Dăm Kết Mặt Trăng

Dăm Kết Mặt Trăng

Đăng vào
0

10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy 29/05 – 25/07/2020
Galerie Quynh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Thông tin từ ban tổ chức:

Galerie Quynh hân hạnh được giới thiệu Dăm Kết Mặt Trăng, một triển lãm nhóm trưng bày tác phẩm mới và chưa từng công bố của nghệ sĩ Hoàng Dương Cầm, Keen Souhlal, Sandrine Llouquet, Hoàng Nam Việt, Đỗ Thanh Lãng, Võ Trân Châu, và Nghĩa Đặng.

Như triển lãm Alluvium vào năm 2017, việc kết hợp nhóm nghệ sĩ đang phát triển hoặc đã thành danh này, với sự riêng biệt trong phương pháp thực hành, chủ đề quan tâm, và cách sử dụng chất liệu, nhằm nêu bật những dự án tiếp tục của nghệ sĩ, và là viễn cảnh của nhiều triển lãm cá nhân sẽ được trưng bày tại phòng tranh trong những năm tới.

Dăm kết Mặt Trăng là một phân loại đá Mặt Trăng được tạo nên bởi những vụ va chạm giữa thiên thạch và bề mặt Mặt Trăng. Qua nhiều sự kiện tác động, những mảnh vỡ thiên thạch và vụn đá Mặt Trăng hàn gắn với nhau trong khối nền hạt mịn – những hạt dường như giữ các mảnh đá góc cạnh trong thể lơ lửng.

Những bộ phận cấu thành và cấu trúc toàn thể của khối đá dăm kết ẩn dụ cho các tác phẩm trưng bày trong triển lãm – những tác phẩm nằm trong nhiều dự án đang tiếp diễn, hoặc đóng vai trò khám phá cho thực hành tiếp theo của nghệ sĩ. Như những câu hỏi được đặt ra về nguồn gốc thạch học của các mảnh đá trăng, các tác phẩm này là lời mời cân nhắc thực hành đa dạng của nghệ sĩ ngoài phạm vi triển lãm. Cấu trúc đá dăm kết dường như phản ánh rằng lao động nghệ thuật – thời gian nghiên cứu, nguồn ảnh hưởng, những cuộc gặp gỡ có kế hoạch và khám phá tình cờ – là một quá trình vừa được kết cấu chặt chẽ nhưng cũng đầy sự ngẫu nhiên, sự không lường trước.

Từ Mặt Trăng trong tựa đề triển lãm liên đới tới những khái niệm địa điểm – về vũ trụ, về thiên hà, về những cảnh quan có thực hay tưởng tượng – nhưng tuy nhiên cũng gợi lên những ý nghĩ về thời gian. Dùng lịch âm làm điểm xuất phát, triển lãm hướng tới những cách thức và hệ thống nhận thức thời gian khác biệt. Ngay trong cách dùng chất liệu đa dạng của nghệ sĩ cũng ẩn hiện sự ca ngợi hành động ngồi ngắm sơn khô (trong thành ngữ “watching paint dry”, hàm ý sự chờ đợi những thứ thay đổi rất chậm). Trong lúc đợi đất sét nung thành gốm sứ, hay chờ cho sắc tố của những quả hồng non ngấm vào từng thớ vải, tầm quan trọng của thời gian được đo bằng sự biến đổi của chất liệu, thay vì năng suất hay sản lượng. Trong quá trình chuyển đổi từ khái niệm thời gian tuyến tính – sắp xếp theo thứ tự quá khứ, hiện tại, tương lai – sang những khám phá về thời gian phi tuyến, triển lãm và những tác phẩm trưng bày là lời mời bước vào không gian dị biệt (heterotopia) – nơi tồn tại trong và ngoài thời gian, nơi phản ánh và xáo trộn những gì xảy ra bên ngoài ranh giới của chính không gian đó.

Bắt nguồn từ mảnh đá khiêm tốn kỳ lạ này là những ý tưởng khác biệt về không gian và thời gian. Trong lúc tham quan triển lãm, những khối đá dăm kết Mặt Trăng có thể mang tới cho người xem những sự sáng tỏ về tác phẩm nghệ thuật. Từ breccia (dăm kết) gợi đến sự mở ra, những lối đi, và thậm chí sự đột phá. Vì vậy, cũng như dăm kết Mặt Trăng, sự kết hợp của các tác phẩm dường như không liên quan trong triển lãm này vừa là sự hợp nhất của cái cũ, cũng như sự sáng tạo nên cái mới.

Các nghệ sĩ tham gia triển lãm:
– Hoàng Dương Cầm
– Keen Souhlal
– Sandrine Llouquet
– Hoàng Nam Việt
– Đỗ Thanh Lãng
– Võ Trân Châu
– Nghĩa Đặng

Về Galerie Quynh

Được nhìn nhận là phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, Galerie Quynh đã giúp thúc đẩy thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ. Phòng tranh được biết đến ở tầm quốc tế qua những chương trình triển lãm chất lượng và các dự án giáo dục. Song song việc hợp tác chặt chẽ với một nhóm nghệ sĩ chọn lọc – từ những nghệ sĩ đã thành danh, những người đang trong giai đoạn phát triển, hay những nghệ sĩ mới nổi – phòng tranh còn trưng bày tác phẩm của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trên khắp thế giới. Với mục đích khuyến khích sự phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam, phòng tranh hợp tác với các nghệ sĩ và nhà giám tuyển, và những không gian và địa điểm trong nước và trên quốc tế để tổ chức những buổi trò chuyện, thuyết trình cũng như phát hành nhiều ấn phẩm bằng hai ngôn ngữ Anh, Việt. Vào tháng 5 năm 2014, Galerie Quynh thành lập Sao La, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giáo dục nghệ thuật. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ đang làm việc tại Đà Lạt là Nguyễn Kim Tố Lan và Nguyễn Đức Đạt, Sao La hiện tại bao gồm những nghệ sĩ trẻ với sự đam mê sáng tạo đa dạng, làm việc cùng nhau như một tập thể.

Một chương mới mở ra vào tháng 12 năm 2017 khi Galerie Quynh ra mắt không gian mới rộng 600m2 tại khu Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trải rộng bốn tầng, không gian này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện những chương trình ngày càng tham vọng và tầm cỡ.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply