Ứng xử với di sản nghệ thuật: Trò chuyện với giám tuyển...

Ứng xử với di sản nghệ thuật: Trò chuyện với giám tuyển Vũ Đỗ và con gái danh họa Phan Kế An

Đăng vào
0

Uyên Ly thực hiện cho Hanoi Grapevine và gia đình Phan Kế An
Sắp xếp lại nội dung bởi Hoàng Huế
Ảnh do hoạ sĩ Vũ Đỗ cung cấp
Ghi rõ nguồn Hanoi Grapevine khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Triển lãm “Phan Kế An – Kho tàng ẩn giấu” được tổ chức tại Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace từ ngày 11/3 tới 16/04 lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật những tác phẩm chưa từng được công bố của họa sĩ Phan Kế An – cây đại thụ của làng hội họa Việt Nam. Triển lãm do hoạ sĩ Vũ Đỗ giám tuyển. Vào ngày 13/03, buổi trò chuyện giữa giám tuyển Vũ Đỗ và bà Phan Mai Thanh Thuý, con gái thứ hai của hoạ sĩ Phan Kế An dưới sự dẫn dắt của nhà báo Trương Uyên Ly đã đem lại những thông tin gần gũi và chân thật về con người hoạ sỹ Phan Kế An và góc nhìn mới về cách ứng xử và bảo quản, phục chế di sản nghệ thuật.

Là một hoạ sĩ trẻ, Vũ Đỗ nhìn nhận thế nào về vai trò và giá trị nghệ thuật của hoạ sĩ Phan Kế An?

Tôi chỉ biết đến tác phẩm Nhớ một chiều Tây Bắc của ông trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vì đã đoạt nhiều giải thưởng, cũng như được đọc về ông trên báo chí. Còn khi giảng dạy cho học sinh về thời kỳ mỹ thuật Việt Nam thời Đông Dương thì chỉ nghe đến Lê Phổ, Mai Trung Thứ… ít thông tin về Phan Kế An trên mạng hay sách vở. Nên rất tò mò về nghệ sĩ. Đấy là cái biết đầu tiên. Mông lung và thiếu kiến thức. Khi xem bức tranh Nhớ một chiều Tây Bắc thì thấy khá đặc biệt. Nó khá lạ, không giống bảng màu của các tranh sơn mài cùng thời kỳ. Ví dụ màu xanh khá lạ. Và nó xuất hiện rất nhiều trên báo chí, gần như là biểu tượng của thời kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh bộ đội hành quân xuống núi lúc chiều tà vào thời điểm đó đã gây tranh cãi, bởi vì tinh thần nghệ thuật cách mạng lúc đó là phải tiến về phía trước

Nhớ một chiều Tây Bắc, sơn mài trên vóc, 1950. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam)

Thưa bà Phan Mai Thanh Thuý, hoạ sỹ Phan Kế An là một người như thế nào?

Mẹ tôi là giáo viên cấp hai, bố tôi ăn lương sáng tác nên gia đình khi ấy rất túng thiếu, vì vậy bà thường giục ông vẽ để kiếm tiền. Ông là người kiếm tiền chính trong gia đình và rất có trách nhiệm. Hồi nhỏ, tôi cứ tưởng ông là bác sĩ bởi ông thường chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình. Ngoài ra, ông cũng hay dạy học cho các con, dạy chị gái tiếng Nga, dạy tôi môn Toán. Ông là một người hóm hỉnh, vui tính, được bạn bè yêu quý, hay giúp đỡ bạn bè lúc sa cơ lỡ vận.

Hoạ sỹ Phan Kế An có điểm gì rất đặc thù trong tính cách thưa bà?

