“Nhà: Soi tâm để tiếp bước” – Nghệ sĩ làm gì trong...

“Nhà: Soi tâm để tiếp bước” – Nghệ sĩ làm gì trong thời COVID?

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Khi triển lãm Nhà: Soi tâm để tiếp bước đang diễn ra tại The Factory (13/03-06/06/2021) thì cũng là lúc Việt Nam đối mặt với đợt bùng dịch thứ 3 và 4 trong hơn một năm COVID-19 hoành hành. Nếu bạn đang tìm một hoạt động vừa nhẹ nhàng vừa ý nghĩa trong dịp này, hay đơn giản muốn tìm động lực để đi qua những ngày khó khăn, thì triển lãm này rất phù hợp. Chỉ có điều cần nhớ lời dặn của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương trên tranh của anh: Hãy đeo khẩu trang!

Ý tưởng truyền cảm hứng

COVID-19 là một nỗi kinh hoàng, đi đến đâu là tê liệt tới đấy, từ hoạt động kinh tế, giao thông vận tải, y tế… cho đến thứ đơn giản như một cuộc gặp gỡ. Trong đợt phong tỏa đầu tiên (năm 2020), nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương đã làm mình bận rộn bằng cách ghi chép quãng thời gian “ngàn năm có một” dưới cái tên Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam thời COVID.

“Chế” các bức họa nổi tiếng của Tô Ngọc Vân, Điểm Phùng Thị, Lê Phổ… cho phù hợp với… quy định chống dịch, Nguyễn Đức Phương “trang bị” cho các nhân vật đúng chuẩn 5K ( 5 “Không”) -thời-COVID: đám trẻ trong Chơi ô ăn quan (Nguyễn Phan Chánh) mỗi đứa ngồi một góc, giữ những viên đá của riêng mình; hai đấu sĩ trên sới vật (Đấu vật – Nguyễn Sáng) thì thay vì lao vào vật nhau, họ… chạy khỏi nhau như chạy tà; Tĩnh vật (Bùi Xuân Phái) còn kèm thêm… chai cồn 70 độ! Tinh thần chống dịch như chống giặc của người Việt thật đáng nể, bất kể nổi tiếng cỡ như Em Thúy cũng phải đủ 5K hết.

Chuỗi tranh “chế” Lịch sử mỹ thuật thời COVID (2020) của Nguyễn Đức Phương.

Chuỗi tranh của Nguyễn Đức Phương có cái nhìn dí dỏm, nhẹ nhàng về đại dịch, theo cách không ai nghĩ đến. Có lẽ tác giả cũng ngầm khẳng định dù phong tỏa đến cỡ nào, ta vẫn có cách để làm việc, chờ “bình thường mới”. Chính suy nghĩ và cách thể hiện hóm hỉnh này đã truyền cảm hứng cho The Factory mời các nghệ sĩ khác đóng góp phản hồi của họ về một thời đại “bình thường mới”, để từ đó cho ra đời Nhà: Soi tâm để tiếp bước.

Suy tư đa dạng của nghệ sĩ trong đại dịch

Theo tinh thần đó, các nghệ sĩ đóng góp những tác phẩm của mình trong thời gian giãn cách. Như Trương Công Tùng, liên tục trong 7 ngày anh gửi tới dự án những ghi chép thị giác nhặt nhạnh từ cuộc sống thực, trên mạng hay trong trí tưởng tượng, mang tên Tiếng vọng từ ‘thời trục’. Tám lớp lang hình ảnh chồng lên nhau gồm hình ảnh, chữ viết, các mũi tên kí hiệu… tạo thành trục thị giác biến hóa không quy luật. Đó là cách thức trí não làm việc khi liên tục nhảy từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, là cách thế giới vận hành với hàng tỉ thông tin hỗn độn chồng chéo, tất thảy đều muốn được thể hiện và quan tâm. Quá trình sáng tạo của nghệ sĩ cũng tương tự, nhưng thường khán giả chỉ có thể nhìn thấy kết quả cuối – như lớp sơn trên cùng của bức tranh – chứ không thể biết đã có biết bao tranh đấu, thay đổi, pha trộn phía dưới nó.

Chùm ghi chép về cuộc sống của Trương Công Tùng trong đại dịch.

