Triển lãm cá nhân: Ma trận

Triển lãm cá nhân: Ma trận

Đăng vào
0

Khai mạc: 17:00, Thứ tư 28/10/2020
Triển lãm: 09:00 – 12:00 và 13:30 – 17:00, 28/10 – 15/11/2020
VICAS Art Studio
Sảnh nhà A, VICAS
32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Công nghệ số là đặc trưng của thời đại chúng ta đang sống, nó tác động tích cực cũng như tiêu cực đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong đó có cả lĩnh vực nghệ thuật. Người nghệ sỹ cần đối diện trước thực tế ấy, không thể vờ như mình đang sống ở thời tiền công nghiệp để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chẳng liên quan gì đến thời đại anh ta đang sống.

Trong ngôn ngữ thông thường, ma trận là sự kiểm soát những bế tắc, rối loạn, hỗn tạp, xung đột để tìm ra giải pháp tích cực và hữu hiệu cho cuộc sống. Ma trận của Nguyễn Sơn trong sáng tạo nghệ thuật là kiểm soát những xung đột nội tâm bằng những cảm xúc tích cực.
Về phương diện nghệ thuật, có thể chia toàn bộ sáng tác của Nguyễn Sơn thành hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu, anh vẽ sơn dầu hay acrylic trên toan như bao họa sỹ khác, tranh của anh có hơi hướng tân biểu hiện, đôi khi có pha siêu thực, đôi khi lấn sang chủ nghĩa vị lai. Dòng tranh này thể hiện trình hội họa của anh ở mức khá cao, nếu anh tiếp tục con đường này cũng sẽ là một họa sỹ có đẳng cấp và có thị trường.

Giai đoạn hiện nay, anh làm tranh với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic. Dòng này chắc chắn là kén khán giả hơn nhưng lại có đóng góp mới cho hội họa Việt Nam.

Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS ART STUDIO) có chức năng nghiên cứu và hỗ trợ phát triển các sáng tạo và thử nghiệm về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, trực thuộc Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch).

Đối tác truyền thông: Hanoi Grapevine
Miễn phí vào cửa

Về họa sĩ: Nguyễn Sơn: Với tôi, hội họa là sự cứu rỗi

Hơn 200 năm phát triển nền công nghiệp và hơn 30 năm của công nghệ kỹ thuật số là quá ngắn ngủi so với lịch sử hình thành và phát triển của loài người, tuy nhiên nó lại tác động mạnh mẽ nhất đến sự biến đổi thần tốc và khôn lường ở mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội. Tương tác của công nghệ số với đời sống con người là rất rõ rệt. Lợi ích của nền công nghiệp và công nghệ là không thể chối bỏ.

Mọi vấn đề đều có tính 2 mặt của nó, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu những hệ lụy của nó càng lớn bấy nhiều: đó là hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu, sự gia tăng của rác thải độc hại, hủy hoại môi trường, những sự cố nguy hiểm trong phát triển năng lượng nguyên tử, biến đổi zen hay những nguy cơ từ chiến tranh sinh học v.v… Trong công nghệ số cũng vậy, chúng ta luôn phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực làm con người “lạc lối”, như virus, hacker, nghiện game, nghiện mạng xã hội v.v…

Con người có thể kiểm soát được quá trình phát triển của công nghệ do chính mình sáng tạo ra hay không? Trong bối cảnh này, MA TRẬN – một thuật toán – chính là cơ sở cho việc phát triển đi đôi với kiểm soát các sáng tạo công nghệ mới. Tinh thần cơ bản của Ma trận là tìm ra những quy luật của những lượng thông tin khổng lồ, rối loạn, nhiều tầng, nhiều chiều để tìm cách kiểm soát chúng, hướng chúng vào sự phát triển công nghệ số một cách bền vững và an toàn, phục vụ lợi ích của loài người.

Một trong những tính chất đặc trưng của ma trận là sự kỳ ảo, luôn dịch chuyển và thay đổi. Trong thời đại 4.0 ma trận hiện hữu trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi một thay đổi nhỏ của lĩnh vực này sẽ tương tác và làm thay đổi đến lĩnh vực khác, khiến đời sống tinh thần của nhân loại ngày càng phong phú hơn nhưng cũng phức tạp hơn.

