Ngày hôm qua đâu rồi – Chùm phim tài liệu độc lập

Ngày hôm qua đâu rồi – Chùm phim tài liệu độc lập

logo-BC-90

Tranh vẽ trong bộ tác phẩm của nghệ sĩ Lê Hữu Bảo Phúc
Thiết kế đồ họa: Châu

18:30, Thứ bảy 20/06/2020
Ơ Kìa Hà Nội – Ơ Kìa Mỹ Thuật Công Nghiệp
360 Đê La Thành, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Dự án trình chiếu năm phim tài liệu ngắn từ các khóa học làm phim được tổ chức tại Hà Nội trong hơn thập kỷ qua. Khởi hành với suy nghĩ về sự “già”, chuỗi tác phẩm khám phá những đối thoại liên thế hệ quanh các ý niệm: cũ và mới, quá khứ và hiện tại, trẻ và già. Nhiều suy ngẫm cũng như truy vấn về thời gian, ký ức và di sản được mở ra từ điện ảnh – một phương tiện giao tiếp đối với các nhà làm phim trẻ.

Chương trình do các học viên khóa Giám tuyển Phim của Trung tâm TPD khởi xướng và tổ chức, thuộc khuôn khổ Như Trăng Trong Đêm, chuỗi sự kiện xoay quanh điện ảnh Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngày Hôm Qua Đâu Rồi* nhận được sự hỗ trợ từ Ơ Kìa Hà Nội, Hanoi Doclab, Ateliers Varan Việt Nam và sự tài trợ của British Council Vietnam – Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Nhóm giám tuyển: Nguyễn Ngọc Thảo Ly và Nguyễn Phương Thảo

*tên một bài thơ của thi sĩ Bế Kiến Quốc

Nội dung chương trình:

* 18h30: Đón khách
* 19h00: Chiếu phim
* 20h30: Trò chuyện với nhà làm phim/sản xuất Trần Phương Thảo và nghệ sĩ/giám tuyển Nguyễn Quốc Thành; người điều phối: đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Danh sách phim

(thông tin không sắp xếp theo thứ tự trình chiếu; ngôn ngữ phim: tiếng Việt, với phụ đề tiếng Anh)

* Dành tặng ông Điều, Nguyễn Hiền Anh, 2015, TPD, 23’
Cuộc sống của một ông lão trí thức hằng ngày vẫn dịch sách và dạy Anh văn cho trẻ con.

* Bà bạn, Phạm Mai Phương, 2010, Hanoi Doclab, 9’
Bà ngoại là mẹ của mẹ. Bà ngoại là bạn của mình. Bà ngoại tuổi 90 và cháu gái tuổi 25 chơi với nhau và tìm thấy niềm vui cùng sự chia sẻ trong tình bạn đó.

* Trong phường Thành Công có làng Thành Công, Phan Thị Vàng Anh, 2004, Ateliers Varan, 33’
Cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân lao động trong một khu phố cũ tại Hà Nội, nơi người ta đang sửa lại đường dây và lắp đặt loa phát thanh mới.

* Hồ sơ 1953, Nguyễn Thủy Tiên, 2013, Hanoi Doclab, 10’
Một cô gái đi tìm bằng chứng về sự tồn tại của mình trong những tấm ảnh của một người đàn ông quan trọng.

* Sao Bình không lấy chồng, Phạm Minh Hà, 2015, TPD, 20’
Một người phụ nữ độc thân sắp quá tuổi lấy chồng làm gia đình họ hàng làng xóm rôm rả.

Về các khách mời:

Trần Phương Thảo là nhà làm phim/sản xuất, sinh năm 1977 tại Việt Nam, tốt nghiệp chuyên ngành thương mại và thông dịch viên ở Hà Nội. Năm 2001, cô sang Pháp học về điện ảnh và tốt nghiệp thạc sĩ về làm phim tài liệu tại trường đại học Poitiers năm 2004. Hiện cô sống và làm việc ở Hà Nội. Trần Phương Thảo đã thực hiện các phim “Giấc mơ là công nhân” (2007), “Trong hay ngoài tay em” (2011), “Đi tìm Phong” (2015), “Bưởi” (2019).

