Khuất dạng: Tiếng nói của Nữ quyền

Khuất dạng: Tiếng nói của Nữ quyền

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Triển lãm Khuất dạng của Hương Ngô lần này tại The Factory (kéo dài từ 20/06 – 04/10/2020) như một bài tiểu luận thú vị và gợi mở về tiếng nói của người phụ nữ trong xã hội. Điểm đặc biệt là những thông tin này ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hay tri thức bình dân.

Tác phẩm Khuất dạng trước mắt

Mượn đàn bà nói về đàn bà

Bước vào triển lãm, nhân vật đầu tiên mà tôi gặp là người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Nguyễn Thị Minh Khai.

Tư liệu lịch sử về Nguyễn Thị Minh Khai trong triển lãm
Hình của Nguyễn Thị Minh Khai khi bị bắt

Được coi là người anh hùng dân tộc, nhân tố lèo lái giai đoạn đỉnh điểm tiến lên CNXH những năm 1930, nhưng những gì tôi biết về bà chỉ là đôi ba lần được nhắc đến trong sách giáo khoa cả ba cấp học phổ thông. Tên của bà – trong tôi – chìm nghỉm giữa những Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Lê Duẩn… hay vài nhân vật giả tưởng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, đang gây tranh cãi trong dư luận.

Khuất dạng của Hương Ngô, tôi mới biết người đàn bà thép này giỏi như thế nào.

Ảnh hộ chiếu giả mạo cung cấp thêm về nơi bà đi qua, từng sinh sống, bị bắt giữ bao nhiêu lần… Đặc biệt, những cái tên giả mạo giúp bà ẩn mình trót lọt.

Hay cách người phụ nữ thông minh này liên lạc với đồng đội qua những bức thư sử dụng mực tàng hình – một kĩ thuật mã hóa thời chiến. Những bức thư viết bằng nước gạo đun sôi, muốn đọc phải chấm dung dịch i-ốt lên để chữ hiện ra.

Các lá thư bà gửi đồng đội của mình, viết bằng mực tàng hình

Đến đây, tôi tự hỏi tại sao “đất” để nói về bà trên truyền thông lẫn trong tri thức bình dân lại hạn chế thế? Nếu có ấn tượng sẽ thường là: “Đàn bà còn giỏi thế, thì đàn ông còn thế nào”; “Dưới sự lãnh đạo của ông A, bà Nguyễn Thị Minh Khai đã…”. Đàn bà tự thân tài giỏi đến đâu, vẫn chỉ là mốc so sánh, khẳng định cho người đàn ông?

Bên cạnh người phụ nữ tên tuổi như Nguyễn Thị Minh Khai là hàng triệu triệu số phận khác – có thể cũng tài giỏi như thế hoặc là người bình thường – bó mình trong định kiến về giới của xã hội, kể cả là xã hội nhiều lạc hậu như Việt Nam thời đó, hay văn minh như các nước đi khai phóng.

Tác phẩm Kẻ nào sở hữu ánh sáng

Trong Kẻ nào Sở hữu Ánh sáng, tác phẩm in lụa cắt ra từ bức tranh tường fresco, nay thuộc Bảo tàng Lịch sử Di trú Quốc gia tại Pháp, cũng có nhiều thông tin thú vị về cái gọi là “văn minh” của kẻ đi khai phóng. Bảo tàng trên có nhiều tác phẩm minh họa các di sản và thành công mà công cuộc chinh phục thuộc địa mang lại như tôn vinh hòa bình, nghệ thuật, thương mại; đề cao tự do, công nghiệp, khoa học. Nhưng không có bức tường nào bày ra những bất công, đàn áp đổ máu của chúng với người bản địa, càng không có những bìa sách cổ vũ cho lối suy nghĩ khinh thường phụ nữ mà bạn sẽ gặp ở những cuốn tiểu thuyết ‘con gái’ cũng được trưng bày tại đây.

Tiểu thuyết “con gái” phiên bản bỏ túi

Dòng tiểu thuyết ‘con gái’ ám chỉ những tác phẩm hư cấu của các nam nhà văn người Pháp, nói về mối quan hệ tình dục giữa đàn ông phương Tây với phụ nữ phương Đông ở Đông Dương. Trong tiếng Việt, ‘con gái’‘người phụ nữ trẻ, chưa chồng’. Sau khi người Pháp xâm lược thì từ này chuyển nghĩa, ám chỉ ‘vợ lẽ’, ‘người hầu’, rồi ‘gái điếm’. Người phụ nữ bản địa chịu định kiến xã hội có sẵn rồi trở thành nạn nhân bị tấn công tình dục bởi “các nhà khai phóng”.

Và phiên bản nghệ sĩ, in chuyển nhiệt

Khuất dạng, bạn có thể thấy các tiểu thuyết này ở dạng nguyên bản – sách giấy bỏ túi – với phần bìa mang màu sắc nhục dục. Phiên bản sách nghệ sĩ in bằng mực cảm nhiệt trưng bày phía sau, chứa các trích đoạn lấy từ nguyên bản. Đừng quên dùng tay chạm, lướt trên giấy để thấy sự tác động của thân nhiệt ảnh hưởng tới hiển thị nội dung như thế nào. Qua đó, bạn cũng là một phần của hành trình tìm kiếm, khám phá mối quan hệ trong trang sách ấy.

Tiếng nói của nữ quyền

Có thể nhận thấy, phong trào nữ quyền ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, dù chưa rõ ràng. Vai trò của người nữ thay đổi từ chỉ làm nội trợ, không được đi học, ‘chỉ đẻ con’, dần dần tham gia làm việc lớn. Thời chiến, họ đóng vai trò quan trọng trong giải phóng dân tộc. Thời hiện đại, họ bền bỉ đấu tranh thoát khỏi định kiến cũ (phải có chồng mới hạnh phúc, đàn bà học ít thôi…).

Lời kêu gọi đứng lên trong tờ truyền đơn vô danh

Hương Ngô tìm thấy một tờ rơi không rõ người viết với lời kêu gọi mạnh mẽ trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, mà tôi rất thích. Văn bản có vẻ đại diện cho nữ quyền, ‘đàn bà ăn cơm nhà nói chuyện thiên hạ’. Nhưng tôi thì thấy họ định danh mình là ‘bà mẹ thương con, bà chị thương em, bà vợ thương chồng’ thay vì ‘các chị em’. Chính họ vẫn đặt họ trên bàn cân với nam giới, bản thân là ‘của ai đó’, không phải của mình.

Đến nay, tư duy đó vẫn ít nhiều tồn tại. Bạn có thể gặp nhiều bài phỏng vấn nữ chính khách hay người nổi tiếng có câu hỏi: “Là người bận rộn, chị làm sao để cân bằng giữa cống hiến cho xã hội và chăm sóc gia đình?”. Người được phỏng vấn hoặc miễn cưỡng, hoặc không nhận ra đó là sợi dây xích định kiến giới, vẫn trả lời rập khuôn: “Đó là nhờ gia đình, chồng con ủng hộ, tôi cũng cố gắng dành thời gian cân bằng…”.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà là khẩu hiệu quen thuộc, ăn sâu vào tư duy người Việt về vai trò của phụ nữ. Định nghĩa về phụ nữ luôn phải nương nhờ vào các định nghĩa khác.

Có lẽ vì thế mà Hương Ngô đi lật lại vấn đề về khái niệm Feminism – điều đáng ra phải rõ ràng từ đầu – bằng cách để một nhóm các nghệ sĩ và tri thức (những người xác định bản thân là người Việt Nam) dịch khái niệm này theo cách của họ. Các phản hồi đa dạng đó trở thành tác phẩm Các đề xuất cho các cách dịch rất thú vị.

Tác phẩm Các đề xuất cho các cách dịch

Ở đây, lời mời của Hương Ngô không đơn thuần là tìm một bản dịch chuẩn. Cô muốn tất cả cùng suy ngẫm về quá trình chuyển dịch. Rằng sẽ có những thứ bị rơi rớt hoặc bổ sung khi từ phương Tây sang phương Đông.

Triển lãm của Hương Ngô hầu như không có một gương mặt phụ nữ cụ thể nào, ngoại trừ trong Khuất dạng trước mắt. Cô cũng không đưa vào những hình ảnh truyền thống như phụ nữ mặc áo dài, bế con cười hạnh phúc bên người chồng đĩnh đạc, cô gái khoác khăn rằn vai đeo súng… Tất cả những hình ảnh đó phản ánh suy nghĩ thực của chúng ta về feminism. Vì thế, nó tăng thêm sự mất cân bằng. Hình ảnh mà ta bắt gặp trong triển lãm, có thể là chính ta, là chị gái em gái ta, là mẹ là bà ta. Vô cùng thân thuộc.

Sân khấu của tác phẩm trình diễn Đàn bà mới

Zoe Butt, giám đốc nghệ thuật của The Factory có viết trong tiểu luận về triển lãm này của Hương Ngô, mà người viết thấy rất hợp lý, xin được trích thay cho phần kết:

“Hương Ngô đặc biệt nhay bén với mối quan hệ giữa chất liệu và thông điệp. Nhiều thủ pháp cô ứng dụng trong sáng tác của mình ám chỉ sự ép buộc, giả mạo và mã hoá. Đây là những kỹ thuật nhuốm màu quân sự, các cơ chế mang tính giám sát mà trong thế kỷ 21, đang hiện diện trên khắp các kênh thông tin trực tuyến, tivi, thiết bị thông minh và công cụ chỉnh sửa hình ảnh kỹ thuật số. Vai trò của các kỹ thuật này được ngụ ý thông qua chất liệu văn bản, thể hiện rõ trong cách sàng lọc kỹ càng câu chữ, nhằm đưa ra thách thức trước hình dung mang tính quy chụp về thế giới của phụ nữ […] Bằng cách sử dụng mực tàng hình, mực đổi màu theo nhiệt; phông chữ thông dụng trong in ấn và nội dung của ấn bản; kỹ thuật in truyền đơn hectograph để gợi mở cuộc hội thoại về bi kịch […], triển lãm Khuất dạng của Hương Ngô khẩn nài người xem xem xét lại lăng kính mà ta hằng sử dụng để quan sát và thấu hiểu lăng kính khác – thứ bị kiểm soát bởi cái ta nghĩ ta hiểu và giả định về giới.”

Tác phẩm Chúng tôi ở đây vì quý vị đã ở đó

NO COMMENTS

Leave a Reply