Dăm kết Mặt Trăng: Cuộc chơi của màu sắc

Dăm kết Mặt Trăng: Cuộc chơi của màu sắc

Viết và hình ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

7 nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày trong triển lãm Dăm kết Mặt Trăng (mở cửa từ 29/05 đến 25/07/2020) tại Galerie Quỳnh mang đến 7 sắc thái khác nhau về cách thử nghiệm thế giới xung quanh. Nó cho thấy thế giới đa chiều không ai giống ai, dù cùng phản ánh đời sống bằng nghệ thuật.

Cuộc chơi của màu sắc

Dăm kết Mặt Trăng – dịch từ tên tiếng Anh Lunar Breccia – là một loại đá tạo nên từ những vụ va chạm giữa thiên thạch và bề mặt Mặt Trăng. Bằng cách nào đó, những mảnh vỡ thiên thạch kết dính với vụn đá Mặt Trăng, tạo thành những kết nối gai góc, đa dạng và không trùng lặp. Chúng lơ lửng, có thể tiếp tục kết hợp hoặc vỡ ra, biến đổi không ngừng.

Nằm trong số đó, tranh của Hoàng Dương Cầm là một khối đá bí ẩn, có thể đổi màu nếu thay nguồn sáng. Đứng trực diện tấm Sơn Tây 1970 #2, màu đất đỏ hòa với xanh lá như những con đường hành quân vắt vẻo núi cao, những đôi giày sũng đất đỏ, nặng trịch lặng lẽ di chuyển. Chếch qua một bên, các gờ khối của sơn nổi lên như thể ta đang ngồi trên trực thăng, nhìn xuống khu rừng rậm xanh rì xen lẫn những vệt đỏ ngoằn nghèo của đường đất. Như góc nhìn của diều hâu săn chuột.

Bức Sơn Tây 1970 #2Hoàng Dương Cầm

Cũng nhiều màu sắc, nhưng khối đá của Đỗ Thanh Lãng lại mơ màng như bao phủ màn sương lãng đãng, không góc cạnh như Hoàng Dương Cầm. Những mảng màu trong trẻo, không màu nào quá nổi hay quá chìm. Tưởng như thế thì tranh “chỉ nhàn nhạt” mà thôi. Nhưng kì thực khi ngắm chuỗi tranh này, có cảm giác như đang trôi vào giấc mơ. Đỗ Thanh Lãng đi vào trong mơ, khám phá cái tiềm thức phức tạp ảo ảnh đan xen thực tế kia và diễn đạt nó bằng thứ màu sắc rất chuẩn xác.

Tranh của Đỗ Thanh Lãng

Khác với hai nghệ sĩ trên, Hoàng Nam Việt có những khối đá mang tông xanh đậm pha vàng ấn tượng. Trông bức tranh vừa rực rỡ lại vừa đơn giản. Tấm Bo và Bye-bye-Tracy như tấm ảnh chụp bằng máy phim cũ. Tất cả đường nét biểu cảm của khuôn mặt, cơ thể, độ đổ bóng của ánh sáng trên áo, tóc, gờ áo nhăn… đều biểu thị bằng tông xanh từ nhạt tới đậm. Bức Cái tam giác thứ hai ấm áp hơn khi thêm màu vàng đất và điểm nhấn là chiếc giày màu đỏ. Hai bức này cho cảm giác thoải mái, với “góc chụp” quen thuộc, nhân vật thì dường như thân thiết, nên không gượng gạo. Thậm chí, còn có thể thấy một chút uể oải thư giãn của những người này khi ngồi cạnh nhau, dưới bóng đèn vàng, trò chuyện về ngày dài đã qua.

Cái tam giác thứ haiBo và Bye-bye-Tracy của Hoàng Nam Việt

Bộ ba tranh chân dung Lan – Ngọc – Duy vẽ lại từ những tấm ảnh tìm thấy tại chợ kỉ vật chiến tranh. Đồ rằng những tấm hình trong tay anh có lẽ đã cũ lắm và mất nét ít nhiều. Nhưng trên tranh, thần thái của nhân vật vẫn rất rõ ràng. Chỉ cần nhìn vào biểu cảm, sắc thái, phục trang… đã có thể mường tượng phần nào và khơi gợi trí tò mò về họ.

Chùm tranh Lan – Ngọc – Duy của Hoàng Nam Việt

Cùng tông xanh như Hoàng Nam Việt, nhưng tác phẩm của Sandrine Llouquet lại mang màu sắc dân gian, tôn giáo. Kết hợp hai kĩ thuật azulejos (gạch tráng men vẽ hình lịch sử, văn hóa…) và trencadís (tạo hình tranh khảm/mosaic từ gốm vỡ), bộ tác phẩm Đền thờ nữ thần IsisNghịch dị là sự kết hợp văn hóa độc đáo giữa thảm Ba Tư, kiến trúc Bồ Đào Nha, hay những nét vẽ trên gốm sứ Việt Nam. Những mảnh tranh không cùng chủ đề ghép lại trông như mật mã, mà ở đó khán giả phải nhìn thật kĩ, bóc tách lớp lang mới thấy ý nghĩa ẩn dụ bên trong.

