Home Sự kiện Mĩ thuật Nỗi Buồn Vĩnh Cửu (P1)

Nỗi Buồn Vĩnh Cửu (P1)

Tranh vẽ: Lê Hữu Bảo Phúc
Thiết kế đồ họa: Trần Hoàng Duy

19:00, Chủ nhật 11/04/2021
Khán phòng Charlie Chaplin
Đại học Hoa Sen
8 Nguyễn Văn Tráng, Q1, TP HCM
Link đăng ký

Thông tin từ ban tổ chức:

Các đạo diễn đã bắt đầu ra sao? Những thay đổi gì đã xảy ra?

Nỗi Buồn Vĩnh Cửu (gồm hai phần) là chuyến hồi tưởng, quay lại với những cá tính đa dạng trong điện ảnh Việt Nam đương đại thông qua một lát cắt của phim truyện ngắn. Di chuyển giữa các không gian, thời gian, giữa các hình ảnh vừa riêng tư vừa gợi mở, từng tác phẩm thể hiện thế giới quan, thử nghiệm của mỗi nhà làm phim từ những bối cảnh khác biệt.

Nhóm giám tuyển: Bùi Duy Anh, Nguyễn Đức Minh, Trần Yến Nhi, Bùi Thạc Phong
Với sự hợp tác và cố vấn từ XineHouse

Mức đóng góp đề xuất: 30,000 VND/người, bạn đóng góp theo mức trên khi đến tham gia buổi chiếu nhé

Với phần giao lưu cùng một số đạo diễn có phim trình chiếu; điều phối: giám tuyển Marcus Mạnh Cường Vũ

Chương trình là một phần của tuần phim Như Trăng Trong Đêm: Điện ảnh Việt Nam qua một góc nhìn

Nội dung chương trình

19:00 – Đón khách
19:30 – Chiếu phim

Danh sách phim
(không theo thứ tự trình chiếu tại sự kiện)

Cái đệm, Bùi Kim Quy, 2003, 17’
Chỉ một cái đệm nhưng có thể vừa là niềm vui của người này, vừa là nỗi buồn của kẻ khác.

Phía sau cái cửa gỗ, Tạ Nguyên Hiệp, 2008, 14’
Chàng sinh viên tìm thấy những bản thể khác nhau của mình và những điều kỳ lạ khác, trong căn phòng trọ mới chuyển đến.

16:30, Trần Thanh Huy, 2012, 17’
Lát cắt của một đô thị xế chiều, qua sự va chạm của những em bé đưa kết quả xổ số.

Thành phố của những tấm gương, Trương Minh Quý, 2015, 14’
Nhiều lần, bà nội gọi điện cho ông nội đã mất, nhưng máy của ông đều bận. Vào một sáng đầy nắng, bà nhận được điện thoại từ ông.

Ngọt, mặn, Dương Diệu Linh, 2019, 18’
Chuyện một người phụ nữ bốn mươi tuổi đang mang bầu, quyết định đi gặp người tình của chồng mình.

Về các đạo diễn

Bùi Kim Quy là một đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất và giảng viên điện ảnh. Cô tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 2006, chuyên ngành Biên kịch. Cô đạt giải nhất Liên hoan Phim ngắn toàn quốc năm 2003 với tác phẩm Cái Đệm trong vai trò đạo diễn và biên kịch; giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 (2017) với bộ phim Cha Cõng Con. Hiện tại, cô đang trong giai đoạn hậu kỳ dự án phim truyện thứ hai Memoryland được hỗ trợ bởi Quỹ Purin.

Tạ Nguyên Hiệp tốt nghiệp quay phim và đạo diễn tại trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Anh đạt giải ba Liên hoan phim ngắn Toàn quốc lần 3 (2003) với phim tài liệu Chân Dung Một Người Già. Năm 2011, phim ngắn Phía Sau Cái Chết anh thực hiện giành giải Phim ngắn hay nhất tại Vietnamese International Film Festival tại California (Mỹ). Cùng năm, anh thực hiện phim tài liệu hành trình Vui Tour, hợp tác cùng ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. Tạ Nguyên Hiệp cũng là giảng viên lớp học làm phim dành cho trẻ em TOTO do công ty CJ (Hàn Quốc) tổ chức tại Việt Nam. Trái Tim Quái Vật – phim truyện dài đầu tay của anh – công chiếu năm 2020.