Khi ông già yếu, tôi thường xuyên tháp tùng ông ở các sự kiện. Và tôi rất nhớ câu chuyện ông kể khi được các đài truyền hình phỏng vấn. Hồi kháng chiến ông thường xuyên sát cánh với cố Tổng bí thư Trường Chinh (Trường Chinh đã từng lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 1941-1946 và 1986, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội 1960-1975 – thông tin cung cấp thêm bởi Hanoi Grapevine) để chữa bệnh cho mọi người. Khi bác sĩ bận, Trường Chinh hay dẫn ông đi cùng, mới đầu có người chưa tin tưởng, sau được ông chữa khỏi bệnh thì đều cảm ơn ông.

Họa sĩ Phan Kế An ký họa chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, 11/1948
Bác Hồ làm thơ ở Pác Bó (30/11/1969 – họa sĩ Phan Kế An). Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam – TTXVN

Vì sao cho đến lúc này gia đình mới quyết định tổ chức và công bố triển lãm cá nhân lần đầu tiên cho hoạ sĩ Phan Kế An, trong khi ông là một tên tuổi lớn đối với nền mỹ thuật nước nhà?

Bà Phan Mai Thanh Thúy: Ông chỉ có triển lãm chung thôi, cũng chưa bao giờ có đủ tranh để triển lãm, vì tranh vừa vẽ xong chưa ráo mực người ta đã mang đi hết. Gia đình luôn ao ước có đủ tranh để làm triển lãm. Đến khi ông ốm thì gia đình bận chăm sóc ông, giờ ông mất rồi, gia đình được tiếp nhận di sản của ông, mong làm gì đó để tri ân ông. Và tôi rất vô tình gặp Vũ Đỗ là con của một người bạn thân. Sau khi xem tranh của ông, Vũ Đỗ ngỏ ý làm triển lãm và bảo quản tranh.

Giám tuyển Vũ Đỗ: Lần đầu tiên tôi được gặp họa sĩ Phan Kế An (năm đó họa sĩ Phan Kế An 92 tuổi) khi nhà ông còn ở trên Thợ Nhuộm. Lúc đó ông bệnh nằm trên giường. Mặc dù tuổi cao, sức khoẻ đã yếu nhưng đời sống tinh thần rất phong lưu, ông vẫn uống rượu vang, trong phòng có bể cá, đọc báo, lọ hoa lúc nào cũng có mấy cành phong lan vàng. Khi ông mất, tôi không tham dự lễ tang được. Khi nghe nói gia đình chuyển nhà, tôi qua giúp cô Thuý dọn dẹp. Vốn có hứng thú với việc bảo quản phục chế, tôi qua xem có giúp được gì vì với khí hậu này, nếu bảo quản không đúng thì tác phẩm sẽ nhanh hỏng. Tranh của ông được xếp chồng lên nhau ở nóc tủ phòng thờ. Tôi nghĩ, tranh cần bảo quản kiểu khác.

Lật giở từng di vật, tôi khám phá được nhiều thứ thú vị, rất tuyệt vời, nó ẩn chứa ký ức của nghệ sĩ, mà có thể đào sâu nghiên cứu hơn về cả một thế hệ mà mình đã bị mất kết nối. Tôi đã thống kê những gì còn lại, từ giá vẽ, bảng vẽ, sách, các tác phẩm… và lên phương án xem phải làm gì. Đây là những thứ rất quý giá, được bọc gói cẩn thận và nghiêm cẩn. Có những di sản tưởng chừng như rất nhỏ, ví dụ một cuốn sách mà có những chỗ được đánh dấu, bút tích, cho thấy các manh mối và vật chứng lịch sử của một con người.Tôi rất xúc động và rất kính nể cách làm việc và cách tư duy của ông. Tôi rất muốn các tác phẩm được lưu trữ trong tình trạng tốt hơn. Trong đầu tôi nảy sinh nhiều ý tưởng và cơ hội để tiếp tục duy trì di sản của ông.

Vì sao gia đình quyết định trao di sản của hoạ sĩ Phan Kế An cho hoạ sĩ Vũ Đỗ gìn giữ?

