Tận Cùng Giấc Mơ Cùng Tận

Tận Cùng Giấc Mơ Cùng Tận

Đăng vào
0

Khai mạc: 18:00 – 20:00, Thứ bảy 24/04/2021
Triển lãm: 10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy, 27/04 – 26/06/2021
Galerie Quynh
118 Nguyễn Văn Thủ, Đa Kao, Quận 1, TP HCM

Thông tin từ ban tổ chức:

Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu triển lãm Tận Cùng Giấc Mơ Cùng Tận, với sự tham gia của Tuấn Andrew Nguyễn và Wowy. Đây là triển lãm thứ hai của đôi nghệ sĩ tại phòng tranh, cũng là lần hợp tác nghệ thuật gần đây nhất kể từ năm 2008.

Nếu 13 năm trước trong triển lãm Quiet Shiny Words/Cultural Doppelgangbangers, mối quan tâm của Tuấn Andrew và Wowy xoay quanh các tiểu văn hoá tại Việt Nam và Hoa Kỳ, về những dòng chảy văn hoá và hàng hoá trên thế giới, thì giờ đây, họ lại đặt ra những câu hỏi về tương lai: Còn lại gì khi không còn ai trên Trái Đất? Viễn cảnh tận thế bước ra khỏi niệm thức và hoá thân thành bộ tác phẩm bích hoạ to rộng, đa sắc; những bức tranh lụa rỉ máu, những khối điêu khắc với hình thù lai hợp… Thành tố xâu chuỗi lại các mắt xích chủ đề triển lãm là bộ phim ngắn cùng tên, kể lại cuộc đối thoại lạ lùng trong một quán bar. Thế giới khi ấy chỉ còn lại duy nhất một người, do Wowy thủ vai. Anh phải uống đấu với một thực thể huyền bí – dạng tồn tại chưa rõ là máy hay ảnh ảo, hay “kiểu kiểu như … thần”. Càng luận sâu về cái kết của loài người, Wowy càng trở nên bực bội vì choáng ngợp. Về gần cuối, những lời thoại trong phim bỗng lên vần hoá thành thơ.

Chữ viết có sự hiện diện mạnh mẽ trong chùm tác phẩm mới của đôi nghệ sĩ, trong đó có Tuấn Andrew với thực hành giao thoa giữa sự thật và sự tưởng trong những chuyện kể, cùng với Wowy là người có thực hành viết và trình diễn thơ. Ở tác phẩm Địa Đồ Hoảng Loạn, dòng tin nhắn của hai người trên nền tảng số được tái thể hiện trên toan, chồng lên trên bản đồ Trái Đất ngày tận thế. Tác giả của tấm bản đồ là nhà tiên tri Gordon-Michael Scallion sau khi ông khai mở cảm quan tâm linh vào đầu những năm 1980. Đoạn tin nhắn giữa hai nghệ sĩ được vẽ lại là những trăn trở không nguôi – “ai gây ra tội ác?” – xen lẫn với tưởng tượng của Scallion về một thế giới chìm ngập trong nước. Đối với đôi nghệ sĩ, Địa Đồ Hoảng Loạn có thể được xem như một dạng bản đồ tư duy kiến tạo nên chùm tác phẩm lần này, và cũng chính tác phẩm trên – với tất cả những quanh co, khúc khuỷu của nó – đã gợi ra không ít ý tứ cho người tham quan về triển lãm. Tuấn Andrew chuyền lại câu hỏi: “Có hay không một thế giới nơi tự do có thể dung hòa với tính bền vững đến từ những cân nhắc về hiểu biết địa phương?” Các tác phẩm điêu khắc, với những nén hương và thanh tre xoè ra từ bê tông cốt thép, được trưng bày bên cạnh bản địa đồ thay cho câu trả lời (hoặc đơn thuần chỉ là lời phỏng đoán).

