Home HanoiGrapevine Kể chuyện Tạm biệt Vũ Nhật Tân

Tạm biệt Vũ Nhật Tân

Đăng vào
0

Viết bởi Uyên Ly cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Vu Nhat Tan

Hanoi Grapevine xin gửi lời tạm biệt và sự biết ơn đến nhạc sỹ thuộc thế hệ tiên phong khai phá tinh thần tự do của âm nhạc đương đại thể nghiệm tại Việt Nam, anh Vũ Nhật Tân. Với vị trí là khán giả, chúng tôi đã được nghe những bản nhạc đầy thuyết phục do anh viết được phát trên sóng radio, đã tham gia và chứng kiến những buổi trình diễn âm nhạc điện tử “lạ lẫm” của anh cùng những người bạn, nhận thấy sự chú ý của truyền thông dành cho một nhạc sỹ làm ra những loại âm thanh khác lạ, đọc những bài phỏng vấn anh về nhạc noise, về tiếng khoan cắt bê tông được anh dùng làm chất liệu sáng tác…

Trên trang web hanoigrapevine.com, có rất nhiều bài đăng về các buổi trình diễn thường xuyên của anh, cho thấy Vũ Nhật Tân là một nhạc sỹ hoạt động chăm chỉ, nhiệt huyết và bền bỉ, cho đến khi anh mất – quá sớm đối với con đường sự nghiệp của một nhạc sỹ.

Vũ Nhật Tân đã đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng tinh thần âm nhạc mới ở Việt Nam. Và không chỉ có vậy, anh tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại nói chung bằng việc tham gia sáng tác và trình diễn ở rất nhiều sự kiện lớn nhỏ trong ba thập kỷ qua. Anh đã truyền cảm hứng cho những thế hệ nhạc sỹ trẻ hơn, gieo tinh thần tự do khám phá, tự do cảm nhận trong nhiều khán giả, đã thách thức các giới hạn của cái chấp nhận được hay không chấp nhận được, và tạo nên một dấu ấn không thể xóa bỏ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại.

Dưới đây là giới thiệu về anh trên trang web Hội nhạc sĩ Việt Nam (tiếc là thông tin về anh mới chỉ cập nhật đến năm 2002- từ những năm 2000 trở đi là những năm sôi nổi và tươi mới của âm nhạc cũng như nghệ thuật đương đại)

Vu-Nhat-Tan at soundstuff

Vũ Nhật Tân

Chuyên ngành sáng tác

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân sinh ngày 8 tháng 8 năm 1970, thuộc thế hệ nhạc sĩ sáng tác trẻ chuyên về khí nhạc.

Từ năm 1980, anh học piano tại Nhạc viện Hà Nội. Từ 1981 đến 1995, học sáng tác và nghiên cứu âm nhạc với Phó Giáo sư Trần Trọng Hùng và lấy bằng Cử nhân âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.

Năm 2000-2001, anh học soạn nhạc điện tử với Clarence Albertson Barlow và nhạc hiện đại với Johannes Fritsch tại Đại học Âm nhạc Staatlich Hochschule fuer Music, Cologne, Cộng hòa Liên bang Đức, theo học bổng của Deutscher Akademischer Austauschdienst DAAD.

Năm 2002, anh theo học sáng tác và nghiên cứu âm nhạc dân tộc học với Giáo sư Chinary Ung tại Đại học Tổng hợp San Diego UCSD, California, Mỹ, do Hội đồng Văn hóa Châu Á ACC NewYork tài trợ.

Tác phẩm của anh đã được biểu diễn tại Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Việt Nam.

Ngoài ra, anh cũng hoạt động như một nghệ sĩ đa phương tiện và trong nhiều lĩnh vực khác có liên quan tới âm nhạc và âm thanh, đồng thời thực hiện các chuyến lưu diễn / trình diễn âm nhạc và âm thanh điện tử. Anh đã từng trình diễn nhạc thử nghiệm, nhạc ngẫu hứng và nhạc điện tử trong các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam, châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Quốc.

Từ năm 1995, anh là giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội.

Anh đã nhận được các giải thưởng:

Giải Ba cho tác phẩm Hòa tấu soạn cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam trong Cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội, 1992;

Giải Nhất cuộc thi sáng tác Saint-German-en-Laye tại Pháp cho tác phẩm Ký ức năm 1995; 4 giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tác phẩm Ngũ đối đăng đàn cho nhóm nhạc dân tộc, 1998, tác phẩm Phác thảo cho dàn nhạc giao hưởng 2000, tác phẩm Nhịp đơn nhịp kép và Áo đơn áo kép cho hòa tấu thính phòng 2001-2003);

Giải thưởng của Hội đồng Văn hóa Châu Á giúp anh tu nghiệp về soạn nhạc và nghiên cứu âm nhạc dân tộc học tại Hoa Kỳ năm 2002.

NO COMMENTS

Leave a Reply