Nhìn lại hành trình của “Xướng ca cho ai?”: không gian kí...

Nhìn lại hành trình của “Xướng ca cho ai?”: không gian kí ức chúng ta đều có

Viết và hình ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Bài viết có sử dụng tư liệu của The Factory

Cuốn tập trên chiếc bàn gỗ chi chít những ‘vết tích’ của học trò, những bức hình chụp trong nhiều liên hoan búp sen hồng theo ‘phong cách ảnh’ ngày xưa hay những lời văn chú trừ tà giải hạn… tất cả đều ít nhiều quen thuộc với mỗi chúng ta. Xuất hiện trong triển lãm “Xướng ca cho ai?”, chúng đưa ra ba chiều suy ngẫm từ ba góc nhìn nghệ thuật của Phan Anh, Trần Minh Đức và Ngọc Nâu. Mỗi quan điểm lại trình bày một cách hiểu về sự nỗ lực của nhân loại trong việc gán cho thế giới siêu hình mục đích nào đó, như là ý nghĩa của cuộc sống.

Ma phiến ru ngủ nhân loại

Tiêu đề của triển lãm ‘Xướng ca cho ai?’ là lời cải biên từ một câu thành ngữ, ngụ ý chỉ một người hào hứng dùng lời ca tiếng hát nhằm thuyết phục đám đông nghe theo ý tưởng của mình. Dù người nghe có vẻ hoàn toàn hưởng ứng (thông qua cách họ hòa nhịp) thì người diễn thuyết vẫn tiếp tục ngân vang, không chú tâm đến phản ứng của họ.

Liệu điều này có nghĩa là anh ta không tin tưởng họ? Liệu những hành vi theo thói quen trong thực hành tín ngưỡng có thể hiện sự hiểu biết thực về mục đích đằng sau tín ngưỡng đó? Liệu các tín ngưỡng luôn cần thực hiện trong/bởi một tập thể?

Qua nhiều phương pháp thực hành và chất liệu nghệ thuật khác nhau, các nghệ sĩ Phan Anh, Trần Minh Đức và Ngọc Nâu có sự suy ngẫm về những niềm tin/tôn giáo – vốn được xây dựng trên nỗi bức bách của những người bị áp bức, của sự mất lòng tin… Điều mà Karl Marx gọi là “thứ ma phiến ru ngủ nhân loại”. Trong triển lãm, họ loại bỏ những quy chụp xã hội ra khỏi nghiên cứu về tự nhiên, văn hoá và tâm linh và cho rằng chúng cần diễn giải lại theo ngôn ngữ của thế kỉ 21.

Sức nặng

‘Placebo’ – bộ tác phẩm sắp đặt đa chất liệu của Phan Anh – như một phương pháp đong đếm sức nặng của đức tin trong đời sống con người. Cảm giác thiếu vắng đức tin thường bắt nguồn từ sự nghi hoặc: Tại sao ta lại gặp phải tai bay vạ gió này? Tại sao họ lại may mắn như thế kia? Sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta thuận theo niềm tin của số đông. Nhưng đôi khi chẳng thể làm vậy. Những câu hỏi không lời giải đáp đem lại câu trả lời chung: “đấng tối cao” nào đó đã làm việc này.

Placebo – Tự Nhiên trong tưởng tượng của Phan Anh

Và vì thế, Phan Anh chọn thể hiện quan điểm qua những tác phẩm như một cái cây đã bị phạt đứt nguồn sống, trên thân chi chít các kí tự – đại diện cho Tự Nhiên. Một cuốn kinh khó hiểu nằm trung tâm, giữa những con người đang làm nghi lễ hay lầm rầm đọc kinh (mà chính họ có khi cũng chẳng hiểu gì). Xuyên suốt tác phẩm tồn tại một cảm thức về sự hoài nghi và phi lý. Nhưng, điều đó đến từ sự chân thành. Bởi động lực thúc đẩy quá trình truy vấn của Phan Anh bắt nguồn từ mong muốn thấu hiểu mối quan hệ giữa Tự Nhiên và công cuộc kiểm soát Tự Nhiên của nhân loại.

“Cuốn kinh” và những con chiên ngoan đạo

Cắt chi thể

Bộ tác phẩm ‘Những cánh tay’ của Trần Minh Đức làm từ nhiều chất liệu (nhựa, đồng, gỗ) với hình dáng khác nhau có thể là một thứ tách ra từ một cơ thể nào đó.