“Sự dung hòa” ấy được Tuấn Andrew và Wowy tái biểu lộ qua tính đương đại và chất vị lai trong cách sử dụng một số kỹ thuật thị giác nhất định, nổi bật hơn cả là với kỹ thuật vẽ tranh máu dùng chất liệu máu của chính Wowy. Vẽ bằng máu đã tồn tại từ thời tiền sử. Tuy nhiên, trong tác phẩm Máu Còn Sót LạiCầu Trời, chính kỹ thuật trên lại nhất quyết hướng về tương lai, như một cách thức để người cuối cùng trên Trái Đất truyền lại ý chí và những lời cầu nguyện cuối cùng của anh. Hai nghệ sĩ thật có óc khôi hài khi đã mã hóa những vần thơ Wowy viết qua các hoa văn hình học, khiến chúng trở nên không khác gì những tàn tích khó lý giải trong lịch sử – như chữ tượng hình, vòng tròn trên cánh đồng hay bãi đá cổ Stonehenge đối với giống loài sẽ làm chủ Trái Đất sau lụi tàn của nền văn minh đi trước. Cử chỉ này đồng thời cũng là sự thừa nhận đầy khiêm tốn rằng tương lai vẫn tiếp dẫn bất chấp cả cái kết của nhân sinh.

Tận Cùng Giấc Mơ Cùng Tận nói về ngày thế giới kết thúc, nhưng triển lãm lại không ủy mị hay bi quan về nó. Nhân vật người máy-thần trong phim nhắc ta nhớ rằng: “Tận cùng nhân sinh chưa phải là tận cùng thế giới.” Càng đến gần và gần hơn cái kết của nhân loại, triển lãm mời ta suy tưởng về một thế giới mới – nơi sinh sôi nảy nở của những vật thể và linh hồn sẽ vẫn tồn tại khi con người không còn nữa.

Nghệ sĩ Tuấn Andrew Nguyễn và Wowy gửi lời cảm ơn chân thành tới Nguyễn Văn Đủ, Nafi, SoryLê, 3 đầu 6 tay, Dương Hoàng Long, Nguyễn Xuân Phương, Nguyễn Vũ Quang Tùng, Khim Dang, Harry Vũ, và Huỳnh Ngô Vân Anh.

Về nghệ sĩ

Thực hành nghệ thuật của Tuấn Andrew Nguyễn khám phá các chiến lược đối kháng chính trị thông qua phản ký ức và hậu ký ức. Các tác phẩm hình ảnh động và điêu khắc của anh trích xuất và tái tạo các trần thuật về lịch sử và niềm tin của con người trước các hiện tượng siêu nhiên, tạo ra một không gian nơi cả sự thật và sự tưởng đều phải được suy xét.

Tuấn Andrew tốt nghiệp khoa Mỹ thuật tại Đại học California, Irvine năm 1999 và lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Viện Nghệ thuật California năm 2004. Anh đã đoạt được nhiều giải thưởng từ lĩnh vực phim và nghệ thuật thị giác, bao gồm giải Art Matters năm 2010, và giải phim hay nhất tại VietFilmFest năm 2018 cho bộ phim The Island. Tác phẩm của anh đã được trưng bày tại nhiều triển lãm quốc tế, bao gồm Whitney Biennial, Whitney Museum of American Art, New York, NY, Hoa Kỳ; Manifesta 13 Marseilles, Marseilles, Pháp; Say it Loud, Bonnefanten, Maastricht, Hà Lan;… of bread, wine, cars, security and peace, Kunsthalle Wien, Vienna, Áo; Bodies of Water, 13ᵗʰ Shanghai Biennale, Thượng Hải, Trung Quốc; Seismic Movements, Dhaka Art Summit, Dhaka, Bangladesh; Rights of Future Generations, Sharjah Architecture Triennial, Sharjah, UAE; So Far So Right, Kuandu Museum of Fine Arts, Đài Bắc, Đài Loan; SOFT POWER, San Francisco Museum of Modern Art, San Francisco, CA, Hoa Kỳ; Where the sea remembers, The Mistake Room, Los Angeles, CA, Hoa Kỳ; Leaving the Echo Chamber, 14ᵗʰ Sharjah Biennale, Sharjah, UAE; Homeworks, Beirut Biennial, Beirut, Lebanon; và THE GARDEN – End of Times; Beginning of Times, AroS Triennial, Aarhus, Đan Mạch.

Tuấn Andrew sáng lập The Propeller Group năm 2006, một nhóm nghệ sĩ giao thoa giữa nghệ thuật và quảng cáo/truyền thông. Nhóm đã nhận các giải thưởng bao gồm giải Nhất tại Internationale Kurzfilmtage Winterthur năm 2015 cho bộ phim The Living Need Light, The Dead Need Music, và giải Creative Capital cho dự án video Television Commercial for Communism. Ngoài triển lãm nhìn lại quá khứ sáng tác của nhóm, bắt đầu ở MCA Chicago và sau đó trưng bày tại nhiều địa điểm khác, The Propeller Group đã tham gia các triển lãm quốc tế như All the World’s Futures, Venice Biennale 2015, Venice, Ý; Prospect.3, 2014 New Orleans Triennial, New Orleans, LA, Hoa Kỳ; Made in L.A. 2012, Venice Beach Biennale 2012, Los Angeles, CA, Hoa Kỳ; The Ungovernables, 2012 New Museum Triennial, New York, NY, Hoa Kỳ; và 7ᵗʰ Asia Pacific Triennial of Contemporary Art, Queensland Art Gallery, Brisbane, Úc.