Nghệ thuật cũng không nằm ngoài tương quan này.

Ban đầu, ý niệm về ma trận xuất hiện trong tôi một cách vô thức, là một kiến trúc sư tôi thấy sự phát triển một đô thị bền vững sao cho tương thích với chất lượng cuộc sống của cư dân trong đô thị như là môt bài toán không có lời giải. Tôi có cảm giác thiếu niềm tin giống như bị lạc vào mê cung. Ai cũng mong muốn được sống trong môi trường phát triển, văn minh. nhưng nếu phải sống trong sự phát triển như Hà Nội và Sài Gòn hiện nay thì tôi tin có rất nhiều người mong muốn được trở lại sống vào những năm 90 hoặc xa xưa hơn nữa, cho dù nó có lạc hậu nhưng ít ra là cũng thanh thản và trong lành.

Tôi quay trở lại với hội họa với hy vọng tìm được sự cân bằng về tâm lý và thoát khỏi cái mớ bong bong của cuộc sống. Trong hành trình 6 năm qua tôi đã vẽ rất nhiều chủ đề, làm việc với nhiều loại chất liệu khác nhau, không tự áp đặt mình vào một triết lý hay mục đích chủ đạo nào, nhưng tranh của tôi, cho dù là ngẫu nhiên, không cố ý, vẫn bị ám ảnh bởi những xung đột trong quá trình phát triển: đâu đó vẫn là những cảm xúc buồn về những khía cạch tiêu cực của môi trường, văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị quanh ta.

Chỉ đến khi làm tranh với chất liệu là những mảng bo mạch, tôi mới thấy mình dường như đã không bị phụ thuộc và vượt qua được ngoại cảnh, điều đó giống như tôi đã nắm được ma trận.

Ý tưởng ban đầu thật đơn giản, tôi thử nghiệm làm tranh với bảng bo, mạch với tư cách là rác thải của nền công nghệ số. Bảng mạch cứng và rất khó cắt chính xác theo hình mình muốn, để cắt đc các chi tiết phức tạp ta lại áp dụng công nghệ số, vì vậy tôi hạn chế tối đa việc cắt mà dựa vào hình một tấm mạch hạt nhân để phát triển nó. Cách làm này, có sức lôi cuốn mãnh liệt, tôi không còn phải chú tâm vào việc tìm hình, tìm ý nữa mà chỉ mê mãi kết nối các mảng bo mạch sao cho có logic. Sau đó, tôi dùng màu acrylic để để tạo nghĩa mới cho các mảng bo mạch, hai chất liệu này, một mảng miếng cứng nhắc với khối hình lồi lõm, ngẫu nhiên, một mềm mại uyển chuyển như nước, được dùng theo phương pháp đổ màu, cũng rất ngẫu nhiên, chính tính ngẫu nhiên của chất liệu chất tạo nên sự tương phản lớn nhưng có tính thống nhất, vừa khắc vừa hoà và chính chúng là một ma trận. Mọi việc diễn ra thật nhanh theo xu hướng ngẫu nhiên nhưng cũng chính trong quá trình đó xúc cảm của người nghệ sỹ xuất hiện. Chính ở quá trình làm các tác phẩm kiểu này, tôi nhận ra rằng mình đã vừa có thể thỏa chí sáng tạo, vừa có thể kiểm soát được sự hỗn loạn, vô trật tự của chất liệu, đã biến cái rác thải vô ích thành hữu ích. Đó chính là một phần quan trọng của ma trận: tìm ra phương cách khống chế và kiểm soát nó đi theo quỹ đạo và ý thức của người sáng tạo.

Đã có những thời kỳ, tôi cảm thấy mình như bị cuốn vào một “Không gian mù khơi” (tên một album nhạc tôi sáng tác), nhưng nay hội họa đã cứu rỗi tôi, nó làm cho tôi say một cách yên bình, nó giải thoát những cảm xúc tiêu cực trong tôi.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply