Nổ Cái Bùm: Một Tinh Thần Tập Thể – Phần 3: Nổ...

Nổ Cái Bùm: Một Tinh Thần Tập Thể – Phần 3: Nổ Não & Nổ Bắp

Viết và hình ảnh bởi Đồng Hà Nhuận cho Hanoi Grapevine
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Đầu tháng 7 vừa qua, một sự kiện đã để lại tiếng vang lớn trong cộng đồng yêu nghệ thuật cả nước – một cuộc hội ngộ “vô tiền khoáng hậu” tại miền trung giữa 56 nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu và khán giả địa phương lẫn quốc tế, được đặt cho cái tên rất oách với dư âm khó phai: Nổ Cái Bùm!

Diễn ra trong sáu ngày từ 04 – 09/07 tại Huế, Nổ Cái Bùm là tuần lễ nghệ thuật đương đại do NEST Studio, Mơ Đơ Art Space và dự án Symbioses đồng khởi xướng và tổ chức, với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và cộng đồng nghệ thuật cả nước. Sử dụng thành phố Huế như một “trận địa” cho cuộc “đại triển lãm” đầy thi vị, sự kiện diễn ra lần lượt và dàn trải tại sáu không gian độc đáo – Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (TTNT ĐPT), Mơ Đơ, NEST Studio, Then cafe, Năm Mùa và Đại học Nghệ thuật Huế (ĐHNT) – với chuỗi hoạt động vô cùng đa dạng và hoàn toàn miễn phí, bao gồm: Nổ Mắt; Nổ Tim; Nổ Não & Nổ Bắp.

Suốt ba ngày gần cuối, năm xưởng thực hành lần lượt mở cửa, tạo nên phần lớn của trải nghiệm “Nổ Não”: các xưởng của trường ĐHNT, xưởng của nghệ sĩ Phan Hải Bằng, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Hóa và New Space Arts Foundation của Le Brothers.

Nghệ sĩ Phan Hải Bằng giới thiệu về Trúc Chỉ tại xưởng.
Thăm xưởng của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè.
Một góc trong không gian New Space Arts Foundation của anh em nghệ sĩ Le Brothers.
Một góc xưởng của nghệ sĩ Nguyễn Hóa.

Nếu xem Nổ Cái Bùm như một hành trình giải mật thư và truy tìm kho báu trên “trận địa” Huế, thì hoạt động thăm xưởng của trường ĐHNT chính là bản thu nhỏ của trải nghiệm này. Với tấm bản đồ trên tay, người tham dự tỏa ra tứ phía trong khuôn viên trường rộng lớn để sự tò mò và một chút may mắn dẫn lối họ từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, ẩn sâu trong các ngóc ngách nghệ thuật.

Mỗi khách tham quan được phát phiên bản trắng đen của tấm bản đồ này để “đi tìm kho báu” cho riêng mình.

Một mảnh “kho báu” không nằm trên bản đồ sẽ xuất hiện nếu bạn đủ tò mò, kiên nhẫn và may mắn.

Xen giữa hoạt động thăm xưởng là ba buổi trò chuyện và thảo luận thúc đẩy “hoạt động não” của khán giả lên mức tối đa trong hai ngày liên tiếp. Trong buổi thảo luận bàn tròn tại phòng hội thảo của trường ĐHNT, giám tuyển Nguyễn Như Huy cùng nhà giáo Đỗ Kỳ Huy, nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi và KTS Nguyễn Anh Cường đặt lên bàn cân câu hỏi khó nhằn của thế giới nghệ thuật: “Cái gì là cái gì?”. Tối đó tại sân trường, biên đạo Ngô Thanh Phương và các diễn viên múa chia sẻ về quá trình thực hiện X-Project sau khi kết thúc vở diễn.

Thảo luận bàn tròn “Cái gì là cái gì?” diễn ra với nhiều phản biện, đóng góp, suy tư và cả hài hước.

Ngày hôm sau, khán giả được thưởng thức một buổi “Nổ Bắp” thân mật tại Năm Mùa với hoạt động trình chiếu các tác phẩm của Nguyễn Trinh Thi và trò chuyện cùng nghệ sĩ.

Một tinh thần tập thể

Đến cuối chương trình, sau khi bị từng cú Nổ “dội” lên người hàng tá câu hỏi, băn khoăn và cảm xúc riêng biệt, khán giả tự hỏi: sau tất cả, sợi chỉ đỏ ở đây là gì?

Không giám tuyển và hoàn toàn độc lập, Nổ Cái Bùm trao cho tất cả nghệ sĩ toàn quyền quyết định, từ tác phẩm của họ, của nhau đến việc vận hành các hoạt động cộng đồng. Họ “chơi” với tác phẩm của mình, thương lượng cùng nhau và thỏa sức tương tác cùng khán giả theo ý muốn. Những lớp lang chữ nghĩa và thị giác cứ thế chồng chéo lên nhau không điểm mở, không điểm giao, không điểm kết.

Thế nên, chẳng tồn tại thứ gọi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tại đây, theo nghĩa rằng nó phải thốt lên một ý niệm nhất quán, hoặc một thông điệp nhất định từ đầu đến cuối. Mà trên tất cả, tôi nhận thấy cái tinh thần tập thể bền chặt chính là điểm sáng tỏ nhất, là tần số chung nhất của âm vang Nổ Cái Bùm, của cộng động nghệ thuật xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung. Mãi về sau, đó mới là điều khắc ghi trong ký ức của tôi về khoảnh khắc này.

Nguyễn Kim Tố Lan, “Không đề (“Kiếp nào có yêu nhau”)”, 2019, phiên bản Huế. Sắp đặt neon.

NO COMMENTS

Leave a Reply