Phan Thảo Nguyên thì lại dành thời gian chiêm nghiệm những tác phẩm tên tuổi của những nghệ sĩ ảnh hưởng tới mình, nghĩ về khoảng thời gian chúng có thể đã bị bỏ rơi, vùi lấp nơi góc nhà, xó tủ. Với chị, những phác thảo chưa thành hình có thể sẽ chẳng bao giờ công khai ấy cũng có một cuộc đời. Nó có thể không ý nghĩa với đại chúng, nhưng hẳn sẽ có nghĩa với cá nhân nào đó. Chị gửi về dự án một video ngắn và 4 bản vẽ sơn dầu trên thẻ kiểm tra mắt của hãng Keystone, đều là những ghi chép vụn vặt, những ý tưởng bất chợt và những suy tư dang dở:

“Tôi vẽ sơn dầu chồng lên thẻ, nhằm tạo diễn ngôn mới về sự bất khả của thị giác trong việc tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, bởi mỗi cá thể lại nhận thức theo muôn hình vạn trạng những lăng kính khác nhau”.

Video và các bản vẽ sơn dầu của Thảo Nguyên Phan.

Khác với Thảo Nguyên, Tammy Nguyễn lại dành thời gian chuyển thể thế giới của Phong Nha, quá trình chế tác nụ cười kiểu Mỹ (bản thảo văn xuôi, ngôn ngữ viết) sang tranh vẽ (ngôn ngữ hội họa). Cô vẽ theo phương pháp quan sát, một phương pháp đòi hỏi ở nghệ sĩ sự nhìn-có-tính-lao-động.

“Quan sát không chỉ quan trọng đối với thực hành của một nghệ sĩ, mà còn cốt yếu trong thực hành đạo đức của một con người. […] Chúng ta – loài người – không đặc biệt như ta tưởng. Những tác phẩm hội họa được sáng tác bằng phương pháp quan sát của tôi đã mở ra cho tôi một cách thức khác hơn, khiêm tốn hơn, trong việc nhìn nhận lại Tự Nhiên”

– Tammy viết.

Một số ghi chép chuyển thể từ chữ viết sang hình ảnh của Tammy Nguyễn.

Còn Bùi Công Khánh đã có những ngày trong phong tỏa hữu ích khi cùng bạn bè trao đổi học tập: anh dạy bạn mình về mỹ thuật; bạn giúp anh bước sâu hơn vào thế giới âm nhạc. Khánh có nhiều thời gian lắng nghe cuộc sống xung quanh và ghi chép bằng kí họa chì. Những chi tiết thường ngày ít khi để tâm như khoảnh khắc người vợ chuẩn bị bữa ăn với la liệt đồ đạc bày trên bàn, căn phòng nơi anh ngồi đắm chìm vào những dòng tin tức trên điện thoại di động, hay những lớp âm thanh trong một bản nhạc… đều trở thành hình ảnh trên giấy.

Nhật kí của Bùi Công Khánh trong những ngày phong tỏa không ra khỏi nhà.

Trong số 6 nghệ sĩ, chỉ có Nam Thi và Võ Thủy Tiên lựa chọn chữ viết và ngôn ngữ cho trải nghiệm của mình. Nam Thi có tập thơ viết tay mang tên Cách ly sạch; một nửa là những bài thơ chỉn chu, ngồi ở Sài Gòn viết về những ngày Hà Nội phong tỏa; nửa còn lại là những ghi chép vụn vặt. Còn Thủy Tiên thì tự đẩy mình vào trạng thái tự-cô-lập. Việc tập yoga, bơi lội, ngồi làm việc ở sân sau nhà hay ra ngoài mua nhu yếu phẩm đều là cơ hội để Tiên lượm lặt từ ngữ, để từ đó phân ngẫu nhiên thành nhóm nhỏ, phối lại thành những bài thơ gạch đầu dòng. Qua đó, ta có thể nhìn thấy quá trình một nghệ sĩ viết thơ không chỉ nhờ một dòng cảm xúc bất chợt, mà là nhiều giờ đồng hồ tìm hiểu, thu nạp kiến thức, ghi chép và vận dụng vào tác phẩm.

Góc của Nam Thi và những bài thơ lãng mạn.
Một trong số rất nhiều chất liệu tạo nên những bài thơ Tập thở của Thủy Tiên.

Mỗi người một cách khác nhau, nhưng các nghệ sĩ cho thấy COVID và khoảng thời gian “rảnh bắt buộc” không phải là cái cớ hợp lí cho việc trì hoãn sáng tạo. Thế giới vẫn vận động, chỉ cần ta chú tâm và cho mình cơ hội nhìn đời theo một cách khác thì vẫn có thể làm cho lockdown trở thành quãng thời giờ đáng giá và hữu ích, còn thế giới thì trở nên thú vị hơn gấp nhiều lần./

NO COMMENTS

Leave a Reply