Bộ tác phẩm Những cánh tay của Trần Minh Đức

Trong xã hội xưa người ta cắt chi thể để dùng trong nghi lễ hiến tế hay trừng phạt tội phạm. Đôi khi việc cắt bỏ này là cần thiết – như trong y học. Nhưng đôi khi nó là sự áp bức của kẻ mạnh lên kẻ yếu. Mở rộng ra, cắt chi thể không chỉ là dứt lìa một cánh tay khỏi cơ thể vì lý do nào đó. Mà còn có thể là sự xóa bỏ, bài trừ một nhóm người/nền văn hóa khỏi hệ thống. Ví như nhiều phong tục của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng biến mất bởi văn hóa người Kinh xâm lấn…

Và vì thế, cánh tay bị đứt lìa mang nhiều ý nghĩa hơn là một vật bỏ đi. Từ đó nảy sinh những câu hỏi: Cả ba cánh tay dường như đều cầm nắm vật gì bị ai đó lấy đi, vậy tại sao vật đó thiếu vắng? Cánh tay rời xa vật gốc, liệu nó có còn nhớ gốc gác của mình?… Các câu hỏi liên tiếp xuất hiện tạo nên các tầng lớp nghĩa mới. Việc này có thể là cách tạo ra “sự mọc” cho nhiều phần khác. Cắt đi có thể chính là khởi đầu của lớn lên.

Ở chuỗi tác phẩm khác như ‘Em vui học làm Sao’, ‘Đoàn Thanh Niên’, ‘Hát trong ánh hồng’… người xem bắt gặp ít nhiều hình ảnh của mình những năm xưa. Đặc biệt với những ai 8x đời cuối và 9x đời đầu. Chiếc bàn chi chít vết chữ của học trò, những cuốn sổ một thời là ‘kẻ thù’ hoặc ‘kỉ niệm đẹp’, những liên hoan múa hát… tất cả đều gợi lại những kí ức khó lòng xóa mờ.

“Đoàn Thanh Niên” (Trần Minh Đức)

“Em vui học làm sao” (Trần Minh Đức) gợi lại nhiều kí ức vui buồn của thế hệ trước

Chuyển giao

Qua nhiều thế kỉ, chúng ta có những cuộc chuyển giao văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng sự thật là, chỉ có những nếp văn hóa nào đủ mạnh, hoặc do kẻ mạnh lựa chọn, mới có thể tồn tại lâu dài.

Xoay quanh Đạo Mẫu và những câu chuyện về quê hương mình ở Thái Nguyên, các tác phẩm của Ngọc Nâu đối diện với lòng ham muốn của con người – thứ lòng tham khiến ta lóa mắt trước vẻ hào nhoáng của công cuộc hiện đại hóa. Từ hậu quả đó đã tạo ra các hệ lụy lên cách thức thực hành niềm tin và lòng tôn kính với các kí ức văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh đời sống số hóa hiện đại.

‘Nhóm vật tế lễ số 1’, gồm sắp đặt điêu khắc và video đơn kênh của Ngọc Nâu

‘Nhóm vật tế lễ 1’ và ‘Lời văn chú trừ tà giải hạn’ trình bày các vật dụng đời thường từng sử dụng trong nghi lễ xá tội, nay hòa trộn với cộng nghệ (đèn LED, mã hóa…) trở thành những miếu thờ tương lai. Người xem đứng quanh chính là những “con chiên” đứng nghe chỉ dạy. Hay ở góc khác, ta thấy những phong cảnh phương xa hùng vĩ, chân dung lòe loẹt của các idol, vài người khóc than người đã mất… Cứ thế ta tiếp tục tiêu thụ những gì mà không gian tâm linh công nghệ số này sản sinh, không hề nhận ra khả năng bóp méo quan điểm đạo đức của nó. Đứng trước ‘Lời văn chú trừ tà giải hạn’ và cảm giác mình là một kẻ mờ mắt (hay tỉnh táo?) trước sự lôi cuốn của kí ức văn hóa

Nhưng trong trải nghiệm đầy cám dỗ và áp chế của một góc xã hội, lời ca ẩn chứa ký ức vẫn còn lẩn khuất chờ người tìm ra. Chính lương tri cuối cùng sẽ thúc đẩy mỗi cá nhân chọn lựa để thực hành và tiếp nối hành động chuyển giao này, từ đó xây dựng tương lai.

Series ‘Những ghi chú phong cảnh’ của Ngọc Nâu

‘Xướng ca cho ai?’ là một triển lãm ‘giàu’ thắc mắc, hoài nghi, câu hỏi. Tất cả đều xoay quanh cách thức mà đức tin có thể khiến ta trở nên mù lòa. Nhất là khi những công cụ mang lại tri thức lại yếu thế trước sức nặng của sự hoài nghi, bị cắt chi thể (và vì thế chỉ có thể tiếp cận như một dạng ký ức đứt gãy), hay phải dựa vào công nghệ kỹ thuật số để tiếp chuyển giao và sống sót. Triển lãm nhóm của ba nghệ sĩ Phan Anh, Trần Minh Đức, và Ngọc Nâu, diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP.HCM) sẽ kết thúc ngày 19/01/2020 sắp tới.

NO COMMENTS

Leave a Reply