Bà Phan Mai Thanh Thúy: Tôi và mẹ Vũ Đỗ chơi thân với nhau từ lâu. Biết Vũ Đỗ từng đi học ở Mỹ, về nước tự thân vận động, không nhờ cậy mà tự tìm cơ hội phát triển sự nghiệp. Tôi đã có sẵn sự tin tưởng về năng khiếu, sự năng động của Vũ Đỗ với nghề nghiệp. Khi tiếp xúc với di sản của ông, Vũ Đỗ trân trọng, muốn học hỏi về những di sản. Vì thế gia đình quyết định trao cho Vũ Đỗ những di vật của ông, để Vũ Đỗ có thể làm cho ông những việc mà gia đình không làm được.

Điều gì gia đình không làm được mà Vũ Đỗ đã làm được thưa bà?

Bà Phan Mai Thanh Thúy: Khi gia đình về nhà mới thì chỉ biết xếp đồ của ông vào một chỗ, ông thì không còn sức khoẻ để mà chỉ bảo cẩn thận. Những thứ như vàng bạc, sơn dầu, bút vẽ, những tài liệu bên Nga, tài liệu kháng chiến…Ông xếp thế nào thì chuyển y như thế về nhà mới và để nguyên.

Một tập giấy xịn được họa sĩ Phan Kế An bọc cẩn thận

Vũ Đỗ: Khi tiếp nhận bộ sưu tập, tôi quyết định phân ra từng nhóm: những tác phẩm chưa bị hư hại; những bức tranh cần bảo quản; những tác phẩm cần phục chế, xác định tình trạng nguy cấp của từng thứ một. Tiếp nhận sách thì cần thống kê sách, làm sạch, phân loại sách, từ cổ, cho đến gần mới, mới. Những tài liệu khoa học, xem có bút tích gì đặc biệt không. Nhóm họa phẩm họa cụ: Giấy vẽ, bảng màu… Về tranh thì có những tác phẩm vẽ dở và hoàn thiện, gồm ba bức sơn mài, một bức sơn dầu, một bức tranh lụa và tập ký hoạ vui.
Tôi rất bất ngờ về tập ký hoạ vui, về những danh nhân văn hoá ngày xưa từng nghe tên mà giờ được nhìn thấy chân dung dí dỏm về họ như Anh Thơ, Tố Hữu, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Kim Lân….Và theo cô Thuý kể, ông đã tự xếp những ký hoạ ra, bồi lên giấy, tự scan để tặng bạn. Những tác phẩm nghiên cứu (giải phẫu) thời ông học ở Repin (Viện Hàn lâm Mỹ thuật Nga), cho thấy sự mẫu mực chỉn chu trong quá trình tiếp nhận, học tập. Với những tranh còn dang dở, mình đi tìm manh mối ví dụ bức thiếu nữ bên hoa sen, hay bức cô gái người Nga chuyển thành sơn mài. Đầu tiên, tôi nghĩ đến việc phải bảo quản sau đó là chia sẻ.

Nhóm phục chế bảo quản tập ký họa vui của cố họa sĩ

Khi Vũ Đỗ đề đạt về việc phục chế tác phẩm thì gia đình có lo lắng gì không?

Bà Phan Mai Thanh Thúy: Mới đầu mình cũng sợ tác phẩm bị hỏng và có sự ngần ngại. Nhưng khi Vũ Đỗ giới thiệu về trình tự làm như thế nào, các bước phục chế ra sao, thấy khá tin tưởng về cách làm bài bản đó. Khi làm xong thì mình hoàn toàn ưng ý.

