Home Cơ hội cho nghệ sỹ Lời mời nộp hồ sơ “Gióng chỉnh Ngũ Hành”

Lời mời nộp hồ sơ “Gióng chỉnh Ngũ Hành”

Đăng vào
0

Hạn nộp đơn: 02/04/2020

Thông tin từ ban tổ chức

The Factory thân mời các nghệ sĩ thị giác hiện đang sinh sống tại Việt Nam nộp hồ sơ tham dự phiên bản đầu tiên của chương trình ‘Re-Aligning the Cosmos’ (tạm dịch: Gióng chỉnh Ngũ Hành), dự kiến kéo dài 12 tháng (từ tháng 4 năm 2020 tới tháng 5 năm 2021)

Re-Aligning the Cosmos mong muốn khám phá những truyền thống văn hoá của Việt Nam dựa trên nền tảng và sự tôn vinh năm nguyên tố cơ bản – kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Đây là những nguyên tố thiết yếu để duy trì sự bền vững của trái đất, có giá trị quan trọng với đời sống văn hoá của con người. Từ nhiều thế kỷ tới nay, các nguyên tố này đóng vai trò là nguồn cảm hứng vô tận, không chỉ cho nghệ sĩ thị giác, nhà văn, kiến trúc sư, mà còn cho người thực hành trong các ngành công nghiệp sáng tạo khác trên toàn thế giới. Thiên nhiên cũng là chốn nương tựa linh thiêng cho đời sống tinh thần và niềm tin của con người. Tuy vậy, bởi sự thờ ơ của mình, chúng ta đang phải hứng chịu những hậu quả bất khả vãn hồi tiềm tàng trong mối tương quan nhân – quả với thiên nhiên. Chương trình này hướng đến việc đào sâu khai thác vai trò và ý nghĩa của các nguyên tố nêu trên trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại, nhằm khảo sát tầm ảnh hưởng của con người lên điều kiện hiện tồn của chúng.

Re-Aligning the Cosmos dành cơ hội cho một nghệ sĩ, để họ đưa ra các phản hồi nghệ thuật giàu tính phê bình trước tầm quan trọng (cũng như đời sống đang gặp hiểm nguy) của một trong năm nguyên tố nêu trên. Chương trình khuyến khích nghệ sĩ khảo sát về ý nghĩa và chức năng văn hoá – xã hội của nguyên tố mà họ lựa chọn, về các nghi thức về niềm tin (có sử dụng nguyên tố ấy), thông qua việc đồng phát triển ý tưởng và nghiên cứu với một cộng đồng địa phương liên quan mật thiết tới nguyên tố, với sự hỗ trợ và điều phối từ Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Xuyên suốt 12 tháng, chương trình cũng sẽ tổ chức chuỗi chương trình cộng đồng xoay quanh dự án của nghệ sĩ, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ là năm yếu tố không thể thiếu trong vũ trụ quan của người Việt, có ảnh hưởng lớn tới cách vận hành của không gian, thời gian cũng như các mối quan hệ xã hội. Trong đời sống hằng ngày, người ta thường tìm đến các thầy phong thuỷ, thầy xem tướng số, nhà ngoại cảm để tìm kiếm hướng giải quyết cho những vấn đề cá nhân như gia đình, tình yêu, công việc (chẳng hạn, trong việc chọn hướng nhà cửa hay ngày lành tháng tốt, định hướng tương lai, phát tài phát lộc v.v.); hoặc trong những thực hành và nghi thức mang tính tập thể (như xây sửa đền đài, điện thờ, các nghi lễ dâng cúng). Ngày nay, những thực hành có giá trị biểu tượng này đôi khi bị tách rời khỏi tình trạng thực hữu của các nguyên tố. Chẳng hạn, những kẻ mộ đạo có thể cũng không hẳn ý thức được tác động của quá trình công nghiệp hoá, hay vai trò của chính bản thân mình, trong việc làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên. Thử nghĩ về tập tục đốt vàng mã trong các dịp ma chay, đám giỗ, cúng tế, làm lễ chùa v.v trong mối tương quan với sự sản xuất và tiêu thụ giấy và gỗ, cũng như lượng khói bụi và rác bị thải ra môi trường sau các nghi lễ đó. Ngược lại, trong nhiều trường hợp khác, sự thiếu quan tâm và bất cẩn trước một số thực hành văn hoá của các cộng đồng bản địa (có kết hợp sử dụng các nguyên tố) lại có thể gây ra tổn hại dài lâu với những hệ sinh thái nhất định. Vì vậy, cần xem xét lại để có thể tạo ra kết nối chặt chẽ hơn giữa điều kiện sinh thái của những nguyên tố với đời sống của con người, hòng tương hợp thực hành tâm linh với thái độ tiêu thụ vật chất.

