Lê Hiền Minh: Thách thức cách hiểu tập thể về nữ tính

Lê Hiền Minh: Thách thức cách hiểu tập thể về nữ tính

Đăng vào
0

Bài và ảnh bởi Hà Bi cho Hanoi Grapevine
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Lê Hiền Minh là nghệ sĩ thị giác đạt nhiều thành tựu nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chị gắn bó sâu sắc với giấy Dó truyền thống trong các sáng tác nghệ thuật sắp đặt cỡ lớn; góp phần kết nối, phát triển nghệ thuật, văn hoá truyền thống và đương đại của Việt Nam. Nhân dịp tác phẩm Các Thánh Của Kì Vọng của chị đang trưng bày tại triển lãm nhóm “Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên”, The Factory tổ chức một buổi trò chuyện để khán giả hiểu hơn về thực hành nghệ thuật của chị.

Nội dung do Hanoi Grapevine tuyển lọc từ buổi trò chuyện trực tuyến này, thêm câu hỏi và ghi chép dưới dạng bài phỏng vấn để người đọc dễ tiếp cận. Độc giả có nhu cầu nghe chi tiết cuộc trò chuyện có thể xem tại clip sau đây:

Chào chị Hiền Minh! Chị đã có thời gian đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam và Mỹ. Chị đã phát triển thế nào trong thời gian này?

Tôi học chuyên khoa sơn mài tại ĐH Mỹ thuật TP. HCM (1998) và tốt nghiệp ngành Nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Cincinnati, Mỹ (2004). Thời điểm đó vẫn là thời hậu chiến tranh, đề tài được tôn sùng nhất là cách mạng, quần chúng, sản xuất, học theo trường phái chủ nghĩa hiện thực xã hội Liên Xô. Sinh viên nào thể hiện chủ đề này giỏi thì được điểm cao và ngược lại. Có rất ít “đất” cho trí tưởng tượng và những phá cách. Tôi rất chật vật khi đi theo khuôn khổ này, luôn bị coi là một học sinh kém.

Ngược lại với sự khuôn khổ cứng ngắc ở Việt Nam, ngành nghệ thuật ở Mỹ lại vô cùng khuyến khích tôi thể hiện bản thân. Nhưng đó cũng lại là một trở ngại: tôi không biết thể hiện bản thân như thế nào.

Nghệ sĩ Lê Hiền Minh

Rồi chị làm thế nào?

Tôi tìm cách thử nghiệm với nhiều chất liệu, cách thức khác nhau như video art, trình diễn, vẽ tranh… Tôi khá thích thú với chúng nhưng vẫn thấy có sự xa cách. Nó chưa nói được tôi là ai.

Khoảng năm 2003, lần đầu tiên tôi làm quen với giấy dó. Ban đầu cũng không nghĩ sẽ làm việc với giấy dó lâu thế này đâu, chỉ thử nghiệm thôi. Thế nhưng, càng ngày càng thấy gắn bó. Giấy dó đến từ Việt Nam, nên có lẽ, giấy dó là thứ mà tôi tìm kiếm, là thứ đặc biệt nơi trời tây giúp tôi nhận ra mình là ai.

Chị sử dụng giấy dó cho tất cả tác phẩm của mình từ đó về sau?

Giấy Dó hiện diện trong tất cả tác phẩm của tôi trong gần hai thập kỷ qua. Ví dụ như Dictionaries (Từ Điển – 2012) – tác phẩm tưởng nhớ người bố đã mất của tôi – có 1000 ‘quyển sách’ làm bằng giấy dó. Trong Balls (Hạt – 2004 và 2016), giấy dó cũng giúp tôi tạo nên hơn 20 ngàn ‘hạt giấy’ trong hai lần triển lãm.

Tác phẩm Dictionaries (2012)

Mới đây tôi có thêm chuỗi tác phẩm 5 Questions Series (Chuỗi 5 câu hỏi) cũng sử dụng chất liệu này.

Nhắc tới 5 Questions Series, tác phẩm này có những gì?