Nguyễn Quốc Thành là nghệ sĩ/giám tuyển, sống và làm việc tại Hà Nội. Anh là người đồng điều phối và tổ chức Five Flavor Film Festival tại Warsaw, Ba Lan kể từ năm 2007. Năm 2013, anh sáng lập và tổ chức Queer Forever! – liên hoan nghệ thuật queer đầu tiên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Quốc Thành là giám tuyển và đồng sáng lập Nhà Sàn Collective.

Nguyễn Hoàng Điệp là một nhà làm phim độc lập. Cô là người sáng lập hãng phim VBLOCK Media – nơi sản xuất các phim tác giả như: Bi đừng sợ của Phan Đăng Di, Ròm của Trần Dũng Thanh Huy, Con đường trên núi của Síu Phạm. Năm 2014, bộ phim đầu tay “Đập cánh giữa không trung” do cô viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất và phát hành đã giành giải Phim hay nhất của FEDEORA tại LHP Quốc tế Venice, sau đó là hàng loạt các giải thưởng quốc tế uy tín khác, trở thành phim nghệ thuật đầu tiên phát hành thương mại thành công ở Việt Nam. Năm 2018, cô cùng chồng là KTS Nghiêm Quốc Cường thành lập Ơ Kìa Hà Nội, nơi tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa-nghệ thuật nhằm kết nối nghệ sĩ và công chúng.

Về các đạo diễn:

Nguyễn Hiền Anh (sinh năm 1995) tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. “Dành tặng ông Điều” là phim tài liệu ngắn đầu tay của cô. Bộ phim đã được trao Giải Cánh diều vàng cho hạng mục phim ngắn (2015), Giải Búp sen vàng cho Phim tài liệu xuất sắc nhất do Khán giả bình chọn & Phim tài liệu đầu tay xuất sắc (2015), và trình chiếu trong dự án Visual Documentary tại Đại học Tokyo, Kyoto.

Phạm Mai Phương đã làm việc với tư cách trợ lý đạo diễn, biên kịch và nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông trước khi làm phim tài liệu. Năm 2010, cô tham gia các khóa học về làm phim và dựng phim tại Hanoi Doclab. “Bà Bạn” là phim ngắn đầu tay của cô.

Phan Thị Vàng Anh (sinh năm 1968) là một nữ nhà văn và nhà thơ, tác giả của hai tập truyện “Khi người ta trẻ”(1993) và “Hội chợ”(1995) cùng nhiều thơ, tản văn, tạp bút… “Trong phường Thành Công có làng Thành Công” là phim đầu tay và cũng là duy nhất của cô. Phim đã được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim quốc tế tại Pháp, Đức và Đan Mạch.

Nguyễn Thủy Tiên là nghệ sĩ thị giác thực hành với nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm nhiếp ảnh, video art và trình diễn. “Case 1953” nằm trong một tác phẩm sắp đặt tham gia triển lãm nhóm “Những đám mây sẽ kể” tại Nhà Sàn Collective (2014) và đã được trình chiếu tại LHP tài liệu và thể nghiệm Mini Docfest 2014 tại Hà Nội.

Phạm Minh Hà tốt nghiệp MBA tại Đại học Minnesota, Mỹ, hiện đang sống và làm việc tại San Francisco. Bên cạnh công việc trong ngành marketing, cô tích cực hoạt động trong lĩnh vực xã hội. “Sao Bình không lấy chồng” là phim ngắn đầu tay của cô. Phim nằm trong Dự án 10 tháng 10 phim tài liệu do Đại sứ quán Mỹ tài trợ và đã được giới thiệu tại một số buổi chiếu ở Hà Nội về chủ đề phụ nữ và bình đẳng giới.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

logo-BC-90
Hội đồng Anh
20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Tel: 84 (0)4 8436780
Fax: 84 (0)4 8434962
Website: http://www.britishcouncil.vn/

NO COMMENTS

Leave a Reply