Đền thờ nữ thần IsisNghịch dị của Sandrine Llouquet

Khác với khối đá trơn láng của Llouquet, những “bức tranh vải mosaic” của Võ Trân Châu lại đem đến sự tò mò. Những mẩu vải vuông vuông nhuộm từ quả hồng non, đậm nhạt tùy sắc độ, ghép lại thành mảng lớn. Điều thú vị ở đây là bạn hầu như không nhìn ra được nội dung bức tranh cụ thể là gì, cho tới khi giơ máy ảnh lên. Màn hình máy ảnh “co” các pixel” lại, và một tấm ảnh nhỏ xíu hiện ra. Cũng như ở triển lãm cá nhân Nhặt lá rừng xưa lần trước, Võ Trân Châu đem lại cảm giác “đã lâu mới gặp” ở cả trong tranh lẫn cách đi tới cuộc gặp gỡ đó.

Đâu là nơi kết thúcLinh hồn của cây của Võ Trân Châu
Các mảnh vải nhuộm từ hồng non rất kì công

Không dùng màu sắc như các tác giả khác, chùm tác phẩm của Nghĩa Đặng sử dụng hai màu đen – trắng đơn giản. Chất liệu than chì trên giấy vô tình (hay hữu ý) lại giúp khán giả tập trung vào thông điệp. Ở chùm tranh Adagio của Người Cha, mối quan hệ cha – con thể hiện bằng các đường nét nam tính và cứng cáp, đi cùng hình ảnh biểu tượng phức tạp của bề ngoài vật chất và bề trong tâm thức. Bộ Núi thiêng truyền tải những cơn thịnh nộ, cuộc đấu tranh, những lỗi lầm và hành trình chuộc lỗi của cha – con khi đi cùng nhau.

Bộ tác phẩm Núi Thiêng của Nghĩa Đặng
Một bức ấn tượng trong chùm Adagio của Người Cha Nghĩa Đặng

Những tác phẩm cuối cùng của Keen Souhlal mang chất liệu rất đặc trưng của Việt Nam như mây tre, gạch sứ, giấy bao bì… Chiếc nơm tre quen thuộc được cải tiến bằng lớp đồng nối giữa, như cánh cửa đảo chiều, nơi những con cá Tetra rơi vào, chuyển hóa sang thế giới khác. Dù chất liệu quen thuộc, nhưng khi được nhào nặn trong tâm trí của một nghệ sĩ không phải là người bản địa, chúng có cách biểu thị mới, truyền tải những thông điệp khác.

Cá đồng Tetra của Keen Souhlal

Rock’n roller coaster của Keen Souhlal

Mạng lưới của Keen Souhlal

Đặt trong cái chung để tìm cái riêng

Dăm Kết Mặt Trăng là triển lãm nhóm, trưng bày các tác phẩm mới và chưa từng công bố của nhiều nghệ sĩ như Hoàng Dương Cầm, Keen Souhlal, Sandrine Llouquet, Hoàng Nam Việt, Đỗ Thanh Lãng, Võ Trân Châu và Nghĩa Đặng. Việc kết hợp nhiều tác phẩm với phong cách sáng tác, chủ đề, chất liệu khác nhau trong cùng một triển lãm đang là xu thế mới không chỉ ở Việt Nam.

Chưa bàn tới kinh phí, việc đặt các tác phẩm của người đã thành danh bên cạnh tên tuổi mới là cách soi chiếu cho cả khán giả lẫn tác giả. Những bức tranh chì đen – trắng đơn sắc của Nghĩa Đặng khi đứng cùng sự rực rỡ của Hoàng Dương Cầm, thay vì chìm xuống, chúng lại trở thành giọng điệu riêng, cách thức riêng, con người riêng. Hay có thể nói, các phong cách này vừa áp đảo, vừa làm đôi bên cùng tỏa sáng.

Sống cùng các tác phẩm trong không gian Galerie Quỳnh

Dù sử dụng chất liệu khác nhau, thậm chí tư tưởng, thông điệp không giống nhau, nhưng các nghệ sĩ dường như có điểm chung về thời gian. Nhìn qua thì quãng thời gian Võ Trân Châu ngồi chờ các sắc tố từ quả hồng non ngấm vào thớ vải – trong không chỉ một lần nhuộm, hay Hoàng Dương Cầm đợi những khối sơn khô lại, rồi đắp màu mới cho tới khi có được màu ưng ý… có vẻ là “thời gian chết”. Nhưng thực tế, đó là thứ thời gian sống động hơn bao giờ hết. Một thứ thời giờ đậm đặc chất lượng, mang đến kết quả là sự cô đặc của tình – ý. Đó là điều chỉ những người kiên nhẫn với sự chậm rãi mới có thể thấy được giá trị; và cũng là yếu tố mang đến sự đột phá, giúp các tác phẩm dù không đi cùng đường, nhưng lại có thể cùng nhau tỏa sáng.

NO COMMENTS

Leave a Reply