Vũ Đỗ: Nếu tiếp tục để tác phẩm trong tình trạng này thì sẽ bị hỏng nên tôi đã lập ra một nhóm phục chế. Tuy nhiên, chỉ có hai tác phẩm được phục chế, vì lý do kinh phí và cơ sở vật chất, nhân lực không có. Ngành này chưa phát triển ở Việt Nam và chưa có đào tạo bài bản. Với sơn mài, nhóm phục chế chỉ đưa vào môi trường ổn định và làm khung. Đây là một bộ sưu tập phức tạp, đa chất liệu. Về chuyên môn cần nhiều yếu tố thì mới hoàn thiện được. Về đường dài thì còn nhiều thứ để đi tiếp. Về học thuật còn nhiều điều để học nữa. Ví dụ bức sơn mài còn dang dở, ông đã quét lên lớp sơn rồi nhưng còn thiếu bước cuối cùng là bước mài. Không hiểu vì lý do nào mà ông lại quyết định không mài mà để đấy. Nếu dùng khoa học có thể phát hiện rất nhiều điều, từng nét vẽ và lớp sơn, về cách làm, về nguyên liệu… Nhờ có chất liệu tốt, tác phẩm được ở trong tình trạng rất tốt không mối mọt cong vênh gì cả. Và chắc là bức sơn mài có ý nghĩa đặc biệt với cụ thì mới không bán mà được cất đi, ví dụ sơn mài vẽ người nước ngoài, hay bức thiếu nữ bên hoa sen chẳng hạn. Bức kia đã được bán mà bức này ông lại không bán?

Tranh sơn mài bên phải: Thiếu nữ bên hoa sen, 1970s Witness Collection, Malaysia
Tranh sơn mài bên trái: Bức vẽ chưa mài còn lưu lại ở nhà hoạ sỹ Phan Kế An
Tranh trước và sau khi phục chế

Công đoạn lồng khung của tranh giấy cũng rất mất nhiều thời gian, tỉ mỉ, ví dụ một tranh giấy cho vào khung cần cân nhắc nhiều từ việc khung như thế nào, băng dính sử dụng loại gì, băng dính cần loại không có axit… Hay ký hoạ vui, từng miếng nhỏ mà xếp vào trong khung, mất nhiều tuần để cắt ra từng ô và xử lý từng ô một. Vì có tờ giấy đã cũ mủn, có tờ thì được vẽ trên hai mặt, mặt trước là ông nhà văn Thạch Lam, sau là ông họa sĩ Trần Văn Cẩn thì không biết nên chọn ai cho ra mặt trước./

Xin cảm ơn bà Phan Mai Thanh Thúy và giám tuyển Vũ Đỗ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!

Đôi nét về họa sĩ Phan Kế An

Thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, Phan Kế An (1923 –2018) – còn được biết đến với bút danh Phan Kích – được đánh giá là một họa sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20.

Ông từng là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương – École des Beaux-Arts de l’Indochine (1944-1945) và là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ thành công ở thể loại tranh sơn mài, sơn dầu, nổi tiếng nhất là bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” (1950), bức tranh đã gợi cho hoạ sĩ – nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc “Nhớ một chiều Tây Bắc”. Ông cũng chính là họa sĩ đầu tiên được vẽ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc với khoảng 20 tác phẩm.

Vì những đóng góp của mình cho nền nghệ thuật Việt Nam, Phan Kế An đã được trao Giải thưởng Quốc gia về Văn học và Mỹ thuật (2001).

Về giám tuyển – họa sỹ Vũ Đỗ

Vũ Đỗ là một họa sỹ, nhà giáo dục về nghệ thuật tại Hà Nội. Mục tiêu của các nghiên cứu, chương trình giảng dạy của anh là chia sẻ kiến thức và lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến công chúng. Tốt nghiệp Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Pennsylvania (PAFA), Vũ Đỗ đã tham gia giảng dạy nhiều chương trình hội hoạ và cảm thụ nghệ thuật tại Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam, Đại Học Quốc Gia Hà Nội… Anh là nhà sáng lập của The Painter’s Studio – trường dành cho những người yêu thích và muốn tìm hiểu về nghệ thuật. Anh hiện đang tập trung nghiên cứu về hạt màu, kỹ thuật hội hoạ cổ Bắc Việt từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19.

NO COMMENTS

Leave a Reply