Home Sự kiện Mĩ thuật Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020: Đa dạng,...

Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020: Đa dạng, nhiều thông điệp

Viết bởi UL cho Hanoi Grapevine và VCCA
Ảnh bởi Đan và VCCA
Vui lòng ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự đồng ý

Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) từ ngày 18/9 đến 18/10 năm 2020, đem lại cho người xem nhiều lựa chọn nhờ vào sự đa dạng trong hình thức, thông điệp của các tác phẩm.

Những ấn tượng đầu tiên

Đặt chân vào không gian triển lãm, cảm giác đầu tiên là sự thú vị khi được nhìn thấy các tác phẩm của các nghệ sỹ với độ tuổi khác nhau, từ vùng miền khác nhau được trưng bày khá dân chủ, không có chính phụ hay cao thấp. Cách trưng bày có vẻ ngẫu hứng tạo ra những khoảng trống năng động giúp cho người xem có sự lựa chọn để hướng về bốn phía và nhìn ngắm tác phẩm một cách tự do.

Không gian Triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2020 đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).

Ngay tại cửa ra vào, bên tay phải có ba tác phẩm gây chú ý bởi những ấn tượng trái ngược. Không gian tâm tưởng của Thái Nhật Minh (Hà Nội) thể hiện chuyển động phập phồng của tâm tư trong vẻ ngoài thâm trầm của chất liệu sắt hàn, trong khi đó Vẫy vùng (cũng của Thái Nhật Minh) gợi đến hình ảnh một vị anh hùng có đôi chân vững chãi và đôi cánh to lớn trĩu nặng – có gì đó vừa mạnh mẽ vừa bị ghìm chặt bởi giới hạn của chính mình. Bên cạnh tác phẩm của Thái Nhật Minh là Cao ốc của Nguyễn Hoài Huyền Vũ (Bình Dương) – một cột gỗ với nhiều khối diện tam giác màu sắc tươi tắn, đem lại ấn tượng năng động và bận rộn.

Các tác phẩm (theo thứ tự từ trái sang): Không gian tâm tưởng, Vẫy vùng của Thái Nhật Minh, Cao ốc của Nguyễn Hoài Huyền Vũ.

Nhìn hướng vào bên trong, tác phẩm Đỏ và đen của Hoàng Tường Minh (Sài Gòn) khá nổi bật bởi màu sắc cũng như sự mời gọi về không gian nhờ vào tạo hình thoáng đãng và trọn vẹn. Sự thanh thoát giản đơn của hai thanh sắt vươn lên hình vòng cung xoắn lại với nhau ở giữa gợi đến sự kết nối của các mối quan hệ vừa chặt chẽ vừa cởi mở.

Tác phẩm Đỏ và Đen của Hoàng Tường Minh.

Đứng ở vị trí Đỏ và Đen như một chiếc cổng chào, không gian VCCA mở rộng, tha hồ cho mắt lựa chọn. Nổi bật nhất và to lớn nhất là tác phẩm của Phạm Thái Bình – có tên gọi Thứ Tỷ. Khối tượng cao lớn đại diện cho vị thần đất của người dân tộc, được phủ sơn bóng bảy rực rỡ, là điểm nhấn thu hút nhiều khán giả đến tham quan và chụp hình lưu niệm.

Tác phẩm Thứ Tỷ của tác giả Phạm Thái Bình.

Một tác phẩm nhiều ẩn ý khiến cho người xem có xu hướng nhìn nhận lại bản thân là Mặt mộc (sắt, inox) của Phạm Đình Tiến (Sài Gòn), tạo hình một cái đầu hổng hoác từ trước ra sau, làm liên tưởng đến một tác phẩm tương tự cũng được trưng bày tại triển lãm này của Trần Đức Sỹ là Bóng số 1.

Tác phẩm Mặt mộc của Phạm Đình Tiến.

Tác phẩm Bóng số 1 của Trần Đức Sỹ.

Những “ghi chép” từ góc độ chất liệu

Về mặt chất liệu, các tác phẩm bằng đá tỏ ra thuyết phục từ hình khối cho tới cách xử lý bề mặt nhờ vào Lương Văn Trịnh (Hà Nội) với Biến thể đen 12, Hoàng Mai Thiệp (Hà Nội) với ba tác phẩm cùng tên Quà của biển và Phạm Nguyễn Quốc Huy (Đồng Nai) với Đám mây nhỏĐỉnh mây; Đặng Đức Thành (Hà Nội) với Tiêu bản 12

Bộ tác phẩm Quà của biển của tác giả Hoàng Mai Thiệp.

