt.

Hành Trình – chuyến đi giữa đại dương

Trương Tân sinh năm 1963 tại Hà Nội. Ngay từ những năm 90 thế kỉ trước, Trương Tân đã chứng minh tầm ảnh hưởng của mình qua những tác phẩm vượt mọi khuôn khổ. Anh đã góp mặt ở vô số triển lãm quốc tế trong suốt ba thập kỷ. Nhiều học viện danh giá trưng bày tác phẩm của anh như Solomon R. Guggenheim Museum, New York, Mỹ; Gallery 4A, Sydney, Úc; Haus der Kulturen der Welt, Berlin, Đức… Anh cũng từng trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới.

NO COMMENTS

Leave a Reply