Nổ Cái Bùm: Một Tinh Thần Tập Thể – Phần 1: Nổ...

Nổ Cái Bùm: Một Tinh Thần Tập Thể – Phần 1: Nổ Mắt

Viết và hình ảnh bởi Đồng Hà Nhuận cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Đầu tháng 7 vừa qua, một sự kiện đã để lại tiếng vang lớn trong cộng đồng yêu nghệ thuật cả nước – một cuộc hội ngộ “vô tiền khoáng hậu” tại miền trung giữa 56 nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu và khán giả địa phương lẫn quốc tế, được đặt cho cái tên rất oách với dư âm khó phai: Nổ Cái Bùm!

Diễn ra trong sáu ngày từ 04 – 09/07 tại Huế, Nổ Cái Bùm là tuần lễ nghệ thuật đương đại do NEST Studio, Mơ Đơ Art Space và dự án Symbioses đồng khởi xướng và tổ chức, với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và cộng đồng nghệ thuật cả nước. Sử dụng thành phố Huế như một “trận địa” cho cuộc “đại triển lãm” đầy thi vị, sự kiện diễn ra lần lượt và dàn trải tại sáu không gian độc đáo – Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (TTNT ĐPT), Mơ Đơ, NEST Studio, Then cafe, Năm Mùa và Đại học Nghệ thuật Huế (ĐHNT) – với chuỗi hoạt động vô cùng đa dạng và hoàn toàn miễn phí, bao gồm: Nổ Mắt; Nổ Tim; Nổ Não & Nổ Bắp.

Poster của Nổ Cái Bùm. Thiết kế của Uyên Minh (aka Mốc). Ảnh do BTC cung cấp.

Trưa chiều ngày 04/07, Nổ Cái Bùm nổ phát súng đầu tiên tại Then cafe – xuất phát điểm của hành trình “Nổ Mắt” và là nơi trưng bày các tác phẩm của Hoàng Ngọc Tú, Nguyễn An, Yatender, Kim Duy và Trần Tuấn. Trên những chiếc xe điện con con với sức chứa khoảng tám người, khán giả chúng tôi luồn lách qua những con đường huyết mạch trong thành nội như một đoàn tour du lịch đúng nghĩa. Dưới thời tiết oi bức, hòa trong dòng người tấp nập, tôi bị choáng ngợp bởi những lớp lang thị giác, những cảm tưởng xúc giác và những âm thanh hòa trộn từ các trình chiếu.

Không gian bên trong của Then cafe. Từ phải qua: loạt ảnh “không đề” (2020) của Yatender; tác phẩm “Vùng ký ức” của Hoàng Ngọc Tú (2020, máy cán ảnh, đèn, biến trở điện và tranh vẽ trên giấy can).
Không gian bên ngoài Then cafe – nơi tập trung để tham gia Art Tour xe điện “Nổ Mắt”.
Điểm đến đầu tiên: trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Tại lối vào không gian triển lãm của ĐHNT, Trương Thiện tái diễn giải một buổi dạy-học vẽ với hai sắp đặt, “Tĩnh vật 1”“Tĩnh vật 2”, gồm những đồ vật đời thường chồng chất lên nhau. Cùng với lời chú thích mơ hồ và gợi mở của nghệ sĩ trong vai trò người dạy vẽ, liệu hai tác phẩm này là sự chất vấn của nghệ sĩ đối với nền giáo dục nghệ thuật chính anh đang dự phần và vai trò của nó trong việc định hình “cái đẹp” trong tâm trí người học – sinh viên, hay người xem – khán giả?

Trương Thiện, “Tĩnh vật 2”, 2020. Lồng đèn, giẻ lau, túi nhựa, hộp gỗ, hộp giấy.
Trương Thiện, “Tĩnh vật 1”, 2020. Hộp thuốc, sách, túi nhựa, giỏ đựng rác, hộp gỗ.
Một góc phòng triển lãm tại Đại học Nghệ thuật Huế với các tác phẩm của Nhật Tôn, Nam Thành Trung, Trần Minh Đức.
Nam Thành Trung, “Những khuôn mặt”, 2020. Sơn mài.
Nguyễn Đức Đạt & Laurent Serpe, “Nghệ Thuật Vạn Tuế”, 2020. Sắp đặt giấy tiền vàng mã.

Sang đến Mơ Đơ, tôi bắt gặp một chiếc ipad trình chiếu đoạn video của nghệ sĩ Futoshi Moromizato đang rửa tay với xà bông và nước bọt của mình trong dự án “Agua del Futuro” (Nước của Tương lai). Một cục xà bông trắng nằm ngay ngắn trên chiếc ipad như đang mời gọi người xem rửa tay với chính nước bọt của họ, như sự chiêm nghiệm về một tương lai báo trước, nơi tài nguyên nước bị cạn kiệt và nhân loại buộc phải dùng đến dịch cơ thể để thay thế.

Một góc Mơ Đơ với các tác phẩm của Nhật Tôn, Hoàng Anh, Futoshi Moromizato.
Futoshi Moromizato, một phần của dự án “Agua del Futuro”, 2019. Sắt đặt xà bông, video.
Xuân Hạ, “Thăng Bình”, 2020. Sắp đặt chai thủy tinh.
Chiếc xe dẫn đầu đoàn Art Tour được trang bị loa phát thanh gợi nên âm thanh phát động chương trình của những gánh xiếc.

Gần cuối hành trình thưởng ngoạn, Năm Mùa là nơi hội tụ các tác phẩm nhiếp ảnh và video của Yatender, Nguyễn Trinh Thi và Quốc Anh. Ấn tượng nhất tại đây có lẽ là tác phẩm sắp đặt nhiếp ảnh cùng tên với địa điểm của Nguyễn Phương Linh, xuất hiện trên mặt ngoài của bốn cánh cửa ra vào. Có lẽ, ở đây mùa thứ năm là mùa của nghệ thuật, nơi cánh cửa ấy nói riêng và Nổ Cái Bùm nói chung đang mở lối đưa khán giả chúng tôi bước vào.

Tác phẩm sắp đặt nhiếp ảnh “Năm Mùa” của Nguyễn Phương Linh xuất hiện trên cửa ra vào của không gian Năm Mùa.
Loạt ảnh “Tình mẫu tử” của Quốc Anh.
Loạt ảnh “không đề” (2020) của Yatender.

Tối đến, bữa tiệc thị giác và âm nhạc tại TTNT ĐPT đánh dấu sự kết thúc của hoạt động “Nổ Mắt” và mở đầu cho chuỗi ngày sôi nổi tiếp theo của Nổ Cái Bùm.

Từ trái qua: Tác phẩm “Mây Lang Thang” (2020, hoa vạn thọ, khung khắc, sơn mài theo họa tiết triều Nguyễn) của Nguyễn Hóa; tác phẩm “Không đề (“Kiếp nào có yêu nhau”)” (2019, phiên bản Huế, sắp đặt đèn neon) của Nguyễn Kim Tố Lan.
Cam Xanh, “Cho hoa, 9 cai ten gai, mui hoa va mot cai ten la hay to bac cu.. cung khong dich duoc tieng me de”, 2019. Sắp đặt.
Đào Tùng, “Tôi có bị làm sao nếu nơi tôi sinh sống không có tủ thờ?”, 2020. Sắp đặt đa chất liệu.
Nguyễn Trần Nam, “Không đề”, 2020. Sắp đặt xương bò.
Đại diện BTC Nổ Cái Bùm-Giám tuyển Lê Thiên Bảo phát biểu trong đêm khai mạc sự kiện tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

NO COMMENTS

Leave a Reply