Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân – Chúng tôi đã...

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân – Chúng tôi đã làm nó như thế nào (Phần 1)

Thông tin tổng hợp và biên tập bởi Chii Nguyen
Phỏng vấn bởi Uyên Ly
Hình ảnh cung cấp bởi các nghệ sĩ dự án Phúc Tân
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Từ khi Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân hoàn tất (tháng 2 năm 2020), Hà Nội có thêm một điểm hấp dẫn mới để “check in”, tận hưởng nghệ thuật và tìm lại lịch sử thành phố qua nghệ thuật hoàn toàn miễn phí. Được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi xướng từ mùa hè năm 2019, dự án được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ tình nguyện (tất cả 16 người). Họ đã tạo ra 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng thú vị, làm thay đổi diện mạo khu vực nằm giữa khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là khu vực có vị trí ven sông Hồng lịch sử, có “view” cầu Long Biên và dòng sông thơ mộng, nhưng chưa được ứng xử như mặt tiền của thành phố như nhiều nước văn minh trên thế giới. Khu vực này vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, là nơi nhiều người dân xả rác.

Giám tuyển dự án Nguyễn Thế Sơn chia sẻ khi nhận “đề bài” của UBND quận Hoàn Kiếm, anh đã dành nhiều thời gian ở khu vực này để nghiên cứu tìm hiểu ngữ cảnh và bối cảnh văn hoá, cũng như cộng đồng dân cư sinh sống tại đây. Theo anh, Phúc Tân từng là nơi cửa ngõ giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền, lưu trữ lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ. Thế nhưng ấn tượng đầu tiên của anh khi đến đây cũng là rác, kinh khủng rác. Vậy nên mới có ý tưởng tái chế, sử dụng rác của người dân, “lấy từ bên dưới bê lên”. Yếu tố tái chế trở thành yếu tố quan trọng mà nhóm nghệ sĩ muốn đưa vào dự án.

Yếu tố thứ hai, cũng như các dự án công cộng khác, là tính tương tác với phong cảnh, bối cảnh văn hoá, lịch sử ở đó. Các nghệ sĩ nhận thấy các yếu tố tương tác được như cây cầu, dòng sông, bến nước. Phúc Tân vẫn là phần rất trung tâm của thành phố, nhưng cũng bởi cách tiếp cận lịch sử mà Phúc Tân bị lãng quên, bị ngộ nhận là phía đằng sau nên người ta tha hồ xả rác ở khu vực này. Vậy nên, một cách rất tự nhiên, các nghệ sĩ nhận ra tiềm năng khi đưa nghệ thuật vào đây, có thể thắp sáng vùng này.

Để thực hiện được những yếu tố trên không phải điều dễ dàng với nhóm các nghệ sĩ. Tiếp xúc với cộng đồng dân cư ở đây, họ mới nhận ra người dân ở đây không thực sự quan tâm đến cái đẹp. Phải tìm ra cách để đưa nghệ thuật vào đây và nghệ thuật ấy phải được cộng đồng chấp nhận, nếu không thì tác phẩm cũng khó tồn tại lâu dài được. Trước tình hình ấy, các nghệ sĩ đã nhóm quyết định phải tiến hành một cách là đi từ dưới lên, phải lắng nghe, phải hiểu được người dân ở đây.

