Home Sự kiện Mĩ thuật Thủy Nguyễn – Mộng Bình Thường: 10 năm gom lại một ngày

Thủy Nguyễn – Mộng Bình Thường: 10 năm gom lại một ngày

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Bắt đầu mở cửa đón khách từ 07/11/2020, triển lãm Mộng bình thường như một cuốn phim tổng kết hành trình 10 năm “chơi” với lụa là gấm vóc của Thủy Nguyễn. Ở đó, bạn không chỉ nhìn thấy câu chuyện của cá nhân nghệ sĩ, mà còn được lắng nghe câu chuyện của rất nhiều nhân vật khác từng sử dụng tác phẩm của Thủy, đồng thời chạm vào lớp lớp tầng sâu văn hóa ẩn chứa trong từng thiết kế.

Các tác phẩm của Thủy Nguyễn trưng bày trong triển lãm Mộng bình thường

10 năm gom lại một ngày

Mộng bình thường là một triển lãm đắt giá – theo đúng nghĩa đen của từ này – bởi tổng giá trị chừng ấy hiện vật tính ra có lẽ khiến người ta kinh ngạc. Hơn 100 hiện vật, trong đó có 60 tác phẩm thời trang bao gồm các thiết kế áo dài mang dấu ấn đặc trưng (và có khi chưa hề được trình diễn) trong sự nghiệp thời trang của Thuỷ Nguyễn; những thiết kế độc đáo về thêu, ren, hoạ tiết gấm hay thổ cẩm; cả những hiện vật, phụ kiện thời trang trong bộ sưu tập cá nhân của nghệ sĩ… trưng bày kín không gian rộng lớn của The Factory.

Thủy Nguyễn được biết đến là một nghệ sĩ đa-zi-năng, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như nghệ sĩ thị giác, nhà thiết kế thời trang, nữ doanh nhân… Trong giới làm nghề, cô được coi là một người có sức ảnh hưởng, tiên phong và đóng góp nhiều kiến tạo có giá trị. Hoạt động sáng tạo của Thủy Nguyễn trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, sắp đặt nghệ thuật, phim, thời trang và thiết kế. Năm 2019, tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn Thuỷ là một trong năm mươi phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất.

Phục sức của nàng Mị Châu trong BST cùng tên, lấy cảm hứng từ cải lương với nhiều hoa văn họa tiết cầu kì, rực rỡ

Các tác phẩm này hầu hết đã từng trình diễn trên sàn catwalk, nhưng lần này Thủy chọn triển lãm để người xem có thời gian ngắm nhìn và cảm nhận lâu hơn

Năm 2021 sẽ là năm đánh dấu tròn một thập kỷ kể từ ngày Thuỷ thành lập thương hiệu ‘Thuy Design House’. Thương hiệu này được coi là một trong những nhà mốt tiên phong trong ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Vì thế nên, cột mốc tròn 10 tuổi là dịp để Thủy Nguyễn có cơ hội nhìn lại và chia sẻ cuộc sống cũng như hành trình thời trang của mình.

Điểm thú vị là Thủy không được đào tạo bài bản về thiết kế thời trang, nhưng sáng tạo của cô lại đóng góp chủ yếu cho lĩnh vực này. Trong đó, các tác phẩm mà Thủy phát triển chứa đựng rất nhiều tầng lớp thông tin, kiến thức và trải nghiệm thực tế từ nhiều nền văn hóa khác nhau, thể hiện sự gắn kết bền chặt với văn hóa Việt Nam và tinh thần sẵn sàng đổi mới của nghệ sĩ. Đồng thời, chúng cũng được xử lý một cách khéo léo để dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, để người xem vừa có thể nhìn thấy “mình” trong đó, lại vừa có thể cảm nhận sự gần gũi từ những chất liệu, hoa văn… xuất hiện cách đây hàng ngàn năm. Với người Việt, các tác phẩm của Thủy mang lại cảm giác này rất rõ. Bởi chúng thường được lấy cảm hứng từ vải vóc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh hoạ thế kỷ 20 đi ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương; đặc biệt là áo dài – biểu tượng của văn hoá Việt; mang trong mình những câu chuyện cá nhân quen thuộc như tình mẫu tử, quê hương, đời sống tâm linh, thiên nhiên… và các chất liệu dân gian khác như thành ngữ tục ngữ, đồng dao, chuyện cổ tích, truyền thuyết…

Các họa tiết trên giày, áo… hầu hết lấy từ văn hóa Việt như hoa văn gạch bông, họa tiết mây ngũ sắc, tranh Đông Hồ…

Gia tài của “bà đồng nát”

Giám tuyển Dolla Merrillees – người cùng Thủy chuẩn bị cho triển lãm này – cho rằng Thuỷ là người “không bao giờ thoả hiệp và thoả mãn, cô luôn luôn tìm tòi cái mới, hướng tới những mục tiêu tiếp theo”. “Sự ngoan cố” này có lẽ là có nguyên do.

Những đôi giày cầu kì, rất đương đại và tươi mới, độc nhất

Trên lầu một, Thủy Nguyễn dành riêng để bài trí một căn phòng làm việc thường ngày của mình. Sau khi đi một vòng quanh các tác phẩm rực rỡ và tinh xảo trưng bày khắp các gian phòng lớn nhỏ, bạn có thể dừng lại ở góc phòng cuối cùng này, nhìn ngắm những mẩu chất liệu vụn vặt mà sau đó rất có thể đã góp phần tạo nên bộ váy trong MV Để mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh) hay xuyên suốt các tà áo dài trong phim Cô Ba Sài Gòn. Tôi gọi đây là gia tài của bà đồng nát.

