Triển lãm “Chuyển mây”

Triển lãm “Chuyển mây”

Đăng vào
0

Khai mạc: 17:00, Thứ bảy 05/12/2020
Triển lãm: 05 – 13/12/2020
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, những công trình kiến trúc tôn giáo cổ: Đền, Đình, Chùa, Miếu đã trở nên quá đỗi thân thuộc với tôi. Những kiến trúc đó không chỉ tồn tại hiện hữu với hình ảnh mái ngói rêu phong, trụ cột, hoa văn… mà trong cái mơ ảo của ánh sáng, lộng lẫy vàng son, cái mộc mạc của gỗ, đá còn ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần.

Trong đối thoại giữa tri giác và trường nhìn thị giác, tôi thấy được khí của trời và đất, thấy sự giao thoa giữa kí ức tiền nhân và tâm thức lớp người hiện tại với các vị Thần – Phật. Những thức đó vô hình nhưng lại rất gần gũi, bao phủ, lan tỏa dẫn dắt con người tới một không gian ảo diệu, linh thiêng.

Hậu cung 1/ 133 x 90 x 55 cm/ Đồng đỏ/ 2020

Ngôn ngữ biểu đạt trong hệ thống tác phẩm của tôi chủ yếu lấy cảm hứng từ những hình khối kiến trúc tôn giáo truyền thống, kết hợp khai thác với nét vân mây cổ. Mây là hiện tượng tự nhiên, không định dạng được. Người nghệ nhân dân gian cách điệu vân mây trong nét hoạ tiết xoắn cuộn để trở thành một hình tượng trang trí không thể thiếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống, tạo ra hiệu ứng linh thiêng, thần bí mà gần gũi đời thực. Mây cũng là một trong nhiều biểu tượng của niềm tin, sự gắn bó mật thiết giữa thực tại con người và tôn giáo.

Biến Thể 3-4-5/ Đá/ 2020

Ở loạt tác phẩm của tôi, mây hòa quện, bao phủ, dẫn dắt khối hình; có lúc mây chỉ là đường vân ẩn trong vật liệu đá trên những mảng hình khối tối giản. Khi chạm vào đá, tôi luôn “đối thoại” được với loại vật liệu có tính nguyên thủy, tồn tại song hành cùng trái đất này. Tôi nghe được những thanh âm vang vọng, những mạch nguồn cổ xưa khi cắt, xẻ, gọt giũa, mài nhẵn, đánh bóng trong quá trình tìm kiếm màu sắc, hình khối cho tác phẩm trên những tảng chất rắn tồn tại qua thời gian.

Lương Trịnh

Hoành tráng và bái vật

Văn hóa Làng là nguồn cảm hứng chủ đạo của phần đông nghệ sĩ Việt Nam trong cả hai chiều ước vọng “phát huy truyền thống” và “hiện đại hóa”, nhân loại hóa nghệ thuật của mình. Một nhà phê bình nghệ thuật thuật nước ngoài từng nhận xét rằng : Các nghệ sĩ (thời kỳ đổi mới trước sau thập kỷ 1990) đi tới biểu đạt ngôn ngữ hiện đại bằng ‘con đường qua Làng’. Lương Trịnh cũng xác nhận con đường ấy trong loạt điêu khắc rất đương đại và khác lạ của mình. Khối rỗng kì ảo uy nghi của bộ mái chùa, đền và nhất là cái mái đình, biểu tượng huy hoàng nhất của kiến trúc cổ điển Việt Nam được bóc ra, đúc đặc bằng đá đen huyền hoặc. Đường lượn bất tận huyền thoại của đầu đao như cánh linh điểu cổ sơ vút bay, như đường gươm vạch lên trời xanh của non nước làng quê cũng có thể là những chắt lọc hình học tối giản được ngưỡng mộ của design ngày nay. Và trùng điệp những vân mây chuẩn hóa tượng trưng như khoác một tấm áo bào lộng lẫy cho mọi thực thể vật chất. Cái tĩnh tại uy nghi quấn quýt với vô thường duyên phận. Mây là hơi thở của núi sông, là đảm bảo cho nghĩa tình không phai “nước non nặng một lời thề”. Tổ hợp form đối lập đứng – bay, dừng – trôi, bất biến và phù vân khiến cho tác phẩm điêu khắc hoành tráng mà lãng mạn. Hầu hết văn nghệ sĩ ta thường yêu quý văn hóa Làng ở chất: “mộc mạc, dân gian, chân phương, ngộ nghĩnh, xin xắn, duyên dáng, đáng yêu…” mà ít ai nhận thức, tôn vinh thích đáng bản chất thiết yếu hơn của Văn hóa Làng là tính hoành tráng cao cả, vẻ mỹ lệ chuẩn mực, chất uyên áo tâm linh của nó như Lương Trịnh. Và hơn thế nữa tác giả còn dũng cảm tin rằng tầm vóc lớn lao, tuệ giác thâm sâu của tâm hồn Việt vẫn đang tồn tại trong mỗi người chúng ta hôm nay. Những pho tượng khối mái đình đè nặng như một tường thành cổ, khi lật ngược lên nó bung nở thanh thoát và bao trùm rợp bóng như một cánh dù lớn. Những pho nhiều tầng tháp chùa đền rêu phong, cây leo vấn vít đồng thời như lặng lẽ vươn cao kiêu hãnh như/cùng những chóp núi đá vôi vạn cổ xưa soi bóng gương nước trong như lọc của nguồn mạch quê nhà. Chúng là các bảo tháp hơn là một tác phẩm điêu khắc đương đại (!). Chúng gợi nhớ những Cột đá khắc kinh của Đinh Liễn và ngàn bảo Tháp mà vua Lý từng ban thưởng khắp nhân gian hơn là những khối hình trí tuệ khoe dáng cùng concept tân kỳ. Đủ sang chảnh cho mọi nội ngoại thất công cộng hạng nhiều sao, thời thượng nhưng tượng của Lương Trịnh hướng tới một chiều sâu nội giới cá nhân hơn.

Tháp/ Đá/ 2020

Ở những tượng không có hoa văn mây thì những đường lượn sắc cạnh lọc lõi, chuẩn xác, phóng khoáng, ôm viền những hõm lõm yony dịu dàng ẩm ướt, những mặt gương lồi gợi cảm, và trụ tròn linga tự tin được ‘tổ hợp’ mạch lạc thành một đồ vật dị thường bằng đá đen, cho ta những chuyển form và ánh sáng biến ảo như các bái vật bùa phép cúng tế sơ sử.
Tiếp xúc với bộ tác phẩm mới nhất này của tài năng trẻ Lương Trịnh cho ta những trải nghiệm thẩm mỹ nhân văn quý lạ, có tác động thức tỉnh sâu lắng, điều không dễ gặp trong mỹ thuật ta cả thập niên qua.

Nguyễn Quân
Viết riêng cho triển lãm Chuyển Mây, tháng 10/2020

NO COMMENTS

Leave a Reply