Nghệ sĩ làm việc với cộng đồng

Tại nhà văn hoá số 1 phường Phúc Tân, nhóm nghệ sĩ tình nguyện đã tổ chức 02 buổi thuyết trình, giới thiệu ý tưởng tổng thể, ý tưởng chi tiết từng tác phẩm và từng nghệ sĩ. Mục đích của buổi giới thiệu này, lúc ấy đơn thuần để đảm bảo an toàn cho các nghệ sĩ bởi khu vực này nổi tiếng ở Hà Nội là khu vực phức tạp. Nhưng dần dần cảm giác sợ hãi, lo lắng, không yên tâm bớt dần đi. Khi các nghệ sĩ tiếp xúc với người dân ở đây thấy họ cũng mộc mạc, chân thành, có cảm giác khá gần gũi.
Hai buổi thuyết trình gồm một cho chính quyền địa phương, tức là dành cho chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, hội phụ nữ, mặt trận, cho các tổ trưởng trước. Sau đó tổ chức một buổi cho tất cả người dân sống xung quanh bức tường vốn được xây dựng để ngăn sự lấn chiếm ra sông, gần 100 hộ. Nhóm nghệ sĩ nói chuyện trong vòng hai tiếng đồng hồ. Khi thuyết trình dự án, các nghệ sĩ không ngờ người dân ở đây rất thích và đón nhận. Chính những người dân tham gia cũng đưa ra đề xuất về cách làm đẹp hơn cho không gian sống nơi đây.
Qua buổi thuyết trình ấy, người dân trong khu vực hiểu các nghệ sĩ và công việc của các nghệ sĩ hơn. Các nghệ sĩ cũng được đề xuất thực hiện các tác phẩm theo hướng gần gũi. Tạo hình và câu chuyện của các tác phẩm phải thân thuộc với đời sống của người dân ở đây. Ngôn ngữ cần dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Sống và được bảo trì bởi cộng đồng

Giám tuyển Thế Sơn nói:
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Làm trên bức tường ngăn lấn chiếm này làm gì, trong khi chính bản thân bức tường còn chưa đẹp?” Tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều trường hợp, các nghệ sĩ tạo hình đương đại thành công khi biến một nơi không ai muốn đến thành những địa điểm đắt giá chỉ sau một thời gian ngắn (như khu vực Soho trước đây và Chelsea của New York ngày nay. Tại Việt Nam, để chuyển đổi một khúc bờ sông bị bỏ quên, dùng nghệ thuật thắp sáng khu vực này, các nghệ sĩ cần phải đưa được thông điệp đó vào tâm thức của những người dân sống quanh khu vực này. Chỉ khi nhận thức được đầy đủ việc dự án nghệ thuật công cộng có thể nâng giá trị khu vực họ đang sống tốt hơn nhiều, họ mới tự nguyện tham gia cùng nhóm nghệ sĩ, làm sạch, giữ vệ sinh và bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật.

Có thể cũng bởi vậy, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân không chỉ đơn thuần mang bóng dáng nghệ thuật, mà có bóng dáng môi trường, bóng dáng cộng đồng trong đó. Các tác phẩm ở đây ngoài vấn đề tương tác với lịch sử, ngữ cảnh thì vấn đề tương tác với người xem, trẻ em, cộng đồng ở đây được các nghệ sĩ ưu tiên số một. Nghệ thuật có thể thực sự thắp sáng khu vực này hay không, hay có thể thắp sáng trong bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng quanh nó. Nếu khu vực này là một bảo tàng thu nhỏ thì những người dân sinh sống trong khu vực này chính là những nhân viên trông nom bảo tàng, chăm sóc cho các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi cùng thống nhất, các tổ trưởng phải chia người ra trông nom tác phẩm và các hộ gia đình tham gia làm vệ sinh thì bức tường và con đường mới được như hiện tại. Trải qua một quá trình cùng các nghệ sĩ, các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây.

Các tác phẩm nghệ thuật đương đại có tính tương tác cao

Theo nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm – thành viên nhóm dự án, Việt Nam còn rất thiếu vắng các tác phẩm công cộng mang đậm dấu ấn nghệ thuật bởi các nghệ sĩ đương đại. Nghệ thuật đương đại trong bảo tàng quan trọng, song nghệ thuật công cộng đem lại nhiều cái mà bảo tàng không làm được cho người xem, ví dụ như: sự trực tiếp và lâu dài với người thưởng ngoạn, không gian mở, kích thước lớn, ánh sáng mặt trời thay đổi tạo nên vẻ đẹp sáng, chiều và tối. Khác với nghệ thuật trong bảo tàng (white box), nghệ thuật công cộng đứng giữa dòng đời, người xem không cần vé và sự cho phép, họ có thể dễ dàng thưởng ngoạn bất cứ lúc nào họ muốn. Ở dự án Phúc Tân diễn ra sự đối thoại của các tác phẩm với chính nơi đặt tác phẩm.

Mời bạn đón đọc tiếp Phần 2: Các tác phẩm của Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân

NO COMMENTS

Leave a Reply