Bộ váy Thủy thiết kế cho Hoàng Thùy Linh sử dụng trong MV Để mị nói cho mà nghe, mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao

Với những người ưa tối giản, sạch sẽ, căn phòng này có thể khiến bạn khó chịu vì mỗi góc lại có một món đồ. Tất cả đều bày tràn cả ra. Này là vụn kim sa đính áo; này là hình những đôi mắt đa dạng sắc thái (của bạn bè, người thân nghệ sĩ, Thủy trưng trong phòng để có cảm giác ấm áp, thân thuộc); này là những hộp, những tranh, những khay, những túi… tinh xảo và xinh đẹp mà cô lượm lặt đâu đó trong những chuyến đi. Đâu đó, còn có những chân dung hí họa của chính Thủy Nguyễn, đem lại cảm giác rất cá nhân, rất riêng tư. Dường như căn phòng giống như kho báu của một cô bé còn đương tuổi chơi đồ hàng. Cô bé ấy lượm lặt tất cả những thứ lấp lánh, nhiều hoa văn lạ mắt, hoặc đơn giản chỉ là kỉ vật của một ai đó thân quen… cất ở trong phòng.

Tôi thì nghĩ ngay tới hình ảnh bà đồng nát khi bước vào căn phòng này của Thủy Nguyễn. Một bức tranh cũ lắm rồi, có khi đã sứt mẻ, nhưng cũng cứ giữ lại vì ai đó quan trọng tặng hồi trẻ tuổi. Một chiếc hộp gỗ xinh xẻo đục khắc tinh tế, để hờ hững trên bàn, như thể đồ hàng ngày dùng, cũng không phải vật gì quý giá lắm. Cả trăm tấm ảnh cũ kĩ, chụp những khuôn mặt xa xưa có khi không còn nhớ tên. Những bộ váy nghệ sĩ A, nghệ sĩ B từng mặc do Thủy thiết kế riêng, vô cùng trân trọng. Hay một góc gầm bàn, có đôi giày cao gót chỏng chơ, bên cạnh một cái hộp giấy mà tôi đồ rằng, giữ lại chỉ vì nó… đẹp! “Gia tài” này của Thủy, có lẽ chẳng đáng bao nhiêu tiền – nếu cho một cô thu ve chai định giá – nhưng chúng vô giá, bởi chính từ chúng mà Thủy có nguyên liệu xào nấu, cắt ghép, thêm bớt, từ đó sáng tạo những tác phẩm đặc sắc của riêng mình. Có thể nói, bà đồng nát này giàu có mà không hề biết.

Thủy Nguyễn trong căn phòng giả lập phòng làm việc thường ngày

Một góc tranh ảnh, đồ vật tinh xảo, cũ kĩ mà Thủy sưu tầm được, cất giữ như kho báu trong phòng

Căn phòng mô phỏng nơi làm việc của nghệ sĩ này là nơi tôi thích nhất trong triển lãm. Nó cho người xem thấy các ý tưởng bắt đầu từ đâu, khởi nguồn của dàn váy áo rực rỡ và kì công trưng bày phía dưới kia là ở đâu, để đi đến một cái đích (ra thành phẩm) người nghệ sĩ đã làm việc dụng công ra sao. Nó cũng cho thấy sự nữ tính bay bổng và hiện đại mà Thủy Nguyễn gửi vào các tác phẩm đi ra từ chính bản thân cô như thế nào. Và cũng từ đó, người xem bước một chân, ghé một mắt vào chu trình sáng tác của nghệ sĩ, để được hiểu thế giới của họ, những quan điểm sáng tạo cá nhân của họ, khi tái sinh trong các thiết kế công phu đã đem đến một luồng gió mới mẻ cho thời trang Việt Nam đương đại như thế nào.

Chân dung Thủy và một bức hí họa trên vali đem lại cảm giác riêng tư, “định danh” cho căn phòng

Triển lãm Thủy Nguyễn – Mộng bình thường do Dolla Merrillees và chính Thuỷ Nguyễn làm giám tuyển, sẽ kéo dài từ ngày 07/11/2020 tới 06/02/2021. Ngoài triển lãm còn có một chuỗi các chương trình trò chuyện, chiếu phim, workshop khác để khán giả hiểu thêm về nghệ sĩ cũng như việc thực hành sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ sĩ Thuỷ Nguyễn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng cao học tại Học viện Nghệ thuật Thị giác và Kiến trúc Quốc gia (Ukraine) ở Kiev. Cô khởi đầu hành trình thời trang bằng việc khai trương cửa hàng Thuy Design House đầu tiên ở Đồng Khởi, Sài Gòn năm 2011.

Giám tuyển Dolla Merrillees là giám tuyển, chuyên gia tư vấn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, tác giả sách, cựu giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng và Khoa học (MAAS). Ngoài ra cô cũng từng là Trưởng Bộ phận Giám tuyển, Sưu tầm và Trưng bày tại bảo tàng nói trên từ đầu năm 2014.

Áo dài là cảm hứng chủ đạo của Thủy Nguyễn khi sáng tác. “Không phải tất cả đều là cách tân áo dài, nhưng hầu hết đều lấy cảm hứng từ nó” – Thủy cho biết

NO COMMENTS

Leave a Reply