Trần Thanh Huy tốt nghiệp thủ khoa ngành Đạo diễn, ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM năm 2008. Các phim ngắn anh đã thực hiện gồm Nhìn Sẽ Thấy (2006), Chìa Khóa Cuộc Đời (2008), Sự Sống (2008), Chuyện Ba Người (2009), Đường Bi (2011); The Pursuit (2011); Marble (2011), 16:30 (2012). 16:30 từng giành Cánh Diều Vàng 2012, kế đó nhận bốn giải tại YxineFF 2012 và chiếu trong hạng mục Góc Phim Ngắn thuộc Liên hoan phim Cannes 2013. Năm 2018, Trần Thanh Huy trong danh sách 30 Under 30 – 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất – do Forbes Việt Nam bầu chọn. Ròm – phim truyện dài đầu tay của Thanh Huy – công chiếu thế giới tại Liên hoan phim Busan 2019 và trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên giành giải New Currents tại đây.

Trương Minh Quý theo học khoa đạo diễn trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh TP. HCM và bỏ học vào năm 2010 để đi theo con đường điện ảnh độc lập Trọng tâm trong sáng tạo của anh là hình ảnh và lời thoại được đặt trên biên giới giữa hiện thực và siêu thực, giữa cá nhân và phi-cá-nhân, đào sâu mối quan tâm tới sự tồn tại của con người trong bối cảnh thành thị và phi-thành-thị, văn minh và hoang sơ. Các tác phẩm của anh từng trình chiếu tại các liên hoan phim ngắn quốc tế uy tín như Oberhausen (Đức), Clermont-Ferrand (Pháp), Les Rencontres Internationales Paris (Pháp). Trương Minh Quý đã tham dự các chương trình Asian Film Academy (Liên hoan Phim Quốc tế Busan, 2012), Berlinale Talents (Liên hoan Phim Quốc tế Berlin, 2016) và hiện là học viên trường Fresnoy, Xưởng nghệ thuật đương đại quốc gia Pháp.

Dương Diệu Linh tốt nghiệp chuyên ngành Làm phim Kỹ thuật số tại ĐH Quốc gia Singapore. Năm 2011, phim tài liệu ngắn Sông Cửu Long của cô chiến thắng trong Cuộc thi ASEAN-Korea Multimedia Competition. Năm 2019, Ngọt, Mặn đạt giải Youth Jury Prize tại Liên hoan phim Quốc tế Singapore. Năm 2020, phim ngắn mới của Diệu Linh – Thiên Đường Gọi Tên – trình chiếu tại Liên hoan phim Lorcano.

Về diễn giả

Marcus Mạnh Cường Vũ là đồng sáng lập và điều hành liên hoan phim ngắn trực tuyến Yxineff (2010-2014). Anh giám tuyển chùm phim Việt Nam tại chương trình phim ngắn Đông Nam Á S-Express cũng như liên hoan phim SEAShorts. Năm 2015, anh là giám tuyển chùm phim Việt Nam trong chương trình Asian Film Focus được tổ chức bởi không gian điện ảnh và nghệ thuật Objectifs (Singapore). Marcus Mạnh Cường Vũ là đạo diễn vở sân khấu Memento Mori (Hãy Nhớ, Mi Sẽ Chết) – dựa trên cảm hứng từ cuốn sách Điểm Đến Của Cuộc Đời (Nguyễn Hoàng Giang) – sau đó được phát triển thành một dự án cộng đồng đến với khán giả ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.

Như Trăng Trong Đêm 2021 được TPD và COLAB Vietnam đồng tổ chức. Dự án nhận được sự hỗ trợ từ Hội đồng Anh tại Việt Nam, Viện Phim Việt Nam, Đại Học Hoa Sen, DCINE Cinemas, Xinê House, cùng nhiều tổ chức và cá nhân tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Như Trăng Trong Đêm 2021 là một phần của chuỗi sự kiện IN PROGRESS (Hội đồng Anh tại Việt Nam khởi xướng và hỗ trợ)

Cập nhật thêm tại trang sự kiện.

NO COMMENTS

Leave a Reply