5 Questions Series là chuỗi tác phẩm tương tác kết hợp điêu khắc và chữ viết, gồm 3 tác phẩm: The States of Mind (Những Trạng Thái Của Tâm Trí) – triển lãm tại Fukuoka 2019; The Invisibility of Female Labor (Sự Vô Hình Của Lao Động Nữ) – triển lãm tại Leipzig, Đức 2020 và The Gods of Expectation (Các Thánh Của Kì Vọng) – đang triển lãm tại The Factory, TP. HCM, 2021.

Mỗi tác phẩm theo đuổi chủ đề khác nhau, phần điêu khắc cũng có sự khác biệt vì là sắp đặt biệt vị (sắp đặt tùy biến theo không gian trưng bày – PV), nhưng phần chữ viết luôn là năm câu hỏi: Phụ nữ là ai?, Phụ nữ là gì?, Phụ nữ ở đâu?, Khi nào là phụ nữ?, Tại sao là phụ nữ?. Người xem có thể tương tác với tác phẩm bằng cách viết suy nghĩ của họ ra giấy, dán lên hoặc đặt cạnh tác phẩm.

Tác phẩm đầu tiên tôi làm là The States of Mind, gồm 5 bức tượng phụ nữ ở 5 tư thế, 5 cảm xúc khác nhau, đặt trong chùa Myorakuji, Nhật Bản.

Tác phẩm The States of Mind

Năm 2020, tôi làm việc 3 tháng tại Leipzig, Đức – nơi từng là nhà máy lớn có hàng ngàn nhân viên (trong thế kỷ 19 và 20), tạo ra tác phẩm The Invisibility of Female Labor. Tôi chọn cây lau nhà và cái xô – vật dụng mang tính biểu tượng cao, hầu như ai cũng hiểu chúng dùng để lau chùi – một công việc thường dành cho phụ nữ. Ở chỗ làm nữ giới được trả lương chỉ bằng một phần nhỏ so với nam giới. Một lượng lớn lao động nữ làm việc nhà hoàn toàn không lương. Những lao động nữ tạo nên lực lượng lao động vô hình, làm công việc thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, cống hiến cho xã hội không tôn trọng sự đóng góp của họ.

Tác phẩm The Invisibility of Female Labor

Trong The Gods of Expectation, tôi tạo ra ‘03 thánh mẫu’ lấy cảm hứng từ biểu tượng Mẫu trong Đạo Mẫu, lần lượt là: Mẫu Vòng Lặp (tượng nữ thánh và máy giặt); Mẫu Giống Nòi (tượng nữ thánh nằm trên giường, tư thế thường dành cho tượng nam chứ không phải tượng nữ) và Mẫu Bất Tận (tượng nữ thánh ngồi trên bồn rửa chén gắn trên bàn thờ). Ba tượng này nối với nhau bằng sợi dây như dây rốn, ám chỉ những đòi hỏi xoay vòng về trách nhiệm của người phụ nữ: quản gia, nội trợ, sinh con. Thời xưa có “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, thì thế kỉ 21 là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – những định kiến ngàn đời hạ thấp phụ nữ, ăn sâu vào tâm thức người Việt. Người phụ nữ dù thành công bao nhiêu ngoài xã hội, về nhà không tròn “thiên chức” thì cũng không được coi trọng.

Tác phẩm The Gods of Expectation

Tại sao là 5 câu hỏi, mà không phải là 5 câu mô tả chẳng hạn?

Chúng ta đến từ những nền tảng gia đình, xã hội, văn hoá, giới tính, màu da… khác nhau. Nên mỗi người sẽ có câu trả lời, sự chiêm nghiệm riêng của mình cho 5 câu hỏi. Nghệ sĩ không nên và cũng không phải là người đưa ra định nghĩa cho người khác.

Có vẻ điểm chung trong tác phẩm của chị là ‘khán giả’ – bao gồm con người và tự nhiên – cùng hoàn thành tác phẩm?