Với phiên bản đầu tiên này, Re-Aligning the Cosmos hy vọng kích hoạt chuỗi chương trình thường niên kéo dài 5 năm (5 nguyên tố tương ứng với 5 năm, mỗi năm tập trung vào một nguyên tố).

Re-Aligning the Cosmos do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory khởi xướng và vận hành; nhận đồng tài trợ từ Quỹ Hoàng tử Claus & Viện Goethe; cùng Đại học Fulbright Việt Nam đồng điều phối; với hỗ trợ từ Viện nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, TP. Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ được chọn sẽ có những quyền lợi và trách nhiệm gì khi tham gia chương trình?

– Được trao một khoản hỗ trợ tài chính có giá trị lên tới 200,000,000 VND. Khoản tiền này dùng để chi trả cho các chi phí bao gồm: phí nghệ sĩ, phí sản xuất tác phẩm, chi phí đi lại giữa TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng mà nghệ sĩ lựa chọn làm việc cùng, chi phí ăn ở tại địa phương, cũng như các chi phí nghiên cứu khác. Khoản tiền này sẽ do nghệ sĩ trực tiếp quản lý dưới sự cố vấn của The Factory;

– Triển khai, sắp xếp các chuyến đi và kế hoạch nghiên cứu (hợp tác với nhóm giám tuyển của The Factory);
– Tham gia lên ý tưởng cho các chương trình cộng đồng cùng The Factory, nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về
những vấn đề cụ thể trong nghiên cứu của nghệ sĩ; thường xuyên tham gia các buổi họp offline/online và các chương
trình cộng đồng liên quan diễn ra tại The Factory xuyên suốt cả năm;
– Nộp và triển khai đề xuất triển lãm (là kết quả của quá trình thực địa và nghiên cứu của nghệ sĩ). Triển lãm sẽ diễn
ra tại The Factory vào tháng Ba năm 2021 (kéo dài tới tháng Năm 2021).

Hồ sơ ứng tuyển bao gồm những gì?

Vui lòng gửi các tài liệu sau đây vào một file PDF (không quá 5MB) và gửi tới email [email protected]:

– Một văn bản nêu rõ mục đích, giải thích các lý do tại sao mong muốn nộp đơn cho chương trình (1 trang);

– Một bản sơ yếu lý lịch cùng portfolio với hình ảnh, link tới video, trang web bổ trợ thông tin;

– Một bản đề xuất chi tiết về dự án dự định thực hiện (khám phá mối quan hệ giữa niềm tin và một trong năm nguyên tố cơ bản—kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), cụ thể bao gồm: 1. bối cảnh dự án (nêu rõ chi tiết về khu vực địa lý/cộng đồng của vấn đề nghiên cứu cũng như các mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng, nếu đã có); 2. phương pháp luận và cách tiếp cận nghệ thuật; và 3. lịch trình và ngân sách dự kiến của dự án (sử dụng biểu mẫu dự trù ngân sách cung cấp bên dưới).

Chúng tôi tìm kiếm gì từ nghệ sĩ ứng tuyển?

– Khả năng trình bày mạch lạc mối quan hệ giữa niềm tin, nguyên tố lựa chọn và thế lưỡng nan trong việc con người tiêu thụ/sử dụng nguyên tố đó;

– Mối quan tâm và gắn kết lâu dài đối với cộng đồng chịu ảnh hưởng (bởi việc tiêu thụ/sử dụng nguyên tố nói trên);

– Sự nhạy cảm trong ứng xử với cộng đồng (thể hiện qua sự cân nhắc kỹ lưỡng về đạo đức của nghệ sĩ đối với sinh kế và đời sống của cộng đồng; để đảm bảo rằng quá trình can thiệp nghệ thuật sẽ không làm ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng);

– Có sẵn một mạng lưới hỗ trợ thông tin, kiến thức; có nhiều kinh nghiệm liên quan tới vấn đề nghiên cứu;

– Có tư duy phê phán và so sánh về phương pháp (nghiên cứu, nghệ thuật) mà nghệ sĩ sử dụng để tiếp cận dự án (trong mối tương quan với các dự án nghệ thuật đã từng khảo sát, xử lý vấn đề tương tự).

Mọi thắc mắc hoặc câu hỏi, xin vui lòng liên hệ: [email protected]

NO COMMENTS

Leave a Reply