Giữa các tác phẩm bằng composite, hay chất liệu tổng hợp, nghệ sĩ trẻ Đỗ Hà Hoài (sinh năm 1994, Gia Lai) không chú trọng tạo hình đèm đẹp hay ý nghĩa văn học, anh đem đến một trải nghiệm về chất liệu và màu sắc qua cụm tác phẩm Dị ứng màu sắc – những thân người gầy còm nổi mụn như được dựng lên từ bọt xốp nhiều màu. Trần Trọng Tri với bộ bàn ghế có tên Huyền tích là có thật, cũng đem đến một hình thức khác biệt so với các tác phẩm khác trong triển lãm. Được biết đây là bước phát triển tiếp theo trong series tác phẩm thể hiện sự đối thoại giữa câu chuyện hôm nay và huyền tích Âu Cơ sinh trăm trứng mà Trần Trọng Tri theo đuổi từ năm 2012 tới nay.

Tác phẩm Dị ứng màu sắc của Đỗ Hà Hoài.

Các tác phẩm bằng chất liệu kim loại (sắt, inox, đồng) chiếm số lượng lớn, với nhiều đề tài và thể hiện đa dạng. Có thể điểm qua Vũ Quang (Bắc Ninh) với Sự tồn tại 1 và 2. Tác phẩm của anh gợi đến sự tiếp xúc hay phát triển của tế bào với những hình núm và vệt lồi lõm nhô lên duyên dáng từ trên bề mặt căng bóng của kim loại. Tác phẩm Cất cánh của Vũ Quang Sáng (Hà Nội) “đánh lừa” được mắt người xem ở các khoảng cách khác nhau, nhờ vào sự thay đổi của các diện tam giác. Chuyển động ở bên trong của Khổng Đỗ Tuyền (Hà Nội) như một tuyên bố về khối, về hình dạng chữ nhật và vuông, về ánh sáng, và chất liệu, mạnh mẽ đứng một mình không thể lẫn lộn. Series tác phẩm Đáy nước, Cuối hạ của Trần Việt Hưng (Sài Gòn) tạo được cảm giác nên thơ, chắt lọc và tĩnh lặng về thiên nhiên.

Tác phẩm Chuyển động bên trong của tác giả Khổng Đỗ Tuyền.

Tác phẩm gốm tuy ít nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng. Quả sinh đôiQuả sinh ba của Lê Anh Vũ (Hà Nội) khá thú vị và tinh tế, có Giang sơn của Nguyễn Duy Mạnh (Vĩnh Phúc) mang tính phê phán, tạo cảm giác rùng rợn vì màu đỏ máu và các khúc xương trồi lên từ các mỏm núi bị cắt xẻ.

Tác phẩm Quả sinh đôi và Quả sinh ba của Lê Anh Vũ.

Trong số các tác phẩm gỗ có sự biểu cảm mạnh mẽ, thô ráp của Kù Kao Khải (Ninh Bình) ở bộ đôi tác phẩm: Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắpBố mẹ tôi, cái xẻng và củ su hào, có sự thú vị về thẩm mỹ ở Cái kén 34 của Nguyễn Ngọc Lâm (Hà Nội). Nhà điêu khắc Trần An (Nam Định) có vẻ như đang tìm tòi trên bề mặt với bộ ba tác phẩm Mục ruỗng. Tượng chân dung cô gái trẻ Chơi vơi của Nguyễn Văn Tuệ (Hà Nội) cũng có một nét riêng thu hút các bạn trẻ xem triển lãm.

Tác phẩm Bố mẹ tôi, cái cuốc và cây cải bắp và Bố mẹ tôi, cái xẻng và củ su hào của tác giả Kù Kao Khải.
Tác phẩm Chơi Vơi của Nguyễn Văn Tuệ

Cụm tác phẩm sơn đắp duy nhất là của Lê Lạng Lương có tên Nắng xanh 1Nắng xanh 2 biểu thị sự tự do và bay bổng.

Tác phẩm Nắng xanh 1 và 2 của tác giả Lê Lạng Lương.

Một series tác phẩm được đánh số và ký hiệu E18, E19, E20.1 gợi về cuộc sống trong thời đại số của Nguyễn Huy Tính (Hà Nội)

Tác phẩm E20.1 của Nguyễn Huy Tính.

Triển lãm lần thứ 6 của nhóm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn đã tạo ra một trải nghiệm nghệ thuật đáng trân trọng, đặc biệt trong bối cảnh các triển lãm điêu khắc thường hiếm gặp hơn triển lãm hội họa.

Tác phẩm Mưa 1 của Vũ Bình Minh.
Tác phẩm Bâng khuâng của Đinh Duy Tôn
Tác phẩm Mối tình của tôi của Đinh Duy Tôn
Chùm 3 tác phẩm của Đinh Duy Tôn sắp đặt tương tác với nhau.

Tác phẩm Cuối Hạ của Trần Việt Hưng
Tác phẩm Hoa Đêm của Lê Hoàng Phi Hùng

Tác phẩm Hip Hop Never Die của Pham Đinh Tiến

Tác phẩm Điên 2 của Nguyễn Kiến Thức

NO COMMENTS

Leave a Reply