Home Sự kiện Tọa đàm: Trước/Sau – một Ước lệ Thời gian

Tọa đàm: Trước/Sau – một Ước lệ Thời gian

Đăng vào
0
@Phuong Duc
Thiết kế đồ hoạ: Nguyễn Quốc Hoàng Anh

SỰ KIỆN BỊ TẠM HOÃN

19:30 – 22:00, Thứ bảy 01/08/2020
Tầng 3, Erato School
30 Đoàn Thị Điểm, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Trung Tâm Âm Nhạc & Nghệ Thuật Thể Nghiệm Đom Đóm trân trọng mời bạn tới tham dự buổi Tọa đàm của Cố vấn số 3: Trước / Sau – một Ước lệ Thời gian của nhạc sĩ Kim Ngọc dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức. Chương trình thuộc khuôn khổ dự án Lưu trú Nhạc thể nghiệm Đom Đóm “HÌNH CỦA NHẠC” 2020 – Phiên đầu tiên: “Kết nối di sản” do quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh Việt Nam tài trợ.

Chương trình vào cửa tự do

Hành trình sáng tác cũng là hành trình cuộc sống mà ở đó cuộc gặp gỡ với âm nhạc cổ điển phương tây hay âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng giống như cuộc gặp gỡ với một một con người bằng xương bằng thịt. Lúc đầu ta chưa là ai, rồi ta phải lòng, rồi ta được hưởng ân sủng phê pha, rồi ta cộng sinh và cuối cùng ta chỉ muốn dứt bỏ… Nhưng, đã hẳn là cuối cùng? Hành trình này có lẽ sẽ còn tiếp diễn đến những cuộc gặp gỡ khác, hoặc đến một điểm rơi, một điểm bay hay điểm chuyển đổi chiều kích. Nói tới tận cùng nhất, sáng tác với tôi chưa bao giờ là một nghề, chưa bao giờ là một phương pháp, càng chẳng phải hành trình thực hành cái gì hết. Nó là hành trình sống, hành trình tìm kiếm bản thân trong vũ trụ vô thường, vừa như thể tôi bị cài đặt, vừa như thể, có lẽ, là điều tôi muốn…

Về diễn giả:

Kim Ngọc nhà soạn nhạc xuyên ngành và nghệ sĩ trình diễn ngẫu hứng thể nghiệm.

Sinh ra trong một gia đình âm nhạc, Kim Ngọc đã từng trải qua 15 năm học nhạc cổ điển chuyên ngành piano và sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Một cách rất tự nhiên, chị bước tới và bén duyên với âm nhạc đương đại rồi âm nhạc thể nghiệm. Dù có thời gian rất dài theo học nhạc cổ điển của phương tây, nhưng với chị, nghệ thuật truyền thống mới là cuộc chạm trán có ý nghĩa căn bản trong những tác phẩm sau này. Sau 3 năm học nghiên cứu chuyên ngành sáng tác và trình diễn ngẫu hứng tại Đức, chị đã trở lại Việt Nam làm việc và cống hiến, mang theo trăn trở về một mảnh đất ươm mầm nhạc thể nghiệm. Nhắc tới Kim Ngọc, nhiều người sẽ biết đến chị với tư cách người sinh ra và phát triển Trung tâm m nhạc và Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm, người sáng lập Hanoi New Music Festival, người xây dựng và nuôi dưỡng âm nhạc đương đại và thể nghiệm Việt Nam. Nhưng tất cả những hoạt động ấy chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Sự nghiệp của Kim Ngọc trước hết là của một nghệ sĩ, một nhạc sĩ mà với chị “sáng tác là một hành trình sống.” Năm 2019 Kim Ngọc được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Buổi chia sẻ một chặng đường trong hành trình sáng tạo cá nhân của Kim Ngọc sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn những ý niệm và triết lý phía sau những tác phẩm âm nhạc mà phần lớn mới chỉ được công chúng biết đến qua những cái tên.