Wowy là nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng trong giới hip-hop ở Việt Nam, nhất là sau khi anh giữ vai trò huấn luyện viên tại Rap Việt – một chương trình dành cho nghệ sĩ hip-hop trẻ. Chịu ảnh hưởng từ cuộc sống khó khăn trước đây, âm nhạc của anh – kết hợp giữa rap hiện đại với văn hóa dân tộc, thường nói về khó khăn của cảnh sống thiếu thốn và những cấm kỵ khó lường trong xã hội.

Xuyên suốt thời gian hoạt động sự nghiệp, Wowy đã nhận được nhiều giải thưởng như là Top 10 Bài hát được yêu thích, Giải Làn Sóng Xanh; Ca Khúc Rap/Hip Hop Được Yêu Thích, Zing Music Awards; Top 1, #zingchart; Top 1, YouTube Music Trending cho ca khúc “Thiên Đàng”. Anh còn là huấn luyện viên có thành viên trong đội là Dế Choắt trở thành Quán quân Rap Việt. Năm 2014, Wowy thắng giải Nam diễn viên Xuất sắc với vai chính trong phim The Last Generation của đạo diễn Thibaud Taillant. Năm 2019, anh vào vai nam phụ cho phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy – bộ phim được vinh danh ở hạng mục Làn sóng mới tại Liên hoan phim Busan lần thứ 24 – và đồng thời cũng sáng tác ca khúc “Chạy” chủ đề cho bộ phim này.

Thời niên thiếu của Wowy gắn liền với hip-hop cùng hoạt động vẽ tranh đường phố, và thực hành vẽ này có nhiều ảnh hưởng lên các tác phẩm thị giác của anh sau này. Kể từ năm 2008, Wowy đã có một số tác phẩm được triển lãm trong khu vực bao gồm Quiet Shiny Words / Cultural Doppelgangbangers hợp tác cùng Tuấn Andrew Nguyễn, Galerie Quynh, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam; Strategies from Within, Ke Center for Contemporary Arts, Thượng Hải, Trung Quốc; và Vietnam The World Tour, Amsterdam, Hà Lan; Paris and Lyon, Pháp; Kabul, Afghanistan; Singapore; Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam; Brisbane, Úc; Los Angeles and San Jose, CA, Hoa Kỳ.

Về Galerie Quynh

Được nhìn nhận là phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, Galerie Quynh đã giúp thúc đẩy thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ. Phòng tranh được biết đến ở tầm quốc tế qua những chương trình triển lãm chất lượng và các dự án giáo dục. Song song việc hợp tác chặt chẽ với một nhóm nghệ sĩ chọn lọc – từ những nghệ sĩ đã thành danh, những người đang trong giai đoạn phát triển, hay những nghệ sĩ mới nổi – phòng tranh còn trưng bày tác phẩm của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trên khắp thế giới. Với mục đích khuyến khích sự phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam, phòng tranh hợp tác với các nghệ sĩ và nhà giám tuyển, và những không gian và địa điểm trong nước và trên quốc tế để tổ chức những buổi trò chuyện, thuyết trình cũng như phát hành nhiều ấn phẩm bằng hai ngôn ngữ Anh, Việt. Vào tháng 5 năm 2014, Galerie Quynh thành lập Sao La, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giáo dục nghệ thuật. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ đang làm việc tại Đà Lạt là Nguyễn Kim Tố Lan và Nguyễn Đức Đạt, Sao La hiện tại bao gồm những nghệ sĩ trẻ với sự đam mê sáng tạo đa dạng, làm việc cùng nhau như một tập thể độc lập.

Một chương mới mở ra vào tháng 12 năm 2017 khi Galerie Quynh ra mắt không gian mới rộng 600m2 tại khu Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trải rộng bốn tầng, không gian này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện những chương trình ngày càng tham vọng và tầm cỡ.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply