”In độc bản và video art” – Triển lãm học phần tự...

”In độc bản và video art” – Triển lãm học phần tự chọn

Đăng vào
0

19 – 29/10/2020
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
42 Yết Kiêu, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Tranh in độc bản

Tranh in độc bản ra đời từ cuối thế kỷ XVII ở Châu Âu nhưng bị quên lãng cho mãi đến thế kỉ XIX mới được phát triển rộng rãi. In độc bản là một trong 5 phương pháp in căn bản của nghệ thuật tranh in.

Tranh in độc bản được du nhập chính thức vào nước ta từ những năm đầu những thập niên 90. Tuy nhiên, nó mới chỉ được đưa vào giảng dạy tại khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và một số trường Đại học mỹ thuật trong cả nước từ cuối những năm 2000. Đặc biệt hơn nữa, tranh in độc bản đã trở thành một trong những môn học tự chọn được sinh viên các khoa Hội họa, Sư phạm, Điêu khắc yêu thích trong những năm gần đây.

Đối với cá nhân tôi, tranh in độc bản là một trong những phương pháp sáng tác linh động, tạo ra nhiều sáng tạo, hứng thú cho người thực hành; là cầu nối để đưa các loại hình nghệ thuật Hội họa, Đồ họa hay Điêu khắc xích lại gần nhau hơn. Một điều tưởng như khó thực hiện trước đây nhưng đã được các bạn sinh viên Hội họa, đặc biệt là các bạn sinh viên lớp HH K60 biến thành hiện thực, qua các tác phẩm phong phú về màu sắc, đa dạng về phong cách tạo hình, biến ảo trên bề mặt chất liệu.

Tranh in độc bản có thế mạnh ở việc thao tác kỹ thuật tuy khá đơn giản nhưng hiệu quả thẩm mỹ cao, mang đến nhiều ngẫu hứng sáng tạo thú vị, có thể ứng dụng vào các thể loại tranh khác như Sơn dầu, Sơn mài… Hy vọng điều này sẽ gợi mở nhiều hướng đi mới trong việc giảng dạy cũng như kết hợp thực hành các chuyên ngành của khoa Hội họa cũng như Đồ họa, Điêu khắc tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc
Giảng viên Khoa Đồ họa.

Video art

Video Art là loại hình nghệ thuật được cấu thành từ những hình ảnh chuyển động và được trình chiếu qua các thiết bị video. Video Art đã có quá trình hình thành và phát triển ở Phương Tây từ những năm 60 của thế kỷ XX. Loại hình nghệ thuật này du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 90 và rất phù hợp với giới trẻ, những người tiếp xúc nhiều nhất với Internet, với truyền hình, và các phương tiện CNTT.

Video Art cũng đã xuất hiện trong việc giảng dạy của trường Đại học Mỹ thuật Viêt Nam từ những năm 2003 thông qua chương trình giảng dạy trao đổi hợp tác giữa Việt Nam và Thuỵ Điển. Hiện nay loại hình này là một môn học tự chọn cùng với các môn như Nhiếp Ảnh, In độc bản, 3D. Thời lượng của môn học này khá ngắn chỉ khoảng 3 tuần, do vậy đối với sinh viên, đây chỉ như là một sự giới thiệu và làm quen với một chất liệu mới, và một cách làm việc mới. Người học được thực hành phương pháp làm việc nhóm, cùng nhau trao đổi phát triển ý tưởng theo chủ đề được đưa ra, thực hiện làm phân cảnh cho các tác phẩm phương pháp xây dựng ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, biên tập và trình chiếu các tác phẩm trước công chúng.

Với chủ đề “Gia đình”, nhóm sinh viên K60 đã cùng nhau thảo luận nhiều ý kiến từ chủ đề này để chọn lựa được những ý tưởng hay nhất, có tính khả thi nhất khi thực hiện làm tác phẩm Video Art. Hai tác phẩm ở đây tuy chưa thật sự hoàn thiện, nhưng nó đã thể hiện được sự mong muốn tìm tòi thử nghiệm của các sinh viên đối với một chất liệu mới – một chất liệu vốn có rất nhiều khác biệt với học tập mỹ thuật hàng ngày của các em; khi ở đó chứa đựng cả âm thanh, cả sự chuyện động và thời gian. Hy vọng sau khi ra trường sẽ có những bạn sẽ vẫn có những sự nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể có nhiều tác phẩm tốt tham gia trong các triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Lê Trần Hậu Anh
Giảng viên Khoa Hội họa.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply