ONCE UPON A BRIDGE IN VIETNAM – Một câu chuyện được kể bởi François Bibonne
Viết bởi Francois Bibonne cho Hanoi Grapevine
Vui lòng dẫn nguồn tới Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài viết này
Không sao chép hoặc đăng lại khi chưa có sự cho phép
François Bibonne là một nhà làm phim tài liệu trẻ người Pháp và bà nội anh là người Việt Nam. Nhằm tìm kiếm sự kết nối mà François đã dành 15 tháng sống tại Việt Nam để khám phá nền âm nhạc cổ điển nơi đây và kế cho Hanoi Grapevine nghe về hành trình tuyệt vời anh đã trải qua.
Hãy cùng chiêm ngưỡng đoạn trailer phim tài liệu tuyệt đẹp của François và ủng hộ anh tại đây để François có thể hoàn thành dự án đầy ý nghĩa của mình.
Tên tôi là François Bibonne và tôi đã có 15 tháng sống và khám phá Việt Nam, vùng đất quê hương của người bà yêu dấu của tôi, bà Therese Nguyen Thi Koan.
Tại sao lại là Việt Nam?
Chuyến hành trình của tôi tới Việt Nam bắt đầu với một chiếc va-li nhỏ màu xanh cùng chiếc iPhone tại Sân bay Roissy. Ý tưởng cho ra đời một bộ phim tài liệu về âm nhạc cổ điển phương Tây đã nhen nhóm trong tôi từ năm 2019 khi tôi đang thực tập tại một hãng nhạc cổ điển tại Paris. Tôi từng lên lịch lưu diễn cho các nghệ sĩ tại London, Amsterdam, Tokyo, New York hay Seoul, và rồi một câu hỏi chợt nảy ra trong đầu tôi: vậy còn Việt Nam thì sao? Các nhạc sĩ cổ điển có trình diễn ở đó không? Họ có dàn nhạc không? Nền âm nhạc cổ điển ở Hà Nội – thành phố quê hương bà tôi có diện mạo như thế nào?
Tôi vốn có sẵn mường tượng riêng về Việt Nam, bởi tôi từng có ba tháng làm việc cho một công ty du lịch tại đây vào năm trước. Tôi đặt vé máy bay khi nhận được tháng lương cuối vào tháng 1, và đặt chân tới Việt Nam một tháng sau đó. Khi ấy, mọi người đều cho rằng Châu Á là một điểm đến nguy hiểm do làn sóng Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc. Vậy nên khi tôi nói với bạn bè và người thân về dự án mình đang theo đuổi, họ không nghĩ rằng tôi nghiêm túc. Bản thân tôi cũng không nhận ra mình sắp bắt đầu một dự án có thể thay đổi cả cuộc đời mình.
Ấn tượng đầu tiên
“Thật quá sức tưởng tượng” là ấn tượng đầu tiên của tôi về nền âm nhạc tại Việt Nam. Tôi nhanh chóng kết nối với cộng đồng nhờ Facebook và sự giúp đỡ của giám đốc âm nhạc người Nhật Bản – ông Honna Tetsuji từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, nhưng dịch bệnh đã khiến các buổi biểu diễn phải tạm hoãn tới mùa hè năm sau. Tôi đã rất bất ngờ khi được mời tham dự buổi hoà nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Công an. Tôi thậm chí có cơ hội được gặp ngài Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ. Điểm khác biệt chính mà tôi quan sát được là buổi hoà nhạc đã sử dụng nhạc cụ dân tộc kết hợp cùng các bài dân ca, song hành với vẻ đẹp của tiếng Việt, một điều thú vị mà sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho bộ phim tài liệu của tôi trong tương lai.
Sau đó, đêm nhạc “We return” diễn ra tại Học viện m nhạc Quốc gia Việt Nam là sự chung tay của 3 tổ chức âm nhạc chính tại Hà Nội (bao gồm VNAM (Học viện m nhạc Quốc gia Việt Nam), VNOB (Nhà Hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, và VNSO (Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam)). Bản giao hưởng Pini Di Roma (của nhà soạn nhạc người Ý Respighi) đã in sâu vào tâm trí tôi. Khi chưa hiểu rõ về một đất nước, bạn sẽ trực tiếp tưởng tượng nơi đó như một thể thống nhất và âm nhạc sẽ trở thành áng thơ giao hưởng trong đầu bạn. Buổi biểu diễn khiến tôi vô cùng xúc động và nhận ra nền âm nhạc cổ điển tại Hà Nội tuyệt vời như thế nào. Điểm khác biệt thứ hai tôi nhận thấy trong quá trình nghiên cứu của mình chính là độ tuổi trung bình của thính giả – một nhóm những người trẻ đến ngạc nhiên với độ tuổi chỉ khoảng trên dưới 30.
Những chuyến đi
Và rồi tôi có cơ hội được tiếp xúc với Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn mang đến một cảm giác thật khác. Rất nhiều nhạc sĩ trò chuyện với tôi bằng tiếng Pháp: violist Phạm Vũ Thiên Bảo, violinist Lê Minh Hiền và nhạc trưởng Trần Vương Thạch. Họ kể tôi nghe về chuyến đi của Camille Saint-Saëns đến Côn Đảo vào năm 1895, nơi ông hoàn thành vở opera Frédégonde. Câu chuyện đã chạm tới trái tim tôi, bởi người nhạc sĩ đã viết nên những ca từ thật đẹp về âm nhạc của người Việt và lên án bạo lực dưới chế độ thực dân Pháp. Âm nhạc cổ điển quả là một khuôn tranh đẹp đẽ để ghi dấu những câu chuyện đầy cảm hứng của vùng Đông Dương.
Một trải nghiệm khác chính là văn hóa nhạc cụ bằng đồng (bộ đồng) từ những người Pháp theo đạo Công giáo tại tỉnh Nam Định. Chuyến đi có sự giúp đỡ của các phóng viên Truyền hình Thông tấn và tôi đã thấy được các nhạc cụ bằng đồng được sản xuất chuyên nghiệp đến thế nào. Một chiếc kèn trumpet Pháp tại đây có niên đại từ những năm 1872.
Thêm một chuyến đi đáng nhớ về những miền quê đưa tôi tới làng Then thuộc tỉnh Bắc Giang. Lớp lớp thế hệ những người làm nông nơi đây có niềm đam mê với đàn vĩ cầm, và tôi đã có cơ hội được nghe người thầy và những học trò của ông tấu khúc “Trống cơm”. Không ít lần bài dân ca này được các dàn nhạc chọn biểu diễn. Tôi, với tư cách là một người nước ngoài, cảm thấy điều này thật mới mẻ và nguyên sơ, bởi không ai có thể nghĩ sẽ có một lớp dạy đàn nằm giữa một ngôi chùa cổ cách xa thành phố. Xuyên qua những cánh đồng lúa, nơi đây lan toả một bầu không khí thật đặc biệt khiến lòng người không sao quên được.
Tôi cũng đã thưởng thức văn hóa quan họ tại Bắc Ninh. Cá nhân tôi vốn luôn có sự quan tâm với tiếng Việt và cách chúng bẻ cong giai điệu. Văn hóa diễn xướng tại Việt Nam khiến tôi nhớ lại buổi biểu diễn đầu tiên tôi tham dự ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Công an, và cả nghệ thuật ca trù – tôi cũng đã có cơ hội được gặp gỡ gia đình dòng dõi nghệ nhân ca trù tại Hà Nội.
Về với cội nguồn: Hà Nội, Yên Bái
Trở lại Hà Nội, tôi gặp các nhạc sĩ thuộc dự án âm nhạc cổ điển Schubert in the Mug (Phan Đỗ Phúc, Patcharaphan Khumprakob, Hoàng Hồ Thu), cũng như Hanoi Brass Community (Xu Pham, Yuki Urushihara) và dàn nhạc Hanoi Saigon Baroque Ensemble (Tố Như Lương). Họ đều chia sẻ dự án nâng cao nhận thức của công chúng trong nước đối với âm nhạc thính phòng tại Việt Nam cũng như củng cố cộng đồng âm nhạc cổ điển. Dù là với Viện Goethe hay cộng đồng người Pháp, họ đều hy vọng có thể kết nối mọi người thông qua âm nhạc và tạo dựng một thị trường mới cho các nhạc sĩ cổ điển tại Việt Nam.
Dự án cuối cùng mà tôi muốn đề cập là câu chuyện về một người nhạc sĩ dân tộc đã giúp tôi rất nhiều vào khoảng thời gian cuối cuộc hành trình. Phan Thuỷ là giám đốc âm nhạc cho một dự án nhằm quảng bá về rừng của tỉnh Yên Bái và kêu gọi mọi người gây quỹ cho dự án tái trồng rừng. Một câu chuyện truyền cảm hứng và đầy ý nghĩa. Tôi cảm nhận được thiên nhiên đang vẫy gọi mình. Đâu đó cất lên tiếng nói: “Bạn sắp đến Việt Nam và muốn nghiên cứu về nhạc cổ điển phương Tây ư? Thôi nào. Hãy mở to mắt hơn nữa! Nơi đây còn nhiều điều hơn thế!”
Những kỷ niệm quê hương được sáng tác bởi Hoàng Dương và trình diễn bởi Dàn Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, và Echo Sound sáng tác bởi Hồ Hoài Anh, Arr. Phan Thủy, thể hiện bởi The Green Sound.
Phương pháp luận của tôi
Tôi đã thực hiện khoảng 20 cuộc phỏng vấn, hầu hết là với cả các nghệ sĩ và quản lý âm nhạc. Họ đều có chung một mong muốn phát triển xã hội thông qua âm nhạc. Phương pháp luận của tôi chưa rõ ràng bởi tôi mới chỉ đặt mình vào những ràng buộc, vậy nhưng tôi đã nỗ lực để gói gọn lòng hiếu kỳ của mình với ba vấn đề mấu chốt. Đầu tiên tôi muốn phá bỏ rào cản giữa các thế hệ. Thường những người trên 60 tuổi giúp tôi hiểu được dòng chảy của lịch sử âm nhạc, những người thuộc thế hệ giữa 40 và 60 giúp tôi nhận ra thực tế hiện nay trong các tổ chức và cách các phương thức hoạt động, cuối cùng những người thuộc độ tuổi trẻ hơn là nơi ươm mầm cho các nhạc sĩ tràn đầy nhiệt huyết với những dự án sáng tạo phục vụ cho thế kỷ 21.
Và tôi cũng nhận ra nguồn năng lượng mạnh mẽ tới từ những người phụ nữ Việt Nam, hình ảnh của một xã hội do người phụ nữ làm chủ.
Và bây giờ?
Ngay lúc này đây tôi đang biên tập cho bộ phim tài liệu cùng hai người hiệu đính chuyên nghiệp tại Fontainebleau. Địa điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tôi, tại đây tôi đang quay một phim tài liệu khác có tên Once upon a bridge in Fontainebleau, kể về trường âm nhạc quốc tế đầu tiên kết nối những nhạc sĩ người Mỹ và giáo viên âm nhạc người Pháp sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Bộ phim dành trọn cho những con người đã trở thành cầu nối giữa các quốc gia thông qua âm nhạc để thấu hiểu rõ nét hơn về lịch sử âm nhạc cũng như dựng xây những dự án xuất sắc trong tương lai.
Phim tài liệu tiếp theo của tôi tại Việt Nam sẽ xoay quanh sự giao thoa giữa truyền thống và đương đại của các nhạc cụ Việt Nam và âm thanh điện tử. Tôi dự định sẽ đến thăm miền Trung – thành phố Huế, và đặt chân tới vùng núi cao nguyên gần Đà Lạt để đắm mình vào âm nhạc cồng chiêng. Đây là một phần của văn hoá Đông Sơn, một trong những nền tảng tạo nên lịch sử âm nhạc thế giới. Một vài dự án thú vị khác về âm nhạc đương đại Việt Nam cũng sẽ được tổ chức tại Sài Gòn, dù với phương diện này có lẽ Hà Nội đã nhận được sự nhận diện của thế giới nhiều hơn.
Ủng hộ cho phim tài liệu của Support François Bibonne tại đây.