Đúng vậy. Trong Divine Feminine, khi biết đây là tác phẩm sắp đặt biệt vị cho triển lãm Sculptured Expanded (Phần Lan), trưng bày 6 tháng ngoài trời, tôi muốn tác phẩm sẽ tương tác với thời tiết. Thời gian và thời tiết làm bong lớp giấy dó phủ bên ngoài, để lộ lớp ‘sơn son thếp vàng’ bên trong. Hay chuỗi 3 tác phẩm trong 5 Questions Series, câu trả lời của người xem là một phần của tác phẩm.

Tác phẩm Divine Feminine

Với tôi, nghệ thuật thuộc về văn hóa. Văn hóa là thành quả sáng tạo của xã hội. Nó là quá trình sôi động khi mọi người tìm cách phản ứng với những thay đổi và thách thức nảy sinh. Nó không bất biến, mà sẽ đổi thay. Văn hóa thể hiện trong tác phẩm của tôi qua chất liệu, vật thể, biểu tượng… tạo nên nghệ thuật. Nghệ thuật kết thúc bởi thiên nhiên, một thế lực không lường trước được. Con người và văn hóa là một phần của thiên nhiên và không thể tách khỏi vòng đời đó.

Tôi tôn trọng thiên nhiên trong quá trình hoạt động, như một người cộng tác, chúng tôi cùng thể hiện bản thân.

Vậy câu trả lời của chị cho 5 câu hỏi thì sao?

Tôi vẫn đang trả lời những câu hỏi này, và nó thay đổi theo thời gian. Câu trả lời của năm 2019 đã khác với 2021, sau khi Covid diễn ra.

Chủ đề này đem đến những trải nghiệm thú vị gì cho chị?

2004-2014 là khoảng thời gian tôi tìm cách thể hiện những mảng khác nhau trong kí ức, liên quan đến lịch sử và trải nghiệm cá nhân. Từ 2014 tới nay, tôi mở rộng chủ đề ra văn hóa, chính trị, lịch sử…

Năm 2016 tôi làm Balls, một chiếc bình lớn chứa đầy những hạt tràn ra ngoài. Chiếc bình rượu thuốc – thứ thần dược được tin là tốt cho sinh lực nam giới – đặt trên chiếc bàn giống bàn thờ, đối diện là dòng chữ lớn: Nhiệm vụ lớn nhất của phụ nữ là sinh ra một đứa con trai. Xã hội coi trọng việc nối dõi tông đường, phụ nữ tốt là phụ nữ đẻ được con trai. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò giới tính, căn tính của phụ nữ.

Tác phẩm Balls

Làm Divine Feminine, tôi về làng chuyên làm tượng sơn mài nhiều đời cha truyền con nối Sơn Đồng để đặt làm tượng. Theo truyền thống, phụ nữ không được làm tượng thờ. Ngày nay thì dễ hơn, phụ nữ được làm những khâu không quan trọng như sơn thân tượng. Riêng phần mặt thì không. Chi tiết này khiến tôi được truyền cảm hứng rất nhiều. Tôi yêu cầu ba bức tượng của tôi phải do nữ nghệ nhân làm từ đầu tới cuối, kể cả các khâu “bị cấm”.

Chị nghĩ thế nào về định kiến phụ nữ phải chịu?

Xét riêng giới nghệ thuật thì trên toàn cầu, nghệ sĩ nữ, da màu, trong đó có Việt Nam, rất ít hiện diện trong bảo tàng, phòng tranh… Đó là một hệ thống không công bằng.

Trong xã hội, nam giới thường gắn với sức mạnh, trụ cột, phụ nữ thì liên tưởng tới hậu cần. Niềm tin này hạn chế tiềm năng của phụ nữ.
Bằng cách kết hợp biểu tượng quyền năng với biểu tượng bổn phận của nữ giới, tôi muốn tạo ra tác phẩm thách thức cách hiểu tập thể về nữ tính. Và tôi vẫn đang trong hành trình hoàn thiện điều đó.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc chị mạnh khỏe và tiếp tục sáng tác!

Hình ảnh: Hà Bi & NVCC.

NO COMMENTS

Leave a Reply