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức

Nguyễn Mạnh Đức sinh năm 1953 tại Bắc Ninh, cái nôi của các làng nghề truyền thống và các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng. Sau khi đi bộ đội từ 1971 – 1975, ông theo học trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam. Ảnh hưởng và đam mê sâu sắc văn hoá, nghệ thuật và kiến trúc dân gian Bắc bộ, Nguyễn Mạnh Đức trở thành nhà sưu tầm, phục chế cổ vật và nhà cổ, từng thực hiện rất nhiều công trình truyền thống, là cố vấn nghệ thuật cho các phim cổ trang cũng như các sự kiện văn hoá dân gian, dành được nhiều giải thưởng như Cánh Diều Vàng, Bông Sen Vàng cho hoạ sĩ thiết kế.

Nguyễn Mạnh Đức dựng lại một nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, Hòa Bình thành nhà riêng của mình ở Hà Nội năm 1993. Ông đã tổ chức rất nhiều chương trình ca nhạc dân gian, các sự kiện văn hoá truyền thống và mở xưởng phục chế đồ sơn thếp tại đây. Năm 1998, Nguyễn Mạnh Đức cùng curator Trần Lương đã biến nhà sàn này thành không gian đầu tiên dành cho nghệ thuật thử nghiệm: Nhà Sàn Anh Đức hay Nhà Sàn Studio. Với sự ủng hộ nhiệt thành của Nguyễn Mạnh Đức, các thế hệ nghệ sĩ đương đại thể nghiệm đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam đã được nuôi nấng và phát triển tại đây. Anh không chỉ là người chứng chứng kiến, mà đúng hơn, anh là người đỡ đầu của một phần quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật đương đại thể nghiệm Việt Nam.

Về dự án

Lưu trú Nhạc thể nghiệm Đom Đóm “HÌNH CỦA NHẠC” là chương trình lưu trú và phòng thí nghiệm xúc tác đầu tiên dành riêng cho các hình thức âm nhạc mới do Đom Đóm khởi xướng và vận hành cùng với sự tài trợ của quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh Việt Nam nhằm phát triển các tác giả và tạo ra các tác phẩm mới cho âm nhạc đương đại và thể nghiệm Việt Nam. Chương trình sẽ trao cơ hội cho 4 đến 5 nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ trẻ làm việc có chiều sâu với các loại hình, yếu tố đa dạng của 5 loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, với sự đồng hành của các cố vấn nhạc sĩ có bề dày hoạt động và cách tiếp cận di sản đa dạng để từ đó triển khai ý tưởng, sáng tác và thực hiện tác phẩm âm nhạc mới trong 6 tháng lưu trú. Những tác phẩm mới hình thành sẽ được công diễn tại Hà Nội vào cuối kỳ lưu trú. Các nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc còn có cơ hội được chọn trình diễn tại Liên Hoan Nhạc Mới Hà Nội 2021.

Lịch trình chi tiết của dự án vui lòng tại đây
Lịch sự kiện có thể thay đổi trong quá trình vận hành dự án

Về Đom Đóm: Thành lập bởi nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm là tổ chức phi lợi nhuận dành cho các hoạt động phát triển âm nhạc thể nghiệm đương đại và sự liên kết đa ngành của nó với các loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác. Đom Đóm hiện đang cung cấp các lớp đào tạo nhạc sĩ đương đại thể nghiệm; không gian sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm trong nước kết nối với khu vực và quốc tế; và các chương trình phát triển khán giả cho âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Việt Nam. Là một phần cơ học của một cỗ máy lớn, Đom Đóm phấn đấu trở thành một động cơ bền bỉ, hiệu quả góp phần kích hoạt và nâng cao nhận thức của khán giả và cộng đồng thực hành nghệ thuật về tầm quan trọng của âm nhạc thể nghiệm và đương đại trong hệ sinh thái phát triển văn hoá Việt Nam.

Về FAMLAB: Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật.

Đối tác truyền thông: Cổ Động PageHanoi Grapevine

Mọi chi tiết xin liên hệ:
Phạm Út Quyên – Điều phối Chương trình
Điện thoại: +84 949105970